Dừng bán và tăng giá khi thấy thị trường tốt lên trở thành “phong trào” tại thị trường phía Nam khi hiện tượng này xuất hiện ngày càng nhiều.
Thông qua môi giới, chúng tôi tiếp xúc với một nhà đầu tư vừa thông báo dừng bán lô đất nền tại quận 9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) với lý do giá rao quá rẻ so với khu vực. Lô đất này có diện tích hơn 50m2, hẻm ô tô, đã có sổ được nhà đầu tư gửi môi giới bán với giá 2,35 tỉ đồng/nền.
Theo chia sẻ của nhà đầu tư, lý do ngưng bán là vì giá đó bị “hớ” và chưa cần gấp tài chính. “Khi tìm hiểu lại, tôi thấy giá mình đưa ra khá thấp so với giá các nền lân cận, trong khi lô đất vuông vức, có vị trí đẹp, dân cư hiện hữu. Tôi để đó và bán sau”, nhà đầu tư này cho biết.
Môi giới “bán hụt” cho chủ đất này chia sẻ, thực ra trường hợp nhà đầu tư rút hàng không còn hiếm. Ban đầu, môi giới tỏ ra khó chịu với những trường hợp như vậy, song việc bán là nhu cầu của khách. Có trường hợp, môi giới hẹn khách mua đến tận nhà đặt cọc nhưng bên bán đổi ý. Lô đất ngay sau đó được rao với giá khác.
Tuy vậy, theo môi giới việc ra hàng trở nên khó khăn hơn, phần lớn vì giá chủ đất đưa ra cao so với nhu cầu thực tế của thị trường. “Sự kì vọng quá lớn của bên bán vào sức ảnh hưởng khi Luật mới có hiệu lực là nguyên nhân khiến họ rút hàng, tăng giá. Tuy nhiên, thực tế thị trường chưa tươi sáng như người trong cuộc nghĩ”, môi giới này cho biết.
Thị trường chưa lấy đà phục hổi hoàn toàn, nhiều chủ đất “méo mặt” vì rao bán giá cao. Ảnh: Tiểu Bảo
Mới đây, lô đất nền tại khu Đông Tp.HCM rao bán với giá 2,5 tỉ đồng/nền, sau đó chủ đất rút hàng và tăng lên 2,7 tỉ đồng/nền. Giá này khó cạnh tranh với các lô đất khác đang rao bán thấp hơn trên thị trường. Vì thế, dù mảnh đất đẹp nhưng chủ đất vẫn khó bán trong nhiều tháng rao.
Theo một môi giới, có trường hợp chủ đất đẩy giá cao thêm sau thời điểm 1/8, dù trước đó vài lần rao bán nhưng không được. Tuy nhiên, khi bán giá cao đồng nghĩa kén khách, phần lớn nhà đầu tư đi mua bán thời điểm này vẫn trong tâm lý “canh” hàng giá tốt để mua. Họ chưa sẵn sàng với nguồn hàng bán ra bằng giá thời điểm đầu năm 2022.
Theo ghi nhận, thị trường nhà đất phía Nam đã xuất hiện tình trạng giằng co giữa bên bán và bên mua. Nếu thời điểm giữa năm 2023, bên bán “lép vế” do thị trường suy yếu, tình trạng cắt lỗ, bán dưới giá vốn diễn ra nhiều. Đến nay, bên bán tự tin tăng giá khiến bên mua khó tìm được nguồn hàng giảm sâu. Tuy nhiên, mỗi bên có sự kì vọng giá khác nhau khiến giao dịch bị khựng lại.
Cụ thể, bên bán muốn bán được giá như mong muốn vì tin rằng thị trường đang phục hồi. Bên mua hiểu được thị trường đang tốt lên nhưng không chịu mua với giá chủ nhà/đất đưa ra.
So với thị trường bất động sản phía Bắc, bước sang quý 3/2024, nhịp độ của bất động sản phía Nam vẫn khá chậm. Ngoài căn hộ thì đất nền, nhà riêng lẻ hay nhà phố trong các khu đô thị vẫn chưa lấy lại “phong độ” sau thời gian sụt giảm. Mới đây, hồ sơ đất đai tại Tp.HCM bị “treo” từ 1/8 đã được khơi thông, điều này kì vọng sẽ mang lại tín hiệu giao dịch tốt hơn cho thị trường thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, theo các môi giới, sức cầu chưa phân bổ đồng đều ở các dự án, khu vực. Thị trường phải mất thêm thời gian hơn để giá và giao dịch hồi phục trở lại.
Theo Tiểu Bảo-Theo Nhịp sống thị trường