Theo truyền thuyết, vì bị gián điệp của Nguyễn Ánh xúi dại, 3 anh em nhà Tây Sơn đã đào sông làm phá hỏng long mạch của huyệt đất kết nhà mình. Triều đại Tây Sơn cũng bởi vậy mà ngắn ngủi chăng?
Chóng tàn như hoa ép nở sớm
Giữa thế kỷ 18, 3 anh em nhà Tây Sơn nổi lên khởi nghĩa. Chỉ trong thời gian ngắn đã đánh tan các thế lực cát cứ phân chia đất nước thành Đàng Trong, Đàng Ngoài rồi lại đánh tan 5 vạn quân Xiêm và hơn 20 vạn quân Thanh lăm le nhòm ngó. Nhưng ngay sau chiến công hiển hách một thời gian cũng rất ngắn thì sự nghiệp nhà Tây Sơn tuột dốc sau cái chết của vua Quang Trung. Sự kết thúc mau chóng của một triều đại có chiến công chống ngoại xâm hiển hách như vậy đã khiến cho nhiều người nuối tiếc . Bởi thế trong dân gian đã phát sinh nhiều truyền thuyết để giải thích sự việc đó. Một trong những truyền thuyết như vậy đi tìm về lý luận phong thủy để giải thích.
Trong cuốn sách “Thế giới có gì thần bí” của Nguyễn Hoàng Điệp và Hoài Giang có dẫn lại một truyền thuyết nói rằng triều Tây Sơn có một viên quan tên là Trần Huy Đống tinh thông phong thủy. Ông này tương truyền là cháu ngoại thánh địa lý Tả Ao, và là tác giả của bộ “Địa cơ bí lục”.
Nghe Trần Huy Đống tinh thông phong thủy, vua Quang Trung cho mời ông vào xem hai ngôi mộ (song táng) trên núi Một, xã Hoành Sơn, Bình Khê. Xem xét kỹ địa hình, Đống biết đây là kiểu đất “Sư tử ngủ” rất quý nhưng đã bị ba con rồng (sông): Đà Hằng, La Dĩ, Cửa Tiền triệt phá.
Những con sông là do trước đó Ngô Nhân Tịnh (gián điệp của Nguyễn Ánh và bọn thầy địa lý Tàu) đã xui ba anh em nhà Tây Sơn đào. Trần Huy Đống xem xong than tiếc nói rằng: Nếu ba con sông đào chậm lại một giáp thì Quang Trung không những làm đế nước Nam mà còn làm chủ Bắc quốc. Người này sẽ chẳng khác gì Nỗ Nhĩ Cáp Xích, gốc rợ Kim, 200 năm trước đã được kiểu đất “Cửu long tranh châu” ở Kiến Châu nên đã bình được bốn bộ ở phía Bắc, diệt được nhà Minh, làm chủ Trung Nguyên lập ra nhà Thanh.
Ảnh minh họa
Vua hỏi Đống: Kiểu đất sư tử ngủ dậy sớm là không tốt? Đống nói: Kiểu đất này dậy sớm như hoa nở bị thúc ép. Có nở nhưng mau tàn. Nếu nó càng dậy muộn thì càng phát lớn. Sau đấy Đống khuyên nhà vua bỏ ý định cầu hôn và đòi đất Lưỡng Quảng. Quang Trung gạn hỏi lý do thì Đống tâu thật: Kiểu đất bị cả 3 con sông triệt phá, con sư tử bị cả 3 dòng nước tạt vào mặt đã thức dậy sớm hơn kỳ hạn hai giáp. Nó có thể làm giảm tuổi thọ của người hưởng phúc địa, gia cảnh bất hòa, bất mục, huynh đệ tương tàn. Nếu nay đòi đất, cầu hôn, sẽ gây thêm hiềm khích với cường bang, trong ngoài đều thù địch thì làm sao chống nổi. Việc này nhà vua làm ngày nào sẽ gây nên hậu quả chẳng lành ngày đó.
Nghe Đống Nói, Quang Trung bán tín bán nghi hỏi có cách nào hóa giải được 3 con sông? Đống tâu lại: Chỉ riêng con sông Đà Hằng cũng đủ làm hư huyệt khí, chứ chưa kể đến 2 con sông đào sau. Nay có lấp bằng cả 3 con sông, hàn được thổ thì cũng không sao cứu vãn nổi. Bởi lẽ con sư tử đã thức, không thể ngủ lại như trước. Nó đã bị ba con sông làm gián đoạn long mạch, tiêu tan tú khí hội tụ.
Quang Trung lại hỏi: Ta có thể di táng hai ngôi mộ đến một kiểu đất quý khác? Đống trả lời: Thưa bệ hạ, đất có tuần, dân có vận, đất quý không bao giờ kết phát hai tuần. Đời người không ai có được vận quý đến 2 lần. Nếu không vua chúa các đời trước làm chủ các vùng đất quý, khi thấy triều đại suy vong, liền chuyển mồ mả đến vùng đất quý khác, như thế thì một dòng họ có thể làm vua hoài không dứt…
Sau đấy vào năm 1792, vua Quang Trung sai sứ sang Tàu cầu hôn, đòi đất. Lúc này Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân nhớ lại lời can của Đống, khuyên vua từ bỏ ý định, nhưng vua không nghe và nói: Ta muốn dò ý, thử lòng Thanh quốc, chứ không chủ tâm gây chiến, ắt không dẫn đến can qua. Tiếc thay sứ bộ vừa đến Lạng Sơn thì hay tin dữ nhà vua băng hà đột ngột. Sứ giả liền phải vội vã quay về.
Khí thiêng còn phụ thuộc vận số
Lời nói của Trần Huy Đống ở trên ngoài việc nói thẳng rằng đất quý đã hỏng thì khó sửa chữa còn cho thấy một điều nữa là khí thiêng (tức đất kết) còn phải phụ thuộc cơ trời. Nếu cơ trời đã định thì con người chỉ có cách tu nhân tích đức mới mong hoán cải được. Ngoài ra không thể có biện pháp kỹ thuật nào thay đổi được. Ngay trong bài “Tầm long gia truyền bảo đàm”, cụ thánh địa lý Tả Ao cũng đã nói rõ: “Trước là tích đức sau là tầm long” để chỉ rõ cái ý rằng, nhà không có phúc đức lớn thì dù được đất quý cũng khó phát vinh hiển lâu dài.
Trong lịch sử trước thời Tây Sơn cũng đã có trường hợp biết rõ cơ trời khi được huyệt đất quý nhưng cũng không sửa được chỗ nhược điểm. Đó chính là trường hợp long mạch của nhà Hậu Lê.
Theo sách “Lam Sơn thực lục”, vua Lê Lợi khi chưa nên nghiệp đế có lần ở quê hương có duyên gặp nhà sư già họ Trịnh tên là sư núi Đá Trắng. Nhà vua thấy ông sư than rằng “quý hóa thay phiến đất này! Không có ai đáng dặn!” nên bèn đi theo hỏi rằng: “Miền đất của đệ tử tôi sang hèn thế nào xin sư chỉ bảo giùm”.
Nhà sư nói: “Xứ Phật hoàng thuộc động Chiêu Nghi, có một khu đất chừng nửa sào, hình như quả quốc ấn. Phía tả có núi Thái Thất, núi Chí Linh (ở miền Lảo Mang), bên trong có đồi đất Bạn Tiên. Lấy Thiên sơn làm án (ở xã An Khoái). Phía trước có nước Long Sơn, bên trong có nước Long Hồ là chỗ xoáy trôn ốc (ở thôn Như Ứng). Phía hữu nước vòng quanh tay hổ. Bên ngoài núi xâu chuỗi hạt trai. Con trai sang không thể nói được. Nhưng con gái phiền có chuyện thất tiết. Tôi sợ con cháu ông về sau có thế phân cư. Ngôi vua có lúc trung hưng. Mệnh trời có thể biết vậy. Nếu thầy giỏi biết láng lại, thì trung hưng được 500 năm.
Sau khi nghe nhà sư nói vậy, Lê Lợi bèn đem hài cốt của cha mình táng vào chỗ ấy. Lịch sử sau này cho thấy rõ là triều Hậu Lê từ năm 1428 khi vua Lê Lợi lên ngôi đến năm 1527 khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi là được quãng 100 năm. Sau đó nhờ công thần Nguyễn Kim phù trợ nên lại được trung hưng. Điều đó là ứng vào câu “ngôi vua có lúc trung hưng”.
Như vậy vua Lê Lợi đã biết từ đầu rằng long mạch nhà mình như vậy thì triều đại của dòng họ mình sẽ có lúc sóng gió giữa chừng. Tuy vậy nhà vua cũng không thể nào thay đổi được điều đó. Âu đó cũng là do cơ trời đã định vậy.
Theo kienthuc