Hơn 70% dân số có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các thiên tai liên quan đến nước, là một trong các quốc gia hứng chịu thiên tai nhiều nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Chính sách kinh tế hợp lý cùng với nguồn nước dồi dào đã giúp Việt Nam chuyển mình từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành nước có thu nhập trung bình trong hai thập kỷ.
Với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc dân (GDP) hàng năm đạt trung bình là 6,4% trong suốt thời gian này, Việt Nam là một trong các quốc gia có quỹ đạo phát triển phù hợp và nhanh nhất trên thế giới.
Kinh tế phát triển nhanh chóng kéo theo sự gia tăng xuất khẩu mạnh mẽ, thu hút dòng tiền đầu tư lớn, cải thiện việc tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe và giáo dục, cơ sở hạ tầng cấp nước cho các thành phố.
Đầu thập niên 90, một nửa dân số sống với mức thu nhập dưới 1,9 đôla Mỹ/ngày. Đến nay tỉ lệ nghèo cùng cực đã giảm xuống 3% – là tốc độ giảm nhanh nhất từ trước tới nay. Sự chuyển dịch này đã khiến Việt Nam trở thành hình mẫu về lựa chọn cách tiếp cận phát triển phù hợp.
Nguồn tài nguyên nước dồi dào đã định hình sự phát triển của Việt Nam. Với hơn 3.500 con sông có chiều dài lớn hơn 10 km, 16 lưu vực sông chính, và lượng mưa lớn –lượng mưa trung bình năm khoảng 2.000 mm – quốc gia này thực sự giàu về tài nguyên nước. Nước gắn liền với lịch sử, nghệ thuật và truyền thống của Việt Nam.
Những dòng sông đã quyết định vị trí định cư và sự phát triển của các thành phố cũng như các vùng công nghiệp của quốc gia này.
Nguồn tài nguyên nước phong phú cung cấp nước tưới cho hơn 4 triệu hec-ta. Mạng lưới gần 7.500 đập trữ nước và chuyển nước cho hàng nghìn công trình thủy lợi, giúp Việt Nam trở thành một trong những vựa lúa lớn nhất thế giới.
Thủy điện chiếm 37% trong số tổng sản lượng điện quốc gia năm 2018 với công suất 17 GW, dự kiến tăng đến 21,6 GW trong năm 2020 và 25,4 GW trong năm 2030 (Quy hoạch Điện VII sửa đổi).
Tuy nhiên, tài nguyên nước cũng tiềm tàng các rủi ro. Với khoảng 10.200 m3 nước có khả năng tái tạo tính theo đầu người, mức độ sẵn có của tài nguyên nước Việt Nam được đánh giá là cao so với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới cho dù tài nguyên nước của Việt Nam được phân bố không đồng đều về không gian và thời gian.
Ngoài ra, hai phần ba tổng lượng nước của Việt Nam chảy vào từ bên ngoài lãnh thổ và nằm ngoài khả năng quản lý trực tiếp của quốc gia.
Việt Nam cũng dễ bị tổn thương do sự tàn phá nặng nề của nước. Hơn 70% dân số có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các thiên tai liên quan đến nước, là một trong các quốc gia hứng chịu thiên tai nhiều nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, với xu hướng gia tăng luân phiên lũ lụt và hạn hán.
Việt Nam mong muốn trở thành một nền kinh tế hiện đại, công nghiệp hóa vào năm 2035. Quá trình Đổi mới đã thu được nhiều thành tựu to lớn, góp phần đạt được mục tiêu đầy tham vọng này.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế sẽ cần phải điều chỉnh để sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên và tính đến những hậu quả do biến đổi khí hậu.
Nếu không có những thay đổi kịp thời, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những đe dọa nghiêm trọng bởi tăng trưởng sẽ bị kìm hãm do tình trạng thiếu nước, khu vực doanh nghiệp mất lợi thế cạnh tranh bởi mất cân đối cung cầu, người nông dân lại nghèo đi vì năng suất dùng nước thấp, lũ lụt và hạn hán phá hủy sinh kế, cũng như môi trường và sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm nước.
Trung Mến (Bizlive)