Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp ở Biển Đông bằng các biện pháp mà luật pháp quốc tế cho phép.
Lập trường kiên định của Việt Nam
Các nhà phân tích cho rằng, Việt Nam đang có lập trường mạnh mẽ trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lộ rõ dã tâm muốn độc chiếm vùng biển này. Tuy vậy, một cuộc đối đầu trực tiếp giữa các bên dường như là điều khó xảy ra ở thời điểm hiện tại.
Căng thẳng ở Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa qua đã yêu cầu: “Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra”.
Ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự tại đại học New South Wales cho rằng, yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là thông điệp rõ ràng cho thấy Việt Nam không lùi bước trong cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ ở Biển Đông trước tham vọng phi lý của Trung Quốc.
Giáo sư Thayer nêu rõ: “Việt Nam đang đứng trước thách thức là sự hiện diện dự kiến sẽ kéo dài của các tàu Trung Quốc ở nhiều địa điểm trên vùng biển của Việt Nam. Trung Quốc có thể âm mưu triển khai một giàn khoan dầu lớn trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong khi các tàu khác của Bắc Kinh vẫn tiếp tục cản trở hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí của Việt Nam với các đối tác nước ngoài”.
Cộng đồng quốc tế và công lý đứng về phía Việt Nam
Trong bối cảnh đó, theo giáo sư Thayer, Việt Nam có thể giành được sự ủng hộ từ các nước láng giềng bao gồm Philippines, Malaysia và Brunei – những quốc gia cũng có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng phô diễn sức mạnh cơ bắp với lực lượng áp đảo.
Trang mạng Asiaentinel hôm 11/10 cũng đã có bài viết nhận định rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc ở khắp khu vực Đông Nam Á và xa hơn nữa đang khiến các nước thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – vốn có truyền thống tránh xa an ninh khu vực tập thể – phải xem xét vấn đề hiện nay ở Biển Đông với một sự tập trung mới.
Bài báo cũng chỉ rõ mưu đồ của Bắc Kinh hòng hiện thực hóa yêu sách “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là đường lưỡi bò ) nhằm biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc. Lập trường hung hăng của Bắc Kinh với vấn đề Biển Đông được hỗ trợ bởi các hoạt động của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại vùng biển này – đã trở thành một mối lo ngại lớn. Hầu hết các quốc gia ASEAN đều coi sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông như mối đe dọa đối với sự tự do đi lại ở các vùng biển quốc tế.
Không chỉ có ASEAN, Mỹ, EU và nhiều nước khác cũng đã bày tỏ quan ngại về hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc ở Biển Đông. Không dừng lại ở những chỉ trích bằng phát ngôn, Mỹ thường xuyên thực hiện các Chiến dịch Tự do Hàng hải (FONOPs) trên Biển Đông thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với tuyến đường hàng hải bận rộn bậc nhất trên thế giới.
Hồi cuối tháng 9 vừa qua, nhóm tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan cũng đã vào Biển Đông. Theo nhận định của một số chuyên gia, động thái này là lời cảnh báo nghiêm khắc của Mỹ đối với Trung Quốc. Với lý do để đảm bảo an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, các tàu chiến của Mỹ có quyền đi tới các vùng biển quốc tế trên Biển Đông mà không phải xin phép.
Soi chiếu vào phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế trong vụ kiện Biển Đông của Philippines đối với Trung Quốc thì các thực thể trong khu vực quần đảo Trường Sa không thể có vùng biển rộng hơn 12 hải lý, do đó việc Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp các thực thể ở Trường Sa không thể tạo ra bất cứ cơ sở nào cho Trung Quốc yêu sách vùng biển này. Hơn nữa, Trường Sa không phải quốc gia quần đảo nên không thể có đường cơ sở quần đảo. Do đó, việc Trung Quốc luôn lớn tiếng nói rằng chiến hạm Mỹ xâm phạm cái gọi là “lãnh hải của Trung Quốc” và “vi phạm luật pháp quốc tế” khi các tàu này áp sát những hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bất chấp tất cả để tạo nên ở Biển Đông là hoàn toàn không có căn cứ.
Ấn Độ – quốc gia đang muốn khẳng định vai trò ngày càng rõ nét hơn trong các vấn đề khu vực đương nhiên cũng sẽ không đứng ngoài. “Ấn Độ đang theo sát những diễn biến ở Biển Đông và sẽ tăng cường hợp tác với các nước đối tác, bao gồm cả Việt Nam. New Delhi sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ an ninh và quốc phòng với tất cả các nước dựa theo chính sách hành động hướng Đông”, Rajeev Ranjan Chaturvedy, giảng viên thỉnh giảng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cho biết.
Theo giáo sư Thayer, điều này có thể đồng nghĩa với việc Ấn Độ sẽ can dự vào tranh chấp ở Biển Đông với tư cách một trọng tài viên khi nêu bật tầm quan trọng của việc giữ cho Biển Đông ổn định, hòa bình và thúc giục Trung Quốc cùng với Việt Nam thực hiện các biện pháp ngoại giao để giảm căng thẳng.
Ông Thayer cũng lưu ý: “Các công ty Ấn Độ có cổ phần tại Việt Nam, Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) cũng đang hợp tác khai thác dầu ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam”./.
theo VOV