Người sống trên đời, thành hay bại, vinh hay nhục, phú quý hay cơ hàn… hết thảy đều đã có an bài trong số mệnh.
Sách Minh Tâm Bảo Giám có bài thơ rằng:
“Hành tàng hư thực tự gia tri
Họa phúc nhân do canh vấn thùy?
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo
Chích tranh lai tảo dữ lai trì”
Diễn nghĩa:
Việc làm minh bạch hay mờ ám, hư thực tự mình biết.
Họa phước từ đấy mà ra, liệu còn phải hỏi ai?
Thiện ác cuối cùng rồi cũng có báo ứng,
Chỉ là đến sớm hay đến muộn mà thôi.
Có ý kiến rằng, con người ta sinh ra là bình đẳng, xuất phát điểm ai ai cũng như nhau, tương lai đi về đâu là do nỗ lực của mỗi người. Nhưng kỳ thực, phúc lộc thọ mệnh đều đã được định sẵn. Hãy cùng ngược dòng lịch sử để tìm hiểu những câu chuyện minh chứng cho điều này.
Thôi Nguyên Tông: Mệnh số phải lưu vong
Sách Định Mệnh Lục kể rằng, khi Võ Tắc Thiên lên ngôi hoàng đế, Thôi Nguyên Tông được đảm nhiệm chức tể tướng. Lệnh sử Hề Tam Nhi từng nói với ông: “60 ngày tới đây ông sẽ bị lưu đày tới Nam Hải, trong 6 năm này có ba lần lẽ ra phải chết nhưng cuối cùng đều không chết. Từ đó, chức vị của ông sẽ thay đổi, nhưng cuối cùng vẫn được phục hồi nguyên chức. Tuổi thọ của ông là 100, cuối cùng bị đói mà qua đời”.
Quả nhiên trong vòng 60 ngày sau đó Thôi Nguyên Tông bị kết án và lưu đày tới Nam Hải. Mấy năm sau, ông bị kiết lỵ ròng rã nửa năm trời, cuối cùng vẫn bình an qua thời khắc nguy nan nhất. Sau đó ông may mắn được ân xá và có cơ hội về kinh thành.
Trên đường hồi kinh, con thuyền của Thôi Nguyên Tông gặp sóng to gió lớn, thuyền bị nhấn chìm khiến tất cả hành khách tử vong, duy chỉ có ông may mắn bám vào tấm ván gỗ lênh đênh theo con sóng, trôi dạt vào bụi lau sậy trên một hòn đảo nhỏ. Trên tấm gỗ có chiếc đinh lớn, chiếc đinh đâm vào da thịt khiến ông đau đớn rên rỉ suốt ngày đêm.
Không lâu sau có một chiếc thuyền đi ngang qua đó, nghe thấy tiếng kêu nên đã cứu ông lên thuyền. Người chủ thuyền giúp ông nhổ đinh, cầm máu, chăm sóc cho đến khi ông hoàn toàn tỉnh lại. Một ngày nọ, có vị quan mặc áo bào màu xanh biếc bước lên thuyền, nhận ra cựu tể tướng Thôi Nguyên Tông nên đã tới bắt chuyện rồi hỏi han, sau đó vị quan còn chu cấp lương thực giúp ông an toàn trở về kinh thành.
Sáu năm sau, Tuyển Tào Ti trình tấu lên Võ Tắc Thiên giúp Thôi Nguyên Tông phục hồi quan chức. Thôi Nguyên Tông mặc chiếc áo màu xanh biếc vào diện kiến nữ hoàng, Võ Tắc Thiên nhận ra đây là người mình từng hỏi chuyện, bèn hỏi ông làm tới chức vị gì. Sau khi nghe rõ sự tình, nữ hoàng hạ chiếu cho Lại bộ để ông nhận chức xích úy, sau lại đặc biệt sắc phong chức ngự sử. Đến thời Trung Tông, ông lần lượt làm thượng thư tả thừa và thứ sử Bồ Châu.
Đến khi trăm tuổi lâm chung, con cháu ông đều đã qua đời, chỉ còn ông bệnh nặng nằm trên giường. Ông gọi người hầu mang cháo tới, nhưng ai cũng nghĩ ông tuổi cao sức yếu nên bỏ mặc ông một mình. Thôi Nguyên Tông mệt mỏi không còn chút sức lực, không ăn không uống suốt mấy ngày rồi qua đời.
Có người cho rằng gặp được thời cơ sẽ có thể làm quan. Trên thực tế, thời cơ đến hay không là phụ thuộc vào việc trong mệnh có hay không, nếu không thì cho dù hoàng đế muốn nâng đỡ phong quan cũng không thể làm được.
Vương Hiển và Vương Vô Ngại: Không có mệnh làm quan
Theo Thái Bình Quảng Ký, Vương Hiển có mối giao hảo với Hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân từ khi còn thơ ấu. Khi chưa hiển vinh, Lý Thế Dân thường đùa với Vương Hiển rằng: “Ông đến già cũng không biết làm kén”, ý nói ông không thể xuất sĩ làm quan. Sau khi hoàng đế căng cơ lên ngôi, một ngày nọ Vương Hiển tới bái kiến và thưa rằng: “Tâu hoàng thượng, bây giờ thần có thể làm kén không?”. Vua Đường mỉm cười nói với ông: “Không biết có thể được hay không”, rồi cho triệu kiến ba người con trai của Vương Hiển và ban chức quan ngũ phẩm.
Đường quan lộ của Vương Hiển vốn không suôn sẻ nên ông muốn thỉnh cầu hoàng đế phong chức cho mình. Vua Đường Thái Tông nói: “Là vì ông không có quý tướng, chứ ta nào có tiếc gì ông đâu”. Vương Hiển nghe vậy bèn tâu: “Thưa hoàng thượng, cho dù buổi sáng làm quan buổi chiều phải chết thì thần cũng thỏa mãn rồi”. Phòng Huyền Linh là người hầu cận bên cạnh Đường Thái Tông đã nói: “Tâu bệ hạ, dù sao ngài và ông ấy cũng có mối giao tình từ xa xưa, tại sao không thử cho ông ấy làm quan xem sao?’. Vua Đường đồng ý và ban cho Vương Hiển chức tam phẩm, lại ban tặng “tử bảo kim đai” cho ông. Thật không ngờ, vào đúng ngày được phong chức Vương Hiển bất đắc kỳ tử mà qua đời.
Có thể thấy, thời cơ và hoàn cảnh đều thuận lợi, nhưng vì trong mệnh không có nên cũng không thể cưỡng cầu, hễ cưỡng cầu thì liền mất đi sinh mệnh.
Một người khác cũng có tình thâm giao với Đường Thái Tông là Vương Vô Ngại. Vương Vô Ngại thường hay đánh bạc, thích nuôi diều hâu và chim ưng. Đường Thái Tông thời còn chưa đăng cơ từng cá cược với Vương Vô Ngại. Sau này khi Thái Tông lên ngôi hoàng đế, Vương Vô Ngại lo sợ hoàng đế nhớ tới lần cá cược kia, nên lui về sống ẩn mình.
Đường Thái Tông lệnh cho sai dịch mang một con diều hâu ra chợ bán, từ đó tìm được Vương Vô Ngại. Đường Thái Tông triệu ông tới hoàng cung rồi trọng thưởng bằng cách: Để Vương Vô Ngại tới cổng Xuân Minh đợi xe ở các châu đi tới, những đồ vật trên xe đều thuộc về ông.
Vương Vô Ngại ngồi ở cổng Xuân Minh ba ngày, nhưng vì cầu sông Bá hư hỏng nặng nên chỉ nhận được ba xe cây gai mà không được bất cứ thứ gì khác. Đường Thái Tông biết Vương Vô Ngại bạc mệnh, nên không ban thưởng thêm bất cứ thứ gì nữa.
Vương Vô Ngại biết rằng hoàng đế đối tốt với mình, nhiều lần cầu xin được làm quan ngũ phẩm. Đường Thái Tông nói: “Không phải là ta không muốn cho ông, đáng tiếc là ông không có số hưởng”. Nhưng thấy Vương Vô Ngại vẫn truy cầu phú quý nên Đường Thái Tông miễn cưỡng đồng ý, kết quả là ngay đêm hôm đó Vương Vô Ngại cũng qua đời.
Đời người có lúc vui lúc buồn, lúc lên lúc xuống, gia tộc có lúc thịnh lúc suy, quốc gia cũng có lúc hưng khởi lúc diệt vong. Đây chính là tạo hóa xoay vần, cũng là ứng với nghiệp báo của sinh mệnh, không phải là ông Trời bất công, mà là hết thảy duyên phận đều đã có nguyên do.
“Sống chết có số, phú quý do Trời” không có ý nói buông xuôi phó mặc cuộc đời cho số phận. Mà ý nghĩa là: Con người cần phải nỗ lực mới đạt được, không nỗ lực thì không đạt được, kết quả ra sao đều là có định số, đều là có điểm tới hạn, dẫu có làm cách nào cũng không thể cải biến. Nhưng nếu không có trách nhiệm với cuộc đời của mình, lười biếng, thậm chí làm điều ác thì phúc phận sẽ giảm đi, điều đạt được sẽ nhanh chóng chẳng còn, phúc báo trong tương lai cũng theo đó mà rơi rụng mất.
Làm người thì nên hướng đến cái thiện, rời xa cái ác, đó cũng là đạo Trời. Nếu có thể hiểu được vận mệnh, họ sẽ thản nhiên đối mặt với an bài của số phận, không vì những được mất mà sinh ra phiền não, mà bất chấp lương tri. Họ có thể dùng một loại tâm thái độ lượng đối đãi với cuộc đời mà có cuộc sống tiêu dao tự tại.
Vậy tại sao số mệnh của mỗi người khác nhau nhiều như vậy? Đó là nhân quả báo ứng khác nhau tạo thành. Phật giáo giảng: “Tam thế nhân quả” ý nói nhân quả có quan hệ với quá khứ, hiện tại và tương lai. Hiện tại có được phúc báo hay khổ nạn chính là quả báo của bản thân đã làm từ kiếp trước mà ra. Còn tất cả những gì làm ở hiện tại thì lại là phúc phận và khó nạn cho đời sau.
Từ điểm này có thể thấy, giàu sang, nghèo hèn hay phú quý của đời người đều là từ lời nói, hành động của bản thân ta trong tiền kiếp, là do chính ta chọn lựa. Một suy nghĩ, một lời nói hay hành động hàng ngày đều là ta đang lựa chọn vận mệnh cho tương lai của chính mình.
Theo Trần Ý, Secretchina – Kiên Định biên dịch