Khi cuộc chiến Nam Bắc triều diễn ra, cuộc sống người dân các nơi rất cơ cực, giặc cướp nổi lên như ong. Thế nhưng tại vùng đất của Chúa Bầu, cuộc sống người dân rất sung túc, lương thực dư dả cung cấp cho cả đội quân của Nam Triều.
Vũ Văn Mật chọn vùng Đại Đồng, Tuyên Quang làm trung tâm, đồng thời chia ra làm 11 doanh gồm: Huyện Phú (Phúc) Yên có doanh Phú (Phúc) Yên; châu Thu Vật có doanh Yên Thắng; châu Lục Yên có doanh Yên Bắc; châu Vị Xuyên có doanh Bình Di, Bình Man, Trấn Uy, Yên Biên, Nam Dương; châu Đại Man có doanh Nghi; châu Bảo Lạc có doanh Bắc Kiệm và Trung Mang. Mỗi doanh đều xây thành đắp lũy
Gần Bình Ca, Vũ Văn Mật cho xây thành Bầu trên khu đồi nằm lọt trong vòng cung hình chữ U được tạo bởi dòng chảy của sông Lô. Vũ Văn Mật đã lợi dụng khe đất trũng để đào một đoạn sông nối liền hai đầu chữ U với ý định lấy sông làm hào bao bọc, che chở thành.
Thành Bầu được xây dựng vững chắc ở nơi địa lý thuận lợi. Vì thế mà suốt mấy chục năm, nhà Mạc cho đắp thành ở Tuyên Quang, theo dòng sông Lô tiến đánh thành Bầu mà không sao hạ nổi.
Vũ Văn Mật xây dựng Đại Đồng thành trung tâm trù phú, dân cư đông đúc và giàu có. Vua Lê Anh Tông đã phải cho đắp đường từ Thiên Quang tới Hưng Hóa, Tuyên Quang để nhận lương thực từ Đại Đồng.
Theo sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Qúy Đôn thì Vũ văn Mật cho quân xuống chiếm nhiều Phủ của nhà Mạc, nhưng sau đó nhà Mạc cho quân phản công, Vũ Văn Mật cho quân rút về giữ các vùng đất của mình.
Sau khi Vũ Văn Mật mất, con là Vũ Công Kỷ lên thay, được phong là Nhân Quốc Công. Năm 1573, Trịnh Tùng nắm binh quyền ở Nam Triều phong Vũ Công Kỷ làm hữu tướng, chúa Vũ Công Kỷ nhiều lần đem quân đánh nhà Mạc lập được công lớn.
Năm 1578, tướng nhà Mạc là Mạc Ngọc Liễn đem quân đánh chúa Bầu ở vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa, nhưng bị quân chúa Bầu đánh bại phải rút quân về.
Vũ Công Kỷ mất con là Vũ Đức Cung lên thay, được phong là Hòa Thắng Hầu.
Năm 1593, Trịnh Tùng đem quân đánh bại nhà Mạc, chiếm được thành Thăng Long. Vua Lê Thế Tông trở về kinh thành, nhà Mạc phải rút về phía Bắc. Vũ Đức Cung cùng 2.000 quân đến kinh thành mang theo nhiều vàng bạc quy thuận vua Lê.
Thế nhưng sau 3 đời Chúa Bầu chăm lo phát triển kinh tế xã hội dựa trên niềm tin tín ngưỡng, thì các đời Chúa Bầu sau này chỉ lo cướp phá các nơi, khiến cơ nghiệp dần dần suy tàn.
Những năm 1594, 1595, Vũ Đức Cung làm loạn cho quân tiến đánh các nơi, đánh cướp thuế mỏ bạc, Trịnh Tùng phải đưa quân đánh dẹp. Vũ Đức Cung sai người đem vàng bạc về kinh xin chịu tội và được vua Lê tha cho.
Sau khi Vũ Đức Cung mất, con trai là Vũ Công Ứng lên thay. Vì các đời Chúa Bầu trước có nhiều công lao với nhà Lê nên Vũ Cung Ứng được phong là Thụy quân công (Đại Việt sử ký toàn thư chép là Thuần quân công).
Vũ Công Ứng thấy mình ở nơi xa xôi với kinh thành, nên ngầm liên kết với nhà Mạc, tự ý xưng Vương. Lúc này chúa Trịnh đang lo đối phó với chúa Nguyễn ở phía Nam lên làm ngơ chuyện này. Sau đó Vũ Công Ứng bị thủ hạ giết chết (có sách cho rằng bị trộm giết), con trai là Vũ Công Tuấn lên thay.
Theo “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục”, Vũ Công Tuấn liên kết với nhà Mạc, tự xưng là Tiểu Giao Cương Vương, chạy sang Vân Nam nhờ nhà Thanh giúp sức. Nhà Thanh nhân cơ hội này chiếm một số vùng đất của Đại Việt mà suốt đời hậu Lê không đòi lại được.
Trước sự làm phản của Vũ Công Tuấn, năm 1699, triều đình nhà Lê cho bắt và hành hình. Các đời Chúa Bầu đến đây cũng chấm dứt sau hai thế kỷ.
Cũng như các thời đại khác, các đời chùa Bầu ban đầu rất chăm lo phát triển kinh tế, quân sự, thúc đẩy tinh thần xã hội dựa trên tín ngưỡng, vì thế mà kinh tế sung túc, rất được lòng dân. Đại Đồng từng trở thành nơi trù phú giàu có nổi tiếng, cung cấp lương thực cho quân Nam Triều của Vua Lê đánh nhà Mạc
Thế nhưng các đời Chúa Bầu về sau không còn quan tâm việc mang việc mở mang phát triển văn hóa, kinh tế, các đời Chúa chỉ lo đánh nhau, vơ vét cướp bóc ở bên ngoài, chống lại triều đình chứ không chăm lo đến đời sống người dân, vì thế mà dần dần bị tàn lụi.
(Hết)
Trần Hưng