Sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, Không quân Hoàng gia Anh đã thực hiện việc thống kê số máy bay chiến đấu bị rơi và những phi công đã hy sinh trong cuộc chiến. Họ cũng tiến hành điều tra nguyên nhân và địa điểm của các vụ rơi máy bay này…
Câu chuyện 1: An toàn giả tạo…
Kết quả khiến người ta kinh ngạc: các vụ rơi máy bay nhiều nhất lại không phải ở trận địa pháo kích dữ dội của kẻ thù hay trong những cơn bão táp mưa sa của thiên nhiên mà bởi thao tác sai lầm của phi công. Điều khiến mọi người cảm thấy khó hiểu chính là, sự cố phát sinh nhiều nhất và lặp đi lặp lại nhiều lần, không phải xảy ra ở trong trận địa pháo kịch liệt, cũng không phải trong lúc rút lui gấp gáp mà là tại thời điểm đã hoàn thành nhiệm vụ và đang trên đường trở về trước khi hạ cánh vài phút.
Các nhà tâm lý học không tỏ ra ngạc nhiên trước kết quả này. Họ cho rằng đây là một hiện tượng tâm lý điển hình. Khi thời điểm căng thẳng cao độ qua đi, những yếu tố kích thích bên ngoài biến mất, con người sẽ sinh ra một loại tâm lý: “Không thể kìm hãm được sự thả lỏng tinh thần”. Trong trận mưa bom bão đạn, tinh thần của các phi công được tập trung cao độ, mặc dù hoàn cảnh bên ngoài khoang lái diễn ra rất ác liệt, đầu não các phi công được tập trung cao độ nên không dễ dàng mắc phải sai lầm.
Tuy nhiên, trên đường trở về, tinh thần của các phi công càng ngày càng buông lỏng, khi nhìn thấy căn cứ quen thuộc và khoảng cách với đường băng ngày càng gần, họ có cảm giác đã an toàn. Thế nhưng, trong một tích tắc buông lơi này lại gây ra đại họa. Vì vậy, mọi người gọi trạng thái này là “an toàn giả tạo”.
Cảm ngộ: Trên đường đời cũng tồn tại không ít cái gọi là “an toàn giả tạo”. Khi trải qua bao nhiêu khó khăn, thành công chỉ còn cách bạn trong gang tấc, vào thời điểm này, mong bạn đừng vì buông lỏng cảnh giác mà khiến bước tiến bị chậm lại. Người thất bại không phải bởi trong lúc khó khăn nhất mà lại nằm ở thời điểm tinh thần được thả lỏng nhất. Vốn dĩ bạn đã có thể nắm chắc tấm vé thành công, nhưng một khi thả lỏng tinh thần, các vấn đề sẽ liên tiếp xảy ra, thậm chí còn khiến bạn thất bại thê thảm.
Câu chuyện 2: Lưới đánh cá
Trên bờ biển, bên cạnh thuyền đánh cá có hai tấm lưới, một dày một thưa.
Nhìn tấm lưới mắt nhỏ, ngư dân nói với tôi: “Nó dùng để đánh bắt tôm tép trên vùng biển cạn”.
Theo cách nhìn của tôi thì chỉ cần lưới được đan dày dặn, nó sẽ là công cụ đánh bắt tốt nhất. Bởi vì ngay cả tôm tép cũng không thể lọt lưới, huống chi những con cá to lớn béo khỏe.
Tuy nhiên, người đánh cá chỉ vào tấm lưới mắt nhỏ được đan dày dặn và nói: Tấm lưới này không thể bắt được cá lớn. Bởi vì phải bắt cá lớn trước. Không gian của lưới có hạn, do vậy, đối với chiếc lưới mắt nhỏ sớm đã bị tôm tép chiếm hết và không còn chỗ cho cá lớn chui vào nữa. Lưới đánh bắt cá lớn có mắt rất rộng, không chỉ giúp cho tôm cua mà ngay cả những con cá không đủ kích thước cần bắt cũng sẽ được lọt lưới.
Tôi tò mò hỏi, vì sao không thể đan chiếc lưới mắt nhỏ rộng hơn?
Người ngư dân cho biết: “Bởi vì nếu đan rộng quá thì sức nặng của lưới khiến người đánh bắt cá khó có thể thu về”.
Cảm ngộ: Trong đại dương cuộc đời, ước mơ bắt những con cá lớn không thành là bởi chúng ta đã đan những chiếc lưới mắt nhỏ. Chúng ta luyến tiếc và không thể buông tha cho những con tôm cua và cá nhỏ. Không gian của lưới có hạn, chúng ta cần phóng đại mắt lưới thì mới mong bắt được cá lớn vậy.
Theo Vision Times–San San biên dịch