Cựu thủ tướng Anh William E. Gladstone từng nói: “Chẳng ai trở nên hoàn hảo và tốt đẹp mà chưa từng mắc lỗi lầm nào cả”. Thất bại là một phần không thể thiếu trên con đường tiến tới thành công của bạn.
Rất nhiều người không bắt tay hành động do lo sợ thất bại. Ngược lại, những người thành đạt nhận ra rằng thất bại chính là một phần quan trọng trong quá trình học hỏi. Họ hiểu rằng thất bại chỉ là cách chúng ta học hỏi qua phương pháp thử và sai. Chúng ta không chỉ cần chấm dứt ngay nỗi lo sợ thất bại mà còn cần sẵn sàng chấp nhận thất bại – thậm chí hào hứng đón nhận thất bại. Tác giả nổi tiếng Jack Canfield gọi phương pháp đón nhận thất bại này là “thất bại để tiến lên.”
Bạn chỉ cần bắt tay thực hiện, phạm sai lầm, lắng nghe những ý kiến phản hồi, sửa chữa sai lầm và tiếp tục tiến về phía mục tiêu của mình. Tất cả mọi kinh nghiệm thu được đều là những thông tin hữu ích bạn có thể sử dụng cho những lần sau.
Nguyên tắc này có lẽ được chứng minh một cách thuyết phục nhất đối với các doanh nghiệp mới thành lập. Ví dụ như, các nhà đầu tư mạo hiểm hiểu rằng, hầu hết các doanh nghiệp loại này đều thất bại. Tuy nhiên, trong ngành đầu tư mạo hiểm, một số liệu thống kê mới đang thu hút được sự chú ý của nhiều người cho thấy nếu người sáng lập ra doanh nghiệp có tuổi đời từ 55 trở lên, doanh nghiệp đó có cơ hội tồn tại nhiều hơn 73%.
Những doanh nhân lớn tuổi thường đã đúc rút được kinh nghiệm từ những sai lầm. Họ sẽ là một rủi ro “an toàn” hơn do thông qua những năm tháng học hỏi từ những thất bại, họ đã phát triển cho mình nền tảng kiến thức, kỹ năng và sự tự tin – những điều sẽ giúp họ vượt qua trở ngại để tiến tới thành công.
Nhà toán học và triết gia, người chưa từng tốt nghiệp đại học song lại được trao 46 tước vị tiến sĩ danh dự Buckminster Fuller từng nhấn mạnh rằng: “Bạn không thể học được ít hơn, bạn chỉ có thể học được nhiều hơn. Tôi có kiến thức sâu rộng chính là bởi tôi đã phạm rất nhiều sai lầm.”
Một trong những câu chuyện Jack Canfield yêu thích là câu chuyện về một nhà khoa học nổi tiếng, người đã tạo ra những đột phá rất quan trọng trong lĩnh vực y học. Một phóng viên khi phỏng vấn đã hỏi: “Theo ông, điều gì đã khiến ông có thể thành công hơn người bình thường. Hay nói cách khác, ông khác mọi người ở điểm nào?”
Nhà khoa học trả lời, tất cả đều nhờ một bài học mẹ dạy khi ông mới hai tuổi. ông đang cố lấy chai sữa ra khỏi tủ lạnh thì bị mất thăng bằng và ngã, toàn bộ chai sữa đổ tung tóe ra sàn bếp. Mẹ ông đã không quát mắng mà chỉ nói với ông: “Chà, chỗ bừa bãi mới tuyệt làm sao! Mẹ chưa từng thấy vũng sữa nào lớn như vậy. Ồ, dù sao sữa cũng đổ rồi. Con có muốn ngồi xuống và chơi với vũng sữa trước khi chúng ta lau dọn đi không?”
Thực tế là ông đã làm như mẹ gợi ý. Và sau đó vài phút, mẹ ông nói tiếp: “Con biết không, bất kì khi nào con làm mọi thứ trở nên bừa bãi, cuối cùng thì con cũng phải lau dọn. Thế con muốn lau dọn như thế nào? Mẹ con mình có thể dùng một chiếc khăn, một miếng bọt biển hay một chiếc giẻ lau sàn. Con thích dùng thứ nào?”
Sau khi đã lau dọn xong, người mẹ lại nói tiếp: “Mẹ con mình vừa có một bài học thất bại vì đã cầm chai sữa to bằng hai bàn tay nhỏ xíu. Chúng ta hãy ra sân sau, đổ đầy nước vào chai để xem con nghĩ ra cách nào cầm chai mà không đánh đổ nhé”. Và họ đã làm được.
Đây đúng là một bài học tuyệt vời. Nhà khoa học cho biết đó là lúc ông nhận ra mình không phải lo sợ mắc sai lầm. Thay vì đó, ông học được sai lầm chỉ là những cơ hội để con người học được thêm những điều mới mẻ – bài học được chứng minh qua tất cả các thí nghiệm khoa học.
Một chai sữa đổ đã đem đến cả một cuộc đời biết học hỏi từ kinh nghiệm – những kinh nghiệm đặt nền móng cho những đột phá về y học và những thành công vang dội toàn cầu.
Theo Thảo Nguyên –Nhịp Sống Kinh Tế