“Asanzo theo đuổi các giá trị thật, xây dựng các sản phẩm điện tử tốt nhất cho mọi gia đình” từng là châm ngôn kinh doanh nổi tiếng của Asanzo cho đến trước khi những sản phẩm “Made in China” của hãng này bị báo giới đồng loạt phanh phui.
Câu chuyện về đạo đức kinh doanh lại trở nên nóng hơn bao giờ hết, trên tất cả mặt báo và ngay trong chính sự giận dữ của dư luận. Nhiều người đã thầm liên tưởng scandal lần này của Asanzo với cú phốt rùm beng dư luận của một thương hiệu “Made in Vietnam” trước đây là Khải Silk.
Năm 2017, khách mua hàng phát hiện khăn lụa của Khải Silk đột nhiên có dán hai loại nhãn mác. Bên cạnh tem “Made in Vietnam” là cái mác “Made in China” còn chưa kịp tháo bỏ. Sau khi báo chí vào cuộc, ông chủ Hoàng Khải của thương hiệu này buộc phải thừa nhận rằng mình đã nhập bán khăn lụa từ Trung Quốc và gắn giả mác Việt Nam trong suốt gần 30 năm.
Đối với nhiều người đó là một cú sốc lớn, một cú đấm thẳng vào lòng tự tôn. Họ ủng hộ Khải Silk không phải vì chất lượng quá vượt trội của nó mà là từ niềm tin rằng mỗi chiếc khăn mình mua có thể giúp cho ngành tơ lụa vốn đang kiệt quệ hưng khởi trở lại. Nghĩa là người tiêu dùng đã đặt trọn niềm tin và đã bị lừa dối theo cái cách tàn nhẫn nhất.
Chẳng ai ngờ, chỉ gần 2 năm sau, một kịch bản tương tự lại tái diễn. Asanzo, trước đó được tung hô là “hàng Việt Nam chất lượng cao”. CEO Phạm Văn Tam thậm chí trở thành hình mẫu của hàng triệu người trẻ khởi nghiệp thì nay “cháy nhà ra mặt chuột”. Chuyện hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam để tiếp cận người tiêu dùng nội địa đã được rất nhiều chuyên gia cảnh báo kể từ khi cuộc thương chiến Mỹ – Trung bước vào hồi căng thẳng. Nhưng việc một thương hiệu Việt công nhiên nhập khẩu hàng Trung Quốc về, cạo tem mác gốc, đè tem Việt lên, lắp ráp và bán ra thị trường với cái danh “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” là chuyện khó tưởng tượng nổi ngay cả với những người vui tính nhất.
Cho đến lúc này, khi tất cả còn đang chờ đợi kết luận chính thức từ cơ quan chức năng thì Asanzo đã bị tẩy chay từ chính những người trước đó còn hết sức ủng hộ họ. Báo giới hôm trước còn PR cho ông chủ Phạm Văn Tam, gọi ông “người mở đường” thì hôm nay rần rần đưa tin Asanzo gian lận, khui ra đủ “phốt” trong quá khứ. Các đại lý, những sàn thương mại điện tử cũng đang nối nhau gỡ hết sản phẩm của Asanzo khỏi kệ bày bán. Còn người tiêu dùng, cư dân mạng thì tới tấp ùa vào Fanpage của Asanzo không tiếc lời sỉ vả, mắng nhiếc, khiến kênh Fanpage có hơn 170 nghìn lượt theo dõi này phải chặn “hết công suất” những bình luận tiêu cực. Mới đây, danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” của Asanzo cũng chính thức bị tước bỏ với lý do tập đoàn này cố tình khai báo sai xuất xứ hàng hóa.
Sự suy sụp tinh thần ấy của Asanzo khiến rất nhiều người không khỏi bất ngờ bởi trước đó tập đoàn này còn đang băng băng tăng trưởng với cấp số nhân. Chỉ trong vòng 4 năm (2014 – 2018), doanh thu của họ đã tăng gấp hơn 10 lần, đạt mốc 6.250 tỷ đồng, một chiến tích mà ai cũng phải ghen tị.
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là: kiếm tiền giỏi liệu có phải là tiêu chí đo lường sự thành công của một doanh nghiệp?
Chưa hẳn. Lợi nhuận chỉ là một phần rất nhỏ của kinh doanh và chưa bao giờ được cho là mục tiêu theo đuổi của những ông lớn trên thương trường. Để “đi lại trên giang hồ”, người ta cần nhiều thứ hơn tiền bạc, chính là thứ sinh ra tiền bạc: Chữ tín. Những thương nhân chân chính trong lịch sử đều cực kỳ coi trọng chữ tín trong giao dịch. Với họ, uy tín và danh dự là những thứ không thể mang ra mặc cả, không thể đánh đổi với bất cứ giá nào. Kinh doanh, với người xưa, đã trở thành một thứ “Đạo”, tương đương với đạo học, đạo làm người, đạo trị quốc…
Xã hội phát triển, quốc gia mở cửa, ai nấy đổ xô đi làm kinh doanh, ai nấy cũng đều muốn kiếm chác, trục lợi trong một thời đại mà đồng tiền đã trở thành thước đo của đạo đức. Anh kiếm tiền giỏi thì mặc nhiên là người sang trọng, đức cao vọng trọng, lời nói có uy lực, danh tiếng nổi như cồn. Chính kiểu lý luận rất nông cạn ấy đã đẻ ra ngày càng nhiều những gian thương chỉ biết đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Câu nói “Mười người buôn, chín kẻ gian” cũng mặc nhiên trở thành định lý cho giới doanh nhân. Kỳ thực, khi đạo đức đã xuống cấp trầm trọng thì không chỉ người đi buôn trở thành kẻ gian mà ở bất kỳ lĩnh vực nào người ta cũng có thể nhìn ra được điều gian dối, từ y tế, giáo dục đến chính trường. Điều đó đã khiến nhiều người không khỏi giật mình: Đạo đức trong xã hội này thực sự đáng bao nhiêu tiền một cân?
Quan niệm biến dị về thương nhân, kinh doanh ấy, đến lượt nó, tiếp tục tạo ra ảnh hưởng vô cùng tiêu cực tới nhận thức xã hội. Dần dần, người ta chấp nhận sự gian dối một cách vô điều kiện, chấp nhận như một chuyện đã rồi. Giao dịch công bằng, làm ăn chân thật mới là đạo lý chân chính của việc kinh doanh.
Trong kinh doanh, ông chủ có tâm là ông chủ biết nghĩ cho nhân viên, cho khách hàng trước khi nghĩ cho chính mình. Kinh doanh trước tiên là phục vụ khách hàng, bồi đắp đạo đức nhân luân, làm cho xã hội phồn thịnh, sau đó mới là kiếm lấy lợi nhuận cho bản thân. Thương gia như thế mới đáng được gọi là tinh anh, là viên ngọc quý của xã hội.
Phật gia cho rằng của cải, bạc tiền của người ta rốt cuộc chỉ là thứ ảo mộng, trăm năm chớp mắt qua đi hai bàn tay trắng lại hoàn tay trắng, cát bụi lại về với bụi cát mà thôi. Làm giàu đương nhiên là việc tốt. Nhưng chỉ sống vì bạc tiền thì lại là một thứ suy đồi. Nó có thể dẫn đến sự phá hủy đạo đức, nhân luân.
Tại sao rất nhiều tỷ phú ở phương Tây đều cam kết ủng hộ từ thiện đến 99% tài sản mà mình vất vả cả đời kiếm được? Tại sao họ không để lại cho con cháu mình thừa hưởng? Câu trả lời chỉ có thể là giữa bạc tiền và đạo đức, họ đã lựa chọn điều thứ hai. Ông cha ta hay nói: “Có đức mặc sức mà ăn”. Đạo đức chính là nền tảng của mọi thứ của cải vật chất, mọi sự sang giàu vinh hiển trên đời này.
Tiêu Vũ