Cổ nhân nói: “Thuận dân giả xương, nghịch dân giả vong”, tức là người thuận theo lòng dân thì hưng vượng, người đi ngược lại với lòng dân thì sẽ tiêu vong. Đây không chỉ là sự thực lịch sử mà còn là trí tuệ, bài học ngàn đời mà cổ nhân để lại.
Trong lịch sử, vô luận là trong bảo vệ bờ cõi, trong thống trị thiên hạ, trong việc tạo dựng công danh của bậc quân vương hay tạo lập công trạng của một cá nhân… phàm là người muốn đạt được sự thành công, muốn thực hiện được lý tưởng của đời mình thì căn nguyên trước hết là phải được lòng dân, được nhân dân ủng hộ. Bậc quân vương có được loại trí tuệ này thì phần lớn đều công thành danh toại.
Từ thời thượng cổ tới nay, sử sách ghi chép lại rất nhiều người vì được lòng dân mà lập được đại công danh; còn người làm dân mất lòng tin, không được lòng dân mà đạt được công thành danh toại thì chưa từng có.
Vậy mấu chốt để được lòng dân là gì? Đó chính là làm những sự tình khiến dân được vui mừng, luôn vì lợi ích của dân, không làm những điều khiến dân oán ghét. Chỉ cần khiến lòng dân được an vui thì liền đạt được lòng dân.
Vì thế, bậc quân vương hiền đức thời xưa luôn thuận theo ý dân. Mạnh Tử từng nói: “Lấy niềm vui của dân làm niềm vui, dân chúng cũng sẽ lấy niềm vui của Vua làm niềm vui; xem nỗi lo của dân như nỗi lo của chính mình, dân chúng cũng sẽ xem nỗi lo của Vua như nỗi lo của chính mình”. Bậc quân vương mà làm được như vậy thì không lo không nắm được thiên hạ.
Trong sách “Lã Thị Xuân Thu” viết: Ngay sau khi Thương Thang tiêu diệt nhà Hạ, thành lập nên vương triều nhà Thương thì vừa đúng lúc gặp phải thiên tai đại nạn, trong vòng 5 năm liền mùa màng hầu như không có thu hoạch. Lúc bấy giờ người dân vô cùng khốn khổ.
Vì thế, Thang Vương đã đích thân hướng lên trời cầu nguyện: “Một mình ta có tội, đừng hại đến vạn dân. Cho dù vạn dân có tội, thì người chịu tội cũng là một mình ta. Xin đừng bởi vì một mình ta không có tài đức mà thượng đế quỷ thần thương tổn đến tính mệnh của dân.”
Thang Vương cầu nguyện xong thì tự lấy kéo cắt tóc mình, tự dùng hình kẹp tay để trừng phạt mình nhằm tỏ rõ ý muốn thay lòng dân hướng đến trời cao cầu phúc. Quả nhiên, hôm sau trời đổ mưa to, dân chúng vô cùng cảm kích.
Lúc ở Kỳ Sơn, Văn Vương được Trụ Vương vô cùng tán thưởng. Ông được Trụ Vương phong cho làm Tây Bá và được ban cho ngàn dặm đất đai. Nhưng Văn Vương lại chắp tay mà từ chối, nói: “Thần nguyện không nhận ngàn dặm đất đai này để thỉnh cầu hủy bỏ hình phạt bào lạc đối với dân chúng”.
Thời nhà Ân, trong các loại cực hình có bào lạc, tức là bắt tội nhân đi chân trần trên cột sắt đang đốt, khi phỏng chân ngã xuống đống lửa thì bị nướng chết. Hiểu được nỗi sợ hãi của dân chúng trước loại hình phạt tàn khốc này, Văn Vương nguyện ý bỏ đi lợi ích của bản thân để thỉnh cầu nhà vua bỏ đi loại cực hình ấy. Vì luôn nghĩ đến lợi ích của dân mà Văn Vương rất được dân chúng ủng hộ. Sau này khi về nước Chu, ông cũng một lòng tu dưỡng đức hạnh, thi hành các chính sách lương thiện, có lợi cho dân nên rất nhiều nước chư hầu đã ruồng bỏ Trụ Vương mà theo ông.
Vua nước Việt là Câu Tiễn sau khi bị chịu nỗi nhục ở Hội Kê, đêm ngủ không nằm chiếu, miệng không ăn mỹ vị, mắt không nhìn sắc đẹp, tai không nghe mỹ nhạc. Suốt ba năm chịu khổ như vậy, Việt Vương chăm lo cho người thân của quân thần, đối với bên dưới thì giáo hóa dân chúng, ông làm mọi việc để dân chúng được vui, từ đó mà chuyên tâm quy thuận mình.
Khi có mỹ vị, Việt Vương chia cho dân chúng cùng ăn, lúc có rượu ngon lại cùng dân chúng uống. Hơn nữa, ông cũng tự mình trồng trọt lấy lương thực mà ăn, dựa vào vợ dệt vải mà khâu quần áo mặc. Ăn không cầu cá thịt, mặc không cầu đẹp đẽ. Ông còn thường xuyên chở thực phẩm đi tuần, thăm hỏi và trợ cấp cho những người già cả, mẹ góa con côi, giúp họ giảm bớt nỗi thống khổ.
Sau khi đã được lòng dân ủng hộ, ông mới tuyên thệ trước thiên hạ, quyết tâm rửa hận báo thù. Cuối cùng nước Việt đã thực sự đánh bại được quân Ngô, bắt sống được Ngô Phù Sai và giết chết Ngô tướng. Tâm nguyện của Việt Vương được hoàn thành, và xưng bá Chư hầu. Thành quả này có được là nhờ vào việc được lòng dân của Việt Vương Câu Tiễn.
Từ ngàn năm nay, sự hưng thịnh hay suy vong của các triều đại, sự thay đổi bất thường của các triều đại đều là có quan hệ mật thiết với việc có được lòng dân hay không. Lòng dân là không thể đi ngược – khuyết thiếu loại nhận thức này thì mọi sự đều không thành.
An Hòa