“Thánh địa lý” Tả Ao hay “Phù thuỷ” Cao Biền đều là những cao nhân hiếm thấy, trên có thể hô mưa gọi gió, dưới có thể yểm mạch tầm long, lợi dụng thuật pháp mà làm hưng vượng hay suy bại một quốc gia — Nhưng vì sao lại không thể làm chủ vận mệnh của chính mình?
Huyền thoại Thánh Tả Ao
Nhắc đến phong thuỷ thì không thể không nhắc đến ngài Tả Ao, bậc thầy địa lý của nước ta, về tài năng không hề thua kém huyền thoại Cao Biền của phương Bắc. Theo cuốn “Nam Hải dị nhân” của tác giả Phan Kế Bính, Tả Ao tên thật là Nguyễn Đức Huyền (cũng có tài liệu viết là Vũ Đức Huyền), là người làng Tả Ao, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, nay là thị trấn huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Thuở nhỏ mồ côi cha, vì mẹ mắc bệnh loà mắt, nhà lại nghèo, cậu bé Đức Huyền phải theo khách buôn sang Tàu lấy thuốc chữa mắt cho mẹ. Thầy thuốc thấy cậu bé nghèo hiếu thảo nên hết lòng dạy nghề lang dược. Về sau, nhờ chữa khỏi mắt cho một ông thầy địa lý phương Bắc, nên Đức Huyền lại được thầy địa lý truyền thuật phong thuỷ cho.
Một ngày, ông thầy muốn thử thách Đức Huyền bèn đổ cát thành hình núi sông rồi vùi 100 đồng tiền xuống các huyệt đạo, bảo cậu học trò hễ tìm thấy huyệt thì xuyên kim xuống. Đức Huyền đã cắm đúng lỗ (chính huyệt) 99 đồng tiền, chỉ duy có huyệt thứ 100 là cây kim cắm chệch ra ngoài. Thấy vậy thầy địa lý than rằng: “Thế là tinh hoa địa lý đã về phương Nam mất rồi!”.
Và quả đúng là danh bất hư truyền, Đức Huyền sau này đã trở thành bậc thầy phong thuỷ, được mọi người kính cẩn gọi là Thánh Tả Ao. Ông vân du khắp nơi, từ miền xuôi đến miền ngược, từ vùng núi đến nơi đồng bằng đất đai màu mỡ, một là chữa bệnh cho người, hai là xem xét thế đất, tầm cứu long mạch, cuối cùng cũng là để giúp đời. Từ mỗi vùng đất ông đi qua đều viết nên huyền thoại, mà đến nay dân gian vẫn lưu truyền.
Một trong những câu chuyện ấy là huyền thoại giếng mắt cá làng Hành Thiện ở Xuân Trường, Nam Định. Người dân làng Hành Thiện kể rằng, một lần đi qua phủ Xuân Trường, Tả Ao phải đi đò sang sông, đến gần bến thì phải lội xuống bùn mới lên được bờ. Lúc ấy người khách đi cùng chuyến đò đã hào hiệp cõng ông qua quãng lầy lội, sau ông lại được người dân Hành Thiện khoản đãi nồng hậu. Cảm mến dân làng hào phóng, trượng nghĩa, lại mến khách, Tả Ao liền ngỏ ý xem xét thế đất cho.
Tả Ao nói: “Kìa, các ngài xem, kiểu đất làng này rất đẹp, chẳng khác gì hình con cá đang quẫy đuôi tung mình ra biển. Cụm dân cư chỗ kia là đầu và mình cá, còn cánh đồng kia là khúc đuôi. Sau này kết phát, khúc đuôi đó sẽ nở to dần, do đất phù sa ở con sông kìa bồi vào. Lại nữa, những con lạch bao bọc quanh làng là mạch nước nuôi sống con cá, quanh năm chẳng bao giờ bị cạn, nhờ đó dân trong làng được thịnh vượng, làm ăn phát đạt, ít bệnh tật, ốm yếu. Chỉ hiềm một nỗi là con cá không có mắt, nên đến giờ làng vẫn không thể phát khoa danh”.
Dân làng nghe vậy, bèn hậu đãi trà rượu và khẩn khoản xin ngài Tả Ao đặt lại hướng cho làng. Tả Ao đứng ngắm hướng, rồi tới chỗ mỏm đất trước cửa đền Thần Hoàng, nói rằng vì con cá còn thiếu mắt, nên cần đào giếng làm mắt cá. Giếng nước này rất thiêng, cần phải giữ sạch sẽ, được vậy thì trong làng ắt có người làm thầy, làm quan, giàu có nhất vùng.
Quả nhiên từ ngày đào giếng, Hành Thiện ngày càng thịnh phát, nổi tiếng là ngôi làng Nho gia, nam thì học hành thi cử đỗ đạt, nữ thì dệt lụa ươm tơ. Người dân quanh vùng vẫn dùng câu “Trai học hành, gái canh cửi”, hay “Đậu phụ Thuỷ Nhai, tú tài Hành Thiện” để nói rằng ở Hành Thiện có nhiều khoa bảng, gia đình nào cũng có người đỗ tú tài.
Phong thuỷ không thoát khỏi mệnh Trời
Mặc dù trong suốt cuộc đời mình, ngài Tả Ao đã giúp nhiều vùng đất được hưng thịnh, nhiều gia đình phát lộc, nhiều hiền nhân phát tài, nhưng đối với cá nhân ông dẫu có dày công tầm cứu long mạch đến đâu thì cuối cùng, cũng không thể cải biến được mệnh Trời.
Cuốn “Nam Hải dị nhân” kể rằng, khi ngài Tả Ao học địa lý thành tài, trước khi chia tay thầy để trở về cố hương, ông đã được thầy căn dặn: Về đến nước Nam, nhớ đừng lên núi Hồng Lĩnh (một ngọn núi thiêng ở Hà Tĩnh). Nhưng một lần qua Hồng Lĩnh, ông tò mò bèn trèo lên xem thử, thì ra đó là huyệt “Cửu long tranh châu” (chín rồng tranh ngọc), chính là huyệt đế vương vô cùng quý hiếm. Ông bèn đưa mộ cha về an táng trên núi.
Ít lâu sau, vợ ông sinh được một con trai. Cùng lúc ấy các thầy thiên văn phương Bắc phát hiện thấy có nhiều vì tinh tú cùng chầu về nước Nam. Nhà Minh thấy vậy, vội truyền lệnh cho các thầy địa lý phải sang tìm mà phá đi, nếu không sẽ tru di tam tộc. Thầy dạy của Tả Ao biết rằng chỉ có học trò mình mới làm được điều này, bèn sai con trai sang “đoái công chuộc tội”.
Con trai ông thầy sau khi điều tra kỹ lưỡng đã yểm phá huyệt đạo, rồi bắt con trai cả của Tả Ao mang về Bắc quốc. Khi ông nhận ra thì đã quá muộn màng.
Đến lúc thân mẫu qua đời, Tả Ao đã lặn lội tìm thế đất Hàm Rồng ở mãi ngoài hải đảo để an táng mẹ. Đến ngày giờ đã định thì bỗng nhiên sóng to gió lớn nổi lên, đến khi trời yên bể lặng ở đó nổi lên một bãi bồi. Tả Ao biết ý Trời không thuận, bèn than rằng: “500 năm rồng mới há miệng trong một lần một khắc, Trời đã không cho thì đúng là số rồi”.
Lại có giai thoại kể rằng, một lần đi qua làng Thiên Mỗ, ngài Tả Ao thấy có ngôi đất to, biết là huyệt quý, nên định táng hộ cho nhà họ Trần. Nhưng không hiểu sao tróc long của ông không đặt được xuống đất, hễ đặt là đổ, ông bèn gọi Thổ thần lên hỏi. Thổ thần trả lời rằng: “Đất này phát ba đời quốc sư đại vương, con cháu công hầu không bao giờ hết. Thiên thượng đã để dành cho nhà họ Nguyễn, còn nhà họ Trần kia ít phúc, không xứng để được đất này, nếu ông cưỡng mệnh Trời thì tất có tai vạ. Vả lại ông đi khắp thiên hạ, làm phúc cho người ta đã nhiều, mà không được ngôi nào để táng cho cha mẹ, ông nên nghĩ thế thì biết”.
Tả Ao lĩnh chỉ ý Thần, hiểu rằng phúc là từ đức mà ra, tài lộc nhiều hay ít cũng là do đức dày hay mỏng. Vậy mới nói ‘phong thuỷ chỉ dưỡng người tích thiện’, thầy địa lý dẫu cao tay đến đâu cũng không thể dựa vào phong thuỷ để thay đổi mệnh Trời.
Trước là tích đức, sau là tìm long
Những năm cuối đời Tả Ao chu du khắp thiên hạ, không màng danh lợi, không ham phú quý công danh, mà mượn phong thuỷ để giúp người thiện đức. Người đời vẫn thắc mắc vì sao Tả Ao tài thuật như vậy mà không truyền nghề cho con cháu, để con cháu phất tài phất lộc, nở mặt nở mày với bàn dân thiên hạ? Có người giải thích rằng là do ông thầy phương Bắc yểm bùa, nên gia đình của Tả Ao mới gặp nhiều biến cố như vậy. Nhưng trong lòng ông hiểu rằng gia cảnh mình bần hàn, con cháu của mình cơ cực ấy đều có nguyên do.
Cũng giống như “thầy phù thuỷ” Cao Biền từng cưỡi mây lướt gió, tản đậu thành binh, lừng lẫy là ngài tiết độ sứ vang vọng một thời, vì sao cuối cùng vẫn không tránh khỏi kết cục đau buồn? Ấy là bởi, muốn cải biến vận mệnh duy chỉ có hành thiện tích đức, tu tâm dưỡng tính mới là phong thủy tốt nhất của đời người.
Cho nên, ngay trong phần mở đầu của cuốn sách bí truyền “Dã Đàm Tả Ao”, điều ngài Tả Ao nhắn nhủ hậu nhân không phải là tìm long mạch ra sao, trấn yểm thế nào, mà là tích đức, tu thân:
“Đạo cao, đức trọng, chưng thân.
Hổ long liên phục, quỷ thần liên kinh.
Đức, nhân vốn ở cả mình.
Tiên là tích đức, hậu là tầm long”.
Tâm Minh