Phong thủy là gì? Thuật phong thủy có giá trị đến đâu? Muốn cải sửa số mệnh thì người ta phải làm gì? Bạn đọc có thể sẽ được gợi mở một cách nhìn mới qua bài học cuộc đời mà các bậc thầy phong thủy xưa của Trung Hoa và Việt Nam đã để lại cho chúng ta.
Bậc thầy phong thủy Trung Hoa
Quản Lộ
Quản Lộ là thuật sĩ ở tỉnh Sơn Đông, sống vào thời Tam Quốc (226-248 SCN). Quản Lộ từ nhỏ đã thích thiên văn. Lớn lên ông là một bậc kỳ tài về khoa địa lý, bói dịch, tướng số, v.v. Quản Lộ rất được Tào Tháo trọng vọng và hỏi ý kiến nhiều lần trước khi Tào Tháo định làm việc lớn.
Chuyện về Quản lộ nhiều lắm. Quản Lộ thuộc hạng người “vua biết mặt, chúa biết tên”, đến cả tiên nhân như Nam Tào, Bắc Đẩu cũng biết tiếng.
Có lần Quản Lộ xem mộ phần bà thím của ba anh em Quách Ân, ông cho rằng ngôi mả đang bị “nữ quỷ” trong đất táng báo ứng. Miếng đất đẹp này anh em nhà Quách Ân đã nhờ một thầy địa lý khác tìm được. Nhưng Quản Lộ nói rằng nếu người lúc sống làm nhiều điều ác thì dù khi chết có tìm được cuộc đất đẹp để táng xác mình vào thì theo luật nhân quả, con cháu vẫn phải chịu báo ứng chứ chẳng có được hưởng vinh hoa phú quý gì hết. Và đúng là sau này cả 3 anh em Quách Ân đều bị thọt chân.
Tài năng như thế nhưng chính Quản Lộ cũng không thoát được số trời. Khi họ Tư Mã lật đổ họ Tào để lập nên nhà Tấn, Quản Lộ bị bắt vì ông được coi là “túi khôn” của Tào Tháo. Việc này Quản Lộ cũng đã lường trước nhưng không thoát được. Khi Quản Lộ sắp bị hành hình, một cơn gió nổi lên cuốn đi chiếc mũ của vua Tấn. Quản Lộ nói:
“Nếu mũ rơi xuống đất là điềm ta báo được thù”.
Nhưng mũ đã bay úp lên đầu con ngựa mà vua Tấn đang cưỡi. Quản Lộ thở dài chịu chết.
Quách Phác
Quách Phác tự Cảnh Đôn, người Hà Đông, nay là tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ông sinh vào thời nhà Tấn (276-324 SCN) sau Quản Lộ. Sách “Thái Bình quảng ký” viết về ông như sau :
“Quách Phác hiểu biết bao la, biết thiên văn, địa lý, quy thủ long đồ, hào tượng sấm vĩ – là những môn coi bói bằng mu rùa, quẻ, thẻ, lời sấm truyền – yên mộ lo nhà ở, không có gì không tinh thâm…”.
Quách Phác soạn cuốn “Táng thư” (coi mộ phần) và “Tướng địa thuật” (xem thế đất), nên được tôn xưng là tỵ tổ (tức ông tổ ngành địa lý).
Mẹ của Quách Phác qua đời lúc ông ta còn chưa nổi tiếng. Quách Phác đã chọn một mảnh đất rất bình thường an táng cho mẹ. Mảnh đất này nằm rất gần nguồn nước, do vậy mỗi khi tới mùa, trời mưa là ngôi mộ lại bị chìm trong nước. Bị giới phong thủy chê bai, Quách Phác không hề để ý, tiếp tục kiên trì ý kiến của mình.
Vậy mà chỉ vài năm sau, do phù sa bồi đắp, nơi đặt mộ của mẹ Quách Phác không những không bị nước nhấn chìm, mà xung quanh ngôi mộ còn hình thành một ruộng dâu tươi tốt. Quách Phác trở nên nổi tiếng.
Tấn Nguyên Đế nghe tiếng Quách Phác nên ông ta muốn tự mình đến xem những mộ huyệt Quách Phác đã chọn. Có lần ông ta gặp một người nông dân đặt mộ ở một vị trí rất đẹp. Ông ta hỏi lý do, thì người nông dân trả lời là đó là nghe theo Quách Phác, bởi nếu đặt mộ chỗ đó thì không quá 3 năm sẽ gặp được thiên tử. Tấn Nguyên Đế vô cùng sửng sốt.
Trong sách “Nam Sử” phần “Trương Dụ chuyện” có kể rằng, khi ông cố nội viên quan Trương Dụ qua đời, Quách Phác được mời đến để tìm chọn vị trí đặt mộ. Quách Phác chọn được hai vị trí và nói với Trương Dụ:
“Nếu như chôn ở huyệt mộ thứ nhất thì ông có thể sống tới trăm tuổi, làm quan tới tam tư (tức các chức Đại Tư Mã, Tư Đồ, Tư Không, là các chức quan hàng đầu trong triều đình phong kiến thời Hán) nhưng con cháu lại không hưng vượng. Nếu như chôn ở vị trí thứ hai thì tuổi thọ của ông sẽ giảm đi một nửa, quan vị cũng thấp hơn song tôn tử lại sẽ rất hưng vượng, giàu sang, phú quý”.
Trương Dụ nghe xong, chẳng cần phải suy nghĩ, lựa chọn huyệt mộ thứ hai. Y như rằng, Trương Dụ chết khi tuổi mới quá 40, thế nhưng con cháu Trương Dụ thì lại làm quan rất to và vô cùng giàu có.
Nhưng Quách Phác mắc tật ham nữ sắc. Có người bạn thân là Hoàn Di hay đến nhà ông mà không đánh tiếng trước, nên hay bắt gặp cảnh Quách Phác đang vui vầy với tình nhân. Quách Phác dặn Hoàn Di có đường đột vào chỗ nào trong nhà ông ta cũng được, nhưng đừng vào nhà vệ sinh, nếu không cả hai sẽ chết. Hoàn Di không thèm nghe. Có lần xông thẳng vào nhà vệ sinh, thấy Quách Phác đang cởi trần, tóc tai rũ rượi, miệng ngậm dao tế lễ, chẳng biết là đang tu luyện hay làm phép. Quách Phác nhìn thầy Hoàn Di thất kinh nói: “Hai chúng ta chết tới nơi rồi!”.
Quả thực, ít lâu sau, Vương Đội định mưu phản mới lệnh cho Quách Phác tới xem việc mưu phản có thành công không. Quách Phác bốc quẻ nói quẻ không tốt. Vương Đội tức giận, nghĩ rằng, việc chưa bắt đầu đã bị Quách Phác làm cho đen đủi nên tức giận ra lệnh giết chết Quách Phác.
Lưu Cơ (Lưu Bá Ôn)
Ông sống vào những năm 1311-1375, là người Thanh Điền tỉnh Chiết Giang. Lưu Cơ đậu tiến sĩ triều Nguyên Thuận Đế nhưng không thèm làm quan với nhà Nguyên. Ông ta theo Chu Nguyên Chương làm quân sư. Với tài năng thần cơ diệu toán, Lưu Cơ bàn 18 kế sách cho Chu Nguyên Chương và là nhân vật quan trọng bậc nhất trong số các mưu sĩ của Chu Nguyên Chương, giúp Chu Nguyên Chương đánh đuổi được người Mông Cổ và diệt các thế lực khác để lên ngôi vua, lập ra nhà Minh.
Lưu Bá Ôn sau đó tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong triều đình của Minh Thái Tổ với chức Ngự Sử Trung Thừa.
Khi Chu Nguyên Chương dự định đóng đô ở Kim Long, Lưu Cơ chọn đất ở hồ Trúc Tiền làm nền chính điện, nhưng Chu Nguyên Chương nói nơi này quá nhỏ, nên cho người nới rộng mặt bằng ra sau cho thêm lớn.
Lưu Cơ biết việc tính đất “sai một ly đi một dặm”, không phải cứ cuộc đất nào to là tốt, nên chỉ nói : “Sau này nhà Minh còn phải dời đô đi nơi khác”.
Quả nhiên về sau Minh Thành Tổ phải dời đô đến Bắc Kinh, lời Lưu Cơ quả thật ứng nghiệm.
Lưu Bá Ôn có soạn sách “Kham dư mạn hứng” là cuốn sách viết khá đầy đủ về thiên văn địa lý và có tiếng trong dân gian.
Chuyện Lưu Cơ chọn đất xây cung điện được chép trong “Anh liệt truyện”. Trong “Lạc dao tư ngữ” cũng viết về chuyện ông cùng các thầy phong thủy huyện Hải Diêm bàn luận về long mạch ở Trung Hoa. Có rất nhiều giai thoại nói về tài năng địa lý của ông.
Tuy vậy, Lưu Bá Ôn cũng không tránh được số trời. Ông bị quan tể tướng đương triều là Hồ Duy Dung ghen ghét hãm hại, cho thầy thuốc hạ độc chết.
Gia Cát Lượng
Chúng ta ai cũng biết Gia Cát Lượng là bậc kỳ tài “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Những mưu kế kỳ ảo gần 2000 năm trước của ông vẫn làm nức lòng người thời nay. Nhưng Gia Cát Lượng cũng biết trước rằng vận số nhà Hán đã hết, dẫu có ra giúp Lưu Bị cũng không thể thành công. Dù không thành công thì cái ơn tri ngộ của Lưu Bị không báo không được. Cho nên với triều đình nhà Thục Hán, Gia Cát Lượng “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi” như những lời gan ruột ông viết trong “Xuất sư biểu”.
Gia Cát Lượng đã từng làm lễ dâng sao giải hạn để kéo dài tuổi thọ, nhưng bị Ngụy Diên vô ý phá mất. Gia Cát Lượng đã can Khương Duy không nên chém Ngụy Diên. Ông tự than rằng: “Đó là tại số trời, chứ con người làm gì được”.
Sau này, con trai và cháu của Gia Cát Lượng là Gia Cát Chiêm và Gia Cát Thượng cũng chết thảm trong cuộc tử thủ Thành Đô trước sự tấn công của quân Bắc Ngụy.
Câu nói nổi tiếng của Gia Cát Lượng là: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Cao Biền
Cao Biền người U Châu, làm tướng của vua Đường Ý Tông, Đường Hy Tông, từng là đại diện của triều đình nhà Đường tại An Nam với chức vụ An Nam đô hộ, kinh lược chiêu thảo sứ. Cao Biền không chỉ là kẻ văn võ toàn tài, mà còn là một thầy phù thủy, một nhà phong thủy hết sức cao cường.
Có nhiều giai thoại về thời kỳ Cao Biền ở tại đất An Nam. Ông ta cho trấn yểm khu vực sông Tô Lịch để đất không sụt khi đắp La Thành. Cao Biền còn cưỡi diều giấy bay trên không để trấn yểm những kiểu đất đế vương của Giao Châu. Cao Biền có lần táng tro cốt của cha mình vào núi Hàm Rồng để mong hậu nhân của mình phát đế vương nhưng không thành công.
Dẫu thực hư của những câu chuyện này ra sao thì việc Cao Biền là một nhà địa lý tài ba đã được đề cập đến trong nhiều tài liệu. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Cao Biền địa lý tấu thư kiều tự”. Đây là nghiên cứu của Cao Biền về các kiểu đất kết, các huyệt đế vương của An Nam để trình lên vua Đường. Dẫu vậy, Cao Biền cũng không tránh khỏi số phận bị quản thúc cùng với gia đình mình bởi Tần Ngạn, rồi sau bị giết cùng với các thân thích là nam giới. Xác của họ cùng bị vứt xuống chôn chung trong một hố. Chẳng biết đất ở đó có huyệt kết hay không?
Bậc thầy phong thủy xứ An Nam
Tả Ao
Theo cuốn “Nam Hải dị nhân” của tác giả Phan Kế Bính, Tả Ao tên thật là Nguyễn Đức Huyền (cũng có tài liệu viết là Vũ Đức Huyền), là người làng Tả Ao, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, tức huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tả Ao không rõ sinh vào thời nào nhưng danh tiếng của ông lừng lẫy vào thời vua Lê chúa Trịnh (vào những năm 1545–1788).
Tả Ao học nghề thuốc của người phương Bắc, nhưng nhờ chữa bệnh cho thầy phong thủy nổi tiếng, ông lại học thêm được nghề xem địa lý. Thầy ông sau khi thử tài ông thì cho rằng Tả Ao đã nắm được hết các bí thuật phong thủy của người Trung Hoa. Tả Ao sau về quê làm thuốc nhưng lại nổi tiếng hơn nhờ thuật xem địa lý của mình.
Nhưng Tả Ao cũng không tìm được huyệt mộ nào để táng cho cha mẹ mình. Khi mất, huyệt mộ mà ông được táng vào được giới phong thủy gọi là huyệt “xin ăn”. Con cháu của ông sau này đều bần hàn và không ai giỏi về nghề phong thủy.
Trong phần mở đầu của cuốn sách bí truyền “Dã Đàm Tả Ao”, ông viết:
“Đạo cao, đức trọng, chưng thân.
Hổ long liên phục, quỷ thần liên kinh.
Đức, nhân vốn ở cả mình.
Tiên là tích đức, hậu là tầm long”.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
“An Nam lý học hữu Trình Tuyền” là danh dự người Trung Hoa đã trao cho Nguyễn Bình Khiêm. Dân gian gọi ông là Trạng Trình, ý nói là người làm vẻ vang cho cái học của các nhà thuật số Trình Di, Trình Hạo nổi tiếng của Trung Hoa. Trạng Trình được nuôi dạy bởi một bà mẹ phi thường, được theo học một người thầy danh tiếng, lại là người có tư chất cực kỳ thông minh nên tài học của ông lừng lẫy. Cuộc đời ông có rất nhiều giai thoại lịch sử. Lúc thì ông mách cho nhà Mạc lên đất Cao Bằng để giữ cơ nghiệp một thời gian nữa với câu: “Cao Bằng tuy thiển, khả diên sổ thể” (cao Bằng tuy nhỏ, cũng giữ được vài đời). Lúc thì ông lại mách nước cho Nguyễn Hoàng trốn vào Thuận Hóa để tránh họa sát thân bởi quyền thần Trịnh Kiểm với câu “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.
Tài năng lẫy lừng như thế, nhưng ông cũng phải chờ đến năm 44 tuổi mới đi thi Đình và đỗ Trạng Nguyên. Tài năng cũng phải chờ đến thời vận mới được toại nguyện. Đó là nhờ cái học lý số đã cho ông biết thế.
Nhưng sau khi Trạng Trình mất, con cháu trong nhà cũng không có người nào nối chí được ông. Sau này, thậm chí họ còn sa sút, nghèo túng.
Vì sao những bậc kỳ tài về phong thủy này không thể tự giúp mình? Hay giúp cho hậu nhân của mình được giỏi giang, được “phát”, được vẻ vang lừng lẫy như họ?
Không lẽ dân gian nói đúng:
“Tử vi xem số cho người
Số thầy thì để cho ruồi nó bâu”
Chẳng lẽ những người này không có thực tài, hay tài năng của họ chỉ là câu chuyện mà dân gian thêu dệt?
Hay phong thủy chỉ là trò bịp của giới thuật số?
Đều không phải!
Quản Lộ từng nói rằng: Người sống mà hay làm điều ác, điều xấu thì khi chết có được táng vào cuộc đất đẹp thì con cháu cũng chẳng được hưởng vinh hoa phú quý, có khi còn phải hứng quả xấu.
Còn Tả Ao thì căn dặn người sau hãy tu thân tích đức trước rồi mới nhờ đến phong thủy, ấy chính là “tiên là tích đức, hậu là tầm long”.
Lâm Tắc Từ – một đại trí thức, tiến sĩ Thanh triều, Tổng đốc Lưỡng Quảng từng nói rằng: Một người nếu tâm tính bất thiện thì phong thủy là vô ích.
Trần Lãng, bậc thầy phong thủy nổi tiếng ở Hồng Kông có đúc kết 8 lời khuyên lúc cuối đời. Tựu trung 8 lời khuyên ấy là khuyên người ta tích đức, hành thiện thì phong thủy tốt mới đắc dụng.
Có phúc đức rồi mới nhờ đến phong thủy. Phúc đức được tính là của đời trước để lại và đời này xây dựng thêm. Cho nên, dù có là bậc kỳ tài phong thủy mà đức không đủ dày thì đối với số phận của mình cũng không thể xoay chuyển gì được. Tả Ao hay các bậc thầy phong thủy khác có thể là người đức độ, nhưng ông cũng phải chịu phúc đức chung của dòng họ, cũng như đức để lại từ kiếp trước của mình.
“Số thầy thì để cho ruồi nó bâu” nghĩa là như thế.
Thực ra, điều này đã được Đức Lão Tử nói rõ trong Đạo Đức Kinh.
“Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên.” Nghĩa là: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”.
Người sống trên Đất thì phải thuận theo Đất. Vì thế mới có thuật phong thủy xem hình thế Đất.
Người xưa có thuyết Thiên – Địa – Nhân hợp nhất. Người là một cơ thể sống. Đất cũng vậy. Người có mạch của người thì Đất cũng có mạch của Đất. Tìm được long mạch tốt có nghĩa là tìm được nơi Đất có dòng năng lượng tốt thì con người có thể thu được lợi ích.
Việc trấn yểm trên Đất, cũng tương tự như điểm huyệt trên người. Tác dụng của nó là khai mở hay khống chế các dòng năng lượng. Đó là ý nghĩa của phong thủy.
Nhưng Đất phải thuận theo Trời. Trời đây là gì? Là các hiện tượng thiên nhiên, thời tiết chăng? Không phải. Trời chính là ông Trời, đại diện cho thế giới của Thần Phật và các Giác Giả.
Chẳng phải họ là những Đấng Sáng tạo nên các thế giới hay sao? Vậy Đất thuận theo Trời là hữu lý.
Trời thuận theo Đạo. Đạo là quy luật của vũ trụ mà các bậc Giác Giả chứng ngộ được ở cảnh giới của họ. Các Giác Giả cũng không thể tự do muốn làm gì thì làm, họ phải tuân theo Đạo, theo quy luật mà họ đã ngộ ra trong vũ trụ.
Và Đạo phải thuận theo tự nhiên. Tự nhiên đây chính là vũ trụ. Đó là quy luật của toàn vũ trụ. Đạo là một bộ phận các quy luật ở trong vũ trụ và được bao trùm bởi vũ trụ, nên nó phải tuân theo vũ trụ tự nhiên.
Thuận theo tự nhiên không có nghĩa là sống một cách hoang dã, bản năng như loài vật. Tự nhiên có ba tiêu chuẩn cao nhất: Sự chân thật, tính thiện hay sự từ bi và đức bao dung, nhẫn nại. Thuận theo tự nhiên, nghĩa là phải tuân theo ba tiêu chuẩn này.
“Thuận theo tự nhiên” còn có nghĩa là đừng cố cưỡng cầu việc gì. Hãy sống tốt theo ba tiêu chuẩn trên và bình thản đón nhận những gì đến trong đời.
Cho nên, thuận theo tự nhiên mới là cảnh giới cao nhất, cao hơn cả đạo lý “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” của Gia Cát Lượng. Bởi dù đã vượt qua Đất, đó mới là cấp độ thuận theo Trời mà thôi.
Khi con người đã thuận theo tự nhiên thì không có phong thủy xấu nào có thể tác động được. Lúc ấy dù có ở nơi phong thủy xấu cũng thành tốt. Ngược lại, sống xa rời tự nhiên, sống giả dối, ác độc và tranh đấu thì phong thủy tốt cũng thành xấu. Đó là lý do những người chân tu theo Đại Đạo, Đại Pháp không bao giờ phải cần đến phong thủy, một thứ tiểu Đạo thế gian.
Và đó chính là ý nghĩa của việc sống thiện, làm điều phúc đức mà Quản Lộ, Tả Ao, Lâm Tắc Từ và các bậc thầy phong thủy khác đã khuyên người đời.
Nhìn rộng ra một chút, chúng ta thấy rằng tất cả những hoạt động nào mà vẫn cần phải xem hướng thì mới chỉ là ở cấp độ thấp nhất, “thuận theo Đất” mà thôi. Có ở trên Đất thì mới có hướng Đông Tây Nam Bắc.
Cũng giống như Hoàng Đế Trung Hoa xưa ngồi trên ngai vàng, ngoảnh mặt về hướng Nam xưng Cô, đó cũng mới là cảnh giới thuận theo Đất. Nhưng họ lại xưng là “chân mệnh thiên tử” tức là con Trời. Tờ chiếu của hoàng đế bao giờ cũng có câu mở đầu “phụng Thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết”. Ấy là cấp độ “thuận theo Trời” vậy.
Có nhiều môn tập khí công yêu cầu người tập phải quay mặt về một hướng nào đó và tập trong một khung thời gian cố định trong ngày. Thiển nghĩ ấy cũng chỉ ở cấp độ tiểu Đạo như phong thủy, còn bị hạn cuộc vào Đất, trong cái khung của Trái Đất, tức là cấp độ thấp nhất trong câu nói của Đức Lão Tử.
Chỉ có những hoạt động nào không cần xem hướng, không cần xem giờ thì mới vượt ra ngoài Đất. Bởi vũ trụ thì làm gì có hướng.
Chúng ta học được điều gì từ cuộc đời của các kỳ nhân phong thủy và thuật số?
Cuộc đời của các bậc thầy phong thủy cho ta thấy rất rõ rằng: phong thủy không thể giúp sửa đổi số mệnh. Nếu không có phúc đức thì phong thủy tốt cũng thành vô dụng. Còn nếu đã có phúc đức thì cũng chẳng cần đến thuật phong thủy. Chẳng có phong thủy nào có thể phá giải được Nhân – Quả, vốn là quy luật của tự nhiên vũ trụ. Con người ta chỉ có thể sống thuận theo tự nhiên, tôn trọng quy luật của vũ trụ, làm việc thiện, sống chân thật và bao dung. Đó mới là cảnh giới cao nhất giúp con người cải sửa số mệnh. Ấy cũng chính như Tả Ao đã nói: “Tiên là tích đức, hậu là tầm long”.
DKN