Khi Nga bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, NATO có rất ít sự lựa chọn mà buộc phải tìm cách thích nghi trong quan hệ với Ankara.
Trong hoạn nạn mới biết ai là bạn
Dù có thể chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng việc Nga bắt đầu chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 trong tuần qua có lẽ là thời điểm phù hợp nhất khi hoạt động này diễn ra đúng dịp kỷ niệm 3 năm cuộc đảo chính quân sự chống lại Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thất bại.
Khi các phi công đảo chính lái F-16 ném bom xuống trụ sở quốc hội và dinh tổng thống ở Ankara và vào thời khắc ông Erdogan chết hụt trong chuyến bay trở về Istanbul sau thời gian trốn tránh tại một biệt thự ven biển, các chính phủ ở phương Tây chỉ dám nín thở nghe ngóng tình hình.
Tận dụng thời điểm các lãnh đạo phương Tây còn đang lúng túng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội, bày tỏ sự đoàn kết với người đồng cấp Erdogan.
Đây rõ ràng không phải là hành động được chuẩn bị từ trước. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không những từng là đối thủ lịch sử của nhau mà hai nước còn đứng về 2 phía đối lập nhau trong cuộc chiến ở Syria khi Moscow ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Bashar Assad còn Ankara lại hậu thuẫn cho một số nhóm phiến quân nổi dậy tại đây.
Chưa hết, 8 tháng trước đó (11/2015), Thổ Nhĩ Kỳ vừa mới bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga ở biên giới giữa nước này với Syria.
Thế nhưng, mối quan hệ “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” giữa ông Erdogan với các lãnh đạo phương Tây đã mang đến cho ông Putin một cơ hôi vàng hiếm thấy để làm suy yếu NATO, và kề từ sau cuộc đảo chính thất bại, hai nhà lãnh đạo này lại càng trở nên gần gũi hơn.
Bất chấp Mỹ liên tục đưa ra những lời cảnh báo và đe dọa liên quan đến hệ lụy từ việc một nước thành viên NATO chủ chốt mua một hệ thống vũ khí quan trọng của Nga, hợp đồng mua bán S-400 đã càng thắt chặt hơn mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất cũng là cho tới khi hai ông Erdogan và Putin còn nắm giữ quyền lực.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết rằng hệ thống S-400 mới của họ sẽ không được tích hợp vào các mạng lưới phòng không rộng lớn hơn của NATO và sẽ chỉ được sử dụng để bảo vệ lãnh thổ khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Các nhà lãnh đạo NATO và Lầu Năm Góc nghi ngờ rằng điều này là không đủ để ngăn các sĩ quan tình báo Nga cài cắm vào đội ngũ chuyên gia đào tạo cho nhân viên Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng hệ thống S-400 thu thập được các thông tin quan trọng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể chưa vội đưa ra tuyên bố về các biện pháp trừng phạt chính thức đối với Ankara nhưng gần như chắc chắn Không quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không nhận được bất kỳ chiếc nào trong số 30 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 đã đặt hàng (trong tổng số 120 chiếc theo yêu cầu). Hoạt động huấn luyện phi công Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bị đình chỉ ở Mỹ.
S-400 là hệ thống phòng không hàng đầu của Nga mà dựa vào đó F-35 đã được thiết kế để đối phó. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận F-35 vào thời điểm này, họ có thể phát triển các chiến thuật cho phép S-400 phát hiện F-35, qua đó đem đến cho người Nga những thông tin vô cùng quý giá, đồng thời làm giảm đáng kể lợi thế sức mạnh không quân chiến lược của Mỹ.
Để mất hợp đồng F-35, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ mất đi cơ hội nâng cấp lên công nghệ thế hệ 5. Mặc dù Ankara có thể mua các máy bay chiến đấu tàng hình từ Nga hoặc Trung Quốc nhưng thực tế chúng vẫn đang trong gai đoạn phát triển, không thể sẵn có để xuất khẩu ngay và nhất là khó có thể so sánh với khả năng của F-35.
Cho tới tận cuối tuần vừa qua, vẫn còn những quan chức ở Lầu Năm Góc hy vọng những đe dọa của họ liên quan tới F-35 sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ ngần ngại và trì hoãn việc chấp nhận tên lửa S-400 nhưng ông Erdogan đã không lùi bước.
Thổ Nhĩ Kỳ đã có S-400: Lựa chọn nào cho NATO?
Thổ Nhĩ Kỳ luôn là một thành viên NATO tương đối khó xử: Quốc gia ít dân chủ nhất trong liên minh Bắc Đại Tây Dương, ngay từ trước khi ông Erdogan nắm quyền, và họ từng không ít lần suýt tiến hành chiến tranh với Hy Lạp, một thành viên NATO khác.
Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đối tác có giá trị trong cuộc đối đầu với Liên Xô và ngay cả khi Liên Xô tan rã, họ vẫn đóng góp cho nhiều hoạt động của liên minh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ không còn được coi là đồng minh của phương Tây.
Gần như trong suốt cuộc nội chiến ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi chương trình nghị sự riêng của mình. Họ vũ trang cho các phiến quân thánh chiến và cho thậm chí phép các phần tử khủng bố của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đi qua lãnh thổ.
Khi Mỹ bắt đầu ném bom các mục tiêu IS vào năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối cho phép máy bay Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik.
Từ sau cuộc đảo chính quân sự thất bại vào tháng 7/2016, ông Erdogan đã không ngần ngại thanh trừng các sĩ quan quân đội làm việc với NATO, thay thế họ bằng những người trung thành chống phương Tây, đồng thời tăng cường phối hợp quân sự với Nga và Iran. Các cơ quan tình báo của ông đã được lãnh đạo bởi các quan chức thân Iran trong nhiều năm.
Từ trước tới nay, chưa từng có tiền lệ một quốc gia thành viên bị loại ra khỏi NATO và thực sự không ai suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc đó với Thổ Nhĩ Kỳ.
Chỉ tính đơn giản về số lượng nhân sự và trang thiết bị, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có quân đội lớn thứ hai NATO. Ankara cũng cung cấp cho NATO các căn cứ gần với Nga, mặc dù những cơ sở này ít có giá trị trong kỷ nguyên do thám vệ tinh, khả năng tấn công toàn cầu và máy bay không người lái có thời gian hoạt động lâu.
Bất chấp những căng thẳng với phương Tây, bản thân Thổ Nhĩ Kỳ cũng không muốn rời NATO. Việc duy trì các căn cứ của liên minh có những đóng góp rất lớn cho nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội nước này cũng vẫn thu được nhiều lợi ích từ tư cách thành viên.
Vì vậy, NATO có rất ít sự lựa chọn mà buộc phải tìm cách thích nghi trong quan hệ với một trong những thành viên chủ chốt là Thổ Nhĩ Kỳ.
theo Trí Thức Tre