Đó là chia sẻ thẳng thắn của Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ông bảo, kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm là bắt đầu của giai đoạn mới
Kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm là bắt đầu của giai đoạn mới
Chiều 26/6, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh). Hàng loạt khuyết điểm, sai phạm của UBND TP Hồ Chí Minh, các Sở, ngành đã được chỉ ra trong quá trình thực hiện dự án này.
Trao đổi với PV, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng, kết luận thanh tra về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) mới chỉ là kết thúc của một giai đoạn thanh tra chứ không phải là kết thúc của một vụ việc.
“Cá nhân tôi cho rằng, đây là kết luận cho việc kết thúc giai đoạn thanh tra vụ Thủ Thiêm và bắt đầu của giai đoạn mới, xem xét một cách đầy đủ, cụ thể các vấn đề đối với từng cá nhân, tổ chức để có hình thức xử lý.
Đây chưa phải kết thúc, còn là quá trình để xem xét từng vấn đề, từng vi phạm đối với từng cá nhân, lượng hóa tất cả các hành vi và hậu quả pháp lý để từ đó đi đến kết luận cuối cùng là xử lý ở mức độ nào, đối với ai, xử lý về vấn đề gì.
Như vậy còn phải mất nhiều thời gian, công tác Đảng cũng phải xử lý, chính quyền xử lý, vấn đề về mặt hành chính, hình sự, rồi trong quá trình đó có thể nảy sinh vấn đề nữa có thể làm không đúng, không tốt, không đầy đủ trách nhiệm, bao che cho sai phạm thì có thể phải xử lý“, ông Nhưỡng nói.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND Thành phố thực hiện thu hồi và hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm đến thời điểm 30/9/2018 là hơn 26.300 tỷ đồng.
Liên quan đến thu hồi, hoàn trả số tiền này, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, trước hết, phải hiểu việc quyết định các chủ trương, chính sách liên quan đến khu đô thị Thủ Thiêm là công việc công nên UBND TP Hồ Chí Minh phải chịu trách nhiệm trước.
“Ở đây, ai làm, đưa ra các quyết định cũng nhân danh quyền lực của thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải cá nhân nên trước tiên UBND TP phải chịu trách nhiệm.
Sau đây, sẽ tiếp tục làm rõ ai, cá nhân nào là những người sai phạm thì cần xem xét rõ trách nhiệm của họ cũng như tập thể”, ông Nhưỡng nói.
Phó Ban Dân nguyện của UBTVQH cho rằng, việc hoàn trả lại số tiền này sẽ phải được thực hiện theo các quy định của Nhà nước có liên quan.
“Ở đây cần hiểu rõ, số tiền hơn 26.300 tỷ đồng này là tiền đã tạm ứng, cắt từ Ngân sách Nhà nước cho TP Hồ Chí Minh thực hiện đầu tư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm và việc sử dụng không đúng quy định đã làm Ngân sách Nhà nước bị thiệt thòi.
Do đó, trước hết, phải dùng ngân sách của TP Hồ Chí Minh để hoàn trả lại cho Ngân sách Nhà nước.
Đương nhiên, trong việc này, không chỉ người dân của TP Hồ Chí Minh mà cả những người dân ở nơi khác nhưng đóng thuế cho TP cũng như người dân cả nước sẽ bị chịu thiệt”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Trước câu hỏi, sau này, nếu cơ quan chức năng xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể trong việc quyết định, sử dụng không đúng số tiền hơn 26.300 tỷ đồng trên thì họ có phải bồi hoàn không? Ông Nhưỡng cho hay, việc này sẽ phụ thuộc vào các quy định, trách nhiệm pháp lý đặt ra đối với cá nhân.
“Hiện nay chúng ta chưa thể xác định được mà cần chờ làm rõ trách nhiệm pháp lý đặt ra đối với các cá nhân.
Cụ thể, nếu áp dụng kỷ luật thì sẽ áp dụng các quy định bồi thường, bồi hoàn theo kỷ luật còn bồi thường dân sự sẽ áp đụng theo Luật Dân sự. Trong trường hợp cao nhất, nếu cá nhân bị xử lý trách nhiệm hình sự thì do tòa án quyết định và việc bồi thường, bồi hoàn sẽ áp dụng theo đúng các Luật có liên quan”, ông Nhưỡng nói thêm.
Khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết giảm nhẹ chứ không thể miễn trách nhiệm về hành vi gây ra
Cũng trong phần kiến nghị, kết luận của Thanh tra Chính phủ có nêu: “Trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản Nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật“.
Bình luận về thông tin này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, câu này chưa rõ ràng, chưa cắt nghĩa được và không cẩn thận sẽ làm cho người dân hiểu là lấy tiền để thay cho việc bị xử lý hình sự.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng điều này không quan trọng, vì việc không nộp lại kinh tế được coi là vi phạm pháp luật.
Câu chuyện chi khoản tiền như kết luận thanh tra nêu đã là vi phạm, bởi nó còn liên quan đến các cơ hội đầu tư, lãi suất…và có chủ thể, hành vi vi phạm pháp luật, có tính nhân quả giữa hành vi và hậu quả.
Việc này có thể chuyển hồ sơ sang luôn cho cơ quan điều tra, chứ không cần phải chờ tổ chức, cá nhân khắc phục hậu quả. Việc khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết giảm nhẹ chứ không thể miễn trách nhiệm cho hành vi vi phạm đã diễn ra”, ông Nhưỡng nói.
Ông cũng nhấn mạnh thêm, trong vụ việc ở Thủ Thiêm, hậu quả không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, văn hóa, uy tín, niềm tin…
“Trong đó có những cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nên Thanh tra Chính phủ trong kết luận đã kiến nghị chuyển hồ sơ sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý”, ông Nhưỡng nêu rõ.
PV