Sáng kiến Vành đai Con đường lại tiếp tục mất đi một thành viên do những điều khoản không minh bạch từ đầu tư của Trung Quốc.
Rút khỏi siêu dự án của Trung Quốc
Jamaica mới đây đã tuyên bố sẽ ngừng vay tiền từ Trung Quốc giữa bối cảnh quốc gia này đang bắt đầu cân bằng mối quan hệ với Washington và Bắc Kinh.
Năm ngoái, Jamaica kí kết tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đầu tư hơn 2 tỉ USD vào Jamaica từ năm 2005 tới năm 2018 – theo Dữ liệu Kinh tế Trung Quốc – Mỹ La-tinh.
Nhưng sau chuyến thăm tới Trung Quốc đầu tháng này, Thủ tướng Jamaica Andrew Holness nói: “Mặc dù hoạt động hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục được tiến hành tuân theo cam kết ban đầu để cắt giảm các khoản nợ, chính phủ Jamaica sẽ không đàm phán thêm bất kì chương trình vay nợ mới nào với đối tác Trung Quốc nữa.”
Trung Quốc đã tăng cường lan tỏa tầm ảnh hưởng về phía vùng biển Caribbean thông qua các khoản tiền đầu tư và vay nợ. Việc này đã lọt vào “tầm ngắm” của Washington.
Theo SCMP, có thể thấy đầu tư Trung Quốc đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới các vấn đề nội địa. Do đó, việc Jamaica rút khỏi thỏa thuận Vành đai Con đường mang ý nghĩa đối nội nhiều hơn là cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh và Washington.
Richard Bernal, cựu đại sứ Jamaica ở Mỹ giai đoạn năm 1991 tới năm 2001, nói cắt giảm nợ là chính sách quốc gia then chốt ở nước này. Theo Quỹ tiền tệ Thế giới (IMF), Jamaica là một trong những quốc gia có tỉ lệ nợ/GDP cao nhất thế giới, hơn 145% trong năm 2012. Theo Sở Kế hoạch Jamaica, 4% tổng nợ quốc gia của nước này là nợ Trung Quốc, tương đương số tiền 626 triệu USD.
Các quốc gia phương Tây từ lâu đã chỉ trích Trung Quốc vì thực hiện chính sách “bẫy nợ ngoại giao”, hoặc gia tăng tầm ảnh hưởng để đạt được những lợi ích tương lai. Bắc Kinh luôn luôn phủ nhận những cáo buộc này.
Donald Tapia, đại sứ Mỹ tại Jamaica, cảnh báo rằng Bắc Kinh là “một con rồng hai đầu”, chỉ hứng thú với khoáng sản và cảng biển của nước này.
“Hãy lấy tất cả những gì các bạn có thể lấy từ Trung Quốc, nhưng hãy nhớ rằng phương Tây luôn sát cánh với Jamaica,” ông nói.
Ảnh hưởng của Trung Quốc
Ruben Gonzalez-Vicente, một giảng viên tại Đại học Leiden ở Netherlands, cho biết các tổ chức Trung Quốc là những cơ quan duy nhất sẵn lòng cho các quốc gia như Jamaica vay tiền. Tại Jamaica, một con đường nối bờ biển phía bắc và phía nam với các trường học và bệnh viện từng được đặt tên là “Đường Cao tốc Bắc Kinh”.
Tuy nhiên, sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã gây ra hoang mang đối với một số vùng cư dân.
Những người dân địa phương đã nổi giận khi nhà máy sản xuất Alpart ở Nain bị đóng cửa vào hồi tháng 9 khiến hàng trăm người mất việc.
Công ty khoáng sản này đã được công ty JISCO của Trung Quốc mua lại vào năm 2016 với lời hứa hẹn rằng sẽ đem lại nhiều việc làm và cải thiện nền kinh tế địa phương.
Cũng trong nhiều năm trở lại đây, các tổ chức thương mại Jamaica cũng phàn nàn rằng doanh nghiệp Jamaica liên tục tìm cách thắng trong các cuộc đấu thầu, sau đó thuê nhân công Trung Quốc thay vì người dân địa phương.
Jared Ward, một chuyên gia nghiên cứu về mối quan hệ Trung Quốc – khu vực Caribbean tại Đại học Akron ở Ohio, cho biết nhiều nhà quan sát tin rằng Mỹ vẫn có thể cạnh tranh trong vùng bằng cách giải quyết các vấn đề mà những nước Caribbean gặp phải, ví dụ như biến đổi khí hậu và hợp tác an ninh.
“Theo cảm nhận của tôi, các nước này vẫn mong muốn hoạt động trong quỹ đạo của Mỹ,” ông nói.
theo Trí Thức Trẻ