Là một dược sĩ nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Trân (SN 1979) lại có niềm đam mê với y học cổ truyền. Chính vì vậy, khi có cơ duyên với ngành này, chị đã quyết định mở một phòng chẩn trị y học cổ truyền để giúp người bệnh.
Chị Ngọc Trân vẫn luôn trăn trở vì có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh tự điều trị đau bằng các thuốc kháng viêm, giảm đau, corticoid… mà không tìm đến sự tư vấn chuyên môn từ bác sỹ, dược sỹ. Việc sử dụng thuốc trong thời gian dài và không được theo dõi như vậy để lại nhiều biến chứng cho bệnh nhân như viêm loét dạ dày, loãng xương, suy thận, hội chứng cushing…
Lớn lên trong gia đình có truyền thống trong ngành dược, chị nhận thấy được những ưu việt của các phương pháp điều trị bằng Tây y đối với các bệnh lý cơ xương khớp cũng như những nhược điểm của nó. Tây y được ưa chuộng do hiệu quả điều trị nhanh, các dạng thuốc điều trị đều rất dễ tiếp cận. Tuy nhiên đó cũng là lý do làm cho bệnh nhân và cả thầy thuốc dễ lạm dụng thuốc Tây và gây ra các biến chứng sau này cho bệnh nhân.
Qua quá trình làm việc, học tập và quan sát, chị đã nhận ra những ưu điểm vượt trội của Đông y và mong muốn áp dụng nó cho người bệnh.
Chị Ngọc Trân cho biết, các phương pháp điều trị của Đông y như xoa bóp, châm cứu, và dùng thuốc đều khá lành tính, ít tác dụng phụ khi điều trị lâu dài. Điều trị bằng Đông y hiệu quả nhưng phác đồ điều trị cần điều chỉnh tỉ mỉ và cẩn thận phù hợp với từng bệnh nhân. Đó vừa là tinh hoa vừa là cái khó của Đông y.
Chị Ngọc Trân tốt nghiệp dược sĩ trường Đại học Tây Đô, TP Cần Thơ. Do đó, thấu hiểu những ưu nhược điểm khi điều trị bằng tân dược, phòng chẩn trị y học cổ truyền của chị hình thành từ năm 2011 đã xác định phương châm điều trị an toàn, hiệu quả và chỉ sử dụng thuốc khi thật cần thiết.
Chị chia sẻ: “Vợ chồng tôi khởi nghiệp khi trong tay chỉ có sức khỏe, sự tận tâm và đam mê nghề nghiệp. Những khó khăn ban đầu thì ai cũng có nhưng may mắn là tôi có người chồng cùng chí hướng. Khó khăn đến mấy thì hai vợ chồng cũng không bỏ cuộc và chúng tôi đã cùng nhau vượt qua những đợt sóng dài”.
Bố chồng chị là lương y, còn chồng chị là bác sĩ. Anh giúp chị phụ trách chuyên môn của phòng khám. Trong khi chị am hiểu về thuốc Tây và anh là bác sĩ đông y, hai vợ chồng đã nghiên cứu chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp các phương tiện chẩn đoán điều trị của y học hiện đại.
Ban đầu phòng khám hoạt động điều trị không dùng thuốc chỉ sử dụng phương pháp như châm cứu, bấm huyệt, chườm ngải cứu, chiếu đèn hồng ngoại… Sau đó anh chị đã bổ sung thêm các máy móc thiết bị vật lý trị liệu để điều trị các bệnh lý gây đau như đau cổ vai gáy, đau cơ, đau lưng, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa…
Chị Ngọc Trân chia sẻ, làm công việc liên quan đến sức khỏe, đến con người, cái khó của dược sĩ, bác sĩ là giải thích cho bệnh nhân khi nào nên dùng thuốc, vì đa phần bệnh nhân khi bị đau, nhất là đau cơ xương khớp, bệnh nhân thường muốn uống thuốc để giảm đau nhanh nhất có thể. Thậm chí đau đâu tiêm đó để dứt cơn đau nhanh mà ít để ý đến tác dụng phụ của thuốc. Bởi vậy, chị đã ứng dụng thêm vào phòng khám của mình các phương pháp vật lý trị liệu như các loại máy trị liệu siêu âm, laser, xung kích hay sóng ngắn… để giảm đau lâu dài mà không có tác dụng phụ.
Tận tâm với nghề và yêu thương người bệnh như người thân, phòng khám của chị Ngọc Trân đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người nên “tiếng lành đồn xa”, ngày càng nhiều bệnh nhân tìm đến với phòng khám.
Tuy được nhiều người tin tưởng tìm đến nhưng chị không dừng lại ở đó, hai vợ chồng chị liên tục học hỏi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về y dược để tìm ra những phương pháp điều trị phù hợp cho người dân trong vùng. Cùng với đó, chị dành nhiều thời gian để đào tạo đội ngũ nhân viên y tế vừa giỏi nghề vừa có tâm và biết san sẻ với người bệnh.
Trong những năm qua, chị tự hào khi có được đội ngũ y bác sĩ có tâm, có nghề đồng hành cùng phòng khám. Họ là những bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ ngoại chấn thương chỉnh hình, vật lý trị liệu, chẩn đoán hình ảnh… đều là những người tâm huyết với nghề.
Chị cũng vượt mọi khó khăn để đầu tư phòng siêu âm tổng quát, phòng chụp X-quang,… để việc chẩn đoán cho bệnh nhân được tập trung, hiệu quả hơn.
“Hiện nay tôi đang đang hoàn thiện phòng thuốc Đông y, phát triển phương pháp ngâm chân hỗ trợ điều trị bệnh nhân cơ xương khớp, gout, viêm da và bệnh nhân mất ngủ. Bên cạnh đó là hỗ trợ nơi lưu trú cho bệnh nhân ở xa để họ đỡ vất vả khi điều trị lâu dài” – dược sĩ Ngọc Trân chia sẻ.
Và khi được hỏi về những khó khăn, chị Ngọc Trân tâm sự, nghề nào cũng cần cái tâm, nghề y lại càng cần. Bác sĩ phải chữa bệnh cho bệnh nhân như chữa bệnh cho mình và người thân nên luôn gặp khó khăn. Thế nhưng chị vẫn ngày đêm cần mẫn với nghề, với bệnh nhân nhằm mang lại những điều tốt đẹp nhất cho người bệnh.
Theo PNVN