Vị Giáo sư đại học từng bị Elon Musk cười nhạo 13 năm trước giờ khiến cả thế giới nể phục.
Vào cuối năm 2011, tỷ phú Elon Musk khi ấy không giấu được nụ cười mỉm khi nghĩ đến việc Tesla có thể bị đối thủ là hãng sản xuất ô tô Trung Quốc BYD vượt mặt. “Cô đã thấy chiếc xe của họ chưa? Tôi nghĩ là không hấp dẫn lắm đâu”, ông giải thích trên truyền hình. “Công nghệ không mạnh. Và bản thân công ty BYD cũng đang gặp phải vấn đề ở quê nhà của họ”.
Thậm chí tại thời điểm đó, tỷ phú nhà Tesla còn cho rằng tuyên bố sẽ cho ra mắt xe điện rẻ hơn của BYD là ngông cuồng khi giá thành sản xuất tại California, Mỹ của Tesla rẻ hơn 10-20% so với ở Trung Quốc. Lúc này đế chế nhà Elon Musk vẫn chủ yếu sản xuất linh kiện từ Mỹ, Mexico.
Hơn một thập kỷ sau đó, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến do doanh nhân Wang Chuanfu lãnh đạo đã chiếm ngôi vương của Tesla để trở thành nhà sản xuất ô tô chạy bằng pin lớn nhất thế giới. Cụ thể, trong quý thứ tư năm 2023, BYD, được thành lập vào năm 1995 và có cả Berkshire Hathaway của Warren Buffett trong danh sách cổ đông, đã bán được con số kỷ lục là 526.000 ô tô điện chạy hoàn toàn bằng pin so với mức 484.000 của Tesla.
“Đó đã là quá khứ nhiều năm trước. Sản phẩm của họ giờ đây cực kỳ cạnh tranh”, Elon Musk đã phải thừa nhận sai lầm khi cười nhạo hãng xe điện BYD 13 năm trước.
“Ba đến năm năm trước, không ai nghĩ rằng ô tô điện của Trung Quốc sẽ có đủ chất lượng hoặc độ tin cậy để cạnh tranh”, Tu Le, người sáng lập của Sino Auto Insights, một công ty tư vấn tại Bắc Kinh nói. Sự thăng hoa của BYD càng làm tăng thêm sự hấp dẫn cho câu chuyện vươn lên từ nghèo khó của CEO Wang. Câu chuyện về vị giáo sư biến thành một nhà quản lý có đầu óc sắc bén với sự tập trung cẩn thận vào công nghệ, chuỗi cung ứng và cắt giảm chi phí đã trở thành “sách thánh” trong các trường khoa học và kinh doanh ở Trung Quốc.
Đối với nhân viên của mình, Wang đơn giản chỉ được biết đến là “Ngài Chủ tịch”. Bằng cả lòng tôn kính và sự kinh sợ, các nhân viên luôn đánh giá ông là một người quản lý chi tiết với đạo đức làm việc theo triết lý làm việc hăng say Stakhanovite, mặc dù vẻ ngoài khiêm tốn của vị tỷ phú 57 tuổi này không thể hiện điều đó.
“Khái niệm cân bằng giữa công việc và cuộc sống đơn giản không tồn tại trong từ vựng của ông ấy”, Michael Dunne, giám đốc điều hành của công ty tư vấn ô tô tập trung vào thị trường châu Á là Dunne Insights nói.
Năm 2008, Charlie Munger thuyết phục đối tác kinh doanh của mình, Buffett, đầu tư 230 triệu USD cho 10% cổ phần của BYD lúc đó chưa nổi tiếng. Munger đưa ra lý do rằng trong con người CEO Wang có sự kết hợp của Thomas Edison và Jack Welch – người từng là giám đốc điều hành của General Electric. “Tôi chưa từng gặp ai giống như vậy”, Munger khẳng định. Kể từ đó, Berkshire đã bán 2% cổ phần BYD và nhận về 890 triệu USD. Lượng cổ phần còn lại của họ hiện đang có giá khoảng 2,3 tỷ USD.
Lợi nhuận ròng của BYD đã tăng gấp đôi lên 21,37 tỷ NDT, tương đương 3 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Giá cổ phiếu của công ty đã tăng hơn năm lần kể từ đầu năm 2020, đưa giá trị vốn hóa thị trường công ty lên 622 tỷ NDT (87,5 tỷ USD).
Trong khi Munger ấn tượng với kỹ năng về mặt kỹ thuật của Wang, các chuyên gia cho rằng sự thành công của BYD chủ yếu là do văn hóa cắt giảm chi phí không khoan nhượng. Vị doanh nhân này đã thiết lập “kiểm soát chi phí một cách hoàn toàn quyết liệt”, theo Christoph Weber tại tập đoàn phần mềm Thụy Sĩ AutoForm.
Bám sâu vào những bài học từ việc sản xuất pin điện thoại di động và các thành phần khác cho Siemens, Nokia và Motorola trong giai đoạn đầu, BYD đã phát triển khả năng nội địa của mình. Thuê các công ty khác để làm phần cứng hoặc dịch vụ chỉ là phương án cuối cùng. Điều này được thực hiện nghiêm ngặt đến mức một quản lý từng nói với nhà đánh giá ô tô rằng công ty sản xuất mọi thứ trên chiếc xe “trừ lốp và kính chắn gió”.
Sự chú trọng vào chi phí đã làm nền tảng cho quá trình tích hợp dọc của tập đoàn, từ cung ứng nguyên liệu đến pin và vi mạch máy tính. Là một trong những nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới, công ty cung cấp pin cho các đối thủ bao gồm cả Tesla và Toyota.
Điều này đã dẫn đến những đổi mới trong sản xuất. Lấy ví dụ, trong những ngày đầu của BYD, Wang đã mua một công cụ khuôn dập mặt trước từ Jeep tại Bắc Kinh. Điều này dẫn đến việc công ty phát minh công nghệ “cell to boby” – tích hợp pin và thân xe ô tô.
Ngoài tài năng lãnh đạo, CEO Wang còn đặc biệt là doanh nhân được ca ngợi ở Trung Quốc bởi là người ủng hộ các sản phẩm công nghệ cao giúp đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải carbon của chính quyền Bắc Kinh.
Trong diễn thuyết năm mới hàng năm của mình vào chủ nhật vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có nói rằng “phương tiện năng lượng mới” sản xuất tại Trung Quốc cho thấy “sức mạnh sản xuất của Trung Quốc”.
Công nghệ pin của BYD thậm chí đã trở thành một phần của chương trình học tại Trường Đại học Tsinghua ở Bắc Kinh trong nhiều năm. Học sinh trung học hiện nay học về Tang, một mẫu SUV plug-in hybrid của BYD, như là một phần của bài học vật lý.
Sau khi chinh phục thị trường Trung Quốc, Wang hiện đang hướng ra nước ngoài. Vào tháng 11, quản lý BYD cho biết với các nhà phân tích của Citigroup rằng họ nhắm đến một thị phần khoảng 10% tại các thị trường nước ngoài ngoại trừ Mỹ hoặc châu Âu trong dài hạn. Điều này ngụ ý về doanh số bán hàng hàng năm ở nước ngoài – ngoại trừ hai thị trường quan trọng ở phía Tây – là từ 2 triệu đến 3 triệu xe, tăng lên từ khoảng 240.000 xe trong năm nay, theo Citigroup.
Để thử nghiệm, BYD đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy ô tô đầu tiên tại châu Âu tại Hungary.
Vào năm 2018, sự thành công của BYD đã thu hút ông Toyoda, người là Chủ tịch và Giám đốc điều hành Toyota thời điểm đó, đến Shenzhen. Trước cuộc họp, Wang nói với đồng nghiệp rằng ông lo ông Toyoda sẽ đề cập đến việc các mẫu xe BYD giống với các mẫu của Toyota. Nhưng thay vào đó, ông Toyoda dành phần lớn thời gian trong cuộc họp để đặt câu hỏi cho Wang về cách ông đã đạt được sự sản xuất ở mức giá thấp như vậy.
Theo: Financial Times-Phương Linh-Theo An ninh Tiền tệ