Đồng thời, ông Lê Huy Khoa cũng tiết lộ tính cách của thầy Park – một người dám làm dám chịu, không bao giờ đổ lỗi sai cho bất cứ ai nếu gặp thất bại.
Lê Huy Khoa được biết đến là trợ lý ngôn ngữ của huấn luyện viên trưởng của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Park Hang-seo. Song hành cùng với HLV Park từ năm 2017, đi cùng với đội tuyển U23 Việt Nam từ những trận cầu đáng nhớ ở Thường Châu, Trung Quốc, ông Khoa đã là một gương mặt quen thuộc với người hâm mộ cả nước.
Chính vì những gắn bó như vậy nên phần nào ông Khoa cũng hiểu được tính cách, con người thầy Park. Ngay ngày làm việc chính thức đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 10/10/2017, HLV Park Hang-seo đã có buổi phỏng vấn và sát hạch các ứng viên cho vị trí trợ lý ngôn ngữ của đội tuyển Việt Nam; tới ngày 18/10, thầy Park công bố ứng viên Lê Huy Khoa vượt trội hoàn toàn so với các ứng viên còn lại, chính thức trở thành trợ lí ngôn ngữ của mình kể từ ngày 26.
Trong lần “chinh chiến” tại SEA Games 31 lần này, người đồng hành của HLV Park là một trợ lí ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, ông Khoa vẫn dành thời gian theo dõi những người đồng nghiệp của mình trong từng trận cầu. Trước chiến thắng 1-0 của đội tuyển U23 Việt Nam đối với đội tuyển U23 Thái Lan tối ngày hôm qua, ông Khoa đã có những quan sát và nhận định của cá nhân về bí quyết của HLV trưởng với tiêu đề bài viết “Vì sao ông Park thành công?”.
Đầu tiên, ông khẳng định, “Việt Nam vô địch lần thứ 2 liên tiếp ở SEA Games rồi. Thắng một lần là may mắn, thắng hai lần là do năng lực. Tuyển Việt nam và thầy Park thành công ở giai đoạn hiện nay, đó là điều mà ai cũng thấy cả, nhưng sự thành công đó sẽ có giá trị hơn. Càng nhiều giải đấu thì ngày chia tay ông càng lại gần, đã đến lúc chúng ta lo cho tương lai khi không còn ông ấy nữa, sẽ giá trị hơn nếu như chúng ta nên tìm cách phân tích và học hỏi xem tại sao họ thành công.”
Không ít người đã bàn luận về thành công của thầy Park đối với bóng đá Việt Nam, nhưng từ những trải nghiệm cá nhân khi làm việc cùng HLV trưởng, ông Khoa khẳng định công thức này có thể được nhân rộng và học hỏi thì có mấy lý do mà chúng ta có thể học hỏi. Ông hi vọng bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo là bản chất, chứ không phải là hiện tượng.
Cụ thể bài đăng của trợ lí ngôn ngữ Lê Huy Khoa:
- Ông Park chọn đúng việc, VFF chọn đúng người. Vậy mới thấy chọn đúng quan trọng không kém phần nỗ lực. Suy nghĩ kỹ, lựa chọn đúng thời điểm, đúng đối tượng đã là thành công 50%.Ngày anh Shin nhận chức HLV trưởng của Indonesia, một HLV trứ danh Hàn Quốc đã nói: Anh Shin giỏi, nhưng không đúng thời điểm vì bóng đá Indo đang đi xuống.
- Ông Park luôn dồn toàn tâm toàn ý cho công việc, khi vào việc thì ông ấy chỉ biết bóng đá và bóng đá, mọi thứ khác ông ấy bỏ qua một bên, hoặc quên hết mọi thứ không liên quan đến bóng đá, và tất nhiên những cộng sự của ông cũng phải như vậy: không việc riêng, không làm việc ngoài bóng đá, không nói chuyện ngoài bóng đá, tất cả là dồn sức cho lần cuối trong cuộc đời bóng đá. Người dồn mọi tâm trí vào công việc của mình ắt có thành công.
- Trong khả năng có thể, ông luôn yêu cầu và tất nhiên được tạo điều kiện tối đa nhất trong khả năng có thể. Ngay từ đầu, ông đã xây dựng cho mình một ekip để làm việc, từ người Hàn cho đến người Việt để trao đổi và nhận xét, đánh giá chính xác nhất tình hình, và điều này giúp ông luôn đưa ra quyết định đúng nhất.
- Ông Park có triết lý riêng và rất cương quyết với triết lý này: đó là ổn định sơ đồ lối chơi, cách tuyển chọn cầu thủ, cách chỉ đạo theo tình huống, triết lý chơi bóng, triết lý quản quân, lấy chiến thắng làm mục tiêu tối thượng, không để thua là ưu tiên hằng đầu, có thể thua thế trận nhưng vẫn có thể thắng… và điều này quán triệt 5 năm nay hình thành lên lối chơi quán triệt từ U23 cho đến tuyển Quốc gia.
Ông kể, ngày mới nhậm chức, ông dùng sơ đồ 5 hậu vệ và bị chê tơi tả, nhưng giờ, hàng phòng ngự đang là nền tảng của thành công của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Ông ấy xây dựng triết lý bóng đá riêng phù hợp với chỉ riêng hoàn cảnh Việt Nam, ngay từ ngày đầu, ông đã nói “Chúng ta không phải là Barca, chúng ta không thể chơi bóng như họ, chúng ta phải chơi bóng theo “Vietnam style””.
- Ông Park có cái uy của người cầm quân,ông không vận hành đội bóng theo triết lý dựa vào một cá nhân, lối chơi phải là tập thể, cầu thủ ai cũng sợ ông, và họ biết rằng nếu không phát huy năng lực của mình thì cơ hội sẽ không còn đến nữa. Quả đá của Anh Đức vào lưới Malay Suzuki Cup 2 lần trước đưa VN vô địch, quả đánh đầu tối qua của Mạnh Dũng, và nhiều tình huống khác… đúng là những khoảnh khắc xuất thần mà chỉ có cầu thủ nào tập trung hết sức vào chuyên môn mới có thể làm.
- Ông ấy có toàn quyền quyết định mọi nhân sự ở đội tuyển. Ông ấy dám làm dám chịu, không ai có thể can thiệp vào chuyện đó, và ông chịu trách nhiệm về điều đó, ông ấy gần như ít khi đổ lỗi cho bất cứ ai nếu có thất bại, và khi thấy điều gì đó sai ông ấy sẽ triệt để sửa chữa mọi thứ, không nhân nhượng.
- Ông Park luôn chuẩn bị và làm việc hết sức chu đáo, cẫn thận, cầu toàn, nghiêm khắc đến mức khắc nghiệt ở nhiều tình huống, hiếm có HLV nào mà tập trung tuyển trước cả tháng, tập trung 1-2 đội hình cùng lúc, sàng lọc kỹ càng, có khi danh sách dự bị có khi lên đến 50 người chỉ để chọn 23 người. Nếu học ông Park thì có lẽ điều cần học nhất đó là sự cần cù, chơi ra chơi, làm ra làm và luôn hết mình.
- Ông Park luôn có may mắn đồng hành, và may mắn này đến tự sự nỗ lực hết mình, ông gặp một thế hệ tài năng, những thành công sớm (U23) trước đó giúp ông ấy có điểm tựa, cầu thủ có tinh thần tốt, cái đà và tính lan tỏa cao, biến cầu thủ thành những viên kim cương tỏa sáng đúng nghĩa, ông ấy có sự ủng hộ của những người làm bóng đá cao nhất ở Việt Nam, có sự cổ vũ từ người hâm mộ… tóm lại là ông ấy có nhân duyên; con người có nhân duyên để làm việc với nhau thì sẽ thành công.
- Ông Park được mọi người yêu quý và ủng hộ, quan tâm, từ lãnh đạo Chính phủ đến VFF, các ông bầu, người dân, fan hâm mộ../ tình yêu của họ giúp ông có trách nhiệm hơn, gắn bó và thiết tha với công việc, làm việc với trái tim nhiệt huyết.Khi người “chủ” hết lòng yêu thương, thì người “làm công” cũng hết lòng hết dạ.
Nếu cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu nhiều hơn, nền bóng đá trong nước phát triển hơn,k inh tế chúng ta tốt hơn thì có lẽ tuyển bóng đá Việt Nam còn thành công hơn nữa.
Thành công của ông Park và các đội tuyển bóng đá Việt Nam gần đây nói rằng: Con người Việt Nam có thể làm được mọi việc mà người khác làm.
Ảnh: VTC, Nhịp sống Việt, NLD.-Theo Ngọc Quế–Trí thức trẻ