Hóa ra, việc không một ai dám chạm vào 81 cái đinh ở cổng Tử Cấm Thành là vì những lý do này.
Tử Cấm Thành hay Cố Cung là địa điểm không thể bỏ qua của nhiều người khi đi du lịch Bắc Kinh, Trung Quốc. Nằm ở trung tâm Hoàng Thành với phong cách kiến trúc cổ kính, khu phức hợp cung diện này từng là nơi bàn việc chính sự, vừa là nơi ở của hoàng đế cùng dàn hậu cung của mình.
Tồn tại hơn 600 năm lịch sử, trải qua sự cai trị của 24 vị hoàng đế nên Tử Cấm Thành còn chứa đựng rất nhiều điều bí ẩn mà hậu thế luôn muốn khám phá. Một trong số đó là bí mật về những chiếc đinh vàng nhô cao trên cánh cổng đỏ rực dẫn vào Cố Cung.
- Ý nghĩa của 81 chiếc đinh đóng trên cửa Tử Cấm Thành
Theo thống kê, có tổng cộng 81 chiếc đinh trên 2 cánh cổng chính của Tử Cấm Thành. Con số này không phải ngẫu nhiên mà mang một ngụ ý rất đặc biệt.
Tác phẩm “Chuyện Diên Kinh” có đề cập rằng số lượng đinh cửa trong khuôn viên cung điện là 81, được sắp xếp thành 9 hàng và 9 cột. Bởi vì trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, các số lẻ từ 1 đến 9 đều tượng trưng cho số dương, và 9 là số lớn nhất trong các số dương.
Tử Cấm Thành vốn là nơi ở của các hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh, các công trình của họ cũng đều liên quan đến con số 9, vì vậy, tại cổng chính của Tử Cấm Thành, số lượng đinh cửa luôn là 81.
Tất nhiên, ngoài cổng chính, đinh cửa cũng xuất hiện trên các cổng khác của Tử Cấm Thành, nhưng số lượng hạn chế hơn. Ví dụ, số lượng đinh cửa trên Cổng Đông Hoa cạnh Tử Cấm Thành là 72 chiếc, có nghĩa là những người ra vào cánh cửa này không phải là thành viên hoàng tộc, mà là những quan chức quan trọng của triều đình.
Ngoài Đông Hoa Môn, trên cổng cung điện của các hoàng tử, quan đại thần cũng có những chiếc đinh cửa, rõ ràng nhất là trên cổng của điện thái tử có 63 chiếc đinh, 9 đinh dọc và 7 đinh ngang. Ở cấp độ quận vương hoặc công tước, số lượng đinh cửa sẽ “giảm hai phần bảy của hoàng tử”, tức tổng số sẽ là 49 chiếc.
Cấp bậc quan chức bình thường, số lượng đinh trên cổng phải giảm xuống còn 35. Ngoài tầng lớp thượng lưu, những người bình thường ở tầng lớp dưới không có quyền đóng đinh vào cổng nhà mình. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, đinh cửa cũng thể hiện ý thức mạnh mẽ về thứ bậc.
Thứ hai, xét về chất liệu thì đinh cổng Tử Cấm Thành được làm bằng đồng, cũng là chất liệu thể hiện nét cao quý. Ngoài đồng, đinh cổng thông thường còn được làm từ 3 dạng vật liệu khác là gỗ, sắt và đá. Trong số đó, những chiếc đinh sắt là có lịch sử lâu đời nhất.
Ngay từ 1.400 năm trước vào thời nhà Đường, đinh cổng đã xuất hiện ở Trung Quốc, vào thời điểm đó đinh cổng hầu hết được làm bằng sắt và chỉ được trang trí ở bên ngoài cổng chùa. Được biết các ngôi chùa cổ chủ yếu được xây dựng ở vùng núi rừng hẻo lánh, quanh năm mưa ẩm, cổng chùa được làm bằng bằng gỗ, nếu tiếp xúc với độ ẩm lâu ngày rất dễ bị nứt và mục nát. Để kéo dài tuổi thọ của cổng gỗ, các nhà sư đã gia cố bằng đinh cửa.
Thời gian trôi qua, tục lệ đóng đinh trên cửa vẫn được lưu giữ. Đến thời nhà Minh và nhà Thanh, đinh cửa đã trở thành vật trang trí độc quyền của giới thượng lưu, tuy nhiên, đinh cửa ở nhà quan chức bình thường về cơ bản được làm bằng gỗ và đá, còn nhà của các chức sắc lại ưu tiên dùng đinh đồng. Về phần dùng đinh để trang trí hay gia cố cửa, phần đinh lộ ra bên ngoài cũng được người thợ ngày xưa dùng vật có đầu tròn che lại hoặc thiết kế đầu tròn để vừa đạt hiệu quả thẩm mỹ, vừa không ai bị thương.
Theo quan điểm này, đinh cửa không chỉ đóng vai trò trang trí mà còn có tác dụng gia cố, ở một mức độ nhất định, chúng còn là biểu tượng của quyền lực và địa vị.
- Vì sao không ai dám động tới đinh trên cổng Tử Cấm Thành?
Có một câu nói luôn được các hướng dẫn viên du lịch truyền đạt với du khách khi ghé thăm Tử Cấm Thành: “Nếu bạn không sợ trời, không sợ đất, có mệnh lớn thì có thể thử chạm vào đinh cổng”.
Vậy lý do gì khiến những người hướng dẫn viên này luôn phải nhắc nhở du khách nên cẩn trọng với những chiếc đinh ở trên cổng đến vậy?
Theo đó, cổng chính của Tử Cấm Thành có tên đầy đủ là “Ngọ Triều Môn”, hay gọi tắt là “Ngọ Môn”. Vào thời xưa, Ngọ Môn đóng một vai trò quan trọng. Chẳng hạn, vào mỗi mùa đông, các hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh sẽ ban hành niên giám cho năm sắp tới tại đây. Một nơi quan trọng như vậy nên nó cũng mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Nếu không phải là người có địa vị cao sẽ không thể tới gần.
Ngoài ra, Ngọ Môn cũng là nơi mà các vị vua chọn để xét xử tù nhân quan trọng của triều đình. Do đó, nơi đây được cho là có phong thủy không tốt nên không ai dám đến gần cũng như đụng vào đinh trên cổng.
Bên cạnh đó, một lý do khác cho việc “cấm” chạm vào đinh cửa Tử Cấm Thành đó là vì để bảo vệ chúng.
Tử Cấm Thành đã trải qua 600 năm lịch sử. Vì toàn bộ công trình này về cơ bản đều được làm từ gỗ và đá nên rất dễ bị phai màu và biến dạng dưới tác động của thời tiết. Lớp sơn và đinh đồng ở cổng chính của Tử Cấm Thành theo thời gian đã mất đi màu sắc tươi sáng ban đầu. Cho dù có được tu sửa bảo trì cẩn thận cũng không thể giữ phục hồi nguyên trạng.
Hơn nữa, Tử Cấm Thành đón hàng chục triệu khách du lịch mỗi năm, đối mặt với lượng khách du lịch khổng lồ như vậy, các biện pháp bảo vệ những công trình thế kỷ này lại càng quan trọng hơn. Theo đó, việc chạm vào cổng chính và những chiếc đinh đồng của Tử Cấm Thành đều bị cấm. Những người quản lý Tử Cấm Thành đã phải nghĩ ra phương pháp bảo vệ tất cả những chiếc đinh cửa này bằng một tấm kính che. Cũng kể từ đó, bất cứ ai cũng không được chạm vào những chiếc đinh này nữa.
(Theo Toutiao)-Ánh Lê–Phụ nữ số