Học, học nữa, học mãi, câu nói này chưa bao giờ là lạc hậu, còn những người phớt lờ nó, chắc chắn sẽ trở thành người bị tụt lại phía sau.
Kể từ khi tôi bắt đầu làm sáng tạo nội dung, nhiều người đã đặt cho tôi các câu hỏi về nhiều phương diện: thương mại điện tử, tình cảm, nơi làm việc, nuôi dạy con cái, khởi nghiệp… Tuy nhiên, những câu hỏi thường gặp nhất là về nơi làm việc.
Trong bài viết này, tôi xin tổng hợp lại 4 lời khuyên của mình dành cho dân văn phòng.
Tôi đi làm đã được 17 năm, từng là nhân viên văn phòng, từ nhân viên bình thường đến trưởng nhóm, từ quản lý cấp cơ sở đến giám đốc cấp cao của công ty, tôi đều đã kinh qua. Sau đó, tôi tách ra làm việc tự do và khởi nghiệp với vai trò ông chủ. Mong rằng những lời khuyên này của tôi có giá trị tham khảo nhất định dành cho mọi người.
Đừng cố gắng cân bằng giữa cuộc sống và công việc
Tôi có một đồng hương làm thiết kế mỹ thuật, cô ấy từng hỏi tôi làm thế nào để cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tôi nói: “Em mới tốt nghiệp có hai năm, cân bằng cái gì mà cân bằng, nghĩ cách nâng cao năng lực của mình đi”.
Đừng nghe những người nói với bạn rằng phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống, bạn sẽ chẳng thể làm điều đó ở xã hội hiện tại.
Hiện tại không phải là thời đại công nghiệp hóa, mà là thời đại của Internet.
Trong thời đại công nghiệp hóa, mọi người đi làm vài giờ mỗi ngày, ở nhà máy thì là công việc, về nhà thì chính là cuộc sống. Trong thời đại Internet, nhiều công việc đều được hoàn thành thông qua Internet và điện thoại di động, vậy thì liệu bạn có rạch ròi được giữa công việc và cuộc sống hay không? Trong cuộc sống có công việc, trong công việc có cuộc sống. Nếu đã không thể tách chúng ra, vậy thì đừng cố tách.
Thay vì cố gắng tìm cách cân bằng, hãy học cách quản lý thời gian. Xem cuộc sống và công việc như một tổng thể rồi tìm cách quản lý nó. Chúng vốn là một tổng thể, “con người” cũng là một tổng thể, bạn của công việc hay bạn của cuộc sống, đó đều là bạn. Chỉ cần tổng thể khỏe mạnh, làm việc nhiều hơn một chút hay sống nhiều hơn một chút đều không phải vấn đề.
Nếu quan sát kỹ bạn sẽ thấy, những người không ngừng suy nghĩ về cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống, thường thì công việc và cuộc sống của họ sẽ không được suôn sẻ cho lắm. Cân bằng giữa cuộc sống và công việc dần trở thành một cái cớ. Cuộc sống không tốt, chúng ta cho rằng do công việc ảnh hưởng, hiệu quả công việc kém, chúng ta đổ lỗi cuộc sống đang kìm hãm mình. Nhưng lý do thực sự là gì? Tôi tin là bạn tự biết.
Căng thẳng thì thư giãn, lại căng thẳng, vậy thì lại thư giãn, cứ thuận theo lẽ tự nhiên.
Đừng cố gắng tìm cách cân bằng điều gì, thay vào đó, hãy làm điều này: sống trọn vẹn từng giây từng phút của hiện tại.
Đừng làm việc quá hời hợt
Mẹ tôi đã ngoài 60 rồi, bà luôn thích hỏi han nghề nghiệp của người khác, hễ có khách đến nhà là mẹ lại hỏi họ làm nghề gì? Kiếm được bao nhiêu tiền một tháng? Nếu có ai nói công việc nhàn hạ, lương cao, lại gần nhà, mẹ tôi sẽ nói: “Ai da, công việc lý tưởng quá!”.
Quan điểm của mẹ tôi sẽ hữu ích trong những năm 70,80, nhưng hiện tại thì không như vậy nữa. Việc ít, lương cao, lại gần nhà thực ra chính là những công việc nguy hiểm nhất. Bởi nó sẽ khiến con người ta trở nên lười biếng, chần chừ, mất chí tiến thủ và không muốn đột phá.
Có người nói: Nhưng lương cao, đó là một lợi thế!
Lương cao chỉ là tạm thời, hai năm ra trường lương 20 triệu được coi là lương cao, nhưng sau 20 năm ra trường, vẫn 20 triệu/tháng, đó có còn được coi là lương cao không? 20 triệu/1 tháng ở thành phố, tiết kiệm được 6 – 7 triệu đã là giỏi rồi. 20 năm, gần 2 tỷ, mới mua được một căn chung cư tầm chung ở thành phố lớn.
Tôi có một người bạn cùng lớp, sau khi tốt nghiệp, thông qua nhiều mối quan hệ, cậu ấy đã tìm được một công việc kỹ thuật viên, mức lương 15 triệu, làm việc từ 9 giờ đến 5 giờ hàng ngày, bạn bè cùng lớp đều rất ghen tị với cậu ấy. Tại buổi họp mặt hai năm trước, cậu ấy nói rằng tiền lương của cậu ấy đã tăng lên gần 20 triệu, cậu ấy đã mua một căn nhà nhỏ, nhưng vì có hai đứa con nên cuộc sống cũng không phải quá dư dả. Tôi hỏi tại sao cậu ấy không thay đổi công việc của mình, cậu ấy đáp: “Tớ cảm giác sau 10 năm mình giống như bị dốt đi vậy, tớ chẳng thể làm bất cứ điều gì ngoại trừ công việc đang làm”.
Một số người luôn cho rằng có được một công việc nhàn hạ, mức lương cao là mình hời. Thực ra họ đã sai, công ty một năm bỏ ra hàng trăm triệu nuôi một nhân viên, một chút tiền đó với họ không là gì, người tổn thất không phải là công ty, mà là chính bản thân chúng ta.
Vì vậy, tuyệt đối đừng quá an phận, đừng chỉ muốn việc nhẹ nhưng lương cao, người sau cùng chìm dần xuống vũng bùn sẽ là bạn.
Đừng xem mình là người ngoài
Tôi có một công ty nhỏ, vì nhân viên ít nên việc cũng khá nhiều. Công ty thuê một nhân viên về làm vận hành, thỉnh thoảng giao thêm việc cho cậu ấy, cậu ấy sẽ tỏ vẻ khó chịu ra mặt, nhưng sau đó thì vẫn sẽ làm. Sau này, cậu ấy không thích, quản lý trong công ty cũng không ưng, vì vậy, cậu ấy nghỉ việc.
Công ty có một nhân viên nữ khác, cô ấy rất tích cực, công ty cần gì, cô ấy làm cái đó, trong hơn 1 năm trời, từ vận hành, hành chính, thiết kế sản phẩm, gửi hàng, chăm sóc khách hàng… việc gì cô ấy cũng nhúng tay vào, và hiện đang là một nhân viên cốt cán của công ty.
Tôi từng có giai đoạn làm việc ở Alibaba suốt 9 năm, khi ấy có ba đồng nghiệp được thăng chức rất nhanh, trong 3,4 năm, từ một nhân viên cấp cơ sở trở thành quản lý của công ty. Sau này, tôi tổng kết ra được rằng, ở họ đều có chung một đặc điểm: luôn suy nghĩ cho công ty, không bao giờ xem mình là người ngoài.
Tôi đã được xem là thành phần đi làm khá chăm chỉ, nhưng có một đồng nghiệp còn chăm chỉ hơn tôi, tan làm về nhà vẫn chăm chỉ gửi mail, làm PPT, cuối tuần cũng vẫn đều đặn nhận được email của cậu ấy. Dự án của người khác, cậu ấy cũng góp ý. Cậu ấy là người được thăng chức nhanh nhất, chưa đầy 3 năm, từ một nhân viên bình thường được thăng chức lên hàng lãnh đạo, phụ trách những dự án quan trọng của tập đoàn.
Một lần, tôi hỏi cậu ấy: “Sao cậu yêu nghề thế?”.
Cậu ấy nói: “Thực ra cũng chẳng phải yêu hay không yêu, tôi chỉ nghĩ đơn giản là nếu đã làm rồi thì chẳng có lý do gì để không làm cho tốt nó cả”.
Bất kể công ty to hay nhỏ, đừng bao giờ coi mình là người ngoài cuộc, hãy đặt mình vào địa vị của một giám đốc điều hành để suy nghĩ vấn đề.
Đừng quên chủ động học tập
Sau khi đi làm, rất nhiều người không còn học tập hoặc không chủ động học hỏi nữa.
Một đàn em ở đại học mà tôi quen, T. nói rằng cậu ấy không thích công việc hiện tại của mình, và nói công việc biên tập thú vị hơn nhiều.
Tôi nói: “Sao cậu biết mình sẽ thích công việc đó?”.
Cậu ấy đáp: “Cách đây hai tháng, một đàn chị nhờ em biên tập video giúp, em thử và thấy nó khá thú vị”.
“Thế cậu đã đủ thành thạo nó chưa?”.
“Chị ấy chỉ cần em làm những thao tác đơn giản, dạy một chút là biết. Sau đó em lại giúp chị ấy làm thêm một vài video tương tự như vậy, một lát là xong rồi. Còn những thao tác khác thì không biết”.
“Sau đó thì sao? Cậu đã đi học về biên tập chưa?”.
“Chưa anh!”.
Tôi nói: “Nếu cậu thích, hoàn toàn có thể dành ra 1 tiếng mỗi ngày để học về nó. Kiên trì một tuần là học được những cái cơ bản. Kiên trì nửa năm chắc đủ để thành thạo rồi”.
Cậu ấy nhìn tôi không nói gì…
- có lẽ là hình ảnh thu nhỏ của rất nhiều người.
Rất nhiều người trong chúng ta đều sống kiểu trong chán ngoài thèm, chúng ta luôn cảm thấy công việc của người khác thú vị hơn mình, muốn thử, nhưng chỉ cần nhắc tới chữ “học” thôi là lập tức nhụt chí. Thời buổi này không thiếu những người có suy nghĩ, có ý tưởng, nhưng người thực sự hành động, thực sự dành thời gian để nghiêm túc mài dũa và biến những suy nghĩ, ý tưởng đó thành hiện thực lại không nhiều. Và đó vừa hay cũng chính là thứ kéo dãn khoảng cách giữa người ưu tú và người bình thường.
Học, học nữa, học mãi, câu nói này chưa bao giờ là lạc hậu, còn những người phớt lờ nó, chắc chắn sẽ trở thành người bị tụt lại phía sau.
Lời khuyên dẫu sao cũng chỉ là lời khuyên, mỗi người là một cá thể riêng biệt, mỗi người có một cách nhìn khác nhau về chuyện công việc, nhưng tôi vẫn mong rằng 4 gợi ý phía trên, phần nào có thể cung cấp cho bạn một hướng suy nghĩ có lợi cho nghề nghiệp của mình hơn.
Nguồn: Niaogebiji-Theo Như Quỳnh–Trí thức trẻ