Các y học gia nổi tiếng thông thường cũng là các võ thuật gia tài giỏi, là người tìm hiểu cả y thuật và võ thuật, sớm nhất có thể kể đến danh y Hoa Đà thời Đông Hán…
Mọi người đều biết rằng Hoa Đà phát minh ra môn võ thuật đầu tiên của mình tại Trung Hoa là “Ngũ Cầm Hí”. Tôn Tư Mạc của nhà Đường được dân gian ca tụng là tinh thông võ thuật, từng vận công dùng phương pháp nhất chỉ điểm huyệt để chữa khỏi kiên tý phong (bệnh đau vai gáy) cho đại tướng Uất Trì Kính Đức.
Đến cuối thời Nam Tống, xuất hiện Toàn Chân thất tử của Toàn Chân giáo, tức bảy đệ tử chân truyền của Vương Trùng Dương – người sáng lập Toàn Chân giáo, trong đó Đan Dương Tử Mã Ngọc và Trường Xuân Tử Khâu Xứ Cơ là xuất sắc nhất. “Mã Đan Dương thiên tinh thập nhị huyệt chủ trị tạp bệnh ca” nổi tiếng trong châm cứu học chính là do Đan Dương Tử Mã Ngọc biên soạn. Trường Xuân Tử Khâu Xứ Cơ sau này còn phụ trách làm cố vấn sức khỏe cho Thành Cát Tư Hãn.
Nhà văn chuyên viết tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung còn dựa vào đoạn tài liệu lịch sử này để viết ra hai tác phẩm kinh điển là “Anh hùng xạ điêu” và “Thần điêu hiệp lữ”, trong hai bộ tiểu thuyết này, võ công và y thuật của họ lại càng được thể hiện nổi bật hơn, xuất thần nhập hóa.
Đến thời nhà Thanh, đột nhiên xuất hiện rất nhiều nhân vật vừa là y học gia nổi tiếng và là võ thuật gia lợi hại. Trong “Tiểu Thương Sơn phòng thi văn tập” và “Tùy Viên thi thoại” của Tùy Viên lão nhân Viên Mai có ghi chép về hai nhân vật vừa giỏi y vừa giỏi võ. Đó chính là Từ Linh Thai và Tiết Sinh Bạch, nhưng mà ghi chép về sự tích võ công của họ thì rất ngắn gọn, Viên Mai nói Từ Linh Thai: “Thông minh hơn người, phàm là tinh kinh địa chí, cửu cung âm luật, cho đến múa đao chiếm biên cương phía bắc, phương pháp câu tốt, doanh việt, đều không có giới hạn, mà đặc biệt có sở trường về y thuật” (câu tốt, doanh việt là những phương pháp bày binh bố trận và chỉ huy tác chiến của thời xưa).
Có một cuốn sách gọi là “Ngu Sơ Quảng Chí”, trong cuốn sách này có ghi chép khá tường tận về những sự tích võ thuật của Tiết Sinh Bạch. Cuốn sách cũng nhắc đến y học gia kiêm võ thuật gia Phó Sơn tiên sinh sống vào cuối nhà Minh và đầu nhà Thanh. Theo lịch sử ghi chép, Phó Sơn tiên sinh thông thạo kiếm thuật, đặc biệt rất giỏi sử dụng túy quyền, có sáng tác “Phó thị quyền phổ”. Nhà văn Lương Vũ Sinh vô cùng sùng bái Phó Sơn tiên sinh, trong các tiểu thuyết “Thất kiếm hạ thiên sơn”, “Giang hồ tam nữ hiệp” của ông, Phó Sơn được miêu tả vô cùng sống động và nhiều chi tiết, được phóng đại hết mức có thể, dân gian còn lưu truyền điển tích “Phó Thanh chủ phi bút điểm Thái Nguyên” (Lương Vũ Sinh, tên thật là Trần Vũ Thống, là nhà văn chuyên viết tiểu thuyết kiếm hiệp, được xem là người mở đường cho trường phái tiểu thuyết kiếm hiệp mới).
Khoa chấn thương và châm cứu trong Đông y có liên quan rất lớn đến võ thuật
Trong toàn bộ phạm vi y học cổ truyền phương Đông, khoa chấn thương Đông y, châm cứu Đông y và võ thuật có mối quan hệ lớn nhất, mối liên hệ cũng rất mật thiết. Trong bài viết này sẽ lấy hai vị sư phụ nổi danh của trường phái võ thuật Hoàng Phi Hồng và Hoàng Thạch Bình làm ví dụ.
Hoàng Phi Hồng học y thuật và võ công từ Thiếu Lâm Tự
Chúng ta bắt đầu biết đến cái tên Hoàng Phi Hồng là từ trong hàng loạt các bộ phim Hồng Kông “Hoàng Phi Hồng”, nhưng trên thực tế, Hoàng Phi Hồng là một nhân vật có thật trong lịch sử. Hoàng Phi Hồng từ nhỏ đã theo cha đi hái thuốc và hành nghề y, tập luyện võ công, sau khi trưởng thành thì tiếp quản tiệm thuốc “Bảo Chi Lâm” của cha mình. Bởi vì phần lớn các nhà võ thuật tập luyện quyền pháp đều là tập ngoại gia quyền, ra đòn rất mạnh tay, cực kỳ dễ bị thương, vì vậy, trong các trận thực chiến khi các võ sư giao đấu luyện võ với nhau, cũng tổng hợp được trọn bộ phương pháp chẩn đoán và điều trị của khoa học chấn thương xương cốt của Đông y. Y học và võ thuật bổ trợ cho nhau và thúc đẩy lẫn nhau.
Một mặt, bị thương trong lúc tập luyện võ thuật đã tạo ra rất nhiều cơ hội lâm sàng cho sự phát triển của khoa học chấn thương xương cốt trong Đông y, ví dụ như phát minh ra hàng loạt các loại thuốc dùng trong điều trị chấn thương như kim thương dược, tục mệnh đan, tiếp cốt cao. Mặt khác, một số phương pháp điều trị sức khỏe trong Đông y cũng đảm bảo cho việc tập luyện hàng ngày của các võ thuật gia và sự hồi phục của cơ thể sau khi chấn thương, ví dụ như tắm thuốc và châm cứu sau khi luyện võ có thể làm lưu thông kinh mạch và hoạt huyết, giảm trừ mệt mỏi, tiêu trừ các chứng viêm cơ, từ đó gia tăng công lực v.v…
Y thuật và võ công của Hoàng Phi Hồng đều được bắt nguồn từ Thiếu Lâm Tự trên núi Cửu Liên tại Phúc Kiến, mà Thiếu Lâm Tự trị thương lại càng nổi tiếng thiên hạ. Ngày nay tại khu vực Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang vẫn còn thịnh hành khoa chấn thương “tam lục cửu”, trước đây là “khoa chấn thương tây lý phòng của Hạ Phương Tự”, cũng là xuất thân trong chùa, bắt nguồn từ Thiếu Lâm, áp dụng cùng lúc y thuật và võ công, châm cứu và thôi nã đều được sử dụng. Vì vậy về mặt ý nghĩa này mà nói, võ thuật và khoa chấn thương Đông y có mối quan hệ rất lớn.
Nhất đại tông sư Hoàng Thạch Bình châm cứu kết hợp võ công và khí công
Nói tiếp về mối quan hệ giữa võ thuật và châm cứu. Nói đến võ thuật và châm cứu thì không thể không nói đến nhất đại tông sư Hoàng Thạch Bình tiên sinh. Năm xưa Viên Thế Khải mắc bệnh đau đầu kinh niên, các bác sĩ đều phải bó tay, võ sư Hoàng Thạch Bình đến khám bệnh, dùng kim châm xuống, liền hết đau đầu. Hoàng Thạch Bình ngoại trừ giỏi châm cứu, còn là một võ thuật gia nổi tiếng, là bậc thầy về khí công, ông kết hợp võ công và khí công lại với nhau rồi áp dụng vào trong châm cứu, tất nhiên sẽ có thể nhận lại hiệu quả ngoài mong đợi. Ông nội và cha của Hoàng Thạch Bình đều là cao thủ võ lâm, Hoàng Thạch Bình từ nhỏ đã theo ông nội học võ, về sau được Viên Giác đại sư của Thiên Phật Tự ở huyện Bồng Lai, Sơn Đông truyền dạy y thuật.
Theo như giới thiệu trong cuốn “Hoàng Thị gia truyền châm cứu” của Hoàng Tuế Tùng, một trong những đặc điểm châm cứu của Hoàng Thạch Bình chính là cần phải tinh thông quyền thuật và khí công nội ngoại của Thiếu Lâm, thì mới có thể đem toàn bộ tinh – khí – thần trong cơ thể vận chuyển lên ngón trỏ, rồi châm cứu vào chỗ bị đau của bệnh nhân, có công hiệu vô cùng tuyệt diệu. Khi Hoàng Tuế Tùng nhớ lại cảnh tượng điều trị bệnh của Hoàng Thạch Bình, ông nói: “Cần phải bắt mạch chẩn đoán lâm sàng trước, trầm ngâm hồi lâu, nhướng hai chân mày, sinh ra sát khí, nắm chặt bàn tay lại để vận công, chỉ nghe thấy xương ngón tay kêu răng rắc. Sau đó cầm kim trong tay, ma sát nhiều lần, miết kim lên trên ngón tay, dùng tay vuốt thẳng kim nhiều rồi, ngậm vào trong miệng, tay như bắt hổ, tư thế như bắt rồng, tập trung tinh thần, đầu tiên dùng ngón cái bên tay trái ấn vào huyệt trên người bệnh nhân, tay phải cầm kim đâm vào huyệt vị đang được cố định, dùng một lực nhẹ từ từ đưa kim vào bên trong cơ thịt, bệnh nhân có cảm giác đau, sau đó dừng lại”.
Tại sao châm cứu kết hợp võ thuật và khí công lại có thể đạt đến công hiệu tuyệt vời như vậy? Người viết bài này cho rằng sở dĩ cách châm cứu kết hợp võ thuật và khí công có thể đạt được hiệu quả rõ ràng và nhanh chóng như vậy là bởi vì cách châm cứu này có lực rung mạnh hơn những cách châm cứu bình thường, tác động vào kinh mạch và khí huyết của cơ thể, càng có thể nhanh chóng kích thích tiềm năng tự nhiên và khả năng miễn dịch bên trong cơ thể, tương đương với một đấm, nhìn vào có vẻ như bình thường, không có gì khác biệt, nhưng trên thực tế có sự khác biệt giống như người tập võ đấm một đấm và người bình thường đấm một đấm, tốc độ và lực đều không thể so sánh với nhau được. Thừa Đạm An tiên sinh thì dùng đặc tính mạnh yếu lớn nhỏ, âm dương trái phải của điện trường sinh học để giải thích vấn đề này, cũng có sự kỳ diệu bên trong.
Mối quan hệ mật thiết giữa Đông y và võ thuật
Đông y và võ thuật còn có rất nhiều mối quan hệ mật thiết về mặt lý luận và thực tiễn. Ví dụ, các nhà võ thuật trong quá trình luyện tập võ công, bản đồ đường đi của tinh – khí – mạch khi họ vận công, thực tế chính là hệ thống kinh lạc trong Đông y, đại chu thiên chính là tuần hành của 12 kinh chính, tiểu chu thiên chính là tuần hành của mạch nhâm và mạch đốc, tinh-khí-thần được xem là “tam bảo” (ba báu vật) của võ thuật về căn bản chính là danh từ của Đông y.
Trong võ thuật có rất nhiều tên gọi của các động tác và chiêu thức đều bao gồm đặc điểm tên gọi và màu sắc văn hóa của Đông y, ví dụ như tụ khí đan điền, lực phách hoa cái v.v… Những vị trí được gọi là “trọng yếu” mà các nhà võ thuật ra đòn tấn công khi giao đấu, trên thực tế đều là những huyệt đạo lớn trên cơ thể hoặc là những vị trí tập trung các dây thần kinh, ví dụ như bách hội, ách môn, thiên đỉnh, cực tuyền, xích trạch, thái uyên, chương môn, kỳ môn, thận du, quan nguyên, ủy trung, dũng tuyền.
Ngoài ra, các nhà võ thuật tập luyện võ công còn chú trọng đến âm dương ngũ hành, cửu cung bát quái, tý ngọ lưu chú, thực dưỡng bổ dược, tứ khí ngũ vị, thăng giáng phù trầm v.v… Những nội dung này đều có mối quan hệ mật thiết đến văn hóa Đông y. Ngược lại, trong quá trình chẩn đoán và điều trị của Đông y, ít nhiều gì cũng sẽ tham khảo hoặc áp dụng một số nội dung liên quan, ví dụ như phương pháp trị liệu bằng điểm huyệt, liệu pháp đạo dẫn, liễu pháp án kiểu, liệu pháp vận động v.v… Võ thuật cũng trở thành một trong các biện pháp điều trị chủ yếu của Đông y.
Theo Secret China-Châu Yến biên dịch