Hành vi đưa ra tuyên bố chủ quyền đơn phương ở Biển Đông gây bất lợi lớn cho uy tín Trung Quốc. Đó cũng là lý do phía Bắc Kinh thay đổi hướng tiếp cận theo hướng ngoại giao hơn.
TRUNG QUỐC MẤT UY TÍN VÌ HÀNH XỬ Ở BIỂN ĐÔNG
Derek Grossman, chuyên gia cao cấp của viện nghiên cứu RAND (Mỹ) cho rằng, với sự vươn lên về kinh tế, Trung Quốc cũng vươn lên về mặt quân sự, gây quan ngại đối với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt là vấn đề cải tạo đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua nhận được nhiều quan ngại của cộng đồng quốc tế, không chỉ gây mất an ninh khu vực mà còn gây ảnh hưởng cho môi trường biển.
Kể từ cuối 2019, Trung Quốc cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính. Đầu năm nay, Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh mới tuyên bố chủ quyền với hầu hết khu vực Biển Đông ngang ngược tuyên bố khu vực Hoàng Sa – Trường Sa coi là vùng nội thủy của Trung Quốc…, ông Grossman dẫn chứng.
Hành vi của Trung Quốc đi ngược lại những cam kết trong Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đặc biệt là vấn đề cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo và làm chậm lại quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trung Quốc là cường quốc, nhưng việc tự đưa ra tuyên bố chủ quyền đơn phương, gây bất lợi lớn cho uy tín Trung Quốc.
Đó cũng là lý do phía Bắc Kinh thay đổi hướng tiếp cận theo hướng ngoại giao hơn, nhưng chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi liên quan tới hòa bình, ổn định, an ninh, chuyên gia người Mỹ cho hay.
Cùng chung nhận định, ông Kevin Rudd, Nguyên Thủ tướng Australia, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viện Chính sách Xã hội Châu Á (Asia Society) cho rằng, cách tiếp cận của Trung Quốc đã có thay đổi, thay vì hành vi cưỡng ép, chuyển sang cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn. Trung Quốc đã có những thỏa thuận thăm dò khai thác tài nguyên chung với các nước khu vực
Tuy nhiên, về lâu dài, chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc không thay đổi, ông nói.
Giáo sư Stephen R. Nagy, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật cho rằng, trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn đẩy mạnh sự hiện diện của mình cũng như có những cách tiếp cận đàm phán song phương với các quốc gia trong khu vực, tránh đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp.
Chiến lược của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã có sự thay đổi một chút trong việc giải quyết các tranh chấp về Biển Đông, chuyển hướng sang các biện pháp về ngoại giao nhiều hơn.
KHÔNG THỂ GIẢI QUYẾT BẰNG DỌA NẠT HAY CƯỠNG ÉP
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, các hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông như liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng và muốn gạt các nước lớn ra bên lề vấn đề Biển Đông không thể giải quyết vấn đề ở Biển Đông.
Việc Trung Quốc vẫn theo đuổi cách tiếp cận đàm phán song phương khó giải quyết được vấn đề vì không chỉ có nước này và các nước ven biển mà còn có các nước khác trong khu vực mà các nước như Anh, Úc, Mỹ… đều có hoạt động và lợi ích, mối quan tâm trong việc duy trì an ninh, hòa bình, ổn định ở Biển Đông – tuyến hàng hải có vai trò quan trọng.
Sự cạnh tranh trong khu vực là một vấn đề đa phương cần giải quyết theo cách tiếp cận đa phương, dựa trên nguyên tắc pháp quyền và luật pháp quốc tế chứ không thể bằng dọa nạt hay cưỡng ép, GS Nagy nhấn mạnh.
Về việc vi phạm EEZ của các quốc gia ven biển, GS Nagy cho rằng, hành động của Trung Quốc làm xói mòn dần các tuyên bố chủ quyền của các bên liên quan trong khu vực ở Biển Đông và Biển Hoa Đông thông qua chiến thuật vùng xám.
Yoji Koda – Phó Đô đốc, nguyên Tư lệnh hạm đội phòng vệ Nhật Bản cho rằng, Ấn Độ, Mỹ, Nhật không phải là ngoài cuộc vì vấn đề Biển Đông không phải chỉ là của quốc gia duyên hải hoặc Trung Quốc mà Biển Đông là vùng biển quốc tế. Quyền tự do ở vùng biển quốc tế cần phải được công nhận và duy trì bởi các quốc gia trên thế giới.
Về hành động liên tục vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc thời gian qua, ông Koda cho rằng đối với Trung Quốc, EEZ theo UNCLOS chẳng có nghĩa lý gì. Với Trung Quốc, “những gì Trung Quốc làm” mới là quy tắc, quy định thực sự và chuẩn mực quốc tế. Đây là tập quán lâu đời hàng nghìn năm của tất cả các triều đại của Trung Quốc.
Học giả Trung Quốc ngụy biện
Hãy tưởng tượng, Biển Đông hoặc khu vực châu Á mà không có sự hiện diện của Mỹ và Trung Quốc đơn phương kiểm soát theo lợi ích của họ. Đây gần như là dã tâm thực sự của Trung Quốc và chúng tôi gọi là chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, các bình luận của các học giả Trung Quốc tại hội thảo quốc tế Biển Đông cho rằng sự hiện diện của các nước ngoài khu vực làm tình hình thêm phức tạp là một cách ngụy biện để biện minh cho chính sách và các mục tiêu quốc gia của Trung Quốc.
Cuối cùng, sự hiện diện của Mỹ không làm phức tạp tình hình Biển Đông. Lập luận của các học giả Trung Quốc là một nỗ lực cố ý để tránh né bản chất của vấn đề.
Yoji Koda – Phó Đô đốc, nguyên Tư lệnh hạm đội phòng vệ Nhật Bản
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị