“Đã làm kinh doanh phải chấp nhận sự sòng phẳng. Các đối thủ cạnh tranh không bao giờ buông tha cho bạn vì bạn là phụ nữ”, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đúc rút qua quá trình kinh doanh của mình.
Trong vài năm gần đây, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang nổi lên trở thành một trong nữ doanh nhân năng động nhất Việt Nam. Bà Thảo hiện là chủ tịch hội đồng quản trị Sovico, cổ đông lớn nhất của hãng hàng không Vietjet và ngân hàng HDBank.
Năm 2017, tạp chí Forbes công bố danh sách 56 nữ tỷ phú tự thân trên thế giới. Đại diện đầu tiên và duy nhất của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo – người sáng lập kiêm CEO hãng hàng không tư nhân Vietjet (Vietjet Air). Bà cũng là nữ tỷ phú duy nhất của Đông Nam Á. Bà là người Việt Nam thứ 2 được Forbes ghi nhận là tỷ phú USD, sau Phạm Nhật Vượng.
“Sứ mệnh” dấn thân
Sinh năm 1970 tại Hà Nội, bà Thảo thuộc lứa doanh nhân quay về Việt Nam lập nghiệp sau khi du học Đông Âu. Năm 21 tuổi, bà Thảo kiếm được 1 triệu USD đầu tiên nhờ kinh doanh máy fax và nhựa, cao su. Là người thay đổi cục diện ngành hàng không từ độc quyền sang hướng cạnh tranh, có sự tham gia của tư nhân.
Nhìn lại thời xách vali đi du học năm 17 tuổi, tỉ phú Phương Thảo chia sẻ, bà từng ước mình sẽ là một cô giáo như mẹ. Ước rằng sau khi tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định ở giảng đường, mua được căn chung cư và chiếc xe máy “cá vàng”… là đủ.
Tuy nhiên, sau khi nhận học bổng du học, tiếp xúc với môi trường quốc tế lại ở ngay thời điểm các nước Đông Âu đang cải cách chính trị và kinh tế – perestroika – một sự thay đổi lớn lao đang diễn ra tại cái nôi của chủ nghĩa xã hội, bà nghĩ Việt Nam cũng sẽ thay đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường.
Trường Đại học Plekhanov bà theo học là nơi các chính trị gia, các nhà kinh tế, tài phiệt hàng ngày tiếp xúc với nhau, thầy giáo bà là chủ tịch quốc hội thời đó. Từ trong sâu thẳm, một sự thôi thúc bảo rằng bà phải dấn thân mới có khả năng mang đến sự thay đổi, nên gác ước mơ riêng trở thành cô giáo của mình để quyết định làm kinh doanh. Khi đó bà mới 18 tuổi, là sinh viên năm thứ hai.
“Mình quyết làm gì cũng muốn làm hết mình, làm đến tận cùng”, bà Thảo chia sẻ.
Theo bà Thảo, thời đó, 8h sáng đi học, chiều về bà bắt đầu làm các công việc kinh doanh khác nhau. Hôm nào cũng 12h đêm mới về để ngồi thống kê sổ sách. Tận 2h sáng chị em cùng phòng mới lọ mọ nấu cơm, ăn tối. Ngủ chưa tròn giấc, 5h sáng lại gọi nhau dậy sắp xếp một số việc kinh doanh trước khi đi học.
“Nếu không dấn thân vào kinh doanh tôi không mất quãng thời gian từ chiều đến đêm và cả sáng sớm, chỉ tập trung vào học thôi. Có vẻ như trời cũng không phụ lòng người, năm 21 tuổi, tôi đã có 1 triệu USD trong tay là số tiền rất lớn thời đó khi 1 chỉ vàng có 200.000 đồng”, bà Thảo nhớ lại.
“Thương trường là nơi dành cho những người can đảm”
Để đạt được những thành công này, bà Thảo cho biết người phụ nữ phải nỗ lực không nhỏ trên thương trường.
“Thương trường là nơi dành cho những người can đảm, trên thương trường, không có chỗ cho sự yếu đuối. Đã làm kinh doanh phải chấp nhận sự sòng phẳng. Các đối thủ cạnh tranh không bao giờ buông tha cho bạn vì bạn là phụ nữ.
Có thể do tôi làm gì cũng đều chuẩn bị kỹ càng từ trước nên vì thế con đường tôi đi có vẻ bằng phẳng nhưng sóng gió ngầm thì cũng như ai thôi. Điểm chung là phải làm việc chăm chỉ và nghiêm túc bên cạnh lòng can đảm và quyết tâm, phụ nữ chúng tôi có đức hi sinh, sự nhẫn nại và lòng bao dung để cùng với doanh nghiệp của mình đi qua những khó khăn, hướng tới sự toại nguyện trong cuộc sống kinh doanh.
Một khi bạn đi làm kinh doanh hay làm bất cứ việc gì, cơ bản bạn vẫn phải cống hiến bằng, năng lực của mình, đừng trông chờ lợi thế. Phụ nữ có lẽ có quỹ thời gian nhiều hơn vì nam giới phải ngoại giao nhiều hơn còn mình dành thời gian đó cho gia đình, cho công ty. Nhưng cũng vì trách nhiệm phụ nữ mà có lẽ chúng tôi phải cố gắng gấp đôi, gấp 3 nam giới. Lợi thế lớn nhất vẫn là giá trị và sự hi sinh cống hiến của bản thân”, bà Thảo cho biết.
Theo DĐDN