Trước nhiều ý kiến hoài nghi về sự thành công của sự án đô thị lấp biển; sau hơn 20 năm, TP.Rạch Giá phát triển vượt bậc về mọi mặt, trở thành niềm tự hào của người dân Kiên Giang.
Trước năm 2000, địa hình TP. Rạch Giá được ví như một con rắn, trục chính là đường Nguyễn Trung Trực hiện tại. Thành phố dài nhưng bị bó hẹp hướng ngang, phía tây giáp biển, phía đông giới hạn bởi kênh Ông Hiển. Nếu muốn mở rộng về phía đông, cần một nguồn tiền rất lớn để giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Còn nếu về hướng tây là phía biển thì phải xây kè, lấn biển, tuy nhiên đây là một việc chưa từng xảy ra tại nước ta. Trước tình hình đó, nhiều người lo ngại dự án khó hoàn thành mục tiêu đề ra và sẽ không thể về đến đích. Nhiều ý kiến hoài nghi, phản biện cho rằng, việc “vá trời – lấp biển” là trái với quy luật tự nhiên, bàn tay con người khó mà làm thay được.
Tuy nhiên, nhiều kỹ sư giỏi của tỉnh và các chuyên gia, nhà khoa học được tỉnh mời về tham vấn đều khẳng định dự án sẽ thành công và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thực hiện. Đầu năm 1999, dự án lấn biển mở rộng TP. Rạch Giá khởi công xây dựng theo Quyết định số 1178 ngày 30/12/1997 của Thủ tướng Chính Phủ.
Theo đó, dự án có tổng 5 khu vực đầu tư với tổng diện tích 420 ha, trong đó, diện tích lấn biển 360 ha, diện tích cải tạo hiện trạng 60 ha…
Ngày 28/12/2015 dự án chính thức được hoàn thành với tổng mức đầu tư 481 tỷ đồng. Đây là dự án lấn biển đầu tiên trên cả nước, tạo ra quỹ đất 420 ha, giải quyết đất ở cho 60.000 người dân và xây dựng các công trình công ích xã hội, trụ sở cơ quan, ban ngành.
Khu lấn biển hướng ra vịnh Thái Lan chạy dài 7km đã tạo điều kiện mở rộng thành phố (tăng thêm 2 phường mới) và hình thành những khu đô thị mới nhất vùng Tây Nam Bộ. Thành phố trở thành điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư, du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, mở ra sinh kế, việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo Rạch Giá từ đô thị loại III lên loại II với cơ sở hạ tầng tương đối hiện đại và đồng bộ, tạo quỹ đất chiếm 20% diện tích thành phố làm khu vực ở của 25% dân số đô thị, là nguồn thu chủ lực cho ngân sách tỉnh trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc.
Hơn 10 năm trở lại đây, TP. Rạch Giá đã tăng tốc và đạt được những bước tiến vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 20%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người trên 2.500 USD/năm. Thành phố thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao.
Đáng chú ý, với các dự án lấn biển của thành phố, Rạch Giá cũng trở thành một trong 4 đô thị trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long. Các công trình công ích xã hội, khu hành chính cấp tỉnh, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, siêu thị, bệnh viện, trường học, công viên cây xanh… cũng được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, phục vụ tốt và đúng mục tiêu ban đầu của dự án.
Từ sự thành công của dự án lấn biển, đến năm 2025, Rạch Giá tập trung kêu gọi đầu tư các dự án có đầu nối, gắn kết mở rộng khu đô thị lấn biển gồm: Cụm công viên Lạc Hồng (mở rộng), quy mô khoảng 32 ha; Khu lấn biển đường Lạc Hồng quy mô khoảng 60 ha; công viên cống Kênh Cụt, quy mô 12ha…
Mục tiêu đến năm 2025, TP. Rạch Giá phấn đấu đạt đô thị loại I, đến 2030 là đô thị hiện đại top đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Giai đoạn 2026 – 2030, TP. Rạch Giá sẽ được tập trung phát triển trở thành đô thị kinh tế động lực đầu tàu quốc gia, một trong những trung tâm kinh tế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Á. Khi đó, TP.Rạch Giá trở thành nơi cung cấp chất lượng sống hàng đầu ở khu vực Tây Nam bộ, là địa phương tiên phong cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao, đồng thời các bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử được bảo tồn và thể hiện rõ nét.
Khánh Linh-Nhịp Sống Thị Trường