Chú tuần lộc mũi đỏ Rudolph chính là một “case study” giúp các marketer rút ra nhiều bài học đáng giá.
Rudolph: Từng bị từ chối “phũ phàng” trước khi trở thành hình ảnh nổi tiếng toàn cầu
Chú tuần lộc mũi đỏ Rudolph không chỉ là biểu tượng thường thấy trong mỗi dịp Giáng sinh mà còn là hiện thân của một chiến lược marketing đầy khôn ngoan được ra đời từ những năm 1930.
Trước đây, mỗi năm, Montgomery Ward – một chuỗi siêu thị bách hóa của Mỹ sẽ mua hàng nghìn cuốn sách tô màu để làm quà tặng trẻ em vào dịp Giáng sinh. Hành động này đã thu hút hàng nghìn khách hàng đến với siêu thị, đặc biệt là tăng doanh thu cho các gian hàng đồ chơi. Tuy nhiên, chi phí để mua một lượng lớn sách tô màu cũng rất đắt đỏ.
Để cắt giảm, các nhà quản lý của Montgomery Ward đã quyết định thực hiện chiến lược quảng cáo tiếp thị của riêng mình. Họ đã tự sản xuất các cuốn sách tô màu tặng kèm đó. Sau đó, tận dụng tài năng của nhân viên nội bộ và sáng tạo ra câu chuyện giáng sinh độc quyền đi kèm.
Vào năm 1939, họ đã yêu cầu Robert L May – nhân viên phụ trách nội dung quảng cáo của công ty nghĩ ra một món quà cho dịp Giáng sinh. Tiêu chí là tạo nên một con vật phải thu hút cả trẻ em, người lớn và có câu chuyện cụ thể trong sách tô màu.
Để lấy cảm hứng, Robert đã nghĩ đến cô con gái 4 tuổi của mình. Cô bé rất thích những con nai ở sở thú và tuần lộc kéo xe trượt tuyết của ông già Noel. Đặc biệt Robert vốn nhút nhát khi còn nhỏ, đôi khi ông không thể hòa nhập với những đứa trẻ khác. Chính bởi vậy ông đã lấy ý tưởng về 1 chú tuần lộc “khác biệt” so với bầy nhưng cuối cùng sẽ được công nhận và yêu mến. Sau khi phân vân, ông đã quyết định lấy tên cho chú tuần lộc này là Rudolph.
Sau đó, vào một ngày sương mù, khi Robert đang nhìn ra ngoài cửa sổ văn phòng của mình, ông không thể nhìn thấy gì ngoại trừ một vài ánh đèn ở đằng xa.
Những chiếc đèn đó chính là nguồn cảm hứng cho chiếc mũi đỏ mang tính biểu tượng của Rudolph – thứ sẽ dẫn đường cho xe trượt tuyết của ông già Noel.
Tuy nhiên đã có vấn đề xảy ra. Vào những năm 1930, mũi đỏ thường khiến nhiều người liên tưởng đến chứng nghiện rượu. Chính bởi vậy, ban đầu, chú tuần lộc Rudolph đã bị các ông chủ từ chối. Đến tận khi có bản thiết kế chính thức (được vẽ bởi họa sĩ minh họa Denver Gillen), họ mới bị thuyết phục bởi nhân vật dễ thương này.
Rudolph the Red Nosed Reindeer – chú tuần lộc mũi đỏ đã trở nên nổi tiếng đến mức các siêu thị của chuỗi Montgomery Ward đã phân phối 2,4 triệu cuốn sách tô màu trong mùa Giáng sinh đầu tiên và đến năm 1946, họ đã phân phát 6 triệu bản.
Năm 1947, Rudolph đã được cấp bản quyền. Năm 1948, câu chuyện về chú tuần lộc của Robert L May đã được chuyển thể thành lời bài hát nhờ anh rể của ông, Johnny Marks. Johnny đã điều chỉnh lời và thêm phần giới thiệu. Nó đã trở thành bài hát bán chạy thứ hai mọi thời đại (sau White Christmas).
Câu chuyện về Rudolph còn được chuyển thể thành phim truyền hình và tiểu thuyết. Năm 2014, Rudolph cũng được in lên tem do Bưu điện Hoa Kỳ phát hành.
3 bài học tiếp thị rút ra từ chú tuần lộc mũi đỏ Rudolph
Dựa theo Wesley Wilson, một nhà phân tích chiến lược Marketing, từ chú tuần lộc Rudolph, mọi người có thể rút ra 3 bài học để thực hiện một chiến lược quảng cáo tiếp thị thành công.
Thứ nhất, bất kỳ một chiến dịch nào cũng cần tạo ra giá trị cả tinh thần và vật chất cho khách hàng. Siêu thị bách hóa Montgomery Ward đã phát sách tô màu đơn giản cho khách đến mua hàng vào dịp lễ.
Điều này không chỉ khiến họ vui vẻ mà phần nào làm tăng doanh thu của các sản phẩm khác. Khi khách hàng có nhận định rằng Montgomery Ward sẽ tặng quà vào mỗi dịp Giáng sinh, họ sẽ tăng cường đến mua sắm vào dịp lễ này. Hoạt động mua bán tại các cửa hàng cũng sẽ “tấp nập” hơn và đi kèm là lợi nhuận lớn.
Nhờ chiến lược này, Montgomery Ward đã “tạo” cho khách hàng lý do tại sao họ nên đến siêu thị này vào dịp lễ thay vì các cửa hàng khác.
Thứ hai, hãy tận dụng mạng lưới quan hệ nếu muốn một chiến dịch trở nên viral. Không chỉ có những người trong ngành mà “người quen” cũng có thể làm điều đó. Trong trường hợp của Rudolph, người khiến chú tuần lộc “viral” hơn chính là anh rể của Robert L May – người đã biến câu chuyện trên giấy trở thành 1 giai điệu dễ nhớ.
Cuối cùng, hãy tận dụng chính nhân viên nội bộ công ty khi bắt đầu một chiến dịch quảng cáo tiếp thị. Montgomery Ward có thể thuê ngoài một đơn vị chuyên nghiệp để tạo nên chiến dịch quảng cáo cho dịp Giáng sinh.
Tuy nhiên, họ đã yêu cầu Robert L May – nhân viên nội bộ của mình thực hiện điều đó. Bài học ở đây là có thể chính nhân sự nội bộ mới là người có thể kể chính xác câu chuyện của doanh nghiệp và “truyền tải” nó đến với khách hàng một cách tuyệt vời nhất.
Tổng hợp-Nhất Lưu-Nhịp sống thị trường