Xã Tân Thành, thành phố Cà Mau là địa phương hình thành vùng nuôi tập trung cá chình, cá bống tượng sớm nhất ở tỉnh Cà Mau. Mô hình kinh tế chủ lực này đã tạo cơ hội cho nhiều hộ có cuộc sống vươn lên khấm khá.
Đảng bộ, chính quyền xã Tân Thành, TP Cà Mau định hướng quy hoạch, phát triển mô hình nuôi cá gắn với bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái ngọt là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, thúc đầy nhanh kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Điển hình cho mô hình nuôi cá chình là lão nông Nguyễn Hữu Ánh (Bảy Ánh), 66 tuổi ở ấp 3, xã Tân Thành. Ông là nông dân đầu tiên của tỉnh khởi nghiệp làm giàu từ nghề này.
Năm 1999, ông Bảy Ánh mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa cho thu nhập bấp bênh sang nuôi cá chình tại phường Tân Thành.
Vụ đầu tiên, ông sử dụng nguồn vốn tự có của gia đình khoảng 3,5 triệu đồng để đầu tư đào một ao lớn gần 1.000 m2, rồi mua con giống thả nuôi thử nghiệm.
Sau 18 tháng dày công mày mò nuôi cá, ông Bảy Ánh thu hoạch được 330 con cá chình, trọng lượng từ 1-3 kg/con, thu lãi được 65 triệu đồng, tương đương với 20 lượng vàng thời đó.
Nối tiếp vụ nuôi đầu tiên thành công, ông Ánh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi cá chình lên 4 ha. Nhưng thời gian sau đó, tỉnh triển khai Dự án khu đô thị Happy Home Cà Mau, nên diện tích đất nuôi cá của gia đình thuộc diện bị thu hồi, bồi hoàn giải phóng mặt bằng.
Để tiếp tục làm giàu từ mô hình nuôi cá chình, gia đình ông Ánh đã mua một khu đất khác có diện tích 6,5 ha tại ấp 3, xã Tân Thành. Năm 2019, ông Ánh đầu tư cải tạo 42 ao nuôi cá, mỗi ao nuôi có diện tích từ gần 1.000 m2, thả cá giống với mật độ khoảng 1.000 con/ao nuôi.
Tuy nhiên, vụ nuôi này do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên kéo dài mãi đến cuối năm 2022 mới thu hoạch cá.
Lúc này, cá chình có trọng lượng lớn từ 2-7kg/con. Vụ nuôi này, gia đình ông thu hoạch khoảng 20 tấn cá chình bán cho thương lái với mức giá từ 560.000 -580.000 đồng/kg. Nhờ được mùa, trúng giá đã thu về cho gia đình ông trên 10 tỷ đồng.
Tiếng lành đồn xa, nhiều nông dân trong và ngoài xã đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi cá chình của ông Nguyễn Hữu Ánh – lão nông có thâm niên hơn 20 năm nuôi cá chình ở Cà Mau.
Ông Ánh chia sẻ, để nuôi cá tăng nhanh về trọng lượng, hạn chế tỷ lệ ao hụt, người nuôi cá cần chú trọng xử lý thật kỹ nguồn nước từ khi đào ao nuôi đến khi thả con giống, chọn mua con giống đảm bảo sạch bệnh và khỏe mạnh, không được mua con cá giống trôi nổi trên thị trường.
Trong quá trình nuôi phải thường xuyên kiểm tra mực nước, vệ sinh đáy ao và cho cá ăn đúng ngày, giờ để phòng bệnh đường ruột cho cá. Thêm nữa, bí quyết giúp cá nhanh lớn, chắc thịt, thơm ngon thì phải nuôi theo hình thức sinh thái, dùng cá phi làm thức ăn nuôi cá chình, cá bống tượng.
Theo UBND xã Tân Thành, một số vùng chuyên trồng lúa trên địa bàn xã cho năng suất rất thấp, thu nhập không ổn định.
Mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng là mô hình nuôi cá đặc sản cho mang lại cho người dân nguồn thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Do vậy, nhiều hộ dân trong xã mong muốn chính quyền địa phương sớm có chủ trương chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình này để thực hiện khát vọng làm giàu chính đáng. Bởi vì sự chuyển đổi này vẫn không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái vùng ngọt của xã.
Xã Tân Thành hiện có hơn 270 hộ dân nuôi cá (chủ yếu là cá chình, cá bống tượng), với tổng diện tích trên 300 ha diện tích nuôi cá ao, hồ. Ước tính đến cuối năm 2023, sản lượng cá thu hoạch đạt khoảng 1.200 tấn.
Nhờ giá cả, đầu ra của cá chình, cá bống tượng ổn định nên nhiều hộ dân trong xã có nguồn thu nhập đáng kể. Đầu tư 1 ha nuôi cá sẽ cho nguồn thu từ 1 tỷ đồng trở lên/nuôi (sau 18 tháng nuôi cá).
Nếu trừ chi phí đầu tư ban đầu (đào ao, xử lý nguồn nước, mua con giống, thức ăn…), sẽ có lãi từ 300 đến trên 500 triệu đồng. Cá biệt hộ ông Nguyễn Hữu Ánh có diện tích nuôi cá lớn nhất của xã với hơn 6 ha, thu lãi bình quân từ 2 – 2,5 tỷ đồng/vụ nuôi/năm.
Diện tích nuôi cá chình-cá đặc sản của gia đình ông Bảy Ánh ở xã Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Kim Há/TTXVN
Mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng ở xã tân Thành mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi tôm và vượt xa gấp nhiều lần so với trồng 2 vụ lúa/năm.
Do vậy, năm 2023, nhiều hộ dân ở xã Tân Thành làm đơn yêu cầu chính quyền địa phương cho phép chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi cá nước ngọt nhằm tận dụng điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, lợi thế vùng ngọt để phát triển mô hình nuôi hiệu quả này.
Thời gian qua, một số hộ dân chưa được phép cải tạo ao nuôi cá chình, cá bống tượng do vướng quy hoạch. Theo Quyết định số 5127/QĐ-UBND ngày 01/11/2022, của Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau phê duyệt kết quả xác định ranh giới, diện tích đất trồng lúa nước cần bảo vệ, đất chuyên trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt; trong đó, đất trồng lúa nước cần bảo vệ là 146,69 ha và đất trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt là 61,80 ha.
Ông Phan Văn Thọ – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, toàn xã có tổng diện tích trồng lúa là 210 ha, phần lớn sản xuất lúa 2 vụ kém hiệu quả, năng suất thấp. Dù vậy, các hộ dân vẫn không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa.
Từ thực tế đó, UBND xã Tân Thành đã có Tờ trình gửi đến UBND thành phố Cà Mau, Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường về việc xin cho các hộ dân tại khu vực cánh đồng 100 công thuộc ấp 3 đào ao nuôi cá chình, cá bống tượng (2 loại cá đặc sản) nhằm nâng cao hiêu qủa sản xuất, gia tăng nguồn thu nhập.
Mới đây, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Cà Mau và cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu thực tế tình hình sản xuất nông nghiệp tại khu vực cách đồng 100 công ở ấp 3, xã Tân Thành để xem xét, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất phù hợp.
Nếu như được sự chấp thuận từ cấp trên thì sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người dân vùng trồng lúa chuyển sang phát triển sản phẩm chủ lực cá chình, cá bống tượng, vươn lên làm giàu chính đáng.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Tân Thành lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng định hướng kinh tế chủ lưc của địa phương, tập trung khai thác tốt lợi thế sẵn có.
Đó là phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mai dịch vụ. Trong đó, xã chủ trương bố trí, quy hoạch sản xuất cho phù hợp với từng tiểu vùng, chọn con, cây giống phù hợp, có năng suất và giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh khuyến nông, khuyến ngư.
Ông Trần Quang Thum, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành cho biết, việc quy hoạch phát triển mô hình nuôi cá tập trung là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đảm bảo bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái vùng ngọt hóa của địa phương.
Thời gian qua, mô hình này giúp nhiều hộ dân có được nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống phát triển khấm khá, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế – xã hội của xã.
Ước tính đến cuối năm nay, thu nhập bình quân đầu người của toàn xã đạt trên 68 triệu đồng. Xã phấn đấu đến năm 2025, nâng mức thu nhập bình quân dầu người từ 76 triệu đồng trở lên.
Thời gian tới, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân xã Tân Thành, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) quan tâm tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển mô hình nuôi cá, trồng cây ăn trái, rau màu…
Những mô hình sản xuất nông nghiệp này sẽ kết hợp với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, hướng đến hình thành làng nghề sản xuất bền vững nhằm góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm ổn định cho người dân từ mô hình ‘‘kép’’ này.
Bên cạnh đó, xã chú trọng đẩy mạnh quảng bá, bảo vệ thương hiệu cá chình, cá bống tượng Tân Thành, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP của địa phương.
Kim Há (TTXVN)