Ngoài việc tiêm chủng đầy đủ cho hơn 1 tỷ dân, Trung Quốc đã xuất khẩu một tỷ liều và dự đoán, tổng số liều vaccine nước này xuất khẩu sẽ đạt 2 tỉ liều trong năm nay.
Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu vaccine lớn nhất
Kể từ khi Trung Quốc thông qua 2 loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên gần một năm trước, nước này đã nhanh chóng tăng quy mô sản xuất để trở thành nhà xuất khẩu vaccine lớn nhất thế giới.
Nhưng việc quốc gia này vươn lên trở thành “người chơi” chính trong thị trường vaccine không phải không có tranh cãi, chủ yếu là vì việc thiếu minh bạch và cách số liệu về giai đoạn thử nghiệm cuối được công bố.
Sử dụng công nghệ vaccine truyền thống để tạo ra vaccine từ virus bất hoạt đã giúp mang lại lợi thế cho Trung Quốc về mặt tốc độ. Các mũi tiêm giúp giảm thiểu tử vong và các ca nghiêm trọng nhưng cũng ít hiệu quả hơn những loại vaccine tiên tiến sử dụng công nghệ mRNA và vaccine tiểu đơn vị protein.
Khi các sự lựa chọn có nhiều hơn trong những tháng gần đây, một số quốc gia đang phát triển đã chuyển sang nhà cung cấp khác do liên quan đến các quan ngại về hiệu quả của vaccine Trung Quốc đối với chủng Delta.
Các vaccine của Trung Quốc được săn đón nhiều hơn trong nửa đầu năm nay, khi các nước phương Tây tập trung vào nhu cầu trong ước, điều mà WHO vẫn lên án là chủ nghĩa dân tộc vaccine.
Nhưng trong những tháng gần đây, một số khách hàng chính mua vaccine bất hoạt của Trung Quốc, trong đó có UAE và Bahrain, đã bắt đầu sử dụng các mũi tiêm bổ sung thay thể, lo ngại về hiệu quả của vaccine Trung Quốc với chủng Delta có khả năng lây lan cao.
Thái Lan đang “trộn” Sinovac với AstraZeneca. Nam Phi được cho là đã từ chối 2,5 triệu liều Sinovac do Covax phân phối, trong khi Nigeria cho rằng 8 triệu liều Sinopharm của mình, cũng từ Covax, chỉ là những mũi tiêm “tiềm năng”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vai trò của Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp vaccine hàng đầu cho các nước phát triển sẽ không thay đổi trong tương lai gần.
Do Mỹ giao hàng chậm?
Do sự thiếu hụt nguồn cung, hàng tỉ liều của Sinopharm, Sinovac và Bharat (Biotech of India), khi được WHO phê duyệt, sẽ trở nên vô cùng quan trọng trong đợt tiêm chủng đầu tiên toàn cầu, Jerome Kim, Tổng giám đốc của Viện vaccine quốc tế nói.
Trong khoảng thời gian 6 đến 9 tháng tới, chúng ta cần 11 tỷ liều để sử dụng, liệu chúng ta có thể làm được điều đó nếu không có vaccine bất hoạt? Bây giờ chúng ta cần tiêm chủng cho 8 tỷ người – chúng ta rất có thể cần mọi loại vaccine mà WHO đã phê duyệt, Jerome Kim, Tổng Giám đốc của Viện vaccine quốc tế cho biết.
Bất chấp tỷ lệ hiệu quả thấp hơn, vaccine của Trung Quốc và vaccine sản xuất theo công nghệ vec-tơ do Đại học Oxford (Anh) phát triển rất quan trọng đối với các nước đang phát triển, nhiều quốc gia thiếu cơ sở hạ tầng cho vaccine mRNA, vốn phải được bảo quản ở nhiệt độ – 20 đến – 70 độ C.
Huang Yanzhong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Seton Hall ở New Jersey, cho biết nhu cầu đối với vaccine Trung Quốc sẽ tiếp tục ở mức cao, đặc biệt nếu một số nước phương Tây quyết định bổ sung mũi tiêm tăng cường, làm cho nguồn cung của vaccine phát triển theo công nghê mRNA càng thêm khan hiếm.
Cho đến nay, 1/3 dân số thế giới đã được tiêm chủng đầy đủ, nhưng ở các nước thu nhập thấp, con số này chỉ dưới 1%.
Ngoài ra, Huang Yanzhong cho biết, ông nhận thấy một số quốc gia tiếp tục sử dụng vaccine của Trung Quốc một phần vì Mỹ chậm cung cấp vaccine.
Ông cho biết sự gia tăng đột biến các trường hợp do biến thể Delta gây ra cũng khiến các quốc gia nhanh chóng hơn trong việc sử dụng bất kỳ loại vaccine nào được cấp phép.
Trung Quốc đã và đang chú trọng nhiều hơn đến việc cung cấp các liều vaccine thương mại, đặc biệt là cho các nước láng giềng chiến lược ở các nước Đông Nam Á. Theo Bridge Consulting có trụ sở tại Bắc Kinh, tính đến tháng 9, Trung Quốc đã bán 1,24 tỷ liều vaccine ra thị trường nước ngoài, so với 66 triệu liều vaccine được tặng. Trung Quốc đã hứa sẽ tặng 100 triệu liều cho Cơ chế Covax vào cuối năm nay.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị