Gia Cát Lượng là người có trí tuệ siêu phàm, hành sự thận trọng, tiếng tăm lẫy lừng từ xưa tới nay. Việc ông kiên quyết cưới cô gái “xấu xí hơn người” Hoàng Nguyệt Anh làm vợ khiến nhiều người thắc mắc.
Gia Cát Lượng sinh ngày 5 tháng 3, năm thứ tư đời Hán Ninh Đế tại quận Lang Nha. Cha mẹ mất sớm, ông được người chú ruột làm quan nuôi dưỡng. Vào thời thiên hạ đại loạn, tất cả anh chị em của ông đều đi theo người chú này đến Tương Dương sinh sống. Lúc ấy, Tương Dương là nơi mà quan lại quyền quý, thương nhân, sĩ tử các nơi đến lánh nạn. Cả nhà Gia Cát Lượng tới một ngôi nhà tại Long Trung, cách ngoại thành Tương Dương khoảng 20 dặm, trồng trọt và sinh sống.
Vào năm Gia Cát Lượng 25 tuổi, chú ruột của ông qua đời. Người anh trai của Gia Cát Lượng là Gia Cát Cẩn rời nhà đến Đông Ngô làm quan. Người chị gái của ông là Gia Cát Huệ cũng được gả vào một gia đình giàu có tại Nam Chương. Vì vậy, trong nhà chỉ còn lại Gia Cát Lượng và người em trai là Gia Cát Quân. Lúc bấy giờ, Gia Cát Lượng chỉ muốn “bảo toàn tính mạng trong thời loạn thế, không truy cầu danh vọng.”
Thời cổ đại, nhất là vào thời đại xã hội loạn lạc, thì trai gái 15, 16 tuổi đã kết hôn thậm chí cả người 13, 14 tuổi cũng đã có đôi có cặp. Gia Cát Lượng khi ấy đã 25 tuổi mà vẫn chưa thành thân được xem là có chút khác thường. Với điều kiện gia cảnh của ông mà nói thì ông hẳn là người rể hiền lý tưởng của nhiều gia đình danh giá, không ai ngờ ông lại kết hôn với một người phụ nữ được cho là xấu “ma chê quỷ hờn”.
Tương truyền, Hoàng Nguyệt Anh là một cô gái thô kệch, tóc vàng, da đen, thậm chí trên da còn nổi lên chút nhăn nheo như da gà khiến người ngoài nhìn vào không khỏi “phát run”. Thế nhưng, đức hạnh của bà lại nổi tiếng khắp xa gần. Bà là con gái của danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn ở Hà Nam.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có viết rằng việc thành thân của Gia Cát Lượng là do chính cha vợ Hoàng Thừa Ngạn làm mai mối. Có lẽ, Hoàng Thừa Ngạn đã nhìn thấu tâm tư của Gia Cát Lượng, Hoàng Thừa Ngạn cho rằng: “Gia Cát Lượng đối với những tiểu thư khuê các xinh đẹp thì đều không có để ý, hẳn là vì tâm trí còn đặt ở việc quốc gia đại sự. Người mà Gia Cát Lượng cần là một người vợ tài đức, khéo lo toan việc nhà chứ không phải một tiểu thư xinh đẹp có xuất thân từ gia đình quyền thế”. Vì vậy, Hoàng Thừa Ngạn mới liều lĩnh làm mai mối cho con gái mình.
Trên thực tế, không phải Hoàng Thừa Ngạn tự đưa con gái tới mà là Gia Cát Lượng tới Hoàng phủ đề cầu hôn. Hoàng Thừa Ngạn đã chuẩn bị sẵn mọi việc và thông báo với người nhà: “Chỉ cần Gia Cát Lượng tới, không cần thông báo mà hãy mời vào”.
Truyền thuyết kể lại rằng:
Gia Cát Lượng lần đầu tới Hoàng phủ đã rất cao hứng. Khi tới nơi, ông đẩy cổng bước vào, đột nhiên, hai con chó rất to ở hành lang giữa hai căn nhà chính nhảy chồm ra và lao thẳng tới chỗ Gia Cát Lượng. Một a hoàn ở dưới mái hiên thấy vậy liền chạy đến dùng tay phát mạnh vào trán hai con chó. Thoáng chốc, hai con chó đã dừng lại, không nhảy lên nữa. Khi a hoàn kia véo tai hai con chó thì chúng rất ngoan ngoãn và nhanh nhẹn đi về chỗ hành lang rồi ngồi xổm xuống. Gia Cát Lượng ban đầu có chút hoảng sợ, nhưng sau khi nhìn kỹ mới phát hiện ra hai con chó là hai cỗ máy được làm từ gỗ. Ông liền bật cười ha hả.
Hoàng Thừa Ngạn ra nghênh đón Gia Cát Lượng thấy vậy cũng bật cười vui vẻ.
Gia Cát Lượng nhìn thấy Hoàng Thừa Ngạn bèn khen hai con chó gỗ được chế tác thật thần kỳ. Hoàng Thừa Ngạn nói: “Con chó gỗ là do tiểu nữ trong lúc rảnh rỗi đã làm chơi, không ngờ lại khiến tiên sinh sợ hãi, thật là có lỗi quá!”.
Gia Cát Lượng vừa đi vào vừa ngắm nhìn bốn phía và thấy trên vách tường có treo một bức tranh vẽ cảnh vườn hoa. Hoàng Thừa Ngạn lập tức giải thích: “Bức tranh này do tiểu nữ vẽ, xin đừng chê cười!”.
Sau đó, Hoàng Thừa Ngạn lại chỉ vào luống hoa rực rỡ bên ngoài cửa sổ và nói: “Những cây hoa này đều là do tiểu nữ một tay trồng, tưới tiêu, nhổ cỏ và chăm bón”.
Sau khi Gia Cát Lượng cưới Hoàng Nguyệt Anh về, hàng xóm láng giềng đều chỉ nhìn bên ngoài mà mỉa mai nói: “Đừng ai học Khổng Minh lấy vợ quá xấu!”. Nhưng họ đâu biết được rằng, khi chứng kiến chú chó gỗ, bức tranh vẽ, hoa cỏ, Gia Cát Lượng sớm đã biết được tài năng của Hoàng Nguyệt Anh. Ngay thời điểm ở Hoàng phủ, Gia Cát Lượng biết rõ đây chính là người mà ông tìm, thậm chí ông còn cho là mình phải may mắn lắm mới cưới được người vợ hiền đức lại tài năng này.
Sau khi Hoàng Nguyệt Anh về chung sống ở nhà Gia Cát Lượng, từ việc trồng trọt, nấu cơm, việc nặng việc nhẹ trong và ngoài nhà, bà đều một tay thu xếp thỏa đáng. Gia Cát Lượng có thời gian đặt hết tâm trí vào quốc sự.
Bạn bè của Gia Cát Lượng như Thôi Châu Bình ở Bác Lăng, Thạch Quảng Nguyên ở Dĩnh Xuyên, Mạnh Công Uy và Từ Nguyên Trực ở Nhữ Nam thường xuyên đến nhà ông uống rượu làm thơ, đàm luận quốc sự. Người vợ xấu xí này luôn luôn làm cơm, rượu trắng chu đáo vui vẻ để tiếp đãi khách. Ban đầu, những người bạn này tới nhà Gia Cát Lượng mà gặp Hoàng Nguyệt Anh thì đều cảm thấy không tự nhiên, nhưng dần dà do sự chu đáo nhiệt tình của bà, mọi người lại cảm thấy như ở nhà. Thái độ của họ cũng dần dần cải biến, từ chỗ coi thường miệt thị đến chỗ cung kính, coi trọng.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa miêu tả Gia Cát Lượng sáu lần đem quân ra Kỳ sơn, bảy lần bắt Mạnh Hoạch, uy chấn Trung Nguyên, phát minh ra một loại phương tiện vận chuyển mới gọi là “Trâu gỗ ngựa máy”, giải quyết được việc vận chuyển lương thảo cho hơn 10 vạn đại quân. Loại phương tiện này còn tiên tiến hơn phương tiện hiện đại vì nó không cần nguồn năng lượng. Ông còn phát minh ra vũ khí mới “Nỏ Liên Châu”, để chắn chướng khí mà phát minh ra “Gia cát hành quân tán”, “Ngọa Long Đan”. Trên thực tế, những phát minh này đều là do vợ của ông chỉ bảo và giúp đỡ.
Gia Cát Lượng có cống hiến lớn cho Thục Quốc là điều ai ai cũng biết, nhưng mà cống hiến của Hoàng Nguyệt Anh kỳ thực cũng không phải nhỏ.
Sau ba lần Lưu Bị đến mời, Gia Cát Lượng đã đi theo Lưu Bị vào sinh ra tử. Người vợ xấu xí của ông ở nhà chăm sóc con trai Gia Cát Chiêm và chờ đợi tin lành. Bà còn dạy người nhà ở Long Trung trồng dâu nuôi tằm dệt vải, nghề tơ tằm thời ấy đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Ngoài ra, bà còn nổi tiếng với vai trò là một “chuyên gia giáo dục” giỏi.
Gia Cát Lượng thân là thừa tướng, ngày đêm lo chuyện quốc sự, thành ra việc dạy dỗ con cái tự nhiên do vợ ông đảm nhận. Con trai của họ, Gia Cát Chiêm về sau phụng mệnh canh giữ Miên Trúc không bị Đặng Ngải dụ dỗ mà dũng cảm hy sinh. Cháu trai của Gia Cát Lượng là Gia Cát Thượng cũng xả thân vì nước.
Sau khi nhà Tấn thống nhất thiên hạ cũng đã gửi thư đến mời người con trai thứ ba của Gia Cát Lượng là Gia Cát Hoài đến Lạc Dương để phong chức, nhưng Gia Cát Hoài đã nhẹ nhàng từ chối khéo. Có thể thấy được công hiệu của di huấn của Gia Cát Lượng và sự dạy bảo của vợ ông.
Đại trí đại huệ của Gia Cát Lượng được thế nhân ca ngợi, nhưng một điều cũng đáng được biết đến chính là đạo nghĩa vợ chồng của Gia Cát Lượng và Hoàng Nguyệt Anh.
Mai Trà – Tham khảo NTDTV