“Sếp tôi đã dùng AI để theo dõi chúng tôi nhiều hơn. Tôi quyết định nghỉ việc”, người đi làm lên tiếng.
Hẳn nhiều người vẫn chưa quên “làn sóng” Quiet Quitting (nghỉ việc trong im lặng) – xu hướng nhân viên chọn không làm nhiều hơn công việc của mình như từ chối trả lời email vào buổi tối hoặc cuối tuần, không nhận việc nằm ngoài nhiệm vụ chính,… Xu hướng này đã tạo nên một cơn “địa chấn”, thay đổi văn hoá làm việc cũng như mối quan hệ giữa con người và công việc.
Trong những ngày đầu năm 2024, một xu hướng khác cũng liên quan đến chốn công sở xuất hiện, nhận về nhiều sự quan tâm của dân văn phòng nói riêng và cư dân mạng nói chung. Đó là Quiet Managing, tạm dịch là “quản lý trong im lặng”.
“Quản lý trong im lặng” là gì?
“Quản lý trong im lặng” là hình thức quản lý giảm thiểu sự kiểm soát của lãnh đạo với nhân viên, cắt giảm những yếu tố làm giảm năng suất làm việc và trao quyền tự quyết cho nhân viên.
Theo Adam Broda – chuyên gia khai vấn nghề nghiệp có 363 nghìn người theo dõi trên Linkedin, “quản lý trong im lặng” là khi người quản lý thực hiện những việc sau: ngừng giám sát thời gian bắt đầu – kết thúc công việc của nhân viên, để nhân viên được lựa chọn làm việc ở nơi mà họ muốn, khuyến khích thời gian nghỉ ngơi hợp lý, loại bỏ các cuộc họp không cần thiết, lắng nghe phản hồi của nhân viên về cách quản lý của sếp, hướng dẫn và cung cấp tất cả những điều cần thiết để hoàn thành công việc, tin tưởng vào nhân viên và chờ báo cáo tiến độ công việc.
Nguyên nhân của xu hướng “Quản lý trong im lặng”
Tháng 12/2023, tạp chí Forbes đăng tải bài viết với tiêu đề tạm dịch: Quên “nghỉ việc trong im lặng đi! Năm 2024, nhân viên muốn các sếp “quản lý trong im lặng”.
Theo đó, khi xu hướng “nghỉ việc trong im lặng” bùng nổ trong năm 2022 – 2023, nhiều công ty đã giải quyết vấn đề bằng cách tăng số lượng và thời lượng của các cuộc họp. Tuy nhiên việc này không những không giải quyết vấn đề mà ngược lại, khiến nhân viên càng mất tập trung cho những đầu việc quan trọng, cần được ưu tiên.
Lấy dẫn chứng cho điều này là các kết quả khảo sát của Slingshot – ứng dụng kết nối và quản lý dự án/công việc để nâng cao hiệu quả làm việc.
Cụ thể, 45% nhân viên được khảo sát cảm thấy việc họp hành nhiều hơn không giúp tăng năng suất mà khiến họ cảm thấy bị quản lý vi mô, kiểm soát quá mức cần thiết. Ngoài ra những người sếp mới tổ chức nhiều cuộc họp hơn so với đồng nghiệp dày dặn kinh nghiệm. Và những cuộc họp không cần thiết có thể khiến các công ty lớn thiệt hại hàng trăm triệu mỗi năm.
Cũng theo khảo sát này, dù nhân viên liên hệ với quản lý nhiều hơn nhưng họ cảm thấy không có sự rõ ràng về mục tiêu công việc. 34% nhân viên nói rằng họ phải tự đoán xem ưu tiên công việc của mình là gì và 64% người cho biết họ mất khoảng 1-2 tiếng đồng hồ/ngày vì không có thời hạn rõ ràng cho công việc. Trong năm 2024, 42% nhân viên muốn có những ưu tiên rõ ràng trong công việc và 30% muốn có thời hạn cụ thể.
Sau khi bài viết được đăng tải, một số TikToker đã chia sẻ lại lên MXH và nhận được sự đồng tình của cư dân mạng. Trong đó, nổi bật nhất là tài khoản @lifeandworkbutbetter, clip của cô đã có 1,5 triệu lượt xem và hàng nghìn lượt bình luận thảo luận. Nhiều người hoàn toàn đồng tình với cách quản lý này, nhất là yếu tố cắt giảm các cuộc họp không cần thiết.
“90% cuộc họp có thể trao đổi qua email và tin nhắn”, “Các cuộc họp đang làm giảm hiệu suất làm việc của tôi. Nhiều cuộc họp chỉ là cuộc nói chuyện vô nghĩa về những việc chúng ta đang làm”, “Tôi vừa quyết định nghỉ việc. Sếp tôi đã dùng AI để theo dõi chúng tôi nhiều hơn”, “Rất nhiều cuộc họp diễn ra một cách vô tổ chức. Và chúng làm tôi kiệt sức”,… là một số bình luận của cư dân mạng.
Với sự lan tỏa của MXH, hiện tại, khái niệm “quản lý trong im lặng” càng được chú ý nhiều hơn.
“Quản lý trong im lặng” và “cạm bẫy” với cả sếp lẫn nhân viên
Có thể mô tả quy trình “quản lý trong im lặng” diễn ra thế này: Cấp trên đặt ra các mục tiêu rõ ràng, cung cấp công cụ cần thiết và họ lùi lại để nhân viên xử lý công việc. Họ không cần phải chạy theo và giám sát nhân viên từng giây từng phút mà phải thực sự tin tưởng vào team của mình, để các thành viên trong nhóm có thể hoàn thành công việc. Nó giống như khi bước vào hành trình làm việc, các sếp cung cấp cho nhân viên một chiếc GPS rồi để nhân viên tự lái xe trên hành trình đó.
Nói một cách ngắn gọn, “quản lý trong thầm lặng” là cắt giảm những yếu tố làm giảm năng suất làm việc của nhân viên và thúc đẩy sự tự chủ. Nó phù hợp với những điều mà bất cứ nhân viên nào cũng mong đợi, sự tin tưởng và tự do làm việc theo cách phù hợp nhất với họ.
Về mặt lý thuyết, “quản lý trong thầm lặng” nghe có vẻ hay ho nhưng không phải nó là một phương án hoàn hảo. Những nhân viên chỉ phát triển mạnh mẽ dưới sự hướng dẫn chặt chẽ thì sao đây? Hay khả năng xảy ra hiểu lầm tăng lên trong môi trường ít giao tiếp hơn?
Một thách thức quan trọng khác là khi quản lý quá rảnh tay, họ có thể vô tình bỏ qua những chi tiết quan trọng trong dự án hoặc hành vi chưa đúng mực của nhân viên. Những người quản lý này cũng có thể không vận dụng tối đa kiến thức và kỹ năng của mình để đem đến ý tưởng mới khi không tham gia quá sâu vào dự án.
Việc “quản lý trong im lặng” cũng làm giảm sự kết nối cảm xúc của quản lý – nhân viên, có thể khiến nhân viên cảm thấy bị phớt lờ hoặc không được coi trọng. Ngược lại, quản lý có thể gặp khó khăn trong việc kết nối với nhân viên, cảm thấy không có ảnh hưởng đến nhân viên và không duy trì được thế cục cân bằng của nhóm.
Với tất cả những “cạm bẫy” này, điều quan trọng nhất là sự cân bằng. Người quản lý cần biết lúc nào nên giám sát chặt chẽ và lúc nào nên lùi lại, dành trọn sự tin tưởng cho nhân viên. Nhân viên cũng cần biết cân bằng giữa trách nhiệm với công việc và những lợi ích cá nhân.
Tựu trung, “quản lý trong im lặng” giải quyết nhu cầu quan trọng của nhân viên trong môi trường làm việc hiện đại là tự chủ và được tin tưởng. Nhưng chắc chắn không thể giải quyết mọi vấn đề phiền nhiễu nơi làm việc nên quan trọng nhất là mỗi người cần ý thức được vai trò và vị trí của mình.
Theo Huyền Trang-Theo PNS