Mĩ nhân trên đời, gặp được là khó, nhưng hiểu được thì càng khó hơn. Hiểu được cũng khó rồi mà giữ được lại khó hơn nhiều lần nữa.
Bởi thế mà nhân gian mới có câu:
Mĩ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu
Mạn phép dịch thơ:
Mĩ nhân từ cổ như danh tướng
Chẳng hứa cho ai thấy bạc đầu
Đọc vài lần, nghe vài bận mấy câu này suốt nhưng ít khi hiểu được tường tận ý nghĩa. Nay hiểu thêm được một chút, thôi đành mạn phép chia sẻ ra để các bạn đồng đạo cùng bàn thảo. Mĩ nhân và danh tướng sao lại giống nhau? Một bên là sát khí đằng đằng, oai linh hiển hách, tung hoành sa trường, da ngựa bọc thây. Một bên là yểu điệu thục nữ, khăn là quần lượt, son phấn nức hương. Thử hỏi giống nhau là làm sao?
Ấy thế mà số phận của cả hai thực lại tương đồng lắm. Bạn cứ nghĩ mà xem, danh tướng thời xưa, xông pha trận mạc, lắm khi chẳng màng mạng sống, khi hiển hách trở về đôi lúc lại bị gian thần hãm hại, hoàng đế đề phòng. Người xưa bảo:
Chim chết rồi cung tên bỏ xó
Thỏ chết rồi, chó bị phanh thây…
(Vô danh cư sỹ)
Danh tướng bình định thiên hạ xong rồi, giải giáp trở về thường là không còn được sủng ái, đôi khi rước họa vào thân.
Hàn Tín là ví dụ không thể điển hình hơn cả. Tài năng trác tuyệt, văn võ song toàn, từ lúc xuất sơn cầm đại quân cho đến khi vây khốn Hạng Vũ ở thành Cai Hạ, Nhân vật này tung hoành chỉ vỏn vẹn hơn 4 năm. Nhưng trong 4 năm đó ông đã làm được những gì: bình định Tam Tần, chiếm Ngụy, lấy Triệu, phạt Tề, diệt Sở. Thiên hạ nhà Hán của Lưu Bang là một tay Hàn Tín thu về. Cuối cùng, sau bao nhiêu hào quang nơi trận mạc, kết cục của Hàn Tín thực là quá ai oán: bị bức tử ở cung Vị Ương.
Còn mĩ nhân thì sao? Sao lại là “không hứa với nhân gian thấy được lúc bạc đầu”? À, từ cổ vẫn thường hay nói: “Hồng nhan bạc mệnh”, bạn nhớ chứ? Truyện Kiều cũng viết y như thế: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Hóa ra mĩ nữ ngày xưa lận đận, truân chuyên biết mấy. Tài sắc vẹn toàn thì số mệnh hẩm hiu, khổ nhiều hơn sướng. Cho nên cũng đành chẳng thể đợi đến lúc bạc đầu cùng với người nhân gian là thế.
Chuyện này làm tôi chợt nhớ đến một bài thơ Đường cực nổi tiếng là “Đề đô thành nam trang” của Thôi Hộ. Chuyện kể rằng, nhân tiết thanh minh, Thôi Hộ một mình tản bộ chơi phía nam đô thành, đường đi thấy một trang viên đầy hoa đào. Thôi Hộ bèn gõ cửa xin nước uống, một người con gái mở cổng, hỏi tên họ rồi bưng nước đến. Thôi Hộ thoáng nhìn thấy người ấy nhan sắc đậm đà, duyên dáng, tình ý dịu dàng mà kín đáo. Bẵng đi đến năm sau, vào đúng tiết thanh minh, Thôi Hộ lại tìm đến chốn cũ thì chỉ thấy cửa đóng then cài, người xưa chẳng thấy mặt đâu, nhân đó mới đề lên cửa bài thơ. Người con gái đọc được bài thơ, nhớ thương, sầu não rồi qua đời. Bài thơ có những câu thực hay:
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong
Tôi lại xin mạn phép dịch thành:
Cửa đây năm ngoái ngày này
Hoa đào má thắm hây hây ửng hồng
Người xưa xa cách mịt mùng
Hoa đào năm cũ cười cùng gió xuân
Lại nói chuyện các danh tướng từ cổ sợ nhất điều gì bạn biết không? Đến cái chết còn không sợ, thử hỏi ông tướng sợ cái gì nhất? Chính là sợ già. Già rồi thì uy danh không còn, dễ bị đám trẻ khinh nhờn, bị thượng cấp coi rẻ. Tướng già không còn dùng được vào việc gì nhiều. Già quá thì cưỡi ngựa không nổi, chinh chiến sa trường khó nhọc lắm. Mà phàm tướng võ thì lại ít chữ, ít học – người xưa hay nói: ‘dân võ biền’ là thế! Thành thử ra cũng không có mấy tác dụng như những ông quan văn râu dài đến rốn, bụng đầy kinh luân, dùng 3 tấc lưỡi mà điều khiển người khác. Võ tướng về già thực là buồn lắm!
Thế thì mĩ nhân chẳng phải cũng sợ nhất là tuổi già đó sao? Tuổi xế chiều, làn da chẳng còn căng mịn, tóc sương đã điểm, má hồng cũng phai, còn ai đưa đón, còn ai ngắm nhìn đây. Nhan sắc là thứ vô thường. Đúng như câu thơ trong Tây Du Ký viết: “Sớm còn thắm đỏ đôi gò má/ Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu“. Đời chẳng biết đâu chữ ngờ. Mĩ nhân đấy mà xú nhân cũng đấy luôn, khoảng cách thật quá ư mong manh ngắn ngủi.
Danh tướng, mĩ nhân đều có những nỗi đau chung như vậy. Danh tướng thì sợ mất cái ‘Danh’. Mĩ nhân thì sợ phai tàn cái ‘Sắc’. Cuối cùng đều là danh và sắc mà thôi. Đạo Phật dạy “sắc tức thị không, không tức thị sắc” cũng phải. Mọi thứ trên đời đều là huyễn tượng, hư vô. Nhân sinh như mộng mà phải không? Thế thì danh kia và sắc kia cuối cùng cũng phải tiêu tan, cũng phải bỏ. Người sống trên đời, buồn đau quá nửa chính là như thế. Coi trọng danh thì khi mất danh càng đau hơn, coi trọng sắc thì lúc phai sắc càng hận hơn. Danh và sắc tưởng quan trọng nhất mà hóa ra chẳng quan trọng chút nào, bạn nhỉ?
Vậy thì chi bằng hãy cứ sống thiện lương, Trời cao tự có an bài. Đừng coi trọng danh lợi quá, chớ chấp vào thanh sắc quá, vì có lúc nó sẽ khiến người ta phải ngập chìm trong hố sâu thất vọng. Không tin bạn cứ thử chiêm nghiệm mà xem…
Văn Nhược