-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
- Phan Đăng Media
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
Einstein, George Soros, Warren Buffert, Morgan, Rockefeller…., có thể kể mãi không thôi về những người Do Thái thành công lừng danh thế giới. Từ thị trường cổ phiếu đến ngân hàng, từ kim cương đến hàng thời trang cao cấp, ở đâu người ta cũng nhìn thấy bóng dáng phủ trùm của những ông chủ người Do Thái. Đến nỗi “Ba thương nhân Do Thái hắt hơi trong nhà, hệ thống ngân hàng toàn thế giới đều bị cảm dây chuyền. Năm thương nhân Do Thái kết hợp với nhau, có thể khống chế toàn bộ thị trường vàng bạc thế giới”. Sự thành công của người Do Thái khiến người Nhật phải kính nể, người Mỹ phải ngưỡng mộ. Còn người Đức, đã có một thời vì đố kỵ và căm ghét, đã tìm cách xóa sổ dân tộc này khỏi cộng đồng nhân loại.
Và cũng bởi sự thành công vượt lên tất cả đó, một câu hỏi vì sao cứ ám ảnh mọi người.
LANG THANG VÀ HAM HỌC
Ham học hỏi là bí quyết thành công ai ai cũng biết. Vùng đất miền Trung “chó ăn đá gà ăn sỏi” của chúng ta buộc người dân nơi đây phải tìm đến con chữ để thoát khỏi đói nghèo cũng chẳng phải điều gì thần bí. Và cụm từ “vùng đất học” Nghệ Tĩnh hay Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng ra đời từ đó.
Tuy nhiên, hơn hẳn mọi miền đất học mà chúng ta thường nghĩ tới, với người Do Thái, học không chỉ để thoát nghèo mà nó còn là điều kiện tiên quyết để sinh tồn, để sống.
“Một bà mẹ người Do Thái hỏi con trai:
-Nếu một ngày nào đó căn nhà của con bị thiêu rụi, tài sản của con bị cướp, con sẽ mang theo cái gì để chạy?.
– Nếu có thể, con sẽ giấu chút vàng hay kim cương, tiền bạc để mang theo.
Người mẹ lại hỏi thêm:
– Có một thứ không có hình dạng, màu sắc, mùi vị, con có biết đó là gì không?
– Là không khí – đứa trẻ trả lời.
Người mẹ nói: không khí đương nhiên quan trọng,nhưng nó không hề thiếu. Con trai, thứ mà con phải mang theo không phải là tiền, không phải là kim cương, mà chính là tri thức. Vì tri thức là thứ không ai có thể cướp được. Chỉ cần con còn sống, tri thức sẽ vĩnh viễn theo con, bất luận đi tới nơi đâu, con cũng sẽ không đánh mất nó.
Có lẽ không ở đâu trên trái đất này, người mẹ lại dạy con những điều như thế. Bởi có lẽ không có dân tộc nào lại có lịch sử đau thương như người Do Thái. Hơn 2000 năm lang thang không tổ quốc, trước khi nhà nước Israel được thành lập năm 1948, người Do Thái sống một kiếp người ăn nhờ ở đậu “rày đây mai đó”. Đối với họ, việc bị người bản xứ kỳ thị, xua đuổi, thậm chí bị tịch thu tài sản, bị cướp bóc là chuyện “thường ngày ở huyện”. Hôm nay còn là cự phú, ngày mai trắng tay cũng chẳng có gì là lạ. Bởi vậy, ngay từ trong máu của mình, người Do Thái đã luôn chuẩn bị cho mình một tinh thần “bắt tay làm lại từ đầu, từ hai bàn tay trắng” . Và để có thể bắt tay làm lại, cứu cánh duy nhất có thể có, đó là tri thức – một thứ tài sản không ai có thể cướp bóc được – trừ cái chết.
Nước Mỹ, miền đất hứa của người Do Thái sau chiến tranh thế giới thứ 2 có một câu nói nổi tiếng ai ai cũng biết: “Tài sản của người Mỹ nằm trong túi của người Do Thái, còn tài sản của người Do Thái nằm trong não của họ”. Nếu bạn hỏi một người Do Thái điều gì quan trọng nhất, câu trả lời chắc chắn là trí tuệ. Đối với họ, trí tuệ là thứ tài sản quý giá hơn tiền bạc. Trong xã hội Do Thái, phần lớn mọi người đều cho rằng một vị học giả luôn vĩ đại hơn một Quốc Vương. Học giả mới là trung tâm tôn kính của mọi người. Thậm chí, Kinh cựu ước, bộ sách linh thiêng của người Do Thái đã viết. “Thà chấp nhận bán đi tất cả những gì mình có, cũng phải gả bằng được con gái mình cho một vị học giả. Nếu cha cùng ngồi tù với một vị giáo sỹ, kẻ làm con trước tiên phải cứu lấy vị giáo sỹ”.
Với tinh thần tôn sùng tri thức như vậy, người Do Thái ở bất kỳ đâu cũng được xem là cộng đồng xuất sắc hơn người. Chỉ tính riêng ở Mỹ, nơi cộng đồng Do Thái chỉ chiếm chưa tới 2% dân số, người ta đã thống kê được rằng: Gần một nửa trong số những nhân vật hàng đầu của phố Wall mang huyết thống Do Thái . 30% luật sư hành nghề ở Mỹ là người Do Thái. Hơn một nửa nhân viên kỹ thuật trong ngành công nghệ thông tin mang dòng máu Do Thái. Người Do Thái nắm trong tay các tờ báo lớn “Thời báo New York”, “ Bưu điện Washington”, “ Nhật báo phố Wall” và các mạng lưới truyền hình lớn nhất thế giới như ABC, CBS, NBC….
Đọc đến đây, hẳn các bạn sẽ hỏi: Dẫu chẳng phải là yếu tố tồn vong như người Do Thái, nhưng tri thức vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của hầu như mọi dân tộc trên trái đất này. Thế nhưng chẳng có dân tộc nào đạt đến “tầm cỡ” mà người Do Thái đã đạt được? Yếu tố nào làm nên điều đó?
Câu trả lời là tinh thần cầu tìm tri thức!
Để lý giải rõ hơn cho điều này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu câu chuyện về cuộc đời của Warren Buffetf, nhà đầu tư tài chính, một trong những người giàu nhất nước Mỹ hiện nay. Ông là người Mỹ gốc Do Thái, sinh ngày 30.8 1930 tại một bang ở miền Trung nước Mỹ. Là con trai của một nhà môi giới cổ phiếu nên trong nhà ông, sách báo liên quan đến cổ phiếu chất cao từng đống. Và cũng bởi dòng máu Do Thái của mình, ngay từ năm 8 tuổi, ông đã say mê những cuốn sách này.
Nói đến sách, người Do Thái có một niềm đam mê, không, hơn cả đam mê, mà nó là một tín ngưỡng đặc biệt đối với sách. Pháp điển Do Thái ghi rõ: “ Một người đang đi trên đường, nếu phát hiện thấy cuốn sách chưa từng xem qua, anh ta nhất định sẽ phải mua nó, mang về nhà cho mọi người cùng thưởng thức…
Cuộc sống cơ cực đầy khốn khó, không thể không cầm cố vật dụng để sống qua ngày. Vật đầu tiên bạn nên bán là vàng, kim cương, căn nhà và đất đai. Cho đến thời khắc cuối cùng, cũng không được bán đi bất kỳ cuốn sách nào….
Dù đó là kẻ thù, nhưng khi anh ta tìm đến mượn bạn sách bạn cũng phải cho anh ta mượn. Nếu không, bạn sẽ trở thành kẻ thù của tri thức….
Biến sách vở thành bạn của bạn, biến giá sách thành tòa án của bạn. Bạn phải vui mừng trước vẻ đẹp của sách vở. Hãy lấy những quả chín của nó, ngắt lấy những đóa hoa của nó”.
Pháp điển Do Thái còn quy định: Có người đến mượn sách, người nào không cho anh ta mượn sẽ bị phạt tiền. Trong gia đình người Do Thái, tủ sách phải đặt ở đầu giường chứ không được để cuối giường. Không tôn trọng sách vở là một thái độ không thể chấp nhận được trong xã hội Do Thái.
Tôn sùng sách vở, mê sách như một tín ngưỡng có lẽ là yếu tố khác biệt làm nên trí tuệ hơn người của dân tộc Do Thái. Và có lẽ đó là điều mà người Việt chúng ta, những ai biết nghĩ cũng phải chạnh lòng. Người bán vé số nhiều gấp hàng trăm lần người bán báo. Quán nhậu nhan nhản khắp nơi, còn nhà sách trở thành “của hiếm”. Đó là lý do giải thích vì sao một đất nước hơn 90 triệu dân mà mỗi đầu sách in ra, đạt đến con số vài ngàn đã là may mắn. Còn báo chí, tuy có khá hơn, nhưng trừ vài tờ báo hàng đầu, phần còn lại cũng chỉ năm bảy ngàn tờ đã là hạnh phúc. Và đáng buồn hơn, những “ông nghè, ông cống” của chúng ta, sau khi đã ra khỏi giảng đường đại học , không ít người đã xem rằng con đường kiếm tìm tri thức đã hoàn tất. Để rồi trên suốt chặng đường mưu sinh của họ, nếu có ai đó có nhắc tới chuyện trau dồi tri thức, hầu như tất cả đều than thở mà rằng: Kiếm ăn tối mặt tối mày, thời gian đâu mà sách với vở (!) Thật là buồn.
Trở lại với câu chuyện của Warren Buffetf. Lớn lên cùng sách vở, cùng các công ty môi giới cổ phiếu, nơi cha ông làm việc, năm 17 tuổi, khi đang theo học tại trường đại học Nebrasks, Buffetf đã tình cờ đọc được cuốn “Đầu tư thông minh” của Benjamin Graham. Kể từ đó, được gặp và trau dồi tri thức với Benjamin Graham trở thành một khát vọng khôn cùng của cậu thanh niên Buffetf. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng nữa của người Do Thái mà Buffetf được thừa hưởng từ dòng máu của dân tộc mình. Đối với họ hiểu biết hời hợt là điều mà họ ghét nhất. Bất kể chuyện lớn hay nhỏ, người Do Thái không bao giờ có thái độ “vờ như đã hiểu” hay “ không cần hiểu rõ” mà luôn luôn sẽ là “không biết phải hỏi”. Không những thế, đối với họ “không thẹn khi hỏi người dưới” và không bao giờ xem hỏi là nhục. Về điều này, người Việt chúng ta có một câu rất hay: “Biết thì nói biết, không biết nói không biết, ấy là biết” (bởi nói không biết, người khác sẽ nói cho mình biết rõ, và mình sẽ biết). Về cái “biết” này, không ít người vì bản tính hời hợt hay bộp chộp đã mang một tâm lý chủ quan vô cùng nguy hiểm. Họ luôn nghĩ rằng mình đã “biết” trong khi thực ra chỉ mới biết một nửa. Ngạn ngữ Nga có câu: “Một nửa bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”. Không hiểu chân lý đến tận cùng, mọi quyết định tiếp theo chắc chắn sẽ sai lệch, và thất bại, nếu có xảy ra cũng là điều dễ hiểu.
Với khát vọng “học hỏi đến tận cùng” đó, ngay sau khi tốt nghiệp đại học Nebrasks, ông đã một mình tìm đến New York, nộp đơn xin vào học ở trường đại học Colombia để được trực tiếp nghe những bài giảng của giáo sư Benjamin Graham
Cùng thời gian theo học và tiếp xúc thường xuyên với thần tượng của mình ở Đại hoc Colombia, Buffetf lại được giới thiệu và đọc cuốn “Cổ phiếu bình thường và lợi nhuận bất thường” của Philip FISHER. Và “tôi như đụng phải một cục nam châm, bị hút chặt vào nó”, như sau này ông nhớ lại. Từ đó, ông dành thời gian tìm hiểu về Philip, mong được gặp thầy để được “Bái sư học đạo”. Khát vọng này của ông cũng trở thành hiện thực. Người thầy mới này đã chỉ cho ông tất cả các đạo lý kinh doanh, những thủ thuật mới trên thị trường cổ phiếu. Đến hôm nay, khi đã thành danh, trở thành người giàu nhất phố Wall, ông đã thừa nhận rằng ông có hai người cha tinh thần, đó là Benjamin Graham và Philip Fisher. Ông bảo, trong hoạt động đầu tư của mình. 85% giống Graham và 15% giống Fisher. Chính sự trộn lẫn giữa hai người thầy này đã tạo nên một Warren Buffetf thiên tài, không chỉ ở phố Wall mà còn cả trên thị trường đầu tư tài chính thế giới.
Tinh thần cầu tìm tri thức đã tạo nên một Wamrren Buffetf lừng danh thiên hạ. Cũng với tinh thần đó, dân tộc Do Thái đã vượt lên, đứng đầu tất cả. Và không chỉ yêu cầu bản thân mình không ngừng học hỏi, người Do Thái còn yêu cầu người khác cũng phải như vậy. Họ không bao giờ chịu kết giao với những người kiến thức hẹp hòi, học thức tụt hậu. Họ cho rằng nếu kết giao với loại người đó, dẫu có thể mang lại cho họ một vài lợi ích trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín của mình trong giới thương nhân Do Thái. Ngược lại, kết giao với những người có học thức uyên bác, không những có thể học hỏi được nhiều điều, mà về lâu dài uy tín sẽ được nhân lên, tạo thuận lợi cho con đường phát triển.
Có một câu chuyện được lưu truyền trong thế giới thương nhân Nhật Bản để minh họa cho vấn đề kể trên không ít người không biết. Chuyện rằng: “ Có một thương nhân Nhật Bản nắm bắt rất tốt phương pháp kinh doanh của các thương nhân Do Thái, nhờ đó đã rất thành công trong lĩnh vực buôn bán túi xách tay dành cho nữ giới, tạo chỗ đứng trong ngành kinh doanh phục sức. Để mở rộng phạm vi kinh doanh, ông còn định đầu tư vào lĩnh vực kim cương. Để tránh thất bại như những người trước, ông tìm đến thỉnh giáo ông vua kim cương thế giới, một người Do Thái.
-“ Muốn thành công trong lĩnh vực buôn bán kim cương, rốt cuộc phải có những điều kiện nào?”
Vua kim cương trả lời:
-“ Muốn trở thành thương nhân kim cương, trước tiên phải vạch ra kế hoạch trăm năm. Cũng có nghĩa là, chỉ dựa vào thời gian một đời người của ông là chưa đủ, chí ít phải có thêm đời con của ông. Bỏ ra thời gian hai đời người mới ổn thỏa. Hơn nữa, trong lĩnh vực buôn bán kim cương, điều cần nhất là có sự tín nhiệm của người khác. Đó là nền tảng không thể thiếu trong ngành kinh doanh đá quý. Vì vậy, học thức của một thương nhân buôn bán kim cương phải hết sức uyên bác, bất kể việc gì cũng phải biết”.
Vua kim cương muốn thử học thức của thương nhân Nhật Bản, bèn quay sang hỏi:
-“ Ông biết vùng biển nước Úc có những loài cá nhiệt đới nào không?”.
Thương nhân Nhật Bản không biết trả lời thế nào.
Có thể có đôi chút ngụ ngôn trong câu chuyện kể trên, nhưng quả thực, với người DoThái, làm ăn càng lớn trí tuệ lại càng cần phải uyên thâm. Đó là một điều chắc chắn.
KHÔNG CÚI ĐẦU THUẦN PHỤC,
BIẾT NGHI NGỜ TẤT CẢ
Cũng bởi tinh thần tôn vinh tri thức, “Một vị học giả luôn vĩ đại hơn một Quốc Vương”, người Do Thái đã đi trước thời đại, đạt đến tầm cao của khái niệm dân chủ.
Cũng như mọi dân tộc khác trên thế giới, người Do Thái cũng có “đạo” của mình, họ phụng thờ Thiên Chúa. Tuy nhiên, khác hẳn với những dân tộc khác, Thiên Chúa không phải là đấng quá linh thiêng để con người chỉ biết ngưỡng vọng và thuần phục. Đối với họ, quan hệ với Thiên Chúa cũng phải thông qua những giao ước như người thường. Kinh cựu ước, bộ sách linh thiêng nhất của người Do Thái có ghi một câu chuyện như sau.
Mười hai chi tộc của người Do Thái bắt nguồn từ 12 anh em có quan hệ huyết thống với nhau. Cha của họ chính là Jacob.
“Khi còn trẻ, Jacob từng qua phương Đông làm công cho người cậu của mình, sau đó kết hôn với hai người con gái vốn là hai chị em.
Trải qua nhiều năm, theo lời hứa của Đấng tối cao, ông đã đưa vợ con về đất Canaan.
Trên đường đi, vào một đêm nọ, một người lạ mặt xuất hiện và đòi đấu vật với Jacob. Hai người giao đấu với nhau đến tận mờ sáng. Người lạ mặt thấy không thắng được Jacob, bèn đánh một cú vào đùi Jacob, khiến ông bị sái gân đùi.
Người lạ mặt: “ Trời sáng rồi, hãy để ta đi!”
Nhưng Jacob không chịu: “ Ngài không chúc phúc cho tôi, tôi sẽ không để ngài đi”.
Người kia bèn hỏi ông: “Người tên là gì?”
Jacob bèn nói tên họ của mình cho người lạ mặt biết.
Người lạ mặt nói: “Tên của người không còn là Jacob, mà sẽ đổi là Israel. Vì ngài đã đấu thắng được thần linh”.
Israel là danh xưng sau khi lập quốc của người Do Thái.
Nó có ý nghĩa là “người đấu vật với thần linh”.
Thiên Chúa đã từng đấu vật với tổ tiên mình. Và trong cuộc chơi đó, Thiên Chúa lại còn phạm luật. Câu chuyện đặc biệt đó được ghi rõ trong Kinh cựu ước thì rõ ràng, đối với người Do Thái, không có gì là bất khả xâm phạm. Đó là điều khác biệt với mọi tôn giáo khác. Phật tổ Như Lai với Phật giáo, đức Chúa Zê Su với Thiên Chúa giáo, Thánh A La với người Hồi giáo, rõ ràng có một vị thế khác hẳn, đó là những Đấng linh thiêng bất khả xâm phạm.
Lịch sử Do Thái giáo còn có một câu chuyện thế này:
“ Cháu đời thứ X của Naoh là Abraham đã từng có một cuộc đàm phán với Thiên Chúa.
Abraham và Thiên Chúa có một giao ước, mỗi năm dân tộc Do Thái phải tế lễ cho Thiên Chúa. Khi thực hiện lễ tế, người Do Thái phải chuẩn bị các lễ vật gồm một con bò đực 3 tuổi, dê đực và gà rừng. Chúng phải được giết chết, cắt thành hai mảnh bằng nhau, với ý nghĩa: Nếu dân của Thiên Chúa dám vi phạm giao ước, số phận của họ cũng giống như những lễ vật kia.
Một hôm, được tin dân của ngài ở hai thành phố lớn đã vi phạm giao ước, Thiên Chúa bèn quyết định hủy diệt hai thành phố tội lổi ấy. Abraham hay tin, không nỡ nhìn nhân dân của mình bị giết hại, thành phố bị phá hủy, nên đã thay mặt nhân dân đến đàm phán cùng Thiên Chúa. Trong cuộc đàm phán ấy, ông đã thể hiện được trí tuệ và lòng dũng cảm của một tổ phụ.
Ông cất tiếng hỏi Thiên Chúa: “ Nếu trong thành phố có 50 người chính trực, lẽ nào họ cũng bị hủy diệt với những người kia hay sao? Lẽ nào ngài không thể vì những người chính trực kia mà tha thứ cho những người còn lại?”
Thiên Chúa thấy lời ông nói có lý, bèn nhượng bộ nói: “ Nếu trong thành phố có 50 người chính trực, ta sẽ vì họ mà tha thứ cho tất cả thành”.
Thấy có hy vọng, Abraham lại mạnh dạn lên tiếng: “ Nếu chỉ thiếu 5 người nữa là đủ 50 người chính trực, phải chăng ngài vẫn quyết định hủy diệt tòa thành ấy?”
Thiên chúa lại nhượng bộ. Ngài đồng ý: “ Nếu có 45 người chính trực trong thành , ta cũng sẽ tha thứ cho tòa thành ấy”.
Thiên Chúa lại tiếp tục nhượng bộ. Abraham lại tiếp tục van nài. Cuối cùng, vị tổ phụ đưa ra một câu hỏi đầy hóc búa: “ Hủy diệt toàn bộ kinh thành có cả người tội lỗi và người chính trực, phải chăng là điều hợp với chính nghĩa?”
Thiên Chúa đương nhiên không muốn mang tiếng làm việc không hợp chính nghĩa. Cuối cùng ngài ưng thuận: “ Nếu trong thành có 10 người chính trực, ta sẽ không hủy diệt thành ấy”.
Abraham nhận thấy nỗ lực của mình đã đến giới hạn cuối cùng. Tuy vấn đề chỉ được giải quyết trên mặt số lượng chứ chưa được giải quyết trên mặt chất lượng, nhưng ông cũng chỉ có thể làm được đến thế mà thôi. Sau đó, ông bắt tay đi tìm 10 người chính trực.
Với thiên Chúa họ còn có thể ngang ngửa đàm phán, kỳ kèo thêm bớt thì rõ ràng với người Do Thái, không gì là không thể trao đổi và không có thế lực nào đứng trên tất cả.
Ngay từ khi còn nhỏ, họ được dạy phải biết nghi ngờ những cái có sẵn, phải luôn đặt câu hỏi tranh luận về mọi vấn đề để từ đó tìm ra một lối đi sáng tạo cho riêng mình. Bởi vậy, điều bình thường đối vời người Do Thái là sinh viên tranh luận với giảng viên, nhân viên thách thức ông chủ, binh lính chất vấn sĩ quan và thư ký “sửa lưng” Bộ trưởng. Đối với họ, những câu hỏi tại sao luôn thường trực trên môi, mọi lúc, mọi vấn đề.
Dám tranh luận, biết nghi ngờ, nhưng với người Do Thái, một khi hợp đồng đã được ký kết, giao ước đã được đưa ra thì đó là thứ tuyệt đối không được hủy bỏ. Bởi giao ước bắt nguồn từ sự ước định giữa con người và thần linh. Người Do Thái tin rằng sự tồn tại của họ bắt nguồn từ việc ký kết một giao ước giữa họ với Thiên Chúa. Nếu không tuân thủ giao ước là đồng nghĩa với việc phá bỏ giao ước giữa người với Thiên Chúa, tất sẽ mang đến tai họa, sẽ phải gánh chịu sự trừng phạt của Thiên Chúa. Bởi vậy nếu không tuân thủ hợp đồng, bạn sẽ bị mọi người nguyền rủa, đoạn tuyệt quan hệ và cuối cùng sẽ bị trục xuất khỏi giới thương nhân Do Thái. Cuộc đời làm ăn của bạn coi như chấm hết.
Tôn trọng giao ước gần như một tín ngưỡng nên nhân loại đã gọi người Do Thái là “dân tộc của những giao ước”. Tại Tokyo, Nhật Bản hiện vẫn còn lưu truyền một cuốn sách do một thương nhân Nhật Bản viết cách đây hơn nửa thế kỷ có nhan đề “Kinh nghiệm làm ăn với người Do Thái”. Trong cuốn sách, tác giả Den Fujita nhiều lần nhắc nhở các thương nhân Nhật Bản không được thất tín hoặc hủy bỏ giao ước với người Do Thái. Nếu không, sẽ mãi mãi mất đi cơ hội làm ăn với họ.
Cùng với tín ngưỡng tôn trọng giao ước, để răn dạy đồng bào mình, người Do Thái đã cho lưu truyền trong dân gian một câu chuyện như sau:
“ Ngày xưa, có một cô gái xinh đẹp cùng với gia đình đi chơi xa. Trên đường đi, cô gái tách ra khỏi gia đình để tản bộ một mình, bất giác đi tới một miệng giếng.
Đang lúc khát nước, cô gái bèn leo theo dây gầu xuống giếng uống nước. Nhưng uống xong lại không thể leo trở lên miệng giếng được. Cô gái hoảng sợ vừa khóc vừa kêu la cầu cứu.
Bấy giờ, có một thanh niên đi ngang qua đó. Nghe tiếng khóc la phát ra từ miệng giếng, anh ta bèn tìm cách cứu cô gái lên. Nhờ cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy, hai người đã để lòng yêu mến nhau, nguyện một lòng bên nhau mãi mãi.
Một hôm nọ, người thanh niên có việc phải đi xa. Trước khi lên đường, anh ta đã đến nhà cô gái để nói lời từ biệt, và hứa rằng sẽ mãi mãi giữ lời thề năm xưa. Hai bên đều bày tỏ cho dù bao lâu, nhất định cũng sẽ chờ ngày nên nghĩa vợ chồng.
Sau khi đã đính ước với nhau, hai người muốn tìm một ai đó đến làm nhân chứng cho lời thề nguyện của mình. Đúng lức ấy, có một con chồn lông vàng băng ngang qua trước mặt họ rồi chạy thẳng vào khu rừng. Cô gái bèn nói: “ Con chồn lông vàng ấy và miệng giếng năm ấy sẽ là minh chứng cho chúng ta”.
Sau đó hai người chia tay.
Rất nhiều năm sau, cô gái vẫn một lòng giữ vẹn trinh tiết, chờ đợi vị hôn phu của mình quay về. Thế nhưng, người thanh niên đó đã kết hôn với một cô gái khác tại một vùng đất xa xôi, sinh con cái, hoàn toàn không hề nhớ gì đến lời hôn ước năm xưa.
Một hôm, do đùa giỡn quá mệt, đứa con trai của người thanh niên năm xưa bèn ngã lưng nằm ngủ trên bãi cỏ. Đúng lúc có một con chồn lông vàng đi ngang qua, cắn phập vào cổ đứa bé, khiến nó chết ngay lập tức. Cha mẹ nó đều hết sức đau khổ, thương tiếc cho đứa con của mình.
Sau đó một thời gian, hai vợ chồng lại sinh được đứa con trai khác. Cậu bé được nuôi dưỡng khôn lớn và thích được đi xa vui chơi. Một hôm, nó đi đến một miệng giếng, vì nhìn thấy bóng của mình in trên mặt nước, trong một phút không cẩn thận đã lọt nhào xuống giếng chết.
Đến lúc ấy, người thanh niên năm xưa mới nhớ lại hôn ước ngày nào của mình với cô gái. Chứng nhân ngày ấy chính là con chồn vàng và cái giếng.
Thế là, anh ta kể lại toàn bộ sự việc cho người vợ của mình, rồi đề nghị ly hôn với người vợ ấy.
Sau đó, anh ta trở về thôn làng của người con gái năm xưa. Cô gái vẫn đang chờ đợi anh. Hai người cuối cùng đã kết hôn với nhau, sống những tháng ngày hạnh phúc cho đến cuối đời”.
Vâng, vi phạm giao ước, bạn sẽ bị trừng phạt, đó là một điều chắc chắn. Nếu bạn là người Do Thái, đòn trừng phạt là bị trục xuất khỏi cộng đồng, còn nếu bạn không thuộc cộng đồng của họ, ngoài việc vĩnh viễn chấm dứt cơ hội làm ăn, bạn sẽ bị kiện đòi bồi thường đến tận cùng, không hề khoan nhượng.
Biết nghi ngờ, hay tranh luận, tôn trọng giao ước, hơn ai hết người Do Thái hiểu rằng, nền tảng cơ bản của tất cả phải là luật pháp. Hơn 2000 năm ăn nhờ ở đậu nước người, để có thể được chấp nhận, “ nhập gia tùy tục” là con đường tất yếu. Và để có thể “tùy tục”, họ phải chú tâm nghiên cứu luật pháp. Đó là lý do giải thích vì sao chỉ tính riêng nước Mỹ, nơi cộng đồng Do Thái chiếm chưa tới 2% dân số, đã có tới 30% luật sư là người Do Thái. Hiểu luật để bảo vệ mình, chẳng có cách nào khác cả.
Hiểu luật và tôn trọng pháp luật, nhưng khác với mọi người, thường “bịt tai, nhắm mắt trước mọi điều khoản của pháp luật”, người Do Thái, với bản tính biết nghi ngờ và ham học hỏi của mình, luôn biết tìm ra những kẻ hở của pháp luật để luồn lách. Đây cũng chính là một trong những bí quyết thành công của người Do Thái.
“Trong thời gian nổ ra Đại chiến thế giới thứ 2, đất nước Ba Lan đã rơi vào tay của phát xít Đức. Quốc gia nhỏ bé lân cận là Lithuania cũng lâm vào tình thế sắp bị thôn tính. Rất nhiều người Do Thái tranh nhau rời khỏi Lithuania, quá cảnh vào Nhật Bản để đến các nước khác lánh nạn.
Một hôm, nhân viên kiểm tra điện tín của chính phủ Nhật Bản đến gặp vị đại diện của Hội đồng Do Thái là ông Sayou Anan, yêu cầu ông phiên dịch và giải thích một bức điện tín sẽ được chuyển đến thủ đôVilnius của Lithuania.
Trong bức điện có một câu như sau: shish Omiskad-shimb, talisehad.
Ông Anan lúc đó đã giải thích rằng, đây là một bức điện báo do giáo sĩ Kalisz gởi cho một người đồng sự ở Lithuania, bàn về một số vấn đề liên quan đến nghi lễ của Do Thái giáo, ý nghĩa là: “Sáu người có thể khoác một tấm khăn để tiến hành nghi thức cầu nguyện”.
Nhân viên kiểm tra thấy lời giải thích có lý, nên đã đồng ý phát bức điện tín ấy đi.
Kỳ thực, bản thân Anan cũng không hiểu, câu nói trong bức điện là có ý nghĩa gì, sao tự nhiên lại nhắc đến câu “sáu người có thể đội chung một chiếc khăn để tiến hành nghi thức cầu nguyện”.
Sau này, ông đã được gặp giáo sĩ Kalisz và đưa ra thắc mắc của mình về vấn đề kể trên.
Giáo sĩ Kalisz nhìn ông bằng một ánh mắt buồn bã thâm trầm, tựa như đang nói: “Một người Do Thái làm sao có thể không hiểu câu cách ngôn “Talmud” nổi tiếng này cơ chứ?”.
“Ông thực sự không hiểu sao? Ngụ ý của nó là sáu người có thể dùng chung một giấy chứng nhận để đi lại”.
Bấy giờ, Anan mới hiểu ra vấn đề. Giáo sĩ Kalisz vừa mới rời khỏi châu Âu chuyển đến Nhật Bản. Điều mà ông quan tâm nhất trong lúc này chính là những đồng bào Do Thái còn đang kẹt lại ở Lithuania. Ông biết, visa quá cảnh mà chính phủ Nhật cấp tại thủ đô Vilnius của Lithuania được tính theo đơn vị gia đình. Thế là, ông đã bí mật kiến nghị những người Do Thái ở đây, dù sáu người không có quan hệ thân thuộc với nhau , cũng hãy cứ tập hợp thành một đơn vị gia đình để cùng nhau đến xin visa quá cảnh. Bằng cách đó, sẽ có nhiều người Do Thái có được cơ hội rời khỏi đất nước Lithuania đang ngập chìm trong khói lửa chiến tranh.
Chính khái niệm “ đơn vị gia đình” của chính phủ Nhật Bản mà không kèm theo những ràng buộc pháp lý khác về khái niệm gia đình đã giúp cho những người Do Thái thông minh lũ lượt kéo nhau về đất Nhật.
Có một câu chuyện luồn lách luật pháp khác cũng không kém phần trí tuệ:
“Johnny là một thương nhân người Mỹ gốc Do Thái, đã lăn lộn trên thương trường hơn 30 năm. Những thủ đoạn trốn thuế, tránh thuế trong hoạt động kinh doanh ông đều hiểu rõ. Đối với các điều khoản quy định của hải quan Mỹ, ông càng nắm rõ trong lòng bàn tay.
Có một thời gian, để nhập khẩu găng tay da nữ từ Pháp vào Mỹ, phải nộp thuế nhập khẩu khá cao. Vì vậy, giá bán của loại găng tay này trên thị trường Mỹ cũng hết sức cao. Để kiếm được nhiều lợi nhuận, Johnny đã bay đến Pháp, mua 10 ngàn đôi găng tay da cừu cao cấp nữ. Để không phải đóng quá nhiều thuế nhập khẩu, ông chia 10 ngàn đôi găng tay thành từng chiếc riêng lẻ, 10 ngàn chiếc bên trái được đóng vào một thùng, chuyển ngay về Mỹ, 10 ngàn chiếc găng tay bên phải tạm thời giữ lại ở Pháp. Một ngày nọ hải quan Mỹ phát hiện một thùng hàng chưa có ai đến lấy. Đó là một thùng hàng được gửi đến từ Pháp, bên ngoài cũng bình thường như bao thùng hàng khác. Điều kỳ lạ là, đã quá thời hạn lấy hàng, mà vẫn chưa thấy chủ nhân thùng hàng đến nhận. Căn cứ quy định của hải quan Mỹ, những lô hàng vượt quá thời hạn kiểu này hải quan có quyền xem đó là lô hàng vô chủ, đem ra bán đấu giá.
Một hôm, nhân viên hải quan mở thùng hàng ra xem, phát hiện bên trong là một lô găng tay nữ được sản xuất từ Pháp. Các nhân viên hải quan hết sức ngạc nhiên, vì loại găng tay này không chỉ được sản xuất bằng nguyên liệu cao cấp, gia công tinh xảo mà kiểu dáng và màu sắc cũng hết sức độc đáo. Tổng cộng là 10 ngàn chiếc. Bấy giờ, loại găng tay cao cấp này có giá bán rất cao ở Mỹ, tại sao lại không có người đến lấy? Điều khiến cho các nhân viên hải quan đau đầu hơn nữa là, 10 ngàn chiếc găng tay đó chỉ toàn là găng tay bên trái. Chiếu theo thông lệ, các nhân viên hải quan đã đưa số găng tay kể trên đến phòng bán đấu giá. Tại đó, Johnny nhanh chóng mua lại toàn bộ lô hàng trên với giá rẻ bèo.
Sau khi lô hàng thứ nhất được phát đi, Johnny biết rõ là lực lượng hải quan Mỹ sẽ chú ý đến lô hàng kỳ lạ của mình. Vì vậy, ông cố ý trì hoãn không chuyển phát tiếp lô hàng thứ hai, để hai lô hàng cách nhau đến hơn một tháng, mục đích là khiến cho các nhân viên hải quan mệt mỏi, mất cảnh giác.
Để lô hàng thứ hai có thể thuận lợi qua được hải quan, ông đã thay đổi hình thức đóng gói. Ông cẩn thận phân loại 10 ngàn chiếc găng tay theo kích cỡ, màu sắc, kiểu dáng… cứ hai chiếc lại đóng vào trong một cái hộp hình chữ nhật, được gói cẩn thận trong một lớp giấy nilong. Mặt ngoài của những chiếc hộp cũng được trang trí hết sức xinh đẹp. Bên trên còn ghi rõ nhà sản xuất, đăng ký thương hiệu, số hiệu, ngày xuất xưởng và hướng dẫn sử dụng. Tính tổng cộng, ông đã dùng đến 5000 cái hộp để đóng gói toàn bộ số găng tay còn lại, sau đó lập tức chuyển về Mỹ.
Mọi việc đã tiến triển đúng như dự tính của ông. Sau khi lô hàng thứ hai được chuyển đến, các nhân viên hải quan nhìn thấy mỗi hộp chỉ gói hai chiếc găng tay, liền khẳng định đó là một đôi, thêm vào đó mỗi gói hàng đều được đóng gói cẩn thận, xinh đẹp, mọi thủ tục đều hoàn thành, nên đã bật “đèn xanh” cho qua. Johnny hớn hở đến nhận số hàng, đương nhiên cũng phải nộp thuế quan cho 5000 đôi găng tay ấy, cộng với một số tiền nhỏ đã bỏ ra để mua lại lô hàng thứ nhất trong cuộc bán đấu giá, vậy là ông đã chuyển được 10 ngàn đôi găng tay vào đất Mỹ một cách trót lọt.
Trung tuần tháng 10 năm đó, một lô găng tay da cừu cao cấp của Pháp đã xuất hiện trên thị trường thời trang của Mỹ. Mặc dù giá cả không rẻ chút nào, nhưng do chất liệu cao cấp, kiểu dáng độc đáo, gia công tinh xảo, thêm vào đó trời đã lập đông nên 10 ngàn đôi găng tay da cừu cao cấp đã được bán sạch chỉ trong một thời gian ngắn.Johny đã lời “khẳm”từ chuyến hàng này” .
Không chỉ lách kẽ hở của luật pháp, người Do Thái còn biết lách cả quy định của tôn giáo mình – Do Thái giáo quy định người Do Thái không được ăn thịt heo. Họ tôn trọng điều đó nhưng họ cũng biết rằng giới luật không cấm nuôi heo và buôn bán thịt heo. Vậy là với nghề này, người Do Thái cũng làm ăn phát đạt. Người ta thống kê được rằng 10% thị phần thịt heo của nước Mỹ nằm trong tay người Do Thái. Có những trang trại nuôi heo của người Do Thái, số lượng mỗi lần xuất chuồng lên đến cả triệu con, làm khuynh đảo cả thị trường.
Với rượu, Kinh cựu ước ghi rằng: “Khi ma quỷ muốn đến làm quen một người nào đó mà không có cơ hội, nó sẽ phái rượu đi thay mình”. Bởi vậy, “ tiền nên được dùng vào việc mua bán, chứ không nên dùng vào việc rượu chè” . Từ đó, người Do Thái suy nghĩ theo hướng “không để tiền của mình chui vào thùng rượu của người khác mà phải tìm cách để tiền của người khác chui vào thùng rượu của mình”. Công ty sản xuất rượu Scofland lớn nhất thế giới do một người Do Thái thành lập là một minh chứng hùng hồn cho kiểu tư duy ấy.
Cũng như với pháp luật, biết nghi ngờ để tìm ra kẽ hở, với con người, khả năng biết nghi ngờ cũng giúp họ tránh được những điều đáng tiếc. Đạo Do Thái dạy các tín đồ của mình rằng, ngoài dân tộc mình, không được tin tưởng vào một dân tộc nào khác. Kinh cựu ước viết “ Nếu đối phương là người Do Thái, bất luận có hay không có giao ước, chỉ cần nhận lời rồi là có thể đặt niềm tin. Ngược lại, nếu đối phương không phải là người Do Thái, dù đã ký giao ước, cũng không được nhẹ dạ cả tin”.
Nghi ngờ tất cả, trừ dân tộc mình – đó là một bài học đau thương của một dân tộc hơn 2000 năm không tổ quốc, bị khinh khi, xua đuổi, bị xếp vào công dân hạng hai, thậm chí bị xem là thú vật dưới thời Đức Quốc xã. Không được xem trọng nên bị bức hại, dối lừa, thậm chí cướp bóc, chiếm đoạt cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, khác hẳn với tư duy thông thường, khi bị dồn ép, con người thường co cụm lại, người Do Thái lại mở rộng làm ăn với mọi dân tộc khác. Chỉ khác là vì luôn nghi ngờ nên họ vô cùng cẩn thận. Không kể giai đoạn thăm dò, thương thảo hợp đồng, ngay cả hợp đồng đã được ký kết, họ cũng không quên thuê các luật sư là người bản xứ để giám sát, nhằm tránh những sự đổ bể bất ngờ ngoài ý muốn.
Và không chỉ ở những giao dịch ban đầu, những hợp đồng đầu tiên, với người Do Thái, nguyên tắc làm ăn của họ là “ mỗi lần đều là sơ giao”. Đây có lẽ là một bài học lớn mà tất cả chúng ta cần phải học (không ít lần, khi bị lừa đảo, bị bội tín, chúng ta thường nghe nạn nhân than rằng, đã làm ăn với những người này lâu rồi, lần nào cũng tử tế, vậy mà lần này….)
“Một lần nọ, một thương nhân Nhật Bản mời một họa sĩ người Do Thái đến nhà hàng dùng cơm. Chủ khách cùng ngồi vào bàn. Trong khi đợi nhà hàng dọn món, người họa sĩ lấy giấy bút ra, vẽ ngay một bức ký họa cho cô chủ quán xinh đẹp trẻ trung.
Chẳng mấy chốc, bức tranh đã được hoàn thành. Người họa sĩ đưa cho thương nhân Nhật Bản xem. Thương nhân Nhật Bản không ngớt lời khen: “ Quá tuyệt! Quá tuyệt!”.
Được khen, họa sĩ Do Thái bèn xoay người lại, nhìn thẳng vào thương nhân Nhật, rồi bắt đầu cầm bút lên vẽ, lại còn thường xuyên giơ ngón tay cái lên.
Thông thường, khi tính toán tỉ lệ các bộ phận cơ thể của người được vẽ, các họa sĩ đều sử dụng đến phương pháp đơn giản mà hiệu quả này.
Thương nhân Nhật Bản trông thấy điệu bộ của họa sĩ Do Thái , tin tưởng rằng ông ta đang vẽ ký họa cho mình. Tuy đang phải ngồi đối diện với nhau, không thể thấy được họa sĩ vẽ như thế nào, nhưng ông vẫn cố gắng giữ tư thế cho thật đẹp.
Thương nhân Nhật Bản cứ ngồi bất động như thế, mắt nhìn người họa sĩ đang chăm chú đưa bút trên bản vẽ, lâu lâu lại đưa ngón tay cái về phía mình. Ít nhất đã 10 phút trôi qua.
“ Được rồi! vẽ xong rồi”. Người họa sĩ dừng bút và nói.
Vừa nghe người họa sĩ nói vậy, thương nhân Nhật Bản bèn thở phào một tiếng, lập tức đứng bật dậy, chạy về phía người họa sĩ, nhưng khi trông thấy bức tranh mới sững sờ kinh ngạc. Thì ra, nãy giờ người họa sĩ không hề vẽ chân dung của mình, mà chỉ chăm chú vẽ ngón tay của ông ta mà thôi.
Thương nhân Nhật Bản vừa xấu hổ vừa tức giận, bèn cằn nhằn họa sĩ Do Thái:
“ Tôi đã cố ý tạo dáng cho ông vẽ, mà ông … ông lại muốn trêu tôi”.
Họa sĩ Do Thái bật cười trả lời: “ Tôi nghe nói ông rất sáng suốt trong chuyện làm ăn, nên mới cố ý kiểm tra ông thử. Ông không hỏi người khác đang vẽ gì, đã vội cho rằng đang vẽ chính mình, lại còn cố gắng chỉnh thế, tạo dáng. Chỉ xét trên điểm này thôi, đã thấy ông còn ở trình độ kém xa so với các thương nhân Do Thái”.
Bấy giờ, thương nhân Nhật Bản mới như chợt tỉnh giấc mộng, nhận ra đâu là sai lầm của mình.
Cho dù làm ăn với một người quen, thương nhân Do Thái cũng tuyệt đối không vì đã từng hợp tác thành công mà buông lỏng việc thẩm tra những điều kiện, yêu cầu của đối tác trong một cuộc làm ăn mới. Làm như vậy, chí ít cũng có được hai điều lợi:
Thứ nhất, sẽ không rơi vào tình cảnh “mất mặt” giống như thương nhân Nhật Bản trong câu chuyện kể trên, vì luôn nghĩ “đến trước làm chủ”mà rơi vào thế cả tin trước hành động của người khác. Ngược lại, chúng ta sẽ có đủ khả năng để cảnh giác, ngăn ngừa mọi hành động lừa gạt từ phía đối phương.
Thứ hai, có thể bảo đảm cho nguồn doanh lợi mà mình phải gian khổ tạo dựng trong lần làm ăn đầu tiên, không bị mất cả chì lẫn chài chỉ vì lý do “tình cảm” trong lần làm ăn thứ hai. Buôn bán rốt cuộc vẫn là buôn bán, không thể đan xen yếu tố tình cảm, nếu không đã chẳng cần chuyện chi li tính toán”.
CÓ THỂ KIẾM TIỀN
MÀ KHÔNG KIẾM LÀ CÓ TỘI
Trong kho tàng truyện kể dân gian của người Do Thái có một câu chuyện như sau: “Người con trai hỏi cha mình, một nhà quản lý ngân hàng: “ Cái gì gọi là Kappitalverbrechen?”
Người cha trả lời: “Nếu số vốn của con không thể mang lại cho con ít nhất 10% lợi tức, coi như con đã phạm tội với số vốn của con, đó gọi là Kapitalverbrechen”.
Kapitalverbrechen được cấu thành bởi Kapital (vốn) và Verbrechen (phạm tội), ý nghĩa hợp lại là “trọng tội”. Tiền kiếm được mà không kiếm, hành vi đó được xem là phạm trọng tội với Thiên Chúa. Có lẽ trên thế giới này, chỉ duy nhất dân tộc Do Thái mới có cách nhìn độc đáo như vậy”.
Biết kiếm tiền, dám kiếm tiền, rạch ròi phân minh và không bỏ qua một cơ hội kiếm tiền nào, người Do Thái xem việc kiếm tiền mọi lúc mọi nơi là điều tất yếu.
“ Một khách du lịch bị hư xe tại một ngôi làng hẻo lánh. Ông ta không thể sửa chiếc xe của mình. Một nông dân đề nghị ông đến gặp một người thợ gò trong làng xem thử. Thợ gò trong làng vốn là một người Do Thái. Ông ta mở nắp đậy của động cơ, thò đầu vào bên trong quan sát, cầm lấy búa gõ một cái nhẹ vào động cơ – xe nổ máy!
“Tổng cộng 20 đôla”, người thợ gò lên tiếng một cách thản nhiên.
“ Đắt thế”, chủ xe kinh ngạc.
“Gõ một cái, giá một đôla, biết gõ ở chỗ nào, giá 19 đôla, tổng cộng 20 đôla”.
Và kiếm tiền một cách khôn ngoan.
“Hardoon là một trong những phú thương danh tiếng bậc nhất Thượng Hải. Ông được xem là người Do Thái duy nhất đến lập nghiệp ở vùng đất này với hai bàn tay trắng. Tại Thượng Hải ngày trước, không ai là không biết đến sự thông minh sáng suốt của ông. Những câu chuyện về cuộc đời ông dường như đã trở thành một huyền thoại. Ông thậm chí còn được đánh giá là một tấm gương điển hình của thương nhân Do Thái.
Hardoon có một công ty nhà đất riêng. Thời gian ông cho thuê những căn phòng thông thường và những mảnh đất có diện tích nhỏ đều rất ngắn, thường chỉ khoảng 3 đến 5 năm. Thời gian cho thuê ngắn, vừa kịp thời thu hồi khi có việc cần thiết, lại có thể dễ dàng tăng giá thuê mỗi khi tiếp tục hợp đồng. Trên đất đai của Hardoon, cho dù chỉ đặt một sạp hàng nhỏ, cũng phải nộp thuế.
Một anh thợ thuộc da đặt một cái sạp bên trong con hẻm thuộc sở hữu của Hardoon cũng phải nộp thuế mỗi tháng 5 đồng. Mỗi khi đến thu thuế, Hardoon luôn hòa nhã chúc phúc anh ta: “ Phát tài! Phát tài!”, nhưng tiền thì không bao giờ bớt một đồng nào.
Cách tính toán thời gian thu thuế của Hardoon cũng khác với mọi người. Bấy giờ, các ông chủ kinh doanh nhà đất ở Thượng Hải đều dựa theo dương lịch để thu thuế, riêng ông lại dùng Âm lịch để ký kết hợp đồng và để tính toán thời gian cho thuê. Chúng ta đều biết, một tháng dương dịch thường có 30 hoặc 31 ngày, trong khi một tháng âm lịch thường chỉ có 29 hoặc 30 ngày. Vì vậy, cứ 3 năm âm lịch lại có một tháng nhuận, 5 năm lại nhuận tiếp một tháng, 19 năm sẽ có 7 tháng nhuận. Cho nên thu thuế theo âm lịch, cứ 3 năm lại có thể thu thêm một tháng tiền thuê, 5 năm sẽ thu thêm 2 tháng tiền thuê và 19 năm sẽ thu thêm 7 tháng tiền thuê”.
Cũng với thái độ dám kiếm tiền và kiếm tiền một cách thông minh như vậy, trong cộng đồng Do Thái đã lưu truyền một câu chuyện cười ý nhị như sau.
“ Sau khi Mỹ và Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ có người lái, Đức, Pháp và Israel cũng liên kết với nhau để bàn kế hoạch đưa người lên mặt trăng. Tên lửa đẩy và tàu vũ trụ đều được chế tạo xong, bước tiếp theo sẽ là tuyển chọn phi hành đoàn.
Chuyên gia tuyển chọn hỏi một ứng viên người Đức rằng, trong điều kiện đãi ngộ như thế nào thì mới chịu tham gia vào phi hành đoàn.
“ Cho tôi 3 ngàn đôla, tôi sẽ làm”,anh chàng người Đức lên tiếng. “1 ngàn đôla giữ lại cho mình, 1 ngàn đôla cho vợ, 1 ngàn đôla còn lại để dành làm vốn mua nhà”.
Chuyên gia tuyển chọn lại hỏi tiếp ứng viên người Pháp.
Anh ta trả lời:
“ Cho tôi 4 ngàn đôla, 1 ngàn thuộc về tôi, 1 ngàn để cho vợ, 1 ngàn để trả số tiền đã mượn để mua nhà, 1 ngàn còn lại để cho người tình của tôi”.
Riêng ứng viên Israel lại đề nghị:
“Phải trả 5 ngàn đôla tôi mới đi, 1 ngàn đôla để cho ông, 1 ngàn đôla để cho tôi, 3 ngàn đôla còn lại để mướn phi hành gia người Đức”.
Ham tiền, không hề ngượng giọng, đỏ mặt khi nói đến tiền như nhiều dân tộc khác, người Do Thái mê tiền một cách bình thản. Đây cũng là một đặc điểm đáng kể nữa của dân tộc Do Thái. Những năm tháng lang thang tìm chốn dung thân, thực tế đã dạy cho họ rằng, để mua được sự bình yên, đồng tiền là hữu dụng nhất. Một quốc tịch, một giấy thông hành, một chỗ buôn bán, một giấy phép kinh doanh v.v.. tất cả đều cần tiền. Nếu rượu là sứ giả của ma quỷ như Kinh cựu ước đã ghi, thì với người Do Thái, tiền là sứ giả của bình yên.
Thái độ rạch ròi về tiền bạc của người Do Thái còn thể hiện rất rõ ở câu chuyện sau:
“Ở Nhật,có một công ty do người Do Thái thành lập. Lần nọ, một nhân viên đã lấy cắp một số tiền lớn của công ty rồi trốn đi mất. Sau khi nhận được tin, tổng giám đốc vô cùng tức giận, lập tức yêu cầu cấp dưới báo tin cho phía cảnh sát xử lý. Một người của công ty lập tức chạy đến gặp vị Giáo sĩ đại diện cho cộng đồng Do Thái ở đây để thương lượng.
Sau khi nghe xong sự việc, vị Giáo sĩ thẳng thắng nói với ông ta:
“Trước tiên nên điều tra rõ xem anh ta có phải là người lấy tiền bỏ trốn hay không. Nếu là như vậy, hãy đến báo với phía cảnh sát. Anh ta sẽ phải chịu khởi tố, tống vào nhà ngục. Nhưng đó không phải là cách làm của người Do Thái”.
Chiếu theo pháp luật Do Thái, nếu có người trộm tiền, nhất định phải bắt người này đem tiền nộp trở lại. Một khi đã ngồi tù, tiền sẽ không thể quay trở lại.
Vị Giáo sĩ đề nghị, thay vì bắt kẻ trộm tiền tống giam vào ngục, chi bằng nghĩ cách tự mình đến gặp anh ta, yêu cầu giao nộp tiền lại, sau đó phạt tiền anh ta.
Kết quả, công ty đã tìm ra được người nhân viên bỏ trốn đó, đồng thời chứng minh anh ta đích thị là người lấy trộm tiền của công ty.
Sau đó, phía công ty cho người đưa anh ta đến gặp vị Giáo sĩ.
Chiếu theo pháp luật người Do Thái, vị Giáo sĩ yêu cầu anh ta phải bồi thường số tiền đã lấy cắp. Anh ta thành khẩn trình bày mình đã lỡ xài hết số tiền lấy từ công ty, và xin được tiếp tục quay về làm việc trong công ty (đương nhiên là anh ta sẽ không có cơ hội ôm tiền công ty trốn đi một lần nữa), lấy tiền lương trừ vào số tiền đã lấy cắp, đồng thời còn phải đóng tiền phạt với tỉ lệ nhất định. Tiền bồi thường do công ty thu, tiền phạt được giao cho vị Giáo sĩ để cho vào quỹ từ thiện của cộng đồng”.
Rõ ràng, với đầu óc hết sức thực tế của mình, người Do Thái đã đi trước lịch sử nhân loại trong việc xử lí các tội phạm liên quan tới tiền bạc. Ai cũng biết, việc bỏ tù kẻ lấy cắp này là rất dễ. Nhưng nếu vậy, nạn nhân sẽ chẳng có cơ hội lấy lại được tiền của mình và kẻ phạm tội sau vài năm ra tù gần như chắc chắn sẽ không bao giờ tìm cách trả nợ. Những đồng tiền “mồ hôi nước mắt” của khổ chủ rốt cuộc cũng ra đi vĩnh viễn. Lối hành xử cứng nhắc này của nhiều quốc gia gần đây đã có nhiều thay đổi. Cảm ơn những người Do Thái.
Mê tiền, tôn trọng, bình thản trước đồng tiền nhưng người Do Thái lại không hề bủn xỉn, nếu như không muốn nói là rộng rãi.
“Kahn đứng trước một công ty bách hóa, đảo mắt nhìn quanh các loại sản phẩm. Bên cạnh ông là một người đàn ông ăn mặc hết sức lịch lãm, vừa đứng vừa hút xì gà. Kahn lịch sự bắt chuyện cùng người đàn ông kia:
“ Xì gà của ông rất thơm, có lẽ không phải là loại rẻ tiền đâu nhỉ?”
“ Một điếu 2 đôla”.
“ Ông bạn… ông hút một ngày bao nhiêu điếu?”
“ 10 điếu”.
“ Trời ạ! Ông hút bao lâu rồi?”
“ Tôi hút thuốc 40 năm nay”.
“ Cái gì… ông tính kỹ xem, nếu ông không hút thuốc, số tiền mà ông để dành được đủ để mua công ty bách hóa này rồi đấy”.
“ Nói như vậy, ông cũng hút thuốc à?
“ Tôi chưa bao giờ hút!”
“ Thế ông đã mua được công ty bách hóa này rồi chứ?”
“ Làm gì có!”
“ Vậy tôi xin nói với ông, công ty bách hóa này chính là của tôi đấy!”
Biết kiếm tiền và biết xài tiền, đấy là thái độ của những người có trí tuệ. Họ ham tiền ( bởi họ biết rõ giá trị của nó) nhưng nếu chẳng may mất đi họ cũng không hề cảm thấy đau khổ hay hối tiếc. Chính bởi điều này đã tạo cho người Do Thái một khí chất mạo hiểm hơn người. Những Rockefeller, Hammer…trong ngành dầu khí, Morgan, George Soros… trong ngành tài chính tiền tệ, Leoyd trong ngành bảo hiểm….là những minh chứng cho những thành công nổi danh thiên hạ nhờ mạo hiểm, dám làm.
“Từ khi lập quốc, người Israel luôn cho rằng tương lai – dù gần hay xa — đều là dấu hỏi. Mỗi khoảnh khắc đều có tầm quan trọng chiến lược. Như Mark Gerson, một doanh nhân người Mỹ từng đầu tư vào vài doanh nghiệp mới thành lập của Israel, miêu tả. “Khi đàn ông Israel muốn hẹn hò với một phụ nữ, anh ta sẽ ngỏ lời với cô ấy ngay trong buổi tối hôm đó. Khi doanh nhân Israel có một ý tưởng anh ta sẽ thực hiện nó ngay trong tuần. Quan điểm cho rằng nên tích lũy năng lực kinh nghiệm trước khi mở một doanh nghiệp hoàn toàn không tồn tại. Điều này lại rất tốt trong kinh doanh. Quá nhiều thời gian chỉ cho bạn thấy điều gì sẽ thất bại, chứ không phải thứ sẽ tạo ra sự thay đổi”
Với trí tuệ được cập nhật, bổ sung liên tục và một khí chất mạo hiểm hơn người, dân tộc Do Thái cũng có triết lý kinh doanh khiến mọi người kính nể.
* Thứ nhất, đó là đối tượng để kiếm tiền. Nếu bạn hỏi một người Do Thái làm cách nào để có thể kiếm được nhiều tiền như vậy, câu trả lời của họ là : Tiền vốn dĩ nằm trong tay của người có tiền. Nếu muốn kiếm được nhiều tiền, bạn phải kiếm tiền từ những người có tiền. Vậy, ai là những người có tiền? Dĩ nhiên là người giàu, đặc biệt là phụ nữ. Đây là một phát hiện vô cùng tinh tế. Đàn ông kiếm tiền, phụ nữ ở nhà chăm lo gia đình và xài tiền, đó là một thực tế ai ai cũng biết. Thương nhân Do Thái Strauss, ông chủ của công ty bách hóa cao cấp Macy ở New York, nửa thế kỷ trước đã có một nhận xét tinh tế: khách hàng của chúng tôi đa phần đều là phụ nữ. Cho dù nam giới có đi theo cũng chỉ để trả tiền, còn quyền quyết định mua hàng hay không mua vẫn năm trong tay phụ nữ. Bởi vậy, vàng bạc, đá quý, kim cương, hàng thời trang cao cấp là những mặt hàng kinh doanh ưa chuộng của người Do Thái.
Với lĩnh vực ngân hàng, người Do Thái cũng có một kiểu tư duy có nhiều khác biệt. Nếu bạn hỏi một ai đó rằng, người cho vay tiền nhiều hay người vay tiền nhiều, gần như tất cả sẽ trả lời là: Dĩ nhiên là người vay tiền nhiều hơn. Người Do Thái lại không nghĩ vậy. Họ quả quyết rằng người cho vay nhiều hơn. Và thực tế là hoàn toàn chính xác. Ngân hàng là một địa chỉ tài chính được lập ra nhằm huy động tiền nhàn rỗi của nhiều người để cho một số ít người hơn vay lại. Ai là những người vay? Dĩ nhiên là những người có tiền, những người giàu. Họ vay tiền để làm ăn, để kinh doanh mở rộng, để giàu hơn – Bởi vậy, đây cũng chính là đối tượng để người Do Thái kiếm tiền. Và thế giới kinh doanh đã phải thốt lên rằng: “ Ba thương nhân Do Thái hắt hơi trong nhà, hệ thống ngân hàng thế giới bị cảm dây chuyền” cũng xuất phát từ thực tế ấy.
* Thứ 2, đó là triết lý kinh doanh “ lời to bán nhiều”. Đây chính là điều khác biệt gây kinh ngạc thế giới còn lại.
Giải thích điều này, người Do Thái lý giải rằng, nếu tất cả đều tôn thờ nguyên tắc “ lời ít bán nhiều”, các doanh nghiệp sẽ đua nhau giảm giá. Lợi nhuận của doanh nghiệp không những sẽ bị giảm sút mà thị trường, do cung nhiều, sẽ sớm bão hòa, doanh nghiệp sẽ “ thiệt đơn thiệt kép” và một kết quả thảm bại là khó tránh khỏi.
Bởi vậy, với họ, nguyên tắc “bán to lời nhiều” là bất di bất dịch. Bạn sẽ hỏi, làm sao để có thể bán nhiều lời to? Câu trả lời của họ là: Vì hàng tốt nên giá cao và vì giá cao nên thỏa mãn được tâm lý thích hư vinh của con người, đặc biệt là phụ nữ. Chúng ta hãy cùng xem họ vận dụng triết lý kinh doanh này như thế nào.
Trước khi đưa ra tiêu thụ một mặt hàng nào đó, họ sẽ tìm cách nói rõ cho mọi người vì sao phải bán giá cao. Ví dụ, trước khi đưa ra thị trường sản phẩm máy trị liệu châm cứu, họ sẽ quảng cáo với các con số thống kê rằng máy này có công hiệu như thần, trị đâu khỏi đó, lại không quên đăng kèm những lời cảm ơn của những người đã khỏi bệnh nhờ máy( xin đừng hiểu nhầm là họ gian dối, bởi tất cả đều có thật, điều khác biệt là “ phước chủ may thầy” mà thôi). Cuối cùng, trong lời quảng cáo, họ không quên ghi vào dòng chữ: “ Trong vòng một tháng đầu, chỉ bán với giá x đồng. Muốn mua xin hãy nhanh chân”. Cách làm này, lời quảng cáo này chắc hẳn sẽ lôi kéo được khá nhiều người.
Hoặc, đối với sản phẩm thời trang, tâm lý sính ngoại ở đâu cũng có. Thương nhân Do Thái chắc chắn không bỏ qua điều này. Ví dụ, khi phát hiện một bộ nữ trang lạ mắt ở Pháp, có giá 80 usd, họ không ngần ngại nhập về Nhật Bản, trưng bày ở cửa hàng nữ trang cao cấp của họ và treo giá 800usd. Đối với phụ nữ, vẻ đẹp lạ mắt và cái giá 800 đôla là vô cùng hấp dẫn. Đương nhiên họ cho rằng với giá đó, chất lượng là… khỏi bàn. Và cái giá cao đó sẽ tôn vinh giá trị của người mang nó. Thói hư vinh này của con người, người Do Thái biết rõ và không quên khai thác.
Để kết thúc bài viết này, xin kể hầu các bạn câu chuyện
sau đây để mọi người cùng tham khảo:
Pa li khơ là sản phẩm dệt tay của phụ nữ Indonesia. Công nghệ của nó nổi tiếng lâu đời, được hoan nghênh nhiều ở Indonesia và Đông Nam Á. Một du khách Nhật Bản xem xong, nhận thấy thứ trang phục này nhất định cũng tiêu thụ được ở Nhật Bản. Một thanh niên Indonesia nghe được, bèn đem hàng sang Nhật Bản, tiến hành một cuộc biểu diến thời trang rất lộng lẫy và sang trọng, có rất nhiều phụ nữ Nhật Bản vào hàng danh lưu đã đến dự và ca ngợi hết lời về thứ trang phục dân tộc đó, thế nhưng chẳng bán được bao nhiêu. Chàng thanh niên đó không hiểu ra sao, bèn hỏi một chuyên gia tư vấn Nhật Bản, gốc Do Thái. Chuyên gia cho anh biết hàng của anh đặt giá hơi thấp quá, các phụ nữ tầng lớp trên mua được thì vẻ mặt cũng khó mà rạng rõ lên vì họ thấy chẳng có gì đáng tự hào, mà còn làm hạ cả tư cách đi nữa. Người thanh niên ấy bây giờ mới vỡ lẽ. Năm sau anh lại đem thứ hàng này sang tiêu thụ ở Nhật Bản, nhưng giá bán lần này cho cao hơn lần trước 3 lần. Những bộ quần áo tăng giá gấp bội lại bị mua tranh mua cướp hết trong một thời gian ngắn.
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
- Phan Đăng Media
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
(Nguồn: Sách “Bí quyết kinh doanh của người DoThái”;
Báo Tuổi Trẻ tp.HCM)
Ảnh: Internet