Ngày nay, loãng xương không còn chỉ là vấn đề của riêng người lớn tuổi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều đó là do thói quen ăn uống, đặc biệt là khi tiêu thụ lượng lớn thứ này.
Gần đây, cô Lưu (ngoài 40 tuổi, Trung Quốc) không ăn được, không ngủ được, bị đau lưng và chuột rút thường xuyên. Nhưng vì ở cùng con trai, sợ con lo phiền nên cô chưa từng nhắc tới điều này.
Một hôm, khi cô Lưu nấu ăn xong, nghe thấy người hàng xóm ở dưới nhà gọi mình nên vội vàng chạy xuống, cô không để ý đến bậc thang dưới chân nên bị vấp ngã. Nghe thấy tiếng động lớn, con trai cô Lưu nhanh chóng đưa mẹ đến bệnh viện. Sau khi kiểm tra, cô Lưu được phát hiện bị gãy xương ở tứ chi và cần được phẫu thuật ngay lập tức.
Con trai cô biết được từ bác sĩ rằng mẹ mình bị loãng xương nghiêm trọng. Vì không biết bệnh tình nên cô gặp phải tình trạng chấn thương nặng đến như vậy chỉ trong 1 cú ngã.
Vì cô Lưu đã bước vào thời kỳ mãn kinh nên việc tiết hormone bất thường dẫn đến tình trạng mất xương nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, nguyên nhân đẩy nhanh tiến trình mất xương của cô lại xuất phát chủ yếu từ chế độ ăn uống. Cô thường thích ăn thức ăn nhiều muối, ăn gì cũng phải đậm đà, rõ vị mới được.
Muối ăn ít, vừa đủ thì rất tốt
Muối là loại gia vị phổ biến nhất trong tất cả các món ăn, không những làm tôn lên hương vị thơm ngon của thực phẩm mà nó còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho con người. Theo Everyday Health, muối mang lại 4 ảnh hưởng tích cực dưới đây cho cơ thể:
Giúp tuyến giáp hoạt động bình thường
Tuyến giáp của bạn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất. Nhưng để tuyến giáp của bạn hoạt động bình thường, cơ thể bạn cần iốt, khoáng chất có trong nhiều loại thực phẩm. Và iốt thường được mọi người thấy xuất hiện nhiều nhất trong muối.
Giữ cho cơ thể trữ nước
Muối cũng thúc đẩy mức độ trữ nước lành mạnh và cân bằng điện giải, cần thiết cho các cơ quan hoạt động bình thường. Các tế bào, cơ và mô của bạn cần nước, và muối giúp các bộ phận này của cơ thể bạn duy trì lượng chất lỏng thích hợp.
Ngăn ngừa huyết áp thấp
Một lượng natri không đủ trong chế độ ăn uống của bạn cũng có thể dẫn đến huyết áp thấp (hạ huyết áp). Và natri thường được chúng ta tìm thấy trong muối.
Cải thiện các triệu chứng của bệnh xơ nang
Những người sống chung với bệnh xơ nang mất nhiều muối trong mồ hôi hơn người bình thường. Họ cần nhiều nước và muối hơn trong chế độ ăn uống của mình để tránh mất nước.
Nhưng ăn nhiều muối rất có hại, không chỉ là loãng xương
Thực tế, thực phẩm nhiều muối nếu ăn nhiều không chỉ làm tăng gánh nặng cho thận của người bệnh mà còn là nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày. Phòng ngừa ung thư dạ dày bắt đầu từ chế độ ăn uống của chính bạn.
Ngoài ra, muối còn chứa các ion natri, có hại cho xương hơn bột ngọt. Các ion natri dễ dàng hợp nhất với các ion canxi, làm cho các ion canxi bị đào thải ra khỏi cơ thể, và dễ xảy ra loãng xương theo thời gian. Do đó, WHO đang kêu gọi ngừng ăn thực phẩm nhiều muối. Nếu người lớn tuổi muốn khỏe mạnh, họ nên ăn ít thức ăn có nhiều muối, nhiều rau và thức ăn nhạt.
Mặt khác, nếu bạn ăn quá nhiều muối, thận của bạn có thể không lọc được natri dư thừa ra khỏi máu. Natri tích tụ trong hệ thống của bạn và cơ thể bạn giữ thêm nước để cố gắng pha loãng natri. Điều này có thể gây ra hiện tượng phù nề và đầy hơi.
Trong khi đó, lượng nước dư thừa trong cơ thể có thể gây thêm áp lực lên tim và mạch máu, gây ra huyết áp cao. Đây là một nguyên nhân hàng đầu gây ra đau tim và đột quỵ. Nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn khi chế độ ăn nhiều natri đi kèm với chế độ ăn ít kali bởi kali giúp bài tiết natri ra khỏi cơ thể và giúp thư giãn các mạch máu.
Mẹo để tuân theo chế độ ăn ít muối
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn cắt giảm và ăn ít muối hơn:
– Ăn nhiều trái cây tươi và rau quả: Bỏ qua các loại thực phẩm đã qua chế biến như thịt đã qua xử lý, đồ hộp, đồ đóng gói và thực phẩm đông lạnh, và dành nhiều thời gian hơn ở lối đi của hàng nông sản.
– Đọc nhãn: Không mua đồ hộp hoặc đồ chế biến sẵn có nhiều hơn 200mg natri mỗi khẩu phần. Hãy nhớ rằng một sản phẩm được dán nhãn “không có muối” có thể có các thành phần khác chứa natri.
– Nấu chín mà không có muối: Thử nghiệm với các loại thảo mộc và gia vị để tạo hương vị, chẳng hạn như oregano, tỏi, cỏ xạ hương, ớt bột, hương thảo và bất kỳ loại gia vị nào khác trong tủ của bạn.
– Chuẩn bị thức ăn của riêng bạn: Các mặt hàng trong nhà hàng chứa lượng natri cao hơn để giữ cho thực phẩm luôn tươi ngon. Tự nấu thức ăn để kiểm soát natri là một ý hay. Trước khi đi ăn ngoài, hãy kiểm tra thực đơn dinh dưỡng của nhà hàng trực tuyến để tìm các lựa chọn có hàm lượng natri thấp.
– Hãy lưu ý đến các nguồn natri tự nhiên: Thịt, các sản phẩm từ sữa, bánh mì và động vật có vỏ đều chứa natri, vì vậy hãy đảm bảo điều chỉnh lượng thức ăn này nếu bạn đang theo dõi lượng muối nạp vào cơ thể.
Nguồn và ảnh: Sohu, Everday Health, Healthline
Theo Tịnh Tâm–Trí thức trẻ