Nỗ lực hết mình, chỉ một trận thiên tai là mất hết, người tài, người tốt sao vẫn phải nhận kết cục đau thương?
Khi xưa ở thành Xá Vệ có một người Bà La Môn giàu có, vốn học sâu hiểu rộng, thêm giỏi nghề nông, nên trong vùng ai nấy đều thán phục trí tuệ của ông. Vì thế, đôi khi ông ta thấy rất hưng phấn về bản sự của mình, mà thêm phần kiêu ngạo.
Một ngày kia, ông tìm thấy một khu đất rất màu mỡ. Ông canh tác trên đó và lúa lên xanh tốt, trổ đòng đơm bông… ai đi ngang qua trông thấy cũng phải khen ngợi. Vị Bà La Môn nọ mừng thầm: năm nay mình chắc chắn sẽ được một vụ mùa bội thu đây! Nhưng ở đời có ai học hết ‘chữ ngờ’, khi lúa đã sắp đến ngày gặt hái, thì trời bỗng nổi cơn giông, cuồng phong mịt mù lại kèm theo mưa đá, khiến cho khắp cả cánh đồng lúa tươi tốt trở thành tan hoang chỉ sau một đêm.
Cũng trong đêm đó, vợ và đứa con gái duy nhất của ông bị mưa đá dội trúng đầu mà chết. Thật là ‘họa vô đơn chí’, đau lại càng thêm đau. Ông ta lê lết ngoài đường, bái lạy tứ phương, khóc lóc thảm thiết, than thân trách phận, kêu trời bất công. Bấy giờ có vị tỳ kheo đi hóa duyên, nghe tiếng khóc than bèn đến bên khuyên nhủ:
– Ông hãy đi tìm Đức Phật, chỉ có Ngài mới giúp được ông hóa giải được nỗi đau này thôi!
Nghe theo lời khuyên của vị tỳ kheo, ông bèn lặn lội đi tìm gặp Đức Phật hỏi cho rõ nguồn cơn. Trải qua một chặng đường dài, cuối cùng ông cũng tìm được đến am Đức Phật giảng Pháp. Vừa gặp Đức Thế Tôn, ông liền phủ phục trước ngài, đem cơ sự kể lại cho Đức Phật nghe…
Nghe xong Đức Phật nói:
– Này Thiện nam! nay ta kể cho con và các tỳ kheo ở đây nghe một câu chuyện:
Khi xưa ở Nam châu Bộ có 5 quốc gia, mỗi quốc gia đều có một vị vua cai quản thần dân của mình, trong đó có một vị vua tên là Kiệt Tham. Người này rất tham lam tàn bạo, xem mạng người như cỏ rác. Ông ta luôn tự cho mình là nhất, nên không biết sợ trời, cũng không sợ đất. Ông ta vốn không tin vào chuyện Thánh thần, ma quỷ, nên cứ thế lộng hành bóc lột dân chúng, khiến cho ai nấy nghe tên đều thấy lo sợ. Ông ta đi đến đâu ai ai cũng phải tung hô vạn tuế, kính cẩn cúi chào, mặc dù trong tâm họ luôn uất hận vị bạo chúa này. Đến một ngày họ không còn nhịn nổi nữa, bèn quần tụ nhau lại, giáo mác, cung tên xông vào hoàng cung gặp Kiệt Tham trỏ tay quát mắng:
– ‘Này, Kiệt Tham! Thường ngày ngươi ức hiếp quần thần, ngang ngược kiêu ngạo, bọn ta không thể tha thứ cho ngươi được nữa. Ngươi cũng đừng trách bọn ta bất kính, nay bọn ta không giết ngươi, nhưng ngươi phải rời bỏ ngôi vị và cút khỏi nơi này’.
Kiệt Tham thất kinh, chắp tay quỳ lạy đoạn đem theo gia quyến mà rời khỏi hoàng cung và đất nước của mình. Kể từ đó, hắn ngày ngày kết thảm cỏ đem bán mưu sinh. Khi biết tin người em của mình đã nối ngôi, hắn bèn viết một phong thư xin ban cho một ngôi làng. Người em cảm kích trước lá thư của anh, nên cũng giúp Kiệt Tham được toại nguyện. Hắn lấy làm đắc ý, lòng tham lại nổi lên. Hắn lợi dụng lòng nhân từ của người em, mà lấn tới ‘được voi đòi tiên’ được một lại đòi thêm hai, ba, bốn…. cuối cùng hắn đòi chia cho hắn một nửa giang sơn.
Hắn nghĩ: ‘Đất nước này vốn dĩ là của ta, ta nên tiến đánh chiếm lại những gì thuộc về mình…!’
Chiến tranh xảy ra, người em vốn dĩ nhân từ không muốn nhân dân phải chịu cảnh lầm than, nên đành nhường lại cơ đồ cho Kiệt Tham. Được đà thắng thế lại có đội quân hùng mạnh, hắn dã tâm đánh chiếm nốt những nước láng giềng. Cuối cùng toàn bộ châu Thiện Bộ đều thuộc về hắn cai quản.
Đế Thích Vương thấy thế bèn hóa thành một người Bà La Môn, biến cây trượng thành cái bát vàng, đến cung điện xin vào gặp nhà vua.
Ông tâu với vua rằng:
– ‘Thưa đức vua! Tôi từ bờ biển đến đây, tôi thấy có một quốc gia rất hưng thịnh, cư dân đông đúc, lại có nhiều báu vật… Không hay Quốc vương có muốn đánh chiếm lấy không?’
Nhà vua nghe thấy thì mừng rỡ, gật đầu lia lịa…
Người thanh niên, nói tiếp:
– ‘Ngài hãy chuẩn bị thuyền chiến, bảy ngày sau tôi sẽ quay trở lại’…
Nói đoạn xin cáo lui…
Ngay sau đó, Kiệt Tham cho người ráo riết chuẩn bị quân tư trang đợi ngày khởi binh. Nhưng đã đến ngày thứ bảy, mà vẫn không thấy người thanh niên nọ quay trở lại như đã hẹn. Nhiều ngày nữa trôi qua khiến cho Kiệt Tham nóng lòng ăn ngủ không yên, trong tâm bứt dứt… Một đêm nọ hắn nhìn lên bầu trời gió mát trăng thanh, đọc một bài kệ:
“Tăng niệm theo dục vọng
Đã có nguyện nhiều lần
Ngày thịnh lấy làm vui
Vì đã được tự tại”.
Đọc xong, ông ta cho gọi gia nhân vào phán:
– ‘Ai giải được bài kệ này, ta ban thưởng nghìn vàng!’
Khắp các quần thần, dân chúng không ai giải được. May thay có một thanh niên xuất hiện nói rằng có thể giải được bài kệ, nhưng bảy ngày sau sẽ trả lời quốc vương.
Một lần nữa Kiệt Tham lại bị dục vọng dày vò tâm can, làm cho héo gầy cả thân xác… Đến ngày thứ bảy quả nhiên người thanh niên nọ xuất hiện. Và rồi, anh ta đọc cho vua nghe một bài kệ:
“Tham sân si độc hại
Khiến chúng ta đảo điên
Thường ở nơi vắng lặng
Có thể được tự tại”.
Nhà vua nghe xong bừng tỉnh, ưu sầu tan biến… Liền ban thưởng nghìn vàng cho người thanh niên như đã hứa”.
Kể tới đây Đức Phật trâm ngâm một lát, rồi nói tiếp:
– “Vị quốc vương trong câu chuyện, chính là người Bà La Môn đang quỳ ở dưới lễ đường kia. Vì kiếp trước đã làm nhiều điều ác, nên sau khi luân hồi ở kiếp này phải hoàn trả nợ nghiệp trong khổ nạn. Nếu nhà ngươi một lòng thành tâm hối cải, thì hãy theo ta tu hành bằng không sẽ phải chịu dày vò trong khổ nạn, đời đời kiếp kiếp…”
Người Bà La Môn nghe xong thấu tỏ đạo lý. Ông chắp tay bái lạy Đức Phật, một lòng xin theo tu khổ hạnh.
***
Người xưa thường nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”, sang hèn thọ yểu vốn đã được an bài theo thiên mệnh. Người trong vô minh không chịu tiếp nhận số mệnh, cậy mình tài ba mà đấu với trời, đấu với đất. Đến khi việc không như ý, chịu cảnh tang thương không biết hối cải lại đem lòng oán hận trời Phật, oan nghiệt chồng chất. Đến khi nào mới được thoát kiếp?
Hóa ra tự tại không phải vì có được nhiều thịnh vượng rồi thì an tâm tự tại như vị quốc vương kia nói trong bài kệ. Tự tại là ở trong tâm, không bị ảnh hưởng bởi dục vọng và những gì đắc được, như lời người thanh niên nọ.
Đạo trời có nhân, có quả, ‘Thiện ác hữu báo’. Thấu hiểu được đạo lý này, thì người sống trong hoan lạc, không còn khổ não.
ĐKN