Đôi vợ chồng người dân tộc Thái đi lên từ đôi bàn tay trắng, nhờ đồng vợ đồng chồng mà có được cơ ngơi tiền tỷ như hiện nay.
Nếu muốn đi thật nhanh hãy đi 1 mình, nếu muốn đi thật xa thì đi cùng nhau. Và vợ chồng Thủy – Tươi đã thành công trên chặng đường đồng hành cùng nhau ấy.
Chuyện kể rằng, ở bản Vặt, xã Mường Sang, Mộc Châu có đôi vợ chồng người dân tộc Thái đi lên từ đôi bàn tay trắng, nhờ đồng vợ đồng chồng mà có được cơ ngơi tiền tỷ như hiện nay.
Từ cuộc sống bươn trải đến quyết định khởi nghiệp với 500 nghìn
Hà Văn Thủy và Lường Thị Hồng Tươi quen nhau khi học ở trường Cao đẳng Sơn La. Thấy Thủy hiền lành, chân chất Tươi cũng cảm mến. Cặp đôi bảo nhau phấn đấu có 1 tương lai tươi sáng thoát khỏi cái nghèo.
Năm 2012 họ tổ chức 1 đám cưới bình dị theo văn hóa dân tộc Thái. Bấy giờ mọi thứ không được như mong đợi, Thủy ở nhà làm nông còn Tươi đi bán rau, bán đồ đặc sản của người dân tộc Thái. Những buổi chợ đi sớm về muộn, Tươi không còn được thảnh thơi như thời son dỗi. Cuộc sống với mọi gánh nặng, nỗi lo cơm áo gạo tiền đè lên vai, người phụ nữ nhỏ bé chưa từng kêu khó kêu khổ với chồng.
Vợ chồng Tươi đa phần dựa vào nông nghiệp. Lúc rảnh Thủy vác máy cày đi cày thuê cho các nhà quanh bản. Ra trường không xin được việc làm, 2 vợ chồng quanh quẩn đồng áng thu nhập chẳng đủ trang trải. Năm 2013, Tươi bàn với chồng mua 500 cây dâu tây giống với số tiền 500 nghìn đồng để gieo trồng thử trên 300m2 đất. Thời điểm đó cây dâu còn khá mới ở Mộc Châu, khách du lịch cũng lên thăm quan nhiều mỗi mùa dâu chín.
Thấy khả quan, vợ chồng Tươi nhân rộng mô hình, từ 300 lên 1000m2 đất. Thế nhưng chẳng có gì là suôn sẻ mãi. Họ gặp khó khăn trong đầu ra, 2 hôm phải thu hoạch dâu 1 lần mà không kịp bán nên Tươi đành mang về ngâm rượu.
“Lúc ấy cuộc sống bấp bênh khó khăn lắm. Có lần cả tuần không bán được, hái đến 5 lứa đều không có đầu ra. Cũng may là mình được chồng hỗ trợ phụ việc nhà, con cái. Thấy vợ áp lực anh cũng động viên nhiều. Dù không nói chuyện kiểu ngọt ngào hay lãng mạn nhưng anh rất chịu khó, chăm chỉ, có thể là sẽ san sẻ với vợ”, Tươi nhớ lại.
Dần dần vườn dâu nhà vợ chồng Tươi thu hút được khách du lịch, đầu ra ổn định. Dâu cô ngâm rượu cũng bán được, khách uống đều thích nên họ thuê thêm người làm, cuộc sống bớt khó khăn hơn.
Thành công này khiến Tươi muốn cố gắng hơn 1 chút. Vợ chồng họ lại vay mượn người thân, ngân hàng để xây nhà sàn làm mô hình du lịch. Khi người ta làm mấy tháng xong cái nhà sàn thì vợ chồng Tươi mất đến 5 năm. Năm 2014 đã có lúc cô muốn bỏ cuộc vì không có tiền, không xoay xở nổi khi kinh phí để xây 1 ngôi nhà sàn lúc ấy là 800 triệu.
Thế rồi, người mà cô nghĩ khô khan nhất lại tiếp thêm cho cô động lực. Anh nói cả cô và anh phải cùng cố lên vì tương lai của cả gia đình, vì anh muốn cô có công việc ổn định, không phải vất vả bươn trải chợ búa sớm nắng chiều hôm như trước kia.
Sự thay đổi bất ngờ của anh chồng ít nói, khô khan gia trưởng
Tươi cho biết, trước đây đàn ông trong bản kể cả chồng cô chỉ biết làm nông, không quan tâm đến công việc của vợ hay phát triển thay đổi cuộc sống. Thậm chí, đến khi có dự án du lịch cộng đồng về bản họ vẫn có chút thành kiến với phụ nữ, không muốn cho vợ mình tiếp xúc với khách là đàn ông.
Cũng như bao cặp vợ chồng khác, Tươi và Thủy cũng có lúc cãi vã, bất đồng. Nhưng vài năm trở lại đây anh đã thay đổi rất nhiều.
“Khi dự án thúc đẩy bình đẳng giới về bản, chồng mình cùng nhiều đàn ông khác cũng được đi học, tập huấn, thay đổi suy nghĩ, tư duy, mở mang đầu óc và về biết đỡ đần yêu thương vợ hơn. Ví dụ trước kia chồng mình chỉ biết việc làm đồng, ngoài ra thì cày thuê nhưng giờ đây anh hỗ trợ mình tiếp đón khách, nấu ăn, dọn dẹp không ngại 1 việc gì. Những ngày không có khách thì anh sẽ làm vườn. Vợ chồng phân công công việc rõ ràng nhưng anh cũng tự giác và đôi khi làm thay cả phần việc của vợ”, Tươi chia sẻ.
Từ khi mở homestay, khách đã quá quen với nụ cười thân thiện của anh Thủy, những món ăn đậm vị Tây Bắc anh nấu, hay cả vẻ duyên dáng, đằm thắm trong bộ váy Thái của bà chủ Hồng Tươi. Người chồng khô khan có phần máy móc ngày nào giờ trở thành trụ cột, linh hồn của gia đình.
Những món quà đặc biệt giá trị dần qua mỗi năm
Anh Thủy được nhiều người nhận xét là có nét duyên ngầm, bởi người đàn ông ít nói này chỉ cần tủm tỉm là người đối diện đã cảm thấy ấm áp khó tả. Chàng trai dân tộc mộc mạc ấy cũng không biết nói lời hoa mỹ với vợ, anh cũng không để ý rõ những ngày lễ trong năm nên tặng vợ cái gì.
Có lần thấy điện thoại vợ hỏng, anh Thủy lặng lẽ mua điện thoại mới cho vợ. Biết tính cô tiết kiệm sẽ không chủ động đi mua nên anh muốn tặng vợ món quà thiết thực nhất. Anh luôn như vậy, sẽ dùng hành động để bù đắp cho vợ.
Anh Thủy tâm sự: “Năm vừa rồi ông bà ngoại ốm nên Tươi phải chạy lên chạy xuống nhiều việc mình thấy thương vợ hơn. Cũng không biết nói gì cả, chỉ cố hết sức giúp vợ, đỡ đần vợ được nhiều việc nhất có thể”.
Tươi cho biết, món quà lớn nhất mà cô cảm thấy vô cùng ý nghĩa trong những năm qua là kế hoạch của 2 vợ chồng được hoàn thành.
“Bọn mình đặt mục tiêu hàng năm, ví dụ như năm nay phấn đấu làm căn nhà sàn, sang năm phấn đấu mua ô tô. Hết năm tổng kết lại đạt được mục tiêu là món quà 2 vợ chồng tặng nhau. Với người khác có thể là bình thường nhưng với vợ chồng mình là sự cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ”, Tươi bộc bạch.
Thế mới nói, thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn. Người ta cứ mong cầu những hạnh phúc xa xôi với người đàn ông ngọt ngào lãng mạn, song đôi khi, hạnh phúc bền chặt nhất là khi chúng ta vì nhau mà cố gắng, vì tình yêu này mà giúp nhau trở nên tốt hơn mỗi ngày.
Theo VV–Phụ nữ số