Câu chuyện khởi nghiệp này minh chứng cho những cá nhân nhỏ bé cũng có thể làm nên chuyện nếu dám mơ, dám cháy hết mình với khát vọng và đam mê!
Năm 2016, một tiệm bánh mì Việt Nam khai trương cửa hàng đầu tiên ở Nhật Bản do 2 anh em người Việt xứ Quảng làm chủ. Trên tuyến phố Waseda Dori, nơi có rất nhiều thương hiệu đồ ăn nhanh, nhưng với 2 anh em quê Quảng Nam – Bùi Thanh Tâm (SN 1991) và Bùi Thanh Duy (SN 1986) thì bánh mì là một món ăn ngon không có đối thủ.
Ý tưởng bán bánh mì trên đất Nhật xuất phát từ một lần Thanh Tâm xếp hàng trước một quán bánh mì kebab để chờ mua một ổ bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ. “ Sự trỗi dậy của bánh mì trên thế giới đã khiến mình để ý và lên ý tưởng khi thị trường Nhật Bản còn bỏ ngỏ. Mình không thể đứng yên trước một cơ hội kinh doanh tốt như vậy”, Tâm lập tức nhấc máy gọi điện cho anh trai đang làm việc ở Osaka nói về ý tưởng nảy lên này.
Và những bước đầu khởi nghiệp tạm coi là thành công khi những chiếc bánh mì thơm ngon mang đậm hương vị Việt đã thuyết phục hoàn toàn khẩu vị của những người Nhật và du khách ở Takadanobaba (Tokyo) – nơi được mệnh danh là “đặc khu” dành cho những tín đồ ẩm thực.
Giờ đây, sau gần 7 năm khởi nghiệp bán bánh mì, khi nhắc đến Bánh Mì Xin Chào – người ta liền nghĩ đến một thương hiệu làm rạng danh tinh thần khởi nghiệp của người Việt ở nước ngoài.
Hành trình của Bùi Thanh Tâm và team một lần nữa tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho những ai dám vươn mình ra khỏi những rào cản của một cá nhân nhỏ bé để chạm tay đến những giấc mơ tưởng chừng xa vời. Đó cũng chính là tinh thần WeChoice Awards năm nay muốn được lan toả. Hãy đề cử cho tinh thần khởi nghiệp của 2 anh em Quảng Nam tại cổng đề cử của WeChoice Awards 2023 sẽ được mở vào ngày 18/12/2023.
- Tháng 10/2016: Mở cửa hàng đầu tiên
- Tháng 2/2017: Đạt giải luận văn xuất sắc nhất khoa và lên báo Chunichi với chủ đề “Phát triển chuỗi cửa hàng Bánh Mì Việt Nam tại Nhật Bản”
- Sau 7 năm khởi nghiệp: Có 14 cửa hàng và một xe tải (xe Foodtruck lưu động) ở các tỉnh trung tâm nước Nhật – trong đó có 2/3 là nhượng quyền
- Cuối năm 2021: Hợp tác thành công đưa Bánh Mì Xin Chào vào siêu thị Itoyokado
- Tháng 10/2023: Gọi vốn thành công
- Tháng 11/2023: Được đoàn Chủ tịch nước, Thống đốc Tokyo ghé thăm – dùng bữa.
Liều lĩnh theo đuổi giấc mơ và khát khao dong buồm ra biển lớn!
Tâm và anh Duy đều tốt nghiệp ngành Kinh tế trường Đại học Yokkaichi (Nhật Bản). Xếp lại tấm bằng cử nhân, cả hai chàng trai dắt nhau ra phố mở tiệm bán bánh mì. Từng nghe được những lời bàn tán rằng tại sao cất công sang Nhật Bản du học rồi lại đi bán bánh? Nhưng Tâm cho hay: “ Đối với Tâm, không nghề nào cao quý hơn nghề nào nếu bạn luôn mang lại giá trị đóng góp cho xã hội và cộng đồng”.
Để khởi nghiệp 1 cửa hàng bánh mì tại Nhật thực sự không phải điều dễ dàng. Bài toán cần giải chính là nắm rõ luật, hiểu thị trường, nhu cầu, thị hiếu khách hàng,… Sau đó là đến khẩu vị, kỹ năng và tay nghề ổn định.
Tiếp theo là vốn. Cửa hàng bánh mì ban đầu Tâm và Duy bỏ 2 tỷ VND tiền vốn: Trong đó có hơn 200 triệu tiền mừng cưới của Duy cộng thêm khoản tiết kiệm, số còn lại vay mượn người thân, bạn bè. Nhìn lại chặng đường ban đầu đó, nếu không có giấc mơ lớn sẽ chẳng dễ gì vượt qua những rào cản.
Tâm đã học được nhiều bài học đáng giá trong khởi nghiệp từ người Nhật. Thứ nhất là dù làm bất kỳ nghề gì, đã làm thì nhất phải trở thành chuyên gia. Tính kỷ luật và chặt chẽ được đặt lên hàng đầu. Thứ hai là cách làm thương hiệu. Họ nhẹ nhàng tiếp cận khách hàng từ những sự chỉn chu nhỏ nhặt nhất, từ từ đi vào lòng của khách hàng bằng chính sản phẩm, dịch vụ, thực lực của mình chứ không phải bằng sự hầm hố, hay rầm rộ PR nào. Người Nhật tin vào truyền thông truyền miệng, vì vậy bạn cần phải chinh phục những vị khách khó tính nhất.
Khi được hỏi, nhìn lại 7 năm qua, Tâm có thấy mình thành công?
Ông chủ trẻ khiêm tốn : “ Đối với Tâm thì thành công hiểu đơn giản là sự thừa nhận. Tuy nhiên mức độ thành công của mỗi người, ở mỗi thời điểm, giai đoạn sẽ khác nhau. Theo đánh giá của Tâm là thành công lớn, nhưng đó vẫn chưa phải là đích đến cuối cùng. Cái đích mà Tâm cùng anh Duy và đội ngũ vẫn mong muốn là nâng tầm thương hiệu Việt đủ đẳng cấp sánh hàng với các ông lớn khác trên bản đồ thế giới, mang tầm vóc quốc tế”.
Một giấc mơ đủ lớn để tạo động lực vươn mình ra biển khơi, nhưng nhìn lại, thì bên cạnh hoài bão lớn bao giờ cũng có “tệp đính kèm” là khó khăn và áp lực mà không phải ai cũng đủ khả năng chịu đựng và năng lực để vượt qua. Với Bùi Thanh Tâm, khoảng thời gian đó khó khăn đến mức, “có đôi khi tưởng chừng như gục ngã ngay giữa ngã ba đường”.
“Bản thân mình từng rất stress với hàng loạt gánh nặng trên vai, có những lúc tưởng chừng như gục ngã. Tuy nhiên vì đã ‘đánh cược’ tất cả vào đứa con tinh thần từ tiền bạc, tuổi trẻ, sự tín nhiệm từ gia đình, người thân, 2 anh em đã từng bước tháo gỡ các nút thắt và đưa doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.
Tâm nghĩ rằng mọi doanh nghiệp đều có giai đoạn thăng trầm, đều phải có thất bại, và thất bại càng sớm thì cơn đau sẽ nhẹ đi, điều đó khiến mình thêm động lực tin vào con đường đã chọn, tiếp tục cùng anh em chiến đấu vì những mục tiêu đã định trước”.
Bản thân Tâm là một người có khát vọng lớn, ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, cậu đã định hướng con đường duy nhất phải đi: Đặt nền móng thương hiệu thành công, nhanh chóng phủ đầy Nhật Bản, dong buồm ra biển lớn!
Giấc mơ quá lớn đôi khi khiến Tâm cảm thấy mệt mỏi, áp lực. Tuy nhiên, đích đến của những lần “tự vấn” đó vẫn luôn là động lực giúp cậu phát triển mỗi ngày, không ngừng chiến đấu.
Sống một cuộc đời rực rỡ là khi trung thành với niềm tin của chính mình
Đó hẳn là một cuộc đời rực rỡ mà ai cũng nỗ lực hết sức mình để được sống!
Xuất thân từ gia đình thuần nông nghèo khó nên bản thân 2 anh em Tâm hiểu được sự khó khăn để kiếm từng đồng tiền.
“Mình biết ơn vì đã từng thiếu thốn như thế, và cảm thấy may mắn khi trong hoàn cảnh đó mà vẫn giữ được lạc quan, hạnh phúc. Như mình đã kể, đã có những lúc doanh nghiệp như ngồi trên lửa, lúc đó Tâm và anh trai đã phải ‘mặt dày’ đi vay mượn khắp nơi để duy trì doanh nghiệp, vượt qua khủng hoảng. Những lời từ chối như tát nước vào mặt, những cái nhìn lạ thường khiến Tâm chẳng bao giờ quên, và phần nào đó giúp bản thân thực sự “lớn” hơn. Đối với Tâm thì giữa khó khăn về tài chính và áp lực tâm lý thì sự khó khăn về tinh thần mới là điều đáng lo sợ hơn”.
Tâm chưa từng nghĩ đến một cuộc đời rực rỡ theo định nghĩa của riêng anh là thế nào, chỉ biết đến rằng phải sống thật hạnh phúc, vui vẻ và trung thành với niềm tin của chính mình!
“Hãy cứ làm và đừng ngại người khác đánh giá vì ai cũng có quan điểm riêng và một cuộc đời khác nhau. Thay vì chỉ ngồi đó và bận tâm đến lời nói của người khác, thì hãy chọn lọc và khôn ngoan hơn để đưa ra sự lựa chọn sáng suốt cho cuộc đời của chính mình”.
Kể từ ngày khởi nghiệp, Tâm và anh trai cùng đội ngũ gây dựng nên Bánh Mì Xin Chào chưa có 1 ngày trọn vẹn để vui mừng với sự thành công hiện tại. Mọi thứ cứ dồn dập, công việc cứ ồ ạt tới, phải giải quyết ổn thoả cho mọi thứ vào quỹ đạo.
Bằng chính kinh nghiệm của mình, Tâm đưa lời khuyên đến cộng đồng những người khởi nghiệp ở nước ngoài rằng hãy tìm hiểu thật kỹ về pháp luật nước sở tại, điều tra khảo sát về quy mô thị trường, thị hiếu khách hàng, khả năng mở rộng, nghiên cứu sản phẩm, và tìm cho mình một người đồng hành hợp ý: “Dù biết khởi nghiệp ai cũng muốn thành công, tuy nhiên cần tỉnh táo và luôn sẵn sàng đón nhận thử thách, thậm chí thất bại, có phương án dự phòng nếu như dự án không thành công”.
Kết lại chặng đường 7 năm đã qua và hành trình vươn ra biển lớn phía trước, Bùi Thanh Tâm có những chia sẻ chân thành nhất:
“Tâm nghĩ kim chỉ nan ngay từ đầu của bản thân và thương hiệu đang làm chủ đó là sự cố gắng nỗ lực, cầu thị và hơn hết là sự tín thành cùng đạo đức để hướng đến mục tiêu lớn hơn.
Bản thân mình không giỏi ở bất kỳ lĩnh vực nào, vậy nên phải luôn có sự cố gắng học hỏi mọi nơi, nỗ lực không ngừng nghỉ và biết lắng nghe cầu thị, tiếp thu những cái tốt cho sự phát triển chung. Tất cả nằm trong chuẩn mực đạo đức mà mình theo đuổi. Và đó là cách sống một cuộc đời khiến chính mình thấy thỏa mãn!”.
Theo Quỳnh Trang–Phụ nữ mới