Mỗi năm ngôi làng nhỏ này lại có thêm nhiều người trở thành tỷ phú.
Làng Phương La (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), hay còn gọi là làng Mẹo, được biết tới là “làng tỷ phú” nổi tiếng nhất vùng quê lúa. Với nghề dệt truyền thống làm điểm tựa, làng Mẹo không chỉ giữ vững văn hóa, mà còn phát triển thành một khu vực sầm uất với hàng chục doanh nghiệp lớn nhỏ, biệt thự sang trọng và lăng mộ cao chót vót.
Làng Mẹo sở hữu gần 5.000 nhân khẩu nhưng chỉ có hơn 100ha đất nông nghiệp. Mặc dù diện tích đất đai hạn hẹp, nhưng sự nhạy bén trong kinh doanh đã giúp nhiều người dân nơi đây trở thành tỷ phú.
Theo ông Trần Văn Toán, trưởng thôn Phương La 2, làng hiện có hơn 100 tỷ phú, mỗi năm lại có thêm vài người gia nhập danh sách những người giàu có. Những doanh nghiệp lớn chủ yếu được thành lập bên ngoài tỉnh, trong khi các doanh nghiệp nhỏ vẫn hoạt động ngay tại làng, với doanh thu lên tới 400 tỷ đồng mỗi năm.
Các đại gia của làng như ông Trần Văn Sen – ông chủ của Tập đoàn Hương Sen và hãng Bia Đại Việt hay ông Vũ Quang Hội – ông chủ của Tập đoàn Bitexco danh tiếng và người em trai Vũ Quang Bảo – Chủ tịch Công ty Cổ phần Vital. Các doanh nhân này đều khởi nghiệp từ nghề dệt truyền thống của làng.
Doanh nhân Vũ Quang Hội được biết tới với tòa nhà cao 68 tầng – tòa tháp Bitexco Financial Tower lấy cảm hứng thiết kế từ hình ảnh búp sen, thể hiện văn hóa truyền thống của Việt Nam. Tiếp theo, là chuỗi dự án bất động sản như: The Manor Hanoi, The Manor I và II tại Hồ Chí Minh, The Manor Lào Cai, The Manor Central Park tại phía Tây Nam Hà Nội. Ông Vũ Quang Hội đã từng là nhân vật trang bìa của Forbes Việt Nam – Forbes đã ưu ái gọi ông là “người xây biểu tượng”.
Ông Toán kể: “Các đại gia đi lên từ nghề dệt truyền thống, trước kia các cụ chủ yếu dệt các sản phẩm thô sơ, giờ chủ yếu sản xuất các loại hàng xuất khẩu sang châu Âu. Nhờ nghề dệt mà họ trở nên giàu có lại nhạy bén trong kinh doanh, họ đổ tiền kinh doanh tiếp như bia rượu, xây dựng, thủy điện, vận tải… nên họ giàu lại càng giàu thêm. Chính vì vậy làng Mẹo trở nên nổi tiếng vì sự giàu có khắp tỉnh cũng như khắp đất nước”.
Theo cuốn sách “Long Hưng – đất phát nghiệp Vương triều Trần” của nhà nghiên cứu Đặng Hùng, người dân làng Mẹo nổi tiếng với sự giàu có, họ có thể giàu hoặc rất giàu, nhưng chưa bao giờ rơi vào cảnh đói nghèo. Người Thái Bình còn truyền miệng rằng: “Người làng Mẹo quẳng đâu cũng không chết”.
Không chỉ giàu có, người làng Mẹo còn có những thú chơi xa xỉ như xây biệt thự, lăng mộ đồ sộ và sưu tầm cây cảnh. Có thể kế đến như công trình ‘Đền thờ Tổ nhà họ Trần’ quy mô 5ha gồm 3 tầng, 6 mái, cao 41m mà đại gia Trần Văn Sen đã mua nửa cánh đồng với mức giá không hề kém giá đất Thủ đô.
Hay chùa Linh Ứng (chùa Mẹo) hơn 300 tuổi, vốn có diện tích 3.000m2, đã được doanh nhân Lê Minh Hiệu – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Bitexco Nam Long và vợ là bà Vũ Thị Suốt đóng góp cùng người dân chung tay trùng tu, mở rộng gấp đôi.
Một số nhà nghiên cứu đã về làng Mẹo để tìm hiểu bí quyết thành công của người dân nơi đây nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Theo truyền thuyết, từ khi lập làng, tổ tiên đã để lại một bài kệ dài 1.200 câu chứa đựng bí quyết kinh doanh, chỉ được truyền miệng trong gia đình, không bao giờ ghi chép. Dù chưa ai xác minh được sự tồn tại của bài kệ này, nhưng thực tế là làng Mẹo đã sản sinh hàng trăm tỷ phú khắp Nam Bắc.
Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là từ nhỏ, người dân nơi đây đã được giáo dục về kinh doanh, buôn bán, và tinh thần “nghĩ lớn, làm lớn”, biết đứng dậy sau thất bại để thành công. Có lẽ đây chính là bí quyết giúp họ thành công dù ở làng hay ở bất cứ đâu.
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Thái Phương, trong năm 2019, làng Mẹo có hơn 50 doanh nghiệp với vốn từ 5 tỷ đồng trở lên và doanh thu khoảng 400 tỷ đồng/năm. Để phục vụ nhu cầu giao dịch của các đại gia làng Mẹo, trong làng có một chi nhánh ngân hàng và một siêu thị rộng ngang Big C để phục vụ người dân và đối tác.
Theo Kiến thức Đầu tư