Có lẽ nên bắt đầu với câu hỏi “đi làm để làm gì” trước đã. “Để kiếm tiền chứ để làm gì!”- Chắc hẳn phần đông sẽ trả lời như thế.. Nhưng thực tế lại chứng minh đó là một tư duy sai lầm. Và cứ vậy, sai lầm sẽ theo mãi về sau.
Khi tiền là động lực duy nhất
Khi ai cũng nghĩ rằng ‘đi làm để kiếm tiền’ thì tiền sẽ trở thành mục đích duy nhất và cuối cùng của việc bỏ công sức ra để làm điều gì đó. Khi tiền là động lực thì tất yếu người ta sẽ chỉ chăm chăm làm mọi cách để kiếm được nhiều tiền. Và xã hội chúng ta đang sống đã chứng minh rằng: Khi làm bất kể công việc gì, nếu động lực duy nhất là vì tiền thì cùng với đạo đức thoái hóa đến kinh hoàng, điều gì người ta cũng sẽ dám làm chỉ để kiếm được nhiều lợi lộc hơn.
Chỉ vì tiền, mà bác sĩ khám bệnh qua loa cốt để kê đơn thuốc đắt đỏ ăn chia với nhà thuốc, dọa nạt, lạnh nhạt để người nhà bệnh nhân phải gửi “phong bì” mới chữa chạy tử tế. Chỉ vì tiền, mà quan tòa lật úp lật ngửa, thay trắng đổi đen khiến công lý trở thành luật rừng. Chỉ vì tiền, mà thầy giáo không dạy hết kiến thức trên lớp lại để dành tới lớp học thêm, dùng vị thế của mình bán điểm, vòi vĩnh cha mẹ học sinh. Chỉ vì tiền, mà cảnh sát giao thông lạm quyền để cướp trắng tiền nộp công quỹ từ người vi phạm. Chỉ vì tiền, mà nông dân làm nên những thứ “rau hai luống, lợn hai chuồng” đe dọa sức khỏe và sinh mạng của biết bao người…
Tư duy “đại nghĩa” lại mang đến thành công vượt bậc
Nhưng nhiều người thành công lớn lại đưa ra bí quyết của mình theo cách tư duy hoàn toàn ngược lại. Là một doanh nhân người Nhật, ông Inamori Kazuo dành cả đời thực hành triết lý “hãy cống hiến cho xã hội và sự phát triển của nhân loại”, nhờ đó thành lập nên tập đoàn công nghệ cao đa quốc gia Kyocera với 66.000 nhân viên và hãng viễn thông KDDI lớn thứ hai Nhật Bản.
Còn Steve Jobs, người đã làm thay đổi hoàn toàn cách dùng điện thoại thông minh, chia sẻ rằng ông lấy cảm hứng từ ban nhạc The Beatles với phương châm “thành công của cả nhóm luôn rực rỡ hơn thành công của từng thành viên” để xây dựng nên “đế chế” của mình. Đối với ông, “công việc không phải là công cụ để kiếm tiền mà là cùng các cộng sự ‘đem lại bước đột phá cho thế giới’” – (Trích Những viên ngọc quý sinh ra từ thất bại).
Ông chủ Amazon, đồng thời là người giàu nhất thế giới năm 2018, Jeff Bezos chia sẻ bài học thành công của mình rằng: “Có hai kiểu công ty, kiểu thứ nhất luôn cố gắng để lấy tiền của khách hàng và kiểu thứ hai luôn cố gắng giảm thiểu chi phí cho khách hàng. Chúng tôi là kiểu thứ hai”, “Chúng tôi có ba ý tưởng lớn tại Amazon và kiên định với nó suốt 18 năm, đó là lý do chúng tôi thành công: Hãy đặt khách hàng lên trên hết. Bình tĩnh và kiên nhẫn”.
Và chỉ bằng một câu đúc kết về giá trị lao động hay kinh doanh, giám đốc công ty Arirang-Ion Hàn Quốc, ông Huh Seong Yeol đã giải thích hành trình 17 năm bị coi là “kẻ điên rồ” khi nghiên cứu về nước cao năng lượng như sau:
Bất kể là làm nghề gì đều phải có một loại “cảm giác sứ mệnh” chứ không phải chỉ chăm chăm vào kiếm tiền, nếu không sẽ đem đến những hiệu ứng phụ diện khó mà tưởng tượng được.
Nhưng chính bởi tiền đã thay thế cho trách nhiệm và sứ mệnh, nên những hiệu ứng kinh hoàng mới lan tràn trong xã hội ngày nay: Bác sĩ không đề cao sứ mệnh cứu người. Thầy giáo không coi trọng sứ mệnh dạy dỗ con trẻ. Quan tòa không thấy tầm quan trọng của sứ mệnh duy trì công lý. Nông dân cũng không quan tâm tới sứ mệnh của người làm ra lương thực đối với xã hội… Ai ai cũng là phần tử nhỏ bé trong cộng đồng, mỗi người một việc đều cần làm cho tốt. Đem lại lợi ích cho người khác thì người khác cũng sẽ làm lợi cho bạn dựa trên sở trường và phương diện mà họ có sứ mệnh gánh vác.
Nhật Bản được cả thế giới ngưỡng mộ bởi sự hùng mạnh về kinh tế và bề dày của văn hóa. Vậy mà một doanh nhân trong bộ ba xuất chúng của lịch sử doanh nghiệp hiện đại Nhật Bản đã cảm thấy lo lắng cho đất nước mình từ rất lâu về trước. Ông cho rằng tinh thần Nhật Bản đang “ngày càng lụn bại làm cho người Nhật xấu xí đi”. Trong cuốn sách Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế của mình, doanh nhân Inamori Kazuo đã viết lại câu thành ngữ Nhật Bản: “Tử tế không vì người” như một phương châm kinh doanh, để nhắc nhở người Nhật tránh xa việc trục lợi cá nhân mà đánh mất tinh thần dân tộc. Bởi đối xử tử tế với người khác thật ra là làm lợi cho chính ta, cuối cùng người hưởng lợi vẫn sẽ là ta. Ông cho rằng “lợi tha” (làm lợi cho người khác) chính là “toa thuốc hiện đại” cho người Nhật Bản trong cái “thời đại đang bệnh tật này” (Inamori Kazuo).
“Tránh xa ham muốn, mài giũa lòng thành, cống hiến cho người” – Inamori Kazuo.
Ông mang theo tư tưởng “đại nghĩa” khi làm mọi việc, rằng doanh nhân phải mang sứ mệnh tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho tất cả nhân công, phải đưa ra những sản phẩm tốt nhất với giá tốt nhất cho khách hàng và đem lại lợi ích cho các cổ đông đã đầu tư và kỳ vọng ở doanh nghiệp.
Ông giải thích vì sao xã hội Nhật Bản ngày càng xuống dốc, rằng từ sau chiến tranh, ý nghĩa và giá trị của lao động có xu hướng đi theo quan điểm: “Mục đích cao nhất và đôi khi duy nhất của lao động là làm ra của cải vật chất. Theo cách hiểu đó chúng ta đã quen với suy nghĩ ‘làm việc để nhận thù lao sau khi đã cung cấp thời gian và sức lực của mình’… Cách hiểu đó đã sinh ra một suy nghĩ khác: Tốt nhất là làm sao để vừa nhàn nhã lại vừa kiếm được nhiều tiền”.
“Nhưng từ xa xưa, người Nhật Bản đã thấu hiểu ý nghĩa sâu xa và giá trị của lao động. Họ coi lao động là niềm tự hào, là giá trị sống, và biết rằng nhờ lao động mà tâm hồn con người trở nên phong phú… Bởi thông qua lao động quên mình vì lợi ích của người khác, sẽ mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn của chúng ta, qua đó làm cho cuộc đời trở nên phong phú và tuyệt đẹp” – (Cách sống từ bình thường trở nên phi thường, Inamori Kazuo).
Khi bạn nghĩ rằng mình có thể nhàn hạ, không phải cống hiến gì mà vẫn kiếm được nhiều tiền, thậm chí có thể gây tổn hại tới lợi ích của người khác, thì đó là một sự ảo tưởng. Bởi có mất thì mới có được, có cho đi thì mới có nhận lại, có trách nhiệm thì mới có hồi đáp.
Văn hóa truyền thống mà trẻ em Việt Nam được học trên ghế nhà trường cách đây chưa tới 100 năm cũng nói rõ điều này:
“Ta cần phải có xã hội và xã hội đã giúp ta được nhiều công việc, thì ta cũng phải tìm cách mà trả nợ cho xã hội. Ta phải lưu tâm mà làm những việc ích lợi. Bất cứ làm nghề gì, đi cày hay đi buôn, làm quan hay dạy học, ta cũng phải dốc lòng làm cho hết cái chức trách của ta. Ta không nên thờ ơ chểnh mảng mà mang tiếng là lười nhác, không nên điên đảo giả dối mà mang tiếng là bất lương. Ta nên cố tìm cách canh cải mọi nghề nghiệp cho mỗi ngày một lương thảo hơn lên. Nghề của ta được tinh xảo, thì có ích riêng cho ta, mà lại lợi dụng cho cả xã hội nữa.” – (Trích Luân Lý Giáo khoa thư).
Bởi nước nổi thì bèo nổi, người khác được lợi thì ta mới được lợi, nào có chuyện mạnh ai nấy sống, chỉ cần lo cho bản thân mình? Mỗi người khi cố gắng có được nhiều lợi ích sẽ vô tình và/hoặc cố ý mà đẩy những điều bất lợi, xú uế ra ngoài xã hội. Cuối cùng, nó cũng sẽ quay trở lại làm hại bạn mà thôi.
Tiền bạc, của cải không phải là mục đích cuối cùng của lao động. Cống hiến bằng kỹ nghệ, công sức, thời gian của mình để mang lại lợi ích cho người khác, mài giũa tâm hồn và khẳng định giá trị tốt đẹp của bản thân mới là động lực đúng đắn nhất. Thông qua đó lợi ích sẽ đến với chúng ta.
Thuần Dương