Đó là phát biểu của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT mới đây tại Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam Vinasa
Tại buổi gặp mặt hội viên đầu năm của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam Vinasa đầu Xuân 2024 ngày 6/3, ông Trương Gia Bình chia sẻ: “Khoảng 25 năm trước, chúng ta đã có một ước mơ bị đánh giá bất khả thi, đó là xuất khẩu phần mềm. Rất may rồi ước mơ đó đã thành hiện thực. Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu phần mềm số 2 thế giới, sau Ấn Độ. Tuy nhiên, chúng ta đã bỏ phí mất 5 năm đầu sau khi phát động xuất khẩu phần mềm, FPT “hoàn toàn cô đơn” vì các doanh nghiệp Việt khác chần chừ chờ xem tình hình thế nào”.
“Lần này với công nghiệp bán dẫn, không phải chúng ta ước mơ mà thế giới chọn chúng ta. Con đường bán dẫn sẽ giúp Việt Nam đứng ở nhóm quốc gia tiên tiến nhất thế giới. Cần phải làm ngay lập tức, không được bỏ phí 1 tháng, 1 ngày, 1 giờ nào. Nếu chúng ta lại mắc lỗi bỏ phí thời gian thì sẽ hỏng việc lớn“, Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Để đóng làn sóng của ngành công nghiệp bán dẫn, ông Bình cho biết đã thực hiện những chuyến thăm để tìm hướng đi phát triển chip Việt. Ông Bình dẫn hai câu chuyện, thứ nhất, “Tôi đến một hãng thiết kế chip. Họ có 600 nhân viên, 20 năm thành lập, doanh số gần 900 triệu USD, giá thị trường của họ gần 8 tỷ USD. Họ nói với tôi, họ không phải công ty sản xuất chip, thiết kế chip, mà là công ty gia công chip cho các tập đoàn hàng đầu của thế giới. Khi họ dùng chữ “outsourcing” (gia công), tôi cảm giác chúng ta đã có một con đường”, ông Bình nói.
Chủ tịch FPT cũng tiết lộ đã sang Đài Loan gặp Tổng giám đốc Foxconn và họ đồng ý lập liên doanh kiểm thử chip. “Đây cũng là cơ hội Việt Nam có thể bắt tay ngay”, ông Bình cho biết thêm.
Cùng với đó, trong chuyến đi tới Mỹ, ông gặp gỡ những người Việt đã tham gia lĩnh vực chip 20-30 năm. Ông Bình kể: “Họ vẫn đau đáu tình yêu nước, sẵn sàng dạy nghề, sẵn sàng rời các hãng bán dẫn lớn để về làm cho doanh nghiệp Việt”.
“Outsourcing” (gia công) là câu chuyện thứ nhất, câu chuyện thứ hai liên quan đến sản xuất chip tích hợp AI (trí tuệ nhân tạo). Ông Bình nói: “Khoảng 26 năm trước, một nhóm gồm 3 kỹ sư mở máy Samsung ra xem con chip rồi khẳng định mình có thể sản xuất ra con chip giống như thế, thậm chí giá còn rẻ hơn khoảng 30%. Và rồi họ lập công ty MediaTek. Ngày hôm nay, giá thị trường của công ty này là 60 tỷ USD. Tôi đến gặp người sáng lập MediaTek, ông đề xuất thành lập liên doanh. Tôi đồng ý luôn, nhưng đề nghị sản xuất AI chip chứ không phải con chip nói chung”.
Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp bán dẫn Việt Nam hình dung về tương lai: Con chip càng ngày càng thông minh. Đài Loan (Trung Quốc) rất giỏi phần cứng, song về AI thì vẫn chưa phải là đối thủ đáng gờm. Sức mạnh của Việt Nam là đội ngũ làm AI sẽ thiết kế ra được những con chip AI càng dùng nhiều càng thông minh.
“Chúng ta có thể học theo tư tưởng của MediaTek: Tất cả con chip người khác đã làm ra, chúng ta có thể làm ra với giá rẻ hơn. Hoặc chúng ta cũng có thể nghĩ ra những con chip hoàn toàn mới, chúng ta tự làm và bán”, ông Bình vẽ con đường Việt Nam có thể đi được trong thời gian tới.
Cũng tại sự kiện, Vinasa tuyên bố ông Trương Gia Bình sẽ là Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp Bán dẫn Việt Nam, được Hiệp hội thành lập hồi tháng 1. Mục tiêu của Ủy ban là tập hợp lực lượng chuyên gia, doanh nghiệp, đối tác để tham gia làn sóng bán dẫn, thúc đẩy ngành công nghiệp thông qua các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, kết nối hợp tác, nghiên cứu và phát triển.
PV–An ninh Tiền tệ