Trước khi một triều đại sụp đổ, một quốc gia diệt vong thường có những dấu hiệu cảnh báo con người, chỉ là người ta có nhìn ra hay không, có dám tin vào những điều thường bị chụp mũ là “mê tín”.
Sư Khoáng là nhạc sỹ nổi tiếng nước Tấn (nay là Sơn Tây, Trung Quốc). Người ta cho rằng ông sống trong thời kỳ Tấn Bình Công, Tấn Điệu Công cầm quyền, khoảng những năm 572 đến 532 TCN. Sư Khoáng sinh ra đã không có mắt, do đó ông tự xưng là “Manh thần” (bề tôi không mắt), sau xưng là “Minh thần” (bề tôi sáng suốt).
Ông làm quan Đại phu nước Tấn, nên người ta còn gọi ông là Tấn Dã. Ông là nhạc sỹ rất nổi tiếng thời đó, danh thơm còn vang mãi đời sau “Sư Khoáng chi thông” (“Sư Khoáng thính tai”). Ông còn là một nhà hoạt động chính trị và là một học giả rất uyên bác, người đương thời xưng tụng ông là “Đa văn” tức là “người có kiến thức sâu rộng”.
Mặc dù là một nhạc sĩ nhưng Sư Khoáng giống một triết gia hơn, thường chỉ điểm cho quân chủ những điều lợi hại trong thuật trị quốc hay cách làm sao để dưỡng dân, xây dựng quốc gia.
Một lần, Tấn Bình Công thấy Sư Khoáng hai mắt đều không nhìn được, liền cảm thán nói: “Đại sư mặc dù tuyệt đỉnh thông minh nhưng lại là một người mù. Cuộc đời của ông đúng là khổ cực, tăm tối”.
Sư Khoáng đáp: “Cũng chưa chắc, phàm trong thiên hạ có 5 loại tăm tối, mà tôi còn chưa rơi vào một trong số đó”.
“Ông nói thế là có ý gì?”, Tấn Bình Công liền hỏi lại.
“Để tôi kể cho Đại vương từng chuyện một”, Sư Khoáng bắt đầu một cách hùng hồn: “Thứ nhất, quần thần hối lộ, đút lót để được danh lợi, bách tính phải chịu oan khuất mà không nơi nào có thể kêu oan, quân vương lại không nghe, không hỏi đến”.
“Thứ hai, không dùng trung thần, sủng ái kẻ bất trung, khiến cho kẻ ngu ngốc có được quyền cao chức trọng, kẻ tiểu nhân có thể áp bức người hiền minh, quân vương lại không biết, không hiểu”.
“Thứ ba, kẻ nịnh hót hai mặt, bịt tai che mặt để được tôn vinh, người hiền tài bị mưu hại và xua đuổi nhưng quân vương lại không tra xét, phát hiện ra”.
“Thứ tư, quốc gia nghèo khổ, bách tính lầm than mà quân vương dốc hết binh lực đi gây chiến, thích việc lớn hám công to, đắm mình trong những lời nịnh hót”.
“Thứ năm, đúng sai không rõ, pháp lệ không thông, tham quan lũng đoạn vương pháp, người dân không thể ổn định, mà quân vương không hề hay biết”.
Sư Khoáng trầm ngâm một lát, đoạn nói tiếp: “Quốc gia có 5 việc tăm tối này thì không thể không sụp đổ. Thế thì cái tăm tối của tôi so ra có đáng là gì đâu!”.
Tấn Bình Công nghe xong bừng tỉnh.
Xưa nay, những điềm báo tai hoạ của Trời cao chính là nhắm vào bậc quân vương. Quân vương có thể tu sửa mình, cải chính lại hành vi thì cũng có thể đón lành tránh dữ, nhận được sự bảo hộ của Thần Phật.
Ngọc Linh
Theo secretchina