Thiện đức và ác nghiệp tạo thành bởi hết thảy những thiện hành, ác hành mà chúng ta từng làm nơi hồng trần có thực là sẽ đeo đẳng chúng ta mãi mãi? Vận mệnh của kiếp trước và kiếp sau có thực là có quan hệ nhân quả không? Có thể nhiều người trong tâm sẽ thắc mắc: Vì sao chúng ta thường thấy những kẻ xấu tác oai tác quái lại một đời vinh hoa phú quý, hưởng phúc tới cuối đời?
Lý Phúc, một người đàn ông từ thời nhà Thanh, với nghi vấn kịch liệt như vậy, đã đến thế giới ngầm và chất vấn Diêm Vương: Vì sao ác nhân vô ác báo? Kết quả, Diêm Vương đã làm thế nào khiến ông giải tỏa được những nghi ngờ của mình? Dưới đây là câu chuyện về nhân quả sau ba kiếp.
Vào thời Thuận Trị, tại huyện Thuận Nghĩa, Bắc Kinh, có một gia đình họ Cống, nhà họ đất rộng người giàu, chăn nuôi nhiều gia súc. Khi Cống viên ngoại ở tuổi trung niên, ông sinh ra một đứa con trai đặt tên là Cống Khánh Hữu. Cũng năm đó, Lý Đại, tá điền canh tác ruộng đất cho nhà họ Cống, cũng sinh được một cậu con trai, đặt tên là Lý Phúc.
Giấc mơ báo trước
Khi Cống Khánh Hữu lên bảy tuổi, Cống viên ngoại đã thuê một thầy giáo tri thức uyên bác để dạy con học. Khi Lý Đại nhìn thấy các con của nhà họ Cống đang học, đã cầu xin Cống viên ngoại cho con trai mình là Lý Phúc học cùng Cống Khánh Hữu, Cống viên ngoại đã đồng ý.
Khi họ mười bốn tuổi, Lý Phúc và Cống Khánh Hữu ngày đêm bên nhau, đêm cùng ngủ, ngày cũng học. Một đêm nọ, Lý Phúc mơ thấy một cánh cửa trên Thiên thượng mở ra, hai vị thần giáng xuống phòng học. Một vị chỉ vào Cống Khánh Hữu và hỏi vị kia: “Cậu ta thế nào?” Vị thần kia trả lời: “Cậu ta là một người đại phú đại quý, khi 17 tuổi trúng tú tài, 19 tuổi trúng cử nhân, tương lai quan vị có thể đạt đến nhị phẩm, cả đời phú quý vinh hoa.” Sau đó lại chỉ tay vào Lý Phúc hỏi: “Thế còn cậu kia?” Vị thần kia đáp: “Đây là một người mệnh khổ, cả đời bần khốn, không cách nào có được công danh.” Hai vị thần nói xong liền biến mất không dấu vết.
Sau khi Lý Phúc tỉnh dậy, cảm thấy thập phần kinh dị, kể cho bố mẹ và những người khác về những gì bản thân đã thấy trong giấc mơ.
Khi Cống Khánh Hữu lên mười bảy tuổi, quả nhiên đỗ tú tài. Lúc này, Lý Phúc đã không còn có thể học tập, phải tự mình làm ruộng để kiếm sống, nhưng vẫn lưu ý đến hành vi và cuộc sống sau này của Cống Khánh Hữu. Ông nhận thấy Cống Khánh Hữu tính tình hèn hạ, đã làm rất nhiều chuyện xấu, tuy nhiên sau khi trúng tú tài, lại một mạch thăng quan tiến chức thuận lợi, cuối cùng được thăng lên đến quan viên nhị phẩm.
Lý Phúc cũng được biết, sau khi Cống Khánh Hữu được làm quan, ông ta đã tham nhũng phạm pháp, tàn hại trăm họ, coi người trung lương là địch. Lý Phúc tin rằng hành vi của Cống Khánh Hữu là tội ác đa đoan, nhất định sẽ gặp báo ứng. Tuy nhiên, Cống Khánh Hữu lại sống đến bảy mươi mốt tuổi, gia vượng tài phát, con cháu đầy nhà, lại còn có thể dự tri ngày chết của mình, nói với con trai mình xử lý hậu sự như thế nào trước khi chết.
Cuộc đời của Lý Phúc lại hoàn toàn bất đồng với Cống Khánh Hữu. Ông cần kiệm quản lý gia đình, rất khoan dung với người khác. Lý Phúc trong tâm cảm thấy rất bất bình khi một kẻ ác như Cống Khánh Hữu lại có thể hưởng thụ cả đời vinh hoa phú quý. Ông cho rằng ngay cả âm gian cũng bất công, quyết tâm đi theo Cống Khánh Hữu xuống âm gian để tìm hiểu. Vì vậy, ông đã dặn con trai giúp mình xử lý hậu sự. Lý Phúc trong tâm đã có kế hoạch, chuẩn bị thuốc độc, nếu Cống Khánh Hữu thực sự qua đời vào thời điểm đã dự tri, ông cũng sẽ uống thuốc độc để theo hắn đi gặp Diêm Vương. Quả nhiên, Cống Khánh Hữu chết đúng thời điểm đã dự tri, Lý Phúc cũng uống độc dược đuổi theo.
Khi Lý Phúc đến âm gian, tình cờ nhìn thấy Diêm vương đi ra nghênh tiếp Cống Khánh Hữu, xử lý xong mọi việc rồi mới gặp Lý Phúc. Diêm Vương nói với Lý Phúc: “Ngươi hà cớ gì cũng đến đây?” Lý Phúc đáp: “Tôi là đi theo Cống Khánh Hữu mà đến. Người dương thế sợ uy quyền, kính tài chủ, vì sao ngài ở âm tào địa phủ cũng kính tài chủ, cũng sợ uy quyền? Cống Khánh Hữu tại nhân gian hèn hạ tàn độc, làm ra bao nhiêu việc ác, mà ở dương thế tôi không thấy ông ta gặp quả báo, muốn đến âm gian xem ông ta chịu cực hình, nào ngờ, âm gian và dương thế cũng bất công bất chính như nhau!”
Diêm Vương nói: “Chờ một chút, ta sẽ cho ngươi minh bạch.” Sau đó, ông lệnh cho phán quan mở cuốn sách thiện ác sinh tử, kiểm tra xong, phát hiện Cống Khánh Hữu đã làm vô số việc thiện ở kiếp trước, từng việc từng việc thiện mang tên ông ấy đều được ghi chép rõ ràng. Diêm Vương nói với Lý Phúc: “Mặc dù Cống Khánh Hữu đời này làm ác, tiêu hao thiện công của kiếp trước, nhưng vẫn còn dư lại rất nhiều, nên kiếp sau vẫn được hưởng phước báo, chỉ là hơi ít hơn tiền kiếp. Về quả báo ác hành của ông ta vẫn chưa được trả, cần đợi đến khi thiện công dùng hết thì báo ứng mới đến. Ngươi, Lý Phúc, đời trước không có thiện hành, do đó đời này phải chịu khổ. Bất quá do ngươi đã giác ngộ, nỗ lực làm việc thiện, do đó đến kiếp sau, dù không được tính là phú quý, nhưng vẫn có thể sống tốt. Trong kiếp sau ngươi sẽ được hưởng nhiều phúc báo hơn.”
Lý Phúc cầu xin Diêm vương đừng cho mình uống canh Mạnh Bà để bản thân có thể tiếp tục quan sát kết quả hành vi của Cống Khánh Hữu sau khi chuyển thế. Diêm Vương đã đồng ý với yêu cầu của ông.
Kiếp sau, Lý Phúc cũng chuyển thế cùng Cống Khánh Hữu, vì không uống canh Mạnh Bà, nên hết thảy mọi chuyện ở kiếp trước đều còn sống động trong đầu. Lý Phúc thấy Cống Khánh Hữu được xuất sinh trong một gia đình giàu có, trong khi bản thân lại đầu thai vào một gia đình trung lưu.
Khi Cống Khánh Hữu lớn lên, vẫn tham lam và độc ác, không có chút lòng trắc ẩn với người khác. Kiếp này hắn được làm huyện lệnh, tham nhũng phạm pháp, coi người tốt là giặc. Vì để bức cung, hắn đã hạ lệnh móc mắt một người đàn ông, trong một án khác, hắn ra lệnh chặt chân của một người đàn ông khác. Cuối cùng họ cùng lâm bệnh và qua đời ở tuổi bảy mươi.
Phúc báo dùng hết, nghiệp báo xuất
Vào kiếp này, Lý Phúc thấy Cống Khánh Hữu sau khi chết, linh hồn ly thể theo ông mà đi. Đến địa phủ, Diêm Vương trước tiên tiếp Lý Phúc, sau đó mới thẩm phán Cống Khánh Hữu. Nhìn vào cái tên Cống Khánh Hữu, phúc báo của thiện công toàn bộ đã cạn kiệt, hắn móc mắt người, chặt chân người, hai việc này vô thiện khả chuộc, tất phải dùng thân mà trả nghiệp. Diêm vương phán Cống Khánh Hữu chuyển sinh vào một gia đình nghèo khó, mắt mù lòa chân tàn tật, hàng ngày phải ra đường ăn xin, khốn khổ vô cùng.
Khi Lý Phúc nhìn thấy Cống Khánh Hữu chịu quả báo ba kiếp, trong tâm càng cảnh giác hơn, không thể để mê mất bản tính mà tùy nhập luân hồi. Ông từ đó kiên định chí hướng tu hành, độ kỷ độ nhân, cuối cùng công thành viên mãn.
Câu chuyện này ấn chứng ý nghĩa chân thực của câu nói “Thiện ác hữu báo, không phải là không báo, mà thời gian chưa tới”. Người trong phàm gian chúng ta cũng hay thắc mắc như Lý Phúc trong truyện: Tại sao không thấy người xấu chịu quả báo? Kỳ thực, phúc báo và nghiệp báo của một đời có thể chưa đến ngay, nhưng tuyệt đối không phải là vô duyên vô cớ mà được tạo ra hay vứt bỏ. Suy cho cùng, muốn hỏi quả báo đời này, hãy xem nhân duyên của vô lượng kiếp, con người trong sinh sinh thế thế mà mang theo sách nhân quả riêng của mình!
Nguồn: “Hiện tại nhân quả kiến văn lục”-Theo Epoch Times,–Hương Thảo biên dịch