Những ngày nước lũ dâng cao trong lúc đâu đâu cũng là tiếng kêu cứu, ông Bình cùng đứa cháu ngoại chạy đò vượt qua con nước chảy xiết đến từng nhà cứu từng người cho đến khi không còn tiếng kêu cứu. Cứ vậy cả trăm người được ông cứu sống mà không hề nhận bất kì đồng tiền công nào, ông bảo “bà con đang lúc gặp nạn có đưa mấy tôi cũng không nhận”.
Trong 3 ngày 18, 19, 20/10, người dân xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình sống trong lo âu, sợ hãi. Khắp thôn Đồng tư và những thôn lân cận đâu đâu cũng có tiếng kêu cứu trong đêm mưa lớn khi nước lũ dâng nhanh.
Sẵn làm nghề lái đò mưu sinh, ông Võ Văn Bình (đội 1, thôn Đồng Tư, Xã Hiền Ninh) cùng đứa cháu ngoại 14 tuổi đã lao đò máy đi đến những gia đình đang kêu cứu trong thôn.
Ngày nhịn đói đi cứu người, đêm về ông cháu ngủ trên thuyền tránh lũ
Trưa 26/10, chúng tôi tìm đến thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh), nơi có người anh hùng Võ Văn Bình (67 tuổi) đã dùng đò bất chấp con nước lũ cứu gần 100 người dân kêu cứu trong biển nước.
Hôm nay, sau khi nước rút, vừa tranh thủ đi nhận đồ cứu trợ, ông Bình cùng đứa cháu ngoại bắt đầu dọn dẹp lại nhà cửa sau lũ nhưng ngôi nhà tan hoang khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Chiếc thuyền – phương tiện mưu sinh duy nhất của 2 ông cháu cũng đã hư hỏng nặng sau nhiều ngày đi cứu hộ, sơ tán dân.
Nhớ lại những ngày đi cứu giúp bà con trong thôn, ông kể với giọng đầy tự hào khi đã cứu sống gần 100 người gặp nạn từ cơn lũ di chuyển đến nơi an toàn.
“Công việc mưu sinh hằng ngày của tôi là nghề lái đò ngang, chở người, chở hàng qua sông hoặc ngược lên núi cho khách tham quan. Đêm đó mưa lũ quá lớn, nhà tôi cũng như bao nhà khác đều ngập trong nước, rồi thì tiếng kêu cứu thất thanh. Sẵn nhà có đò, hai ông cháu vội chạy đi cứu người“, ông Bình nói.
Bắt đầu từ sáng sớm, không kể thời gian cứ khi nào có người cần sơ tán, 2 ông cháu lại vội vàng đi. Người khác đi cứu hộ thì nhận tiền, ấy vậy mà ông Bình dù nhà cửa tan hoang, cơm không có ăn, mấy ngày mặc 1 bộ quần áo vẫn đi từng ngóc ngách cứu người miễn phí.
“Mấy bữa nứ hai ông cháu chạy đò cả ngày có khi không có cái gì để ăn vì đồ ăn ko có. Trong nhà thì đồ đạc trong nhà bị nước lũ cuốn trôi hết, nhà cũng ko có đồ dự trữ. Quần áo thì bị lũ cuốn trôi, ướt hết.
Biết đói nhưng chỉ cần có người cần sơ tán, 2 ông cháu lại lên đường. Lúc đó nhà của tôi cũng bị ngập gần lên nóc. Để có chỗ trú hai ông cháu chỉ kịp kê chiếc thuyền lên cao. Tối về 2 ông cháu cởi trần ngủ trên thuyền, thương thằng bé quần áo không có để mặc, chăn màn đều bi lũ cuốn trôi nên đêm không có gì đắp“, ông Bình chia sẻ.
Theo lời ông Bình, những ngày sau khi nước rút may mà có đoàn cứu trợ, ông mới xin được 1 cái áo để thay. Trước đó mấy ngày đi cứu hộ người dân, ông chỉ có đúng 1 bộ quần áo mặc trên người. Ông nói: “Nếu không có đồ cứu trợ thì cũng chả có cái gì để ăn”.
“Những hôm chở người trên đò của mình dù là mình đi cứu họ nhưng cũng sợ dính đến pháp luật lắm. Trên đò chở toàn người già, trẻ nhỏ, đi qua dòng nước vừa sâu vừa chảy xiết lại chạy quãng đường xa nên cũng lo lắng.
Mình chở nếu không có tay nghề để lật thuyền bao nhiêu mạng người ở đó sao tránh khỏi pháp luật. Nhưng rồi để người dân kêu cứu mà mình không đi thì lòng không yên nên hai ông cháu kệ đi cứu được bà con cái đã”, ông Bình cười.
“Cảm ơn vì đã cứu mạng chúng tôi miễn phí”
Là một trong số những gia đình được ông Bình cứu giúp, ông Trần Sỹ Cường (52 tuổi, thôn Đồng Tư) nghẹn ngào nắm lấy đôi bàn tay ông Bình gửi lời cảm ơn.
Ông Cường nhớ lại, ngày 19/10 khi nước lũ dân cao gần hết cánh cửa nhà, cả gia đình ông gồm 6 người trong đó có bố mẹ già và trẻ nhỏ suốt 7 tiếng đồng hồ kêu cứu trong vô vọng may mắn được ông Bình chở đi sơ tán trong lúc nguy hiểm.
“Khi đó quá gấp gáp vì nước lên gần hết cánh cửa nhà tôi, cả nhà lúc đấy gấp gáp tìm phương tiện để sơ tán nhưng không thể tìm được. Từ 10h sáng đến 5h chiều, gia đình tôi không gọi được 1 chiếc thuyền nào để sơ tán. Gia đình thì đông người, có cả người già và trẻ nhỏ.
May sao sau khi lên FB tìm được số điện thoại ông Bình, gia đình đã được ông Bình và cháu trai chèo thuyền đến cứu hộ kịp thời, đưa cả gia đình đến nơi trú ẩn an toàn. Khi đó dù có thuê mấy tiền cũng phải thuê để cứu cả nhà nhưng ông Bình không nhận một đồng nào, dân làng chúng tôi biết ơn ông vì điều đó“, ông Cường chia sẻ.
Còn đối với anh Nguyễn Ngọc Tuấn (38 tuổi, thôn Tân Hiền, xã Hiền Ninh) anh được ông Bình chở giúp miễn phí số tài sản lên tới hàng trăm triệu đồng thoát khỏi cơn lũ dữ khi anh không thể gọi được 1 chiếc thuyền nào để vận chuyển hàng hóa đến nên an toàn.
“Hôm đó tôi gọi điện cầu cứu rất nhiều lần nhưng không ai dám nhận bởi nước lũ lên nhanh, chảy xiết, nhiều người không dám mạo hiểm. Đến khi gọi cho ông Bình, không cần nói 2 lời, ông đồng ý đi luôn.
Sau khi giúp tôi vận chuyển hàng hóa đến nơi an toàn, tôi ngỏ lời trả tiền dầu máy cho ông nhưng ông nhất định không lấy dù chỉ 1 đồng. Bữa thấy hai ông cháu đi qua tôi gọi ông vào ăn cơm với gia đình nhưng ông chỉ vẫy tay bảo chú đi cứu người đã, ăn uống tính sau.
Nếu không có ông Bình, thiệt hại của kho hàng có thể lên đến 200 triệu. Lời cảm ơn cũng không đủ để diễn tả những gì tôi dành cho ông Bình. Bởi trong lúc nguy hiểm như thế, nhưng ông Bình và cháu trai không ngại nguy hiểm giúp đỡ người khác“, anh Tuấn cảm động khi nhớ lại.
Mong có chiếc thuyền để mưu sinh, đứa cháu được đến trường đi học
Cả thôn Đồng Tư ngày hôm nay ai nấy khi nhìn thấy ông Bình đều nở nụ cười rạng rỡ và lời cảm ơn đến người đàn ông đã cứu mạng họ trong con nước dữ. Mấy người phụ nữ cười nói với nhau rằng họ chưa bao giờ nghĩ lại có ngày 20/10 đặc biệt đến thế:“Được ngày phụ nữ Việt Nam mà phải đứng lên nóc nhà kêu cứu”.
Kể về hoàn cảnh của ông Bình, chị Trương Thị Bảo Yến (30 tuổi, hàng xóm) cho biết hiện ông Bình đang một mình nuôi đứa cháu ngoại, cuộc sống hết sức khó khăn. Làm nghề chở đò mưu sinh nhưng khi gặp những hoàn cảnh khó khăn ông Bình lại giúp đỡ không lấy tiền.
“Ngày trước ông Bình cũng không phải khổ như bây giờ, sau khi gia đình xảy ra biến cố vợ ông bỏ nhà đi, các con cũng khó khăn không ai giúp đỡ gì được. Đứa trẻ hiện giờ ở với ông Bình là con của đứa con gái thứ 3, có bầu rồi đẻ xong bỏ lại cho ông Bình nuôi rồi đi làm ăn xa.
Thằng bé không có bố mẹ nhưng ngoan và chăm chỉ, thương nó vì ở với ông mà ông cũng khó khăn nên không có tiền đi học. Có bà chăm cháu thì dễ chứ ông chăm thì khó“, chị Yến chia sẻ.
Còn đối với ông Bình, ước mong duy nhất của ông lúc này là có tiền để sắm lại chiếc thuyền mới để có thể tiếp tục mưu sinh nhưng điều đó dường như quá xa vời khi trong căn nhà đổ nát không có 1 vật dụng gì giá trị.
Quần áo là thứ giá trị nhất của 2 ông cháu trong căn nhà trước khi lũ về. Nhưng khi lũ đến đã cuốn trôi hết tất cả giờ đây chỉ còn lại bùn đất. Dù thế, nhưng khi được hỏi về dự định tiếp theo sau khi lũ rút, ông lạc quan, vui vẻ trả lời: “Phải gắng gượng để mưu sinh thôi“.
Là người đồng hành cùng ông đi cứu giúp người dân những ngày lũ, em Võ Nhật Thanh (14 tuổi, cháu ngoại ông Bình) cho biết lúc đầu em cũng thấy hơi sợ, nhưng thấy ông đi một mình nên cũng lo lắng nên xin đi theo.
“Thấy ông 1 mình nên em xin đi theo, có đi cùng ông em mới an tâm được. Có hôm đi cả ngày cho đến tối, em cũng sợ nước lên thì về không được nên hối ông về, nhưng ông lại bảo : ‘Thôi cứu người đã, cứu người quan trọng hơn’, thế là 2 ông cháu lại tiếp tục hỗ trợ bà con trong thôn“, Thanh chia sẻ.
Theo lời cậu bé, có những hôm đi cả ngày, 2 ông cháu đói lả, ông cháu chỉ có ăn lương khô, mì tôm sống và uống nước lọc. Sau này mới nhớ còn một chiếc bếp ga mini nhỏ để ở gác nên ông cháu mới đem lên đò để nấu mì ăn qua bữa.
“Cứ tưởng nước lũ đáng sợ, nhưng khi lên đò, cùng ông cứu người thì nỗi sợ bay đi đâu hết, em và ông cứu mải làm mà trời tối lúc nào không hay“, Thanh nói.
Từ nhỏ Thanh không có được gia đình trọn vẹn, mẹ em đẻ xong bỏ con lại cho ông Bình nuôi nấng. Do hoàn cảnh khó khăn nên Thanh phải nghỉ học từ năm lớp 6, hằng ngày em làm công nhân cho một xưởng làm đá grannit gần nhà để kiếm thêm thu nhập.
Khi hỏi thăm bố em có hay gọi về không, giọng Thanh nghẹn lại: “Bố em là ai?”. Ông là người nuôi em từ nhỏ, nên lỡ ông có chuyện gì xảy ra thì e không biết sống sao“.
Hoàn cảnh của ông cháu ông Bình thực sự rất khó khăn, cần tới sự giúp đỡ của cộng đồng để gây dựng lại cuộc sống sau lũ. Mọi sự ủng hộ xin gửi về địa chỉ ông Võ Văn Bình (đội 1, thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình).
SĐT: 0944869673 (ông Bình).
Số TK ngân hàng: 3803205031475, Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, chủ tài khoản ông Võ Văn Bình
Theo Gia Đoàn–Pháp luật và Bạn đọc