Hơn 2.000 năm trước, Mạnh Tử từng nói: “Gia đình truyền đức thì tồn tại hơn mười đời, truyền nghề nông và học vấn thì tồn tại ít hơn một chút, truyền thơ văn còn ít hơn nữa và truyền của cải thì không quá 3 đời”.
Theo China News Weekly, tuổi thọ trung bình của các doanh nghiệp gia đình ở Trung Quốc là dưới 24 năm. Dưới 30% doanh nghiệp gia đình có thể bước vào thế hệ thứ 2. Tỷ lệ doanh nghiệp gia đình có thể kế thừa đến đời thứ 3 còn thấp hơn, đạt dưới 10%, và chỉ 4% bước đến đời thứ 4. Vòng đời ngắn ngủi của các doanh nghiệp gia đình dường như đã chứng minh cho câu nói “không ai giàu 3 họ”.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, một gia tộc đã phá bỏ được “lời nguyền” này. Đó là dòng họ Bối. Họ giàu có và phồn thịnh đến 17 đời. Thậm chí, những thế hệ sau còn kiệt xuất hơn thế hệ trước, con cháu được nhiều người nể phục và kính trọng.
Giàu lên từ nghề bốc thuốc
Lịch sử của gia tộc họ Bối bắt đầu từ ông Bối Lan Đường. Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ là thầy lang, ông được kế thừa khả năng phân biệt thảo dược thiên phú. Ở tuổi 15, ông đã nắm được gần hết kiến thức về những loại thuốc Bắc. Đồng thời, ông còn biết bắt mạch, kê đơn cho mọi người.
Tiếp nối truyền thống của gia đình, Bối Lan Đường đi khắp nơi chữa bệnh, bốc thuốc cho mọi người. Khi đã có được một khoản vốn, ông thành lập y viện khám chữa bệnh của riêng mình. Nhờ nắm bắt được nhu cầu của người dân và không ngừng mở thêm dịch vụ mới, y viện của gia đình ngày một gia phát triển và đạt được nhiều thắng lợi. Dưới thời vua Càn Long, gia đình Bối Lan Đường trở thành 1 trong 4 gia tộc giàu có và quyền lực nhất Tô Châu.
Mặc dù giàu lên từ nghề bốc thuốc, nhưng con cháu của gia tộc này không giới hạn lĩnh vực phát triển. Thay vào đó, họ dựa vào bối cảnh của từng thời đại và nắm bắt cơ hội để tạo ra của cải. Đến nay, các thành viên nhà họ Bối đã tham gia và đạt được nhiều thành tích xuất sắc ở lĩnh vực khác nhau như kinh doanh, tài chính, kiến trúc hay sáng tác văn thơ…
Giàu có từ đời này sang đời khác
Những nhân vật hậu thế tiêu biểu của dòng họ này phải kể đến Bối Nhuận Sinh. Người đàn ông này được mệnh danh là “ông vua thuốc nhuộm” của Thượng Hải. Ông cũng là người sở hữu hơn 1000 căn hộ trải dài.
Em trai ông, Bối Lý Thái ban đầu theo đuổi con đường khoa bảng nhưng thời thế thay đổi, buộc phải về tiếp quản gia sản. Năm 1915, ông thành lập ngân hàng Thượng Hải nhằm phục vụ người nước ngoài hoặc giới thượng lưu. Tiếp nối truyền thống của gia đình, con trai ông là Bối Tổ Di cũng hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tiếp quản ngân hàng của gia đình. Sau này, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc ngân hàng Trung Quốc tiếp đến là Chủ tịch và trở thành người dẫn đầu lĩnh vực tài chính.
Không chỉ dừng lại ở kinh doanh, đời thứ 15 của gia tộc họ Bối còn thành công trong lĩnh vực nghệ thuật. Đại diện trong đó phải kể đến là Bối Duật Minh, người được mệnh danh là “bậc thầy vĩ đại của kiến trúc hiện đại”. Vượt qua thế hệ ông cha, ông trở thành người được công nhận về tài năng không chỉ trong nước mà cả cả ở nước ngoài. Ông chính là tác giả của nhiều công trình trở thành biểu tượng thế giới như Kim tự tháp kính Louvre ở Pháp, Thư viện John F. Kennedy ở Mỹ, Bảo tàng Tô Châu ở Trung Quốc…
Bối Duật Minh đã được tặng giải thưởng Pritzker năm 1983 (giải thưởng được coi là Nobel của ngành kiến trúc). Sau đó, các con cháu của ông cũng nối gót, dấn thân vào ngành kiến trúc và đạt được những thành tựu vang dội.
Bí quyết duy trì sự phồn thịnh
Nhiều người đặt câu hỏi làm thế nào mà gia tộc họ Bối có thể giữ được sự thịnh vượng qua 17 đời. Câu trả lời nằm ở gia huấn của dòng họ: “Để lại tài sản cho con cháu không bằng để lại đức hạnh cho chúng. Để lại tài sản cá nhân không bằng để lại tài sản chung cho chúng”.
Ngay từ đầu, với hiệu thuốc nhỏ của mình, gia đình họ Bối đã nổi tiếng với lòng từ thiện, điều trị y tế miễn phí cho người nghèo và dạy con cái biết ơn, đền đáp xã hội. Sự nhấn mạnh vào đức hạnh và các giá trị gia đình đã đảm bảo cho sự giàu có lâu dài của dòng họ này.
Ngoài ra, giáo dục cũng là công cụ và nền tảng được gia đình họ Bối coi trọng. Hiện, tất cả con cháu thế hệ thứ 17 của dòng họ đều theo học tại ĐH Harvard. Chính vì coi trọng giáo dục, các cá nhân trong gia đình đều là người kiệt xuất. Con cháu họ Bối cũng chỉ được kết hôn với những người tri thức và có học vấn cao.
Bên cạnh đó, sự chăm chỉ và khiêm tốn cũng là một trong những đức tính đóng vai trò quan trọng giúp gia tộc họ Bối trở thành những người có tầm ảnh hưởng và được người đời nể phục.
(Tổng hợp)–Đinh Anh-Đời sống pháp luật