Hạt tiêu chiếm 20% tổng lượng gia vị của thế giới với sản lượng do Việt Nam dẫn đầu tính đến năm 2022.
“Vàng đen” của thế giới
Giáo sư danh dự James F. Hancock thuộc Đại học bang Michigan (Mỹ) cho biết, từ xa xưa, hạt tiêu luôn là loại gia vị quan trọng hàng đầu trên thế giới.
Nó đóng vai trò trung tâm trong các loại thuốc của Ấn Độ và Trung Quốc cổ đại, trở thành một gia vị quan trọng trong thực phẩm của người La Mã cũng như châu Âu thời trung cổ.
Tham vọng sở hữu hạt tiêu đã đưa Vasco da Gama đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng đến Ấn Độ Dương và Christopher Columbus băng qua Đại Tây Dương đến châu Mỹ.
Hạt tiêu đen được “thèm muốn” ở thế giới cổ đại đến mức các thương gia gọi loại hạt này là “vàng đen”.
Hạt tiêu được cho có nguồn gốc từ Ấn Độ cách đây ít nhất 2000 năm trước Công nguyên, là một thành phần quan trọng trong hệ thống y học Ayurveda Ấn Độ cổ đại.
Thời kỳ này, hạt tiêu cũng được buôn bán với các quốc gia khác dọc theo các tuyến đường thương mại. Một vài tài liệu từ thời nhà Hán và nhà Đường (Trung Quốc) cho thấy, các thương nhân đã mang hạt tiêu từ Ấn Độ tới Tứ Xuyên vào thế kỷ thứ 2 TCN.
Hạt tiêu ban đầu có thể được mang đến Trung Quốc với mục đích làm thuốc nhưng không lâu sau nó đã trở thành một loại gia vị quan trọng trong thực phẩm Trung Hoa.
Khi thương gia kiêm nhà thám hiểm nổi tiếng Marco Polo tới Trung Quốc vào năm 1271, ông nhận thấy hạt tiêu là một thành phần chính trong ẩm thực của người Trung Quốc và việc buôn bán hạt tiêu đã trở thành một ngành kinh tế chủ lực.
Chỉ riêng thành phố Hàng Châu đã tiêu thụ 43 xe hạt tiêu, mỗi xe nặng 101 kg mỗi ngày. Đến thời nhà Tống, hạt tiêu trở thành cống phẩm bắt buộc từ các nước Nam Á cho Trung Quốc.
Tại châu Âu, người Hy Lạp và La Mã cổ đại đặc biệt yêu thích hạt tiêu. Họ sử dụng nó để tăng thêm hương vị cho món ăn và như một biểu tượng của sự giàu có và địa vị. Loại gia vị này được đánh giá cao đến mức nó thường được sử dụng như một hình thức thanh toán tiền thuê nhà, thuế và của hồi môn.
Theo nhà địa lý người Hy Lạp cổ đại Strabo, hàng năm, đế chế La Mã thường cử một hạm đội khoảng 120 tàu tới Ấn Độ thu mua tiêu rồi mang về Châu Âu, cất giữ trong kho lớn.
Triết gia La Mã Pliny the Elder thậm chí đã viết rằng, việc buôn bán hạt tiêu là nguồn lợi nhuận lớn nhất trong thương mại của Ấn Độ. “Không có năm nào mà Đế chế La Mã không trả cho Ấn Độ năm mươi triệu sesterces (một đồng tiền La Mã)”.
Trong Thời đại Khám phá, các nhà thám hiểm châu Âu như Christopher Columbus và Vasco da Gama đã đi thuyền đến Ấn Độ để tìm kiếm nguồn tiêu đen và các loại gia vị khác. Những chuyến đi này đã dẫn đến việc phát hiện ra các tuyến đường thương mại mới và biến hạt tiêu đen trở thành một mặt hàng quan trọng trong ngành thương mại gia vị toàn cầu.
Việt Nam giữ vững “ngôi vương” xuất khẩu tiêu
Mặc dù Ấn Độ là quê hương của hạt tiêu nhưng Việt Nam mới là quốc gia sản xuất xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới.
Hạt tiêu được người Pháp du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 17. Hiện nay, Việt Nam có 6 tỉnh trọng điểm sản xuất hạt tiêu gồm Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Gia Lai.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, bắt đầu từ năm 2001, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới với tổng lượng xuất khẩu đạt 56.506 tấn, chiếm 28% tổng xuất khẩu của thế giới. Cũng từ đây, Việt Nam liên tục là nước đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu.
Một báo cáo vào tháng 6/2021 trên trang web của Tổng Cục Thống kê khẳng định, Việt Nam luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu.
Riêng trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ với báo Hà Nội mới cho biết, Việt Nam xuất khẩu được hơn 232.000 tấn hạt tiêu, đạt kim ngạch gần 990 triệu USD, tiếp tục giữ vững “ngôi vương” xuất khẩu hạt tiêu thế giới.
Bất ngờ hơn nữa, con số này của Việt Nam bỏ xa các quốc gia ở vị trí thứ 2 và thứ 3 là Brazil và Indonesia lần lượt là 86.400 tấn (trị giá 309 triệu USD) và 27.900 tấn (118 triệu USD) – theo một nghiên cứu từ Tạp chí điện tử Công thương.
Trong các năm trước đó, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đạt 261.000 tấn (2021), 285.000 tấn (2020), cũng lớn gấp nhiều lần Brazil với 91.000 tấn, 89.800 tấn và Indonesia với 35.100 tấn, 58.400 tấn.
Về thị trường, hạt tiêu Việt Nam hiện có mặt tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho thấy, khu vực châu Á tiếp tục là điểm sáng trong 5 tháng đầu năm 2023, đạt 78.907 tấn, tăng 77,2% và chiếm 59,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính, đạt 46.169 tấn.
Ngoài ra, hạt tiêu Việt Nam cũng xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, châu Phi.
Ngoài ra, theo chuyên trang Doanh nghiệp & Kinh doanh, không chỉ là nước xuất khẩu mà trong hơn 10 năm trở lại đây, Việt Nam cũng đã trở thành trung tâm sản xuất hạt tiêu của thế giới với các nhà máy hiện đại bậc nhất.
Hàng năm, Việt Nam nhập một lượng tiêu từ Brazil, Campuchia, Indonesia… về để chế biến và tái xuất khẩu, phục vụ khách hàng có nhu cầu dùng nguyên liệu từ các nước khác nhưng không có hệ thống chế biến hiện đại như Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu tiêu để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu trong những giai đoạn giáp hạt khi mà nguồn cung trong nước ở mức thấp.
Theo An An–Nhịp sống thị trường