Với lạm phát cao và môi trường kinh tế vĩ mô khó khăn đè nặng lên lợi nhuận của các doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ lại trở thành loại tài sản hấp dẫn vì gần như lợi suất hoàn toàn được đảm bảo.
Sau một thập kỷ vừa qua gần như bị nhà đầu tư lãng quên, chỉ số phần bù rủi ro (equity risk premium, ERP – đo lường phần thưởng mà nhà đầu tư có tiềm năng nhận được khi chấp nhận rủi ro để mua cổ phiếu) vừa giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2007.
Đối với một số người, điều này có nghĩa là chứng khoán Mỹ không còn xứng đáng với những rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu. Họ hoàn toàn có thể hưởng mức lợi suất 5% hoặc hơn nếu rót tiền vào những tài sản an toàn hơn như trái phiếu kho bạc kỳ hạn ngắn và những trái phiếu có mức xếp hạng cao khác.
Trong những năm hậu khủng hoảng tài chính, nhiều nhà đầu tư bỏ qua chỉ số phần bù rủi ro vì đà tăng của chứng khoán Mỹ dường như là vô tận. Thị trường đã được hưởng lợi lớn từ mức lãi suất siêu thấp mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) áp dụng. Vì lãi suất trái phiếu quá thấp, nhà đầu tư có động lực rất lớn để đổ tiền vào cổ phiếu.
Giờ đây tình hình đã đảo ngược. Với lạm phát cao và môi trường kinh tế vĩ mô khó khăn đè nặng lên lợi nhuận của các doanh nghiệp, trái phiếu lại trở thành loại tài sản hấp dẫn vì gần như lợi suất hoàn toàn được đảm bảo. Do đó, chỉ số phần bù rủi ro lãi suất lại thu hút sự chú ý vì đem đến cho nhà đầu tư cái nhìn sâu hơn để cân nhắc trước khi đầu tư.
Có rất nhiều mô hình để tính toán ERP. Một số chuyên gia kinh tế sẽ thêm lạm phát vào công thức. Một số người lại dùng công thức đơn giản hơn, sử dụng chính dự báo của các chuyên gia phân tích về lợi nhuận của các công ty trong chỉ số S&P 500 trong 12 tháng tới.
Theo dữ liệu từ FactSet, hiện chỉ số ERP của chứng khoán Mỹ ở mức 1,7%. Theo nhận định của Liz Young, người phụ trách chiến lược đầu tư tại SoFi, đây là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2007. “Về cơ bản, điều đó có nghĩa là thị trường hiện rất rủi ro, vì nhiều lý do nhà đầu tư không nên bước chân vào ở thời điểm hiện tại”.
Chỉ số ERP thấp là tin tốt cho trái phiếu. Tuy nhiên dữ liệu lịch sử cho thấy ERP thấp sẽ trùng với thời kỳ kinh tế Mỹ suy thoái và thị trường chứng khoán rơi vào giai đoạn “con gấu”, theo chuyên gia kinh tế Fernando Duarte của New York Fed.
Mặc dù hiện kinh tế Mỹ không suy thoái với tốc độ tăng trưởng GDP khá tốt, năm ngoái chỉ số S&P 500 đã từng rơi vào thị trường con gấu. Hiện S&P 500 vẫn giảm khoảng 17% so với mức đỉnh lập ngày 3/1/2022.
Nhà đầu tư nên làm gì?
Những nhà đầu tư muốn tìm cách tăng hiệu suất của danh mục sẽ phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nhiều so với trước đây để có thể đưa ra quyết định đúng đắn. Theo Callie Cox, chuyên viên phân tích tại eToro, các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh khỏe mạnh, mức nợ thấp và khả năng tiếp tục tạo ra dòng tiền kể cả khi kinh tế xuống dốc là những lựa chọn tốt.
“Nắm rõ cách các công ty tạo ra lợi nhuận và mức độ khỏe mạnh của dòng tiền sẽ là chìa khóa”, Callie Cox, chuyên gia phân tích tại eToro, nhận định.
Steve Eisman, cựu quản lý quỹ đầu cơ nổi danh nhờ bộ phim “The Big Short” cho biết ông đang mua vào trái phiếu “lần đầu tiên sau một thời gian dài”. Kể cả khi các cổ phiếu công nghệ đang dẫn dắt đà hồi phục của chứng khoán Mỹ từ đầu năm đến nay, Eisman vẫn tin rằng thời kỳ huy hoàng của các cổ phiếu công nghệ đã chấm dứt.
Tuần trước, chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu năm và đến tuần này tình hình vẫn chưa khá hơn. Trong khi đó lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sắp vượt 4% lần đầu tiên kể từ mùa thu năm ngoái.
Tham khảo MarketWatch-Thu Hương–Nhịp sống thị trường