Hơn 40 năm không xem tivi, không dùng mạng xã hội, không tiệc sinh nhật, không dự đám lên nhà mới và gần như không đi đám cưới, tôn trọng người giữ giới hơn người thân không giữ giới… là một số nguyên tắc của KTS Võ Trọng Nghĩa.
Anh tin rằng, việc bố thí – giữ giới – hành thiền là con đường đi đến giác ngộ. Trong đó, bố thí có phước ít hơn so với việc giữ giới, giữ giới có phước ít hơn so với hành thiền (thiền định và thiền tuệ; và hành thiền dựa trên nền tảng giữ giới).
Tại công ty Võ Trọng Nghĩa, tất cả nhân viên đều giữ 5 giới, hành thiền 2 tiếng/ ngày và người nào muốn hành thiền cả ngày thì vẫn được trả lương đầy đủ. Anh Nghĩa nói, chính nhờ phước đó, mà công ty vẫn hoàn thành các mục tiêu đề ra, đoạt nhiều giải thưởng kiến trúc tầm quốc tế… trong bối cảnh khó khăn chung vì dịch bệnh Covid-19.
Khi anh vừa từ thiền viện ở Myanmar trở về Việt Nam cũng là lúc cả nước cùng phải đương đầu với khó khăn vì đại dịch Covid-19. Là người lãnh đạo công ty, anh đã cùng mọi người lèo lái công việc thế nào?
Chúng tôi tin rằng, việc giữ giới, hành thiền một cách nghiêm túc, về mặt khoa học, sẽ giúp chúng tôi có sự trong sáng, và tập trung cao độ, từ đó giúp làm việc hiệu quả hơn.
Về mặt tâm linh, giữ giới, hành thiền đem lại phước rất lớn. Vì thế, kết quả là doanh thu, lợi nhuận của công ty năm 2020 cao hơn bình thường, và chúng tôi vẫn thực hiện việc chia lợi nhuận 2 lần trong năm vừa qua.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn thắng 14 giải thưởng kiến trúc tầm quốc tế. Ngay cả ngày hôm nay khi đang ngồi nói chuyện với bạn, công ty tôi cũng mới thắng 3 giải thưởng quốc tế.
Tôi vẫn chưa hiểu, chuyện công ty phát triển tốt giữa lúc thế giới đều khó khăn và chuyện mọi người giữ giới, hành thiền thì có liên quan gì đến nhau?
Nó có liên quan bởi vì giữ giới, hành thiền có phước rất lớn, mà có phước thì bớt khó khăn hơn.
Thứ hai như tôi vừa nói, giữ giới, hành thiền giúp mọi người tập trung và làm việc hiệu quả hơn.
Thứ ba, giữ giới, hành thiền giúp tăng sự đoàn kết. Mọi người không còn nghi kỵ lẫn nhau, từ đó trong công ty có thêm năng lượng tích cực và giảm tối đa năng lượng tiêu cực.
Vì mọi người luôn làm việc rất tốt, nên khi đi tu tập ở Myanmar, tôi chỉ làm việc 10-20 phút/ ngày, còn hiện nay làm việc 2 tiếng/ ngày.
Tại sao giữ giới và hành thiền lại đem lại phước lớn như vậy?
Đức Phật đã dạy như thế. Và khi thực hành thì sẽ cho kết quả như thế.
Anh vừa nói mình chỉ làm việc 2 tiếng mỗi ngày?
Lúc đầu mới về nước là chỉ có 30 phút thôi đấy, rồi dần dần vì muốn giúp công ty thêm, rồi lại giúp công ty thêm nên mới tăng dần và bây giờ làm đến 2 tiếng đã là quá nhiều rồi.
Chuyện này khá lạ, vì rất nhiều người làm lãnh đạo doanh nghiệp thường bận rộn đến nỗi ngay cả thời gian nghỉ ngơi cho chính mình họ cũng còn không có đủ!
Lãnh đạo doanh nghiệp thường bận vì lo quản lý nhân sự, tài chính, làm pr – tạo dựng mối quan hệ, nghĩ ý tưởng…
Đối với công ty tôi, nhân viên đã thực thi về việc giữ giới, hành thiền thì việc quản lý nhân sự giảm xuống còn 0% thời gian, bởi vì mọi người rất tập trung, trong sáng.
Thời gian làm PR, tạo quan hệ của tôi cũng giảm về bằng 0. Do nhân viên rất nỗ lực nộp giải thưởng để xây dựng thương hiệu. Việc quản lý chất lượng, tài chính… cũng tiết kiệm được 80-90% thời gian.
Việc của tôi chỉ còn nghĩ ý tưởng, quản lý chất lượng dự án. Như vậy sẽ rất nhanh, nên 2 tiếng/ ngày là hơi nhiều. Vì mỗi ngày tôi họp, sẽ bàn được 12 dự án một lần. 6 ngày trong một tuần như thế là có 72 dự án được họp. Như vậy quá nhiều, nhân viên ở dưới làm bao giờ cho kịp (cười).
Thời gian còn lại trong ngày anh dùng để làm gì?
Sáng thường dậy rất sớm, rồi học tiếng Anh, nghe đài, đọc báo bằng tiếng Anh, rồi 9-10h lên công ty, làm việc từ 10-12h, đi ăn và nghỉ trưa, rồi lại học tiếng Anh và hành thiền, nghiên cứu Phật Pháp, đi bộ. Tối thì đi ngủ rất sớm, từ 21h.
Nãy giờ nói nhiều về chuyện giữ giới, hành thiền ở công ty anh, nhưng vẫn chưa biết mọi người giữ giới, hành thiền như thế nào?
Đối với tại gia cư sĩ thì phải giữ được 5 giới: không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm và không uống rượu hay sử dụng các chất gây nghiện.
Mọi người trong công ty tôi vừa giữ giới và còn thiền 2 tiếng/ngày (từ thứ 2 đến thứ 6), thứ 7 thì thiền 1 tiếng/ngày, chủ nhật thì tùy. Sáng từ 8-9h và chiều 5-6h đối với khối văn phòng. Công nhân ở công trình thì họ thiền buổi sáng từ 5-6h.
Có một số người muốn đi trên con đường giải thoát, nên họ sẽ hành thiền 6-8 tiếng/ ngày, kể cả thứ 7, chủ nhật.
Chuyện này có gì khó khăn không?
Rất khó. Vì ban đầu yêu cầu tuyển dụng là phải giữ giới và thiền 2 tiếng/ ngày. Thứ hai, bản thân việc giữ giới rất khó. Ví dụ, đối với giới không trộm cắp thì nếu mình mà tiếc tiền, không mua đủ phần mềm cho nhân viên sử dụng loại có bản quyền cũng là phạm giới. Không nộp đủ thuế cũng phạm giới. Hoặc bán mua cái gì đó giá 10 tỷ lại khai 5 tỷ để giảm nộp thuế, cũng là phạm giới.
Ví dụ khác là khi đến vườn người ta, mình có thể đi ngang qua nếu không có biên giới và họ không đề biển cấm, nhưng nếu có một trái cây gì đó mình lại tự ý ngắt hái thì đó cũng là phạm giới.
Trước tiên phải khẳng định rằng: giữ giới vẫn đau khổ, nhưng sẽ giảm đi rất nhiều so với việc không giữ giới. Và khi nào giác ngộ (chứng được các tầng thiền tuệ, tâm bắt vào niết bàn) thì mới bắt đầu thoát khỏi.
Vậy “đau khổ” nhất của việc không giữ giới sẽ là gì?
Về cơ bản, nhân quả là chuyện của rất nhiều kiếp. Việc mình làm kiếp này có thể đến kiếp sau hay thậm chí kiếp sau nữa thì nhân trong quá khứ mới tạo quả. Nhưng mà rõ ràng là Đức Phật đã nói: Để đầu thai lại làm người hoặc chư thiên (tức các loài trời) thì giống như chuyện thả một con rùa mù xuống biển, 100 năm con rùa mù ấy mới ngoi lên mặt nước một lần và phải chui đúng vào duy nhất một chiếc bánh xe gỗ cũng thả trên đại dương, nhưng lại ở phía bờ bên kia.
Vì loài người và các chúng sinh về cơ bản rất khó giữ giới, nên thường cửa địa ngục rất rộng và chúng ta đang đi dần xuống đó.
Một tỷ lệ cực kỳ khó để có xác suất đầu thai lại làm người hoặc sinh ra trên trời. Bởi vậy các chúng sinh khác quá nhiều, hằng hà sa số không thể tính nổi, trong khi loài người chỉ có 7,8 tỷ là một con số quá nhỏ bé. Ví dụ, một tổ kiến ở Hokkaido (một hòn đảo nhỏ ở Nhật Bản) đã có khoảng 350 triệu con, chưa kể đến vô vàn chúng sinh khác quanh ta.
Vậy do đâu mà Đức Phật lại nói thêm, những người từ nay đến cuối đời giữ trọn được 5 giới thì gần như tuyệt đối, 100% sẽ đầu thai lại làm người hoặc tái sinh trên cõi trời? Vậy thì việc giữ giới chắc chắn phải có ý nghĩa tuyệt đối quan trọng trong việc tạo ra tài sản trong các kiếp tương lai.
Nếu mà vào địa ngục thì sẽ đau khổ thế nào?
Đức Phật nói là sáng đem ra đâm 100 dao, không chết được, chiều lại đâm 100 dao không chết, ngày mai lại tiếp tục. Cứ như thế, một kiếp ngắn là 9,5 tỷ năm, một kiếp dài là 84.000 kiếp trái đất.
Nói vậy thì bây giờ anh đã chuẩn bị đủ tài sản cho mình mang sang kiếp sống khác hay chưa?
Tạm gọi là sẵn sàng cho cái chết, chết hôm nay, chết ngày mai hay thậm chí chết ngay bây giờ, ngay lúc này đều được. Bởi vì điều may mắn nhất trong kiếp này mà tôi đã có được, là được tu tập.
Cho dù anh nghĩ như vậy, nhưng người thân của anh có nghĩ như thế không?
Mỗi người có nghiệp và phước riêng mà họ đã tích lũy được trong các kiếp quá khứ và kiếp hiện tại. Do đó, không thể ai cũng hiểu được những chuyện đó.
Nhưng nếu chúng ta là người tu nhiều trong quá khứ, thì tự khắc sẽ có nhiều người thân hiểu được chuyện này.
Ngay cả quả địa cầu này cũng có thể diệt vong cơ mà. Rồi đến lúc trái đất mới sinh ra, khi hội tụ đủ nhân duyên lại có một Đức Phật xuống trần truyền Pháp mới lại từ đầu. Tức là đến trái đất còn có sinh và diệt, thì đâu có gì khiến ta phải băn khoăn nhỉ.
Bây giờ anh đã tu tập đến mức nào rồi?
Đã tu tập gần 3 năm ở Myanmar, được dạy 40 đề mục của thiền định và các tầng thiền tuệ.
Trong thiền tuệ có 16 tầng. Tầng thứ nhất là tuệ phân tích vật chất và các dòng tâm. Tuệ thứ 2 là quán được các kiếp hiện tại – quá khứ – vị lai. Tuệ thứ 3 là nhìn thấy vô thường khổ vô ngã của các vật chất, các dòng tâm và các nhân của nó…. Cho đến tầng thiền tuệ thứ 16.
Khi tu tập thiền tuệ (bắt đầu từ tầng thứ 3) thì tâm của các thiền sinh có thể nhập vào niết bàn. Và khi đó, tâm tự khắc nhảy đến tầng thiền tuệ thứ 16. Còn ở thiền viện Pa Auk tại Pyin OO Lwin (Myanmar) mà tôi học, chỉ được dạy đến tầng thứ 11 là hành xả tuệ. Từ tầng đó, người chứng đắc thánh quả thì tâm tự nhảy lên tầng thiền tuệ 16.
Khi quán được các kiếp quá khứ – hiện tại và vị lai, anh thấy điều gì?
Thấy mình đã đi qua vô lượng kiếp sống, có kiếp trên trời, có kiếp dưới nhân gian, nhưng rất nhiều kiếp đều đã tu thiền.
Thấy công việc kiến trúc sư cũng không phải việc chính trong kiếp này, nhưng làm tốt vì có phước tu tập từ các kiếp trước.
Vì thế, kiếp này sinh ra không phải chỉ để làm kiến trúc sư, mà mục tiêu chính là để giữ giới, hành thiền.
Đã tu tập đến cảnh giới ấy thì trong cuộc sống thời dịch bệnh này, còn có điều gì khiến anh cảm thấy bất an không?
Bất an vì điều gì nhỉ? Vì ngay cả cái chết mình còn sẵn sàng mà.
Trong đối nhân xử thế với xã hội bên ngoài, anh có thấy mình lạc lõng vì cách sống và mục tiêu khác biệt?
Tôi gần như không đi đám cưới (gần đây mới dự hai đám), vì nơi đó mọi người uống rượu bia, rồi nhiều khi nói năng không giữ giới. Tôi cũng không dự tiệc sinh nhật, nói không tuyệt đối với việc ăn nhậu hay café để tám chuyện. Nếu buộc phải đi thì mọi người uống rượu, còn tôi uống nước suối.
Có một điều chắc chắn là tôi chỉ thích chơi với người giữ giới. Ngay cả với ba mẹ và người thân ruột thịt, tôi cũng nói với họ quan điểm là như vậy.
Trước nay, chúng ta vẫn hay quý những người thiện lành. Nhưng từ người thiện lành cho tới người giữ giới vẫn còn cách nhau một khoảng cách dài lắm. Và Đức Phật đã dạy rồi, bất kể ở đâu, ta cũng nên thân cận với người thiện tri thức.
Ba má anh có thấy như vậy là bất thường không?
Không! Ba má cũng đang giữ giới rất tốt rồi.
Còn vợ con anh thì sao?
Vợ cũng tu tập rất tốt, đã tu tập đến các tầng thiền tuệ rồi. Từ khi tu tập thì vợ chồng gần như không bao giờ cãi nhau, và đêm nào cũng ngủ rất ngon. Con gái cũng giữ giới.
Phải nói rằng ấy là phước của họ, chứ không hề vì thấy tôi tu tập mà họ phải miễn cưỡng!
Nếu đã hiểu được tất cả những điều đó, thì sao anh vẫn còn quan tâm chuyện kinh doanh và nộp giải thưởng?
Chuyện nỗ lực nộp giải thưởng vì mấy mục tiêu chính:
Thứ nhất là việc giữ 5 giới đã giúp công ty phát triển rất tốt trong lúc thị trường lao đao. Do đó, phải nỗ lực nộp giải thưởng như một phần trong công cuộc làm thương hiệu, khẳng định sản phẩm của công ty được ghi nhận, tạo tiền đề cho những công việc mới. Vì mình không đi ăn nhậu, không đi tạo quan hệ được mà.
Thứ hai, nếu công trình tốt và chất lượng thì bản thân nó đã có giá trị trong xã hội, góp phần giúp nhiều người cùng biết đến kiến trúc Việt Nam. Khi họ càng biết nhiều về kiến trúc Việt Nam thì mình càng có cơ hội để giải thích về giữ giới, hành thiền.
Thực ra, tôi làm kiến trúc sư không tốt bằng việc giữ giới và hành thiền. Vì so với việc giữ giới, hành thiền và giúp người khác giữ giới, hành thiền thì chuyện trở thành kiến trúc sư nổi tiếng không có nhiều ý nghĩa, hay có thể nói chỉ là một phần bé tí.
Nhưng tôi lại nghe nói, mọi người ở công ty anh làm việc rất nhiều?
Mọi người rất nỗ lực, thường 20-21h mới về, dù tôi vẫn nhắc họ nên về sớm nhưng họ không nghe, có người còn làm thâu đêm đến 3-4h sáng. Thực ra nỗ lực cũng là một trong 10 ba la mật giác ngộ. Ngoài ý thức trách nhiệm với công việc, một phần vì nhiều người còn làm thay phần việc cho những người chỉ hành thiền.
Có nghĩa là trong công ty anh, có những người chỉ chuyên tâm cho việc hành thiền mà vẫn được trả lương đầy đủ?
Đúng vậy, không những được trả lương mà còn được nhận 2 bữa ăn trưa, ăn tối đầy đủ.
Nhưng chính xác là một người mới vào trong công ty sẽ bắt đầu hành thiền theo từng nấc. Lúc đầu mới vào làm, họ thiền 30 phút buổi sáng, 30 phút buổi chiều trong vài ngày. Nếu người đó cảm thấy hành thiền như vậy rất tốt, họ sẽ nâng thời gian lên thành một tiếng buổi sáng và một tiếng buổi chiều…
Cứ tăng 30 phút như thế, nếu liên tục thiền được 2 tiếng buổi sáng, 2 tiếng/ buổi chiều trong vòng 14 ngày thì người đó mới hoàn thành khóa thiền, và bắt đầu thiền một ngày 2 tiếng.
Nếu có người nào đó thiền tốt và muốn tăng thời gian hành thiền, thì thậm chí họ có thể được toàn thời gian để hành thiền mà vẫn hưởng nguyên lương, có cơm ăn 2 bữa đầy đủ.
Mọi người trong công ty cũng rất ủng hộ họ. Có người thì làm thay phần việc, có người đem bánh, trái cây, đồ ăn đến để cúng dường cho họ hành thiền. Bởi vì người đó xứng đáng được như thế.
Phải nói rằng, có thể ngồi thiền cả ngày mà không làm gì là một điều rất khó, hiếm ai làm được.
Công ty anh đã có ai như vậy chưa?
Nhiều chứ, đã có nhiều người sang Myanmar tu tập ở thiền viện được công ty tặng vé máy bay và giữ nguyên lương trong quá trình tu tập. Năm nay dịch bệnh chứ không mọi người sẽ đi mạnh lắm!
Tất nhiên việc giữ giới hành thiền rất khó nên không thể có chuyện cả công ty đều như vậy. Hành thiền phải đi cùng với giữ giới vì giữ giới hỗ trợ rất tốt cho thiền định. Và khi tu tập, phải có thầy giỏi hướng dẫn.
Mọi người trong công ty anh đều hoan hỷ với việc giữ giới, hành thiền như vậy, hay có người nào đó cảm thấy đấy chỉ là quy định phải tuân theo, hoặc muốn bỏ việc vì không thể giữ giới, hành thiền?
Chỉ trước kia thôi còn bây giờ, tiêu chí giữ giới đã được nói rõ ngay từ đầu rồi. Vì trước kia tôi từng tuyển người không giữ giới vào rồi cũng giúp họ đủ thứ nhưng vẫn không được. Bây giờ lớp người đầu tiên ấy chỉ còn lại 5-6 người và họ đều đã là lãnh đạo cả, đâu có gì phải lo lắng!
Vì điều gì mà toàn bộ nhân viên công ty anh luôn nỗ lực, kiên trì giữ giới, hành thiền?
Vì điều kiện tuyển người là giữ giới, hành thiền.
Thứ hai, công ty tạo ra văn hóa coi trọng việc giữ giới và hành thiền. Với chúng tôi, việc đó là việc quan trọng nhất.
Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!
Trương Thu Hường-Doanh nghiệp tiếp thị