“Động chạm” nhiều cường quốc, qua mặt cả đồng minh quan trọng để bán vũ khí cho Armenia, quốc gia này liệu có hứng trọn “cơn thịnh nộ” của các thế lực địa chính trị trong khu vực?
Làm mất lòng Azerbaijan
Theo Tiến sĩ Vuk Vuksanovic, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Trường Khoa học Chính trị và Kinh tế London (LSE), trong khi thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào cuộc chiến ở Caucasus, những phát hiện mới về việc vũ khí Serbia được bán sang Armenia đã mang lại nhiều rủi ro cho mối quan hệ giữa Belgrade với các đồng minh quan trọng.
Trong tháng Bảy, cuộc xung đột “bị đóng băng” giữa Azerbaijan và Armenia đã bắt đầu tan băng khi nổ ra cuộc đụng độ giữa lực lượng Azerbaijan và Armenia, khiến 16 người thiệt mạng.
Lực lượng Arzerbaijan đã tìm thấy một số loại đạn súng và đạn pháo do Serbia sản xuất trong số vũ khí của phía Armenia.
Phát hiện này không chỉ làm lung lay mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Serbia và Azerbaijan, mà nó còn đặt ra mối nguy hiểm lớn nhất đối với Belgrade: Nước này có nguy cơ làm mất lòng cả các cường quốc lớn và các cường quốc máu mặt trong khu vực chỉ bởi những lợi ích có được trong cuộc xung đột Caucasus.
Rất may, Serbia đã “né được viên đạn” vào thời điểm đó bởi các cường quốc này đều có một số ưu tiên khác ở những nơi khác.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc đụng độ đang được nối lại giữa Armenia và Azerbaijan những ngày qua, cùng những cáo buộc gần đây về phát hiện mới liên quan tới thiết bị quân sự của Serbia trong lực lượng Armenia, thì một câu hỏi được đặt ra là: Belgrade liệu có may mắn lần thứ hai hay không?
Việc Azerbaijan phát hiện ra số đạn dược do Serbia sản xuất cho Armenia hồi tháng Bảy đã khiến mối quan hệ giữa Belgrade và Baku gặp rắc rối nghiêm trọng.
Ngoại trưởng Azerbaijan đã triệu tập Đại sứ Serbia ở Baiku để chất vấn. Diễn biến này đã mang lại tin xấu cho Serbia, bởi Azerbaijan là 1 trong số 6 quốc gia mà Serbia ký thỏa thuận đối tác chiến lược. Các nước còn lại bao gồm Nga, Trung Quốc, UAE, Pháp và Italy.
Trong 12 năm qua, Serbia và Azerbaijan đã hỗ trợ nhau trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ của mỗi bên. Chẳng hạn, Bauku ủng hộ lập trường của Serbia về Kosovo, còn Belgrade thì hậu thuẫn Baku về vấn đề Nagorno-Karabakh.
Bên cạnh đó, Azerbaijan đã cung cấp cho Serbia các hạn mức tín dụng liên quan tới cơ sở hạ tầng. Công ty xây dựng AzVirt của Azerbaijan đã tham gia xây dựng tuyến đường cao tốc Corridor XI (đoạn Ljig-Preljina), Ruma-Sabac và Sabac-Loznica tại Serbia.
Chưa hết, nước này còn viện trợ hơn 400.000 euro cho Serbia trong trận lũ lụt năm 2014 và hỗ trợ thiết bị y tế trong đại dịch COVID-19.
Belgrade hoàn toàn có cơ sở để lo ngại về phản ứng của Baku khi phát hiện ra số đạn dược của Serbia ở bên phía Armenia.
Theo ông Vuksanovic, người đứng sau hoạt động chuyển giao vũ khí cho Armenia là Slobodan Tesic, một trong những nhà buôn vũ khí lớn nhất của Serbia. Vektura Trans – Công ty của Tesic đang cung cấp cho Armenia các loại đạn dược sản xuất tại nhà máy Krusik, Serbia.
“Động chạm” tới một loạt cường quốc
Không chỉ làm mất lòng Azerbaijan, Belgrade còn có nguy cơ khiến một số thế lực địa chính trị khác giận dữ. Một trong số đó là Nga.
Mặc dù là phía hậu thuẫn ngoại giao và quân sự chủ lực cho Armenia nhưng Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí cho Azerbaijan. Moscow hẳn không thích thú gì với việc Serbia “gây rối” sân sau của mình bằng các giao dịch vũ khí, nhất là khi lô đạn dược dành cho Armenia được vận chuyển thông qua một công ty ở Moldova, sau đó qua Gruzia.
Tuy nhiên giờ đây, mối quan hệ giữa Serbia với Nga đã qua thời kỳ tốt đẹp nhất, điều này thể hiện ở thái độ lãnh đạm của Serbia khi tiếp nhận viện trợ y tế của Nga trong đại dịch COVID-19. Belgrade đang thay thế Moscow bằng Bắc Kinh trong vai trò đối tác phương Đông chủ lực.
Trong khi đó, Moscow không hài lòng khi Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tìm cách giải quyết vấn đề Kosovo theo chỉ dẫn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bởi điều đó sẽ loại bỏ một trong số ít nguồn ảnh hưởng của Nga ở Balkans.
Trong bối cảnh Nga đang vướng vào các cuộc xung đột ở Syria, Lybia, cũng như phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ở biên giới phía tây của Nga – Belarus thì việc một nhà buôn vũ khí Serbia phát sinh giao dịch với Armenia trông có vẻ là chuyện cỏn con.
Thế nhưng, nếu xét tới tất cả những trục trặc phát sinh trong mối quan hệ giữa Serbia-Nga thì Belgrade có lẽ nên tránh xa khỏi vấn đề Armenia vào lúc Tổng thống Putin đến thăm Belgrade một lần nữa.
Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cũng nằm trong số các đối tác của Serbia có xu hướng sẽ không nhân nhượng trong vấn đề liên quan tới Armenia.
Mối quan hệ đối tác giữa Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ đã được củng cố trong vài năm qua. Song, Ankara là đồng minh chủ lực của Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia, và đang gia tăng mức độ can dự của mình vào Caucasus để chống lại sự hiện diện của Nga ở Syria và Libya.
Israel đang giữ thái độ im lặng nhưng với mong muốn cải thiện mối quan hệ với Israel, Serbia không nên quên rằng Tel Aviv là nhà cung cấp máy bay không người lái cho Azerbaijan. Vị thế của Israel tại Serbia cũng cao hơn vì nước này là cửa ngõ quan trọng để Belgrade tiếp cận Nhà Trắng.
Đáng lưu ý, trong năm 2019, cựu quan chức cấp cao trong Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí Mỹ Thomas Countryman nói với truyền thông Serbia rằng, Mỹ đã giám sát Slobodan Tesic và các giao dịch của ông ta trong 20 năm qua.
Liên Hiệp Quốc từng áp đặt lệnh cấm di chuyển đối với Tesic do vi phạm xuất khẩu vũ khí sang Liberia. Cuối năm 2019, Bộ tài chính Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 9 cá nhân và 3 thực thể liên quan tới Tesic.
Bản thân Serbia cũng có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt nếu những tin tức tương tự như thông tin về lô đạn dược cung cấp cho Armenia xuất hiện thường xuyên hơn.
Belgrade rất lo sợ hệ lụy từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Năm 2019, nước này từng phải từ bỏ một số thỏa thuận mua vũ khí từ Nga để tránh các biện pháp trừng phạt như vậy.
Chuyên gia Vuksanovic nhận định, các cường quốc đã không gây khó dễ cho Serbia sau những đợt cung cấp vũ khí cho Armenia hồi tháng Bảy vừa qua. Tuy nhiên, chưa chắc lần này Belgrade đã gặp may mắn.
Theo vị chuyên gia, Serbia tốt hơn hết là “đừng ló mặt ra”, bởi giờ đây cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào Caucasus.
Theo Trí Thức Trẻ