Trong suốt 5.000 năm, người ta đã giải quyết xong các vấn đề mà bạn có thể đang gặp phải bây giờ – và viết sách về nó.
Harry Truman đã từng quan sát được: Không phải người đọc sách nào cũng là người lãnh đạo, nhưng mọi người lãnh đạo đều là người đọc sách.
Trở thành một nhà lãnh đạo có nghĩa là bạn sẽ phải đối mặt với tất cả các loại tình huống mà bạn chưa từng trải qua. Bạn sẽ phải đối mặt với những vấn đề không phải dễ giải quyết. Tin tốt là bất kể bạn đang phải đối mặt với thách thức nào, dù cũ hay mới đến đâu, thì bạn vẫn chưa phải là người đầu tiên gặp phải nó. Trong suốt khoảng 5000 năm, loài người đã trải nghiệm, giải quyết và quan trọng nhất là viết ra sách về những khó khăn này.
Hãy nghĩ về Truman, người lên nắm quyền tổng thống sau cái chết gây sốc của người tiền nhiệm vào tháng 4 năm 1945. Trong vòng vài tháng, ông sẽ phải đối mặt với thời đại nguyên tử và một cuộc Chiến tranh Lạnh khác. Tất cả đều là những vấn đề rất mới, nhưng Truman, người đã bắt đầu thói quen đọc sách khi còn là một cậu bé, đã khai thác những bài học lịch sử mà ông đã thu thập được trên đường đời của mình.
Ông từng viết: “Thư viện công cộng của chúng tôi ở Independence có khoảng ba hoặc bốn nghìn quyển, bao gồm cả bách khoa toàn thư. Tin hay không tùy, nhưng sự thật là tôi đã đọc hết những cuốn đó … Có lẽ tôi là một kẻ ngu ngốc, nhưng nó cực kỳ hữu ích cho tôi khi những điều khủng khiếp ập đến.”
Tướng James Mattis – một người ham đọc sách, thường mang theo sách trong các buổi chỉ huy xa xôi trong Thủy quân lục chiến – gần đây đã viết rằng: Một nhà lãnh đạo hết lần này đến lần khác thử nghiệm và phạm sai lầm là một nhà lãnh đạo vô trách nhiệm. Ông nói rằng họ nợ những người lính của mình vì không học hỏi về con người từ những kinh nghiệm của lịch sử, mà lại chọn cách tự đối mặt với những việc đã có cách giải quyết. Không đọc sách là một tội ác.
Rất may, hầu hết chúng ta sẽ không gặp phải những vấn đề nan giải như của Truman hoặc Mattis, nhưng chung quy lại thì vẫn có “gặp chuyện”. Làm thế nào chúng ta có thể biện minh với nhân viên, với các nhà đầu tư, với vợ / chồng, với bạn bè, với đồng bào, hoặc với chính mình khi chúng ta chậm chạp giải quyết những vấn đề và liên tục phạm những sai lầm đã có cách giải quyết sẵn trong một cuốn sách?
Dù ở đâu, chúng ta cũng có thể đọc sách. Trong góc phòng yên tĩnh. Đứng trong toa tàu điện ngầm với tai nghe và sách nói. Vào buổi tối đọc sách cho lũ trẻ đi ngủ. Nằm trên giường trước khi tắt đèn đi ngủ.
Những khoảnh khắc này không nên được coi là làm mất thời gian, chiếm thời gian của công việc. Thay vào đó, chúng nên được coi là những khoảnh khắc tạo điều kiện thuận lợi cho công việc quan trọng và ý nghĩa nhất. Đọc sách làm cho bạn trở nên hiểu biết hơn với tư cách là một chuyên gia, một con người, một bậc cha mẹ. Bận rộn ở cơ quan, bận rộn công việc gia đình không phải là lý do chính đáng để bạn không đọc sách. Ngược lại, đó là một lý do tại sao bạn nên đọc sách.
Một lý do chính đáng khác để bạn bắt đầu thói quen đọc sách: có lợi ích về mặt tinh thần và thiền định. Một nghiên cứu trên tạp chí Tâm lý học về Thẩm mỹ, Sáng tạo và Nghệ thuật của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng: Quá trình tinh thần tưởng tượng ra các cảnh trong khi đọc sách có thể giúp bạn phát triển sự đồng cảm hơn.
Nhưng không phải tất cả đều giống nhau. Các nhà lãnh đạo giỏi không ngừng khao khát học hỏi, tự hoàn thiện bản thân, phát triển trí tuệ, khao khát những cuốn sách cải thiện nhân cách. Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius đánh giá cao khả năng “đọc chăm chú” – hầu hết là các văn bản triết học – và sử dụng những gì ông học được để trị vì tốt lãnh địa của mình. Malcolm X trở thành một nhà lãnh đạo Dân quyền nhờ những cuốn sách ông đọc trong thời gian ở tù: Uncle Tom’s Cabin, The Essays of Schopenhauer và Basic Writings of Kant, cùng những cuốn sách khác. Khi được hỏi đã tốt nghiệp đại học ở đâu, ông ấy chỉ trả lời đơn giản: “Sách”.
Oprah Winfrey đã gọi những cuốn sách là “bước đi đến tự do cá nhân”, giúp cô nhận thức được rằng có một thế giới bên ngoài ngôi nhà của gia đình cô ở Mississippi ngay từ khi còn nhỏ. Lớn lên, cô ấy nói, đọc cuốn The Seat of the Soul của Gary Zukav “đã cứu vớt và thay đổi quỹ đạo cuộc sống của tôi.”
Và cuối cùng, cách bạn đọc mới là quan trọng. Bạn có đang ghi chép không? Bạn có đang “tích hợp” những gì bạn đã đọc không? Bạn không chỉ mua sách cho đầy kệ. Bạn đang cố gắng học hỏi để trở thành lãnh đạo.
Việc nhận ra rằng bản thân chưa đọc được nhiều sách giúp tôi trả lời được câu hỏi: “Những cuốn sách nào đã thay đổi cuộc đời bạn?” Thật tiếc khi suốt đời tôi nghĩ rằng Ayn Rand là tác giả vĩ đại nhất thế giới; hay nghĩ rằng tất cả các tiểu thuyết đều dở như 50 Sắc thái của Grey, tất cả chỉ vì tôi không bao giờ tự hỏi: có gì hay hơn không. Bằng cách hỏi xin gợi ý từ những người mà tôi ngưỡng mộ, tôi đã khám phá ra vô số cuốn sách xứng đáng “làm nên cuộc đời tôi”, như nhà triết học Hy Lạp Epictetus đã nói.
Tất cả chúng ta nên tập trung năng lượng của mình vào những cuốn sách đọng lại cho chúng ta một điều gì đó khi đã đọc xong. Ví dụ, chúng ta có thể đọc hồi ký về cách giáo dục trẻ từ sớm, sức mạnh của một giáo viên tốt và cha mẹ thấu hiểu (trong Totto-Chan của Tetsuko Kuroyanagi). Và sau khi đọc xong, chúng ta có thể khuyến khích con cái của chúng ta theo cách tương tự.
Chúng ta có thể đọc câu chuyện về Franklin tự hào bước xuống hành lang và bị đập đầu (trong tự truyện của Ben Franklin và trong tiểu sử của Walter Isaacson về Ben Franklin). Người cố vấn của ông ấy lúc đó đã nói: “Đứng lại, chàng trai trẻ, đừng để bị phân tâm bởi niềm kiêu hãnh trong cuộc sống này, bạn sẽ bớt được mấy cục u trên đầu”. Và sau khi đọc xong, chúng ta có thể cố gắng tự cứu mình khỏi những va chạm tương tự.
Chúng ta có thể đọc câu chuyện mà Seneca kể trong On Tranquility of the Mind về Julius Canus, một triết gia bị kết án tử hình một cách bất công, tình cờ chơi cờ trong khi chờ xử tử. Khi đến giờ tử, ông đứng dậy, đếm những mảnh còn lại trên bàn cờ, quay về phía đao phủ và nói: “Các người sẽ làm chứng rằng tôi đã đi trước một quân,” và thoát khỏi cái chết. Chúng ta, người đọc, có thể viết “những lời nói cay nghiệt lần cuối” vào trang lề, và sau đó nhắc nhở bản thân trong tương lai cố gắng tìm ra sự hài hước ngay cả trong những tình huống đen tối và tồi tệ nhất.
H.L. Mencken nói: “Không ai có thể đến được mọi ngóc ngách trên thế giới này mà không cần đến sách, dù cho người đó có bền bỉ đến đâu đi chăng nữa.” Đúng vậy. Đó là một con đường dài.
Nhưng đọc sách là một con đường tắt. Một cách để đến được nơi bạn muốn mà không cần phải thử nghiệm và phạm sai lầm. Là những nhà lãnh đạo, những gì chúng ta đang đọc sẽ dẫn dắt chúng ta – và cứu chúng ta.
Mai Lâm-Theo for