Ban đầu, tháp Eiffel dự kiến chỉ tồn tại 20 năm nhưng đến nay “Bà Đầm Sắt” đã 130 tuổi, và không hề có một nếp nhăn nào – người Pháp hài nước nói với nhau như vậy.
Khởi đầu với những lời miệt thị
Cách đây 130 năm, vào buổi ban đầu, ngay từ khi còn nằm trên bản vẽ, tháp Eiffel đã vấp phải thái độ phản đối kịch liệt, những lời chỉ trích nặng nề từ công chúng, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ. Từ các họa sĩ, thi sĩ, cho tới nhà văn, nhà thơ cho đến các kiến trúc sư nổi tiếng nhất như Guy de Maupassant, Charles Garnier, Emile Zola, Alexandre Dumas con, Paul Verlaine …, vốn si mê nét yêu kiều, cổ kính và vẻ đẹp văn hóa lịch sử của kinh thành Paris đều cho rằng tháp Eiffel là giấc mộng kinh hoàng, cột đèn đường dị dạng, bộ xương gớm ghiếc, là điều sỉ nhục đối với các công trình và kiến trúc của Paris…
Ông Savin Yeatman-Eiffel, cháu ba đời của Gustave Eiffel giải thích : “Đó gần như là một cú sốc về văn hóa và thị giác. Gustave Eiffel không phải là kiến trúc sư mà là kỹ sư. Vì thế, tòa tháp không được thiết kế theo phong cách gothic hiện đại. Hình dáng của tháp phải tuân theo các quy tắc toán học. Và người ta cho rằng là ống khói nhà máy khổng lồ đen sì sẽ phá hủy các di sản văn hóa ngàn năm tuổi của Paris”
Không chỉ vậy, người ta còn lo sợ tòa tháp sẽ không chống chịu được sức gió. Tuy nhiên, với sự tự tin của một kỹ sư tài ba, Eiffel đảm bảo rằng các đường cong của bộ khung được thiết kế theo các phép toán sẽ tạo ấn tượng về độ chắc chắn và vẻ đẹp cho công trình.
Theo nhiều chuyên gia đánh giá, ngay cả vào thời bây giờ, với công nghệ hiện đại, một công trình đồ sộ như tháp Eiffel khó có thể được hoàn tất trong một khoảng thời gian ngắn đến như vậy (bắt đầu vào ngày 28 tháng 1 năm 1887 và kết thúc tháng 3 năm 1889). Một điều đáng nể khác là dù thời đó các điều kiện đảm bảo an toàn cho người lao động không được như bây giờ, nhưng không một tai nạn lao động nào xảy ra trên công trường.
Ngày khánh thành tháp, Gustave Eiffel – ông chủ công ty xây dựng Eiffel đã trèo bộ 1.789 bậc thang (con số này tượng trưng cho năm ra đời nền Cộng Hòa Pháp 1789) để lên cắm quốc kỳ Pháp trên đỉnh công trình cao nhất thế giới thời đó.. Cũng chính trên đỉnh tháp, Eiffel được trao Bắc Đẩu Bội Tinh, huân chương danh giá nhất nước Pháp.
Cũng cần nói thêm rằng tòa tháp mang tên Gustave Eiffel nhưng thực ra ông không phải người trực tiếp thiết kế mà là thành quả của hai kỹ sư Emile Nouguier và Maurice Koechlin làm việc cho công ty của ông và kiến trúc sư Stephen Sauvestre. Nhà sử học Pascal Vareijka, chuyên gia về lịch sử Paris giải thích trên đài France 24 ngày 01/04/2019: “Đây là dự án của ba người và Eiffel đã mua thiết kế của họ. Chính vì thế mà công trình được gọi là tháp Eiffel. Ông ấy đã mua thiết kế và nó là của ông ấy. Theo các điều khoản hợp đồng, ông ấy có quyền khai thác tháp Eiffel”.
Thành công ngoài sức tưởng tượng
Gustave Eiffel từng quả quyết rằng tháp sẽ có một nét đẹp quyến rũ riêng mà các thuyết về nghệ thuật thông thường không thể đo lường.
Quả đúng như vậy, ngay ngày đầu đón khách nhân khai mạc Triển Lãm Hoàn Cầu (15/05/1889) tháp Eiffel đã thu hút rất đông du khách đổ về từ khắp nơi trên thế giới, trở thành tâm điểm trong suốt 6 tháng triển lãm. Mỗi ngày có gần 12.000 người trèo lên tháp. Trong tuần đầu tiên, dù thang máy chưa hoạt động, đã có tới gần 300.000 người leo bộ hơn 1.700 bậc thang lên đỉnh kiến trúc.
Một trong những yếu tố đưa tháp Eiffel thành niềm tự hào của ngành công nghiệp, kiến trúc và vật liệu cuối thế kỷ XIX là độ chính xác tính đến 1/10mm của hơn 18.000 tấm sắt có độ dài trung bình 5m/tấm và 2,5 triệu chiếc đinh tán. Tổng cộng 7.300 tấn sắt nguyên chất đã được sử dụng để chế tạo tháp.
Một điều lạ là tháp Eiffel biết “cử động” theo thời tiết. Ông Eric, phụ trách thang máy trên tháp, giải thích trên đài France 3 vào ngày 29/03/2019 như sau: “Tất cả các thiết bị được gắn vào cấu trúc của tháp Eiffel đều chịu sự thay đổi, độ giãn nở của sắt và chúng tôi phải lựa để thích nghi với hiện tượng này. Gustave Eiffel đã lựa chọn vật liệu sắt chứ không phải thép. Sắt có độ mềm dẻo hơn thép, nhưng hệ số giãn nở nhiệt của sắt lại khá cao. Vì thế, khi nhiệt độ thay đổi nhiều, tháp sẽ “nhúc nhích”.
Trên đỉnh tháp, chóp tháp “chạy trốn” ánh mặt trời. Nghĩa là độ giãn nở nhiệt của sắt khiến tháp nở ra và tháp ngả về phía ngược hướng mặt trời. Khi mặt trời chuyển hướng theo thời gian trong ngày, thì hướng ngả của tháp cũng thay đổi. Như vậy, tháp ngả trong ngày theo đường tròn có đường kính 18cm. Tuy nhiên, chúng ta không thể cảm nhận được điều đó khi đứng trên tháp.
Ban đầu, tháp Eiffel được sơn màu đỏ. Rồi sau này chuyển sang màu nâu đỏ và bây giờ tháp có màu đồng. Mỗi lần sơn cần tới 60 tấn sơn. Cứ 7 năm một lần, các thợ sơn mất 1 năm rưỡi để sơn lại 250.000 m2 bề mặt tháp.
Tháp Eiffel có lý do để tồn tại mãi mãi
Ông Bertrand Lemoine, kiến trúc sư, kỹ sư và cũng là nhà văn, sử gia, giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên Cứu Quốc Gia Pháp CNRS, giải thích cụ thể trên đài France 24 : “Đó là một công trình được xây dựng phục vụ Triển lãm Hoàn Cầu 1889, sự kiện đánh dấu 100 năm Cách Mạng Tư Sản Pháp 1789, vì thế mà người ta muốn có một công trình đồ sộ, một tòa tháp cao nhất thế giới, đơn giản là với 300m chiều cao. Eiffel là một tòa tháp được dựng tạm thời và dự kiến chỉ tồn tại 20 năm. Sau 20 năm đó, người ta không biết số phận ngọn tháp sẽ ra sao, nếu Eiffel không muốn tòa tháp tiếp tục sống mãi.”
Tuy nhiên, thay vì chỉ để tháp Eiffel tồn tại 20 năm rồi tháo dỡ như kế hoạch ban đầu, Gustave Eiffel đã khiến tòa tháp trở nên có ý nghĩa khoa học và có lý do để tồn tại lâu dài. Ông cho xây dựng một phòng thí nghiệm mang tên mình nằm trên tầng 3 của tòa tháp và vẫn đang hoạt động cho đến nay. Ông cũng cho lắp đặt dưới chân tháp một máy tạo gió lớn nhất thế giới để thử nghiệm về lực cản của gió, phục vụ nghiên cứu về khí động học. Trên đỉnh tháp, Eiffel cho đặt một đài quan sát khí tượng và một dàn ăng ten làm trạm thu phát điện tín không dây phục vụ quân đội.
Ông ấy đã tiến hành nhiều thí nghiệm khoa học, các phép đo lường, nhất là về lực cản của không khí. Gustave Eiffel cũng thiết kế một máy tạo gió ở chân tháp, và đặc biệt là các thử nghiệm về phát thanh. Tòa tháp được dùng làm trụ đỡ cột ăng ten đài radio. Độ cao 300m cho phép thu phát tín hiệu từ khoảng cách rất xa, nhất là cho quân đội Pháp. Nhờ thế, tháp có giá trị chiến lược quân sự. Điều đó cho phép tháp Eiffel được bảo tồn.
Tháp Eiffel có công lớn với nước Pháp trong Đệ Nhất Thế Chiến. Ông Savin Yeatman-Eiffel, cháu đời thứ ba của kỹ sư Gustave Eiffel tự hào giải thích : “Nhờ có ăng ten khổng lồ tỏa từ đỉnh tháp tới tận Champs de Mars, tướng Ferrié bắt được tín hiệu của quân Đức, theo đó binh lính Đức sẽ tạm dừng chân nghỉ ở Champs de Mars. Nhờ thế, tướng Ferrié đã điều quân đến bao vây mặt trận Champs de Mars. Không có tháp Eiffel, quân Đức đã tiến vào Paris trong những năm 1914-1918”
130 năm sau khi ra đời, dù không còn là công trình cao nhất thế giới, thậm chí cũng phải nhường danh hiệu công trình cao nhất của nước Pháp cho cây cầu Millau, nhưng tháp Eiffel vẫn có sức hút mãnh liệt. Người dân khắp nơi trên thế giới vẫn không ngớt đổ về Paris chiêm ngưỡng kiệt tác kiến trúc có từ cuối thế kỷ XIX. Tháp Eiffel là công trình tham quan phải trả tiền được du khách tới thăm nhiều nhất trên Trái đất. Trung bình, mỗi ngày có 25.000 khách, mỗi năm có 7 triệu người có may mắn được lên thăm tòa tháp, trong đó 80% là người nước ngoài. Năm 2017, trên trang mạng Instagram, Bà Đầm Sắt là một trong những “siêu sao” được yêu thích nhất.
(Ảnh sưu tầm từ internet) – Hiểu Minh (TH)