Hạn hán và lượng mưa thấp kỷ lục khiến lưu vực sông Amazon đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng. Tình trạng này làm suy yếu nền kinh tế, ảnh hưởng đến giao thông đường thuỷ và cô lập các cộng đồng phụ thuộc vào con sông để sinh tồn.
Sông Amazon vốn được ví như “động mạch” để duy trì một trong những hệ sinh thái quan trọng nhất thế giới. Con sông nuôi sống hàng triệu người, vô số sinh vật và cả một nền kinh tế phụ thuộc vào mạng lưới đường thuỷ rộng lớn.
Nhưng giờ đây, tuyến sông huyết mạch này đang bị đe doạ. Hạn hán kỷ lục vào năm ngoái và tình trạng thiếu mưa liên tục đã khiến mực nước trên khắp lưu vực sông Amazon giảm xuống mức thấp chưa từng có. Hậu quả trước mắt trở nên nghiêm trọng khi nền kinh tế của khu vực bị ảnh hưởng, giao thông đường thủy bị trì trệ và các cộng đồng phụ thuộc vào con sông bị cô lập với thế giới.
Hạn hán đẩy một vùng đến bờ vực khô cằn
Sông Amazon vốn dĩ có mực nước biến động theo mùa. Nhưng sự suy giảm gần đây lại là điều bất thường. Cơ quan Địa chất Brazil (SGB) đã theo dõi chặt chẽ tình hình, cảnh báo rằng tất cả các con sông trong lưu vực Amazon dự kiến sẽ giảm xuống dưới mức thấp kỷ lục từng ghi nhận.
Nguyên nhân đằng sau tình trạng mực nước giảm mạnh rất phức tạp, bao gồm nạn phá rừng, biến đổi khí hậu và các hiện tượng tự nhiên như La Niña, ảnh hưởng đến chu trình thủy văn của Amazon.
Năm ngoái, La Niña được dự đoán sẽ mang lại nhiều mưa hơn cho các vùng phía bắc của Brazil. Tuy nhiên, những kỳ vọng này đã không thành hiện thực. Amazon phải đối mặt với một trong những thời kỳ khô hạn nhất trong lịch sử.
Tác động sinh thái của đợt hạn hán này khiến nhiều người kinh ngạc. Những nhánh sông tràn đầy sức sống giờ đây trơ cạn hoặc nước ở mức thấp báo động. Nước cạn để lại những bãi cá chết khô. Dòng sông khô cằn thậm chí có thể gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ sinh thái phụ thuộc vào nguồn nước của Amazon.
Khó khăn kinh tế khi mực nước sông giảm
Hậu quả kinh tế của cuộc khủng hoảng nước ở Amazon rất sâu rộng. Sông Amazon và các nhánh của nó là những tuyến đường thương mại quan trọng để vận chuyển hàng hóa như ngũ cốc, khoáng sản và nhiên liệu từ trung tâm của lục địa đến các cảng xuất đi quốc tế. Tuy nhiên, việc di chuyển trên sông ngày càng nguy hiểm khi mực nước giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Tại Porto Velho, tiểu bang Rondonia, Sông Madeira đã chứng kiến mực nước giảm xuống dưới 2 mét. Sự sụt giảm đáng kể này đã tác động đến giao thông, đặc biệt là đối với các sà lan chở hàng. Vì những con tàu này cần một độ sâu nhất định để di chuyển an toàn.
Bộ Cơ sở hạ tầng Giao thông (DNIT) của Brazil đã bắt đầu hoạt động nạo vét tại các điểm quan trọng của Sông Madeira và các con sông lớn khác để duy trì giao thông. Tuy nhiên, những nỗ lực này chỉ là giải pháp tạm thời.
Kết quả là các công ty buộc phải cân nhắc những tuyến đường và các cảng xa hơn. Việc chuyển hướng này có thể dẫn đến chi phí tăng, gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế khu vực. Rộng lớn hơn, sự chậm trễ trong vận chuyển có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, dẫn đến tổn thất kinh tế lan rộng.
Các cộng đồng bị chia cắt
Bên cạnh những tác động kinh tế ở Amazon, ảnh hưởng đến con người thậm chí còn lớn hơn. Trên khắp khu vực Amazon, các cộng đồng phụ thuộc vào sông để sinh sống đang đối diện nguy cơ bị cô lập. Vì sông là tuyến giao thông chính đối với những người sống ở vùng sâu vùng xa, thiếu thốn về đường sá và cơ sở hạ tầng.
Cư dân bị cắt đứt với nguồn thực phẩm, dịch vụ y tế… Ở một số khu vực, trẻ em không thể đến trường vì đi lại quá khó khăn. Tình hình còn đặc biệt nghiêm trọng với những ngư dân dựa vào nghề đánh bắt cá để kiếm sống.
Hạn hán cũng đang tàn phá nông nghiệp. Nông dân không còn đủ nước sông để tưới tiêu cho cây trồng, dẫn đến năng suất thấp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực địa phương và quốc gia. Thiếu nông sản để bán, thu nhập của nông dân giảm sút, làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế của các cộng đồng vốn dễ bị tổn thương.
Một chiếc xà lan chở than mắc cạn trên bãi cát ở Sông Solimoes, một trong những nhánh lớn nhất của Sông Amazon. (Ảnh: Reuters)
Giải pháp giảm thiểu tác động trong tương lai
Biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và những thay đổi trong chu trình thủy văn có khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mực nước của sông Amazon. Do đó, cần có các chiến lược toàn diện để giải quyết cả những thách thức trước mắt và nguyên nhân cơ bản của cuộc khủng hoảng.
Một trong những lĩnh vực trọng tâm phải tập trung là cải thiện việc quản lý tài nguyên nước của sông Amazon, bảo vệ và tái trồng rừng. Hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng để giải quyết thách thức khu vực. Giáo dục nhận thức cũng là điều cần thiết đến tính bền vững lâu dài của sông Amazon.
Cuối cùng, việc hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng nước là việc cấp bách. Điều này không chỉ bao gồm cung cấp viện trợ ngay lập tức mà còn giúp các cộng đồng này thích nghi với môi trường đang thay đổi.
Tham khảo LatinAmerican Post-Anh Dũng-Nhịp sống thị trường