Cổ ngữ có câu: “Muốn làm nên sự nghiệp thì trước hết phải biết làm người”. Vậy làm người như thế nào? Con người cần phải có những tố chất nào để trở thành ‘Con Người’ chân chính, làm nền tảng cho thành công, thành tựu sự nghiệp?
Nghe người ta nói, còn phải xem người ta làm
Một số người có tài ăn nói hùng biện, miệng lưỡi sắc sảo, tư duy nhạy bén, phong thái hoạt bát, lối ví von dí dỏm, kiến thức cũng khá rộng, có thể thao thao bất tuyệt về bất kỳ vấn đề gì. Tuy nhiên, cần phải xem hành động việc làm của họ thì mới đánh giá đúng con người họ.
Giữa triều đình bá quan văn võ Đông Ngô, nơi địa linh nhân kiệt, nhân tài vô số, Khổng Minh vẫn ung dung biện luận sắc bén, một mình đối địch quần hùng, khiến quân thần Đông Ngô phải tâm phục khẩu phục. Đó chính là người có tài ăn nói và cũng là người chân tài thực học.
Khi Tư Mã Ý dẫn quân đánh Thục, thế lực quân Ngụy lúc này rất mạnh mà Thục lại suy yếu, Gia Cát Lượng tìm mãi không thấy ai vừa ý để trấn giữ nơi xung yếu là Nhai Đình. Mã Tốc xin đi, Gia Cát Lượng vẫn băn khoăn chưa quyết, Tốc nói: “Tôi làu thuộc binh thư từ nhỏ lại cũng biết phép dùng binh, lẽ nào không giữ nổi một chỗ như Nhai Đình”.
Không còn người nào khác, Khổng Minh đành đồng ý, và cho Vương Bình đi theo, dặn Tốc rằng bất kỳ việc gì cũng phải bàn với Bình.
Đến Nhai Đình, Mã Tốc lệnh quân lính chặt cây đóng quân trên núi, Bình can rằng: “Đóng trại giữa đường đi, đào hào đắp lũy chấn ngang thì quân giặc dẫu có 10 vạn cũng không thoát qua lọt. Nhược bằng bỏ ngã năm xung yếu này mà lên núi đóng đồn, nếu quân Ngụy ào đến bủa vây bốn mặt thì chống đỡ làm sao?”
Mã Tốc cười ha hả rồi nói rằng: “Ngươi liệu tính không khác gì đàn bà! Binh pháp có dạy: “Từ trên cao nhìn xuống, đánh địch dễ như chẻ tre”. Nếu quân Ngụy đến đây, ta sẽ đánh cho không còn mảnh giáp”.
Cuối cùng quân Thục bị đánh tan tác, Mã Tốc được Vương Bình, Ngụy Diên ứng cứu mới chạy thoát. Cũng từ đây, nước Thục suy vi, mở đầu cho quá trình diệt vong.
Gia Cát Lượng gạt nước mắt khi xuống lệnh trảm Mã Tốc. (Ảnh minh họa)
Làm người thì đừng bao giờ quá đề cao bản thân mình
Quỷ Cốc Tử là một đạo sỹ ẩn cư, nhưng tài năng của ông thì được người đời mấy ngàn năm kính phục. Bốn đệ tử thế tục của ông là Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Trương Nghi, Tô Tần đã tung hoành khắp cõi Trung Hoa thời Chiến Quốc. Chỉ mấy câu trong thiên “Quyền biến” đã cho thấy trí tuệ siêu phàm của ông trong đối nhân xử thế:
“Nói với bậc trí giả phải dựa vào sự hiểu biết; nói với người hiểu biết phải dựa vào tài hùng biện; nói với người có tài hùng biện phải dựa vào điều cốt lõi; nói chuyện với người quyền quý phải dựa vào thế; nói chuyện với người giàu sang phải dựa vào điều cao quý; nói chuyện với người nghèo phải dựa vào lợi; nói chuyện với người địa vị thấp phải dựa vào sự khiêm nhường; nói chuyện với kẻ dũng phải dựa vào sự quả cảm; nói chuyện với người ngu phải dựa vào những lời sắc bén”.
Khiêm hạ không tự cho mình là nhất, là cao thì mới có thể đặt mình vào vị trí người khác mà suy nghĩ vấn đề, từ đó có được lựa chọn sáng suốt.
George Bernard Shaw, nhà văn nổi tiếng người Anh, một hôm nhàn rỗi đã ra ngoài đi dạo. Ông tình cờ gặp một bé gái tên là Mary, hai người đã cùng nhau đi dạo, nói chuyện cả một buổi chiều cho đến khi trời tối mới quay về. Trước khi chia tay, nhà văn nổi tiếng nói với cô bé: “Khi về nhà, con hãy nói với mẹ rằng chiều nay con đã đi chơi với George Bernard Shaw”.
Thật bất ngờ, cô bé nghe xong bèn đáp lại: “Ngài về nhà cũng hãy nói với mẹ ngài rằng chiều nay đã đi chơi với Mary cả buổi nhé!”.
Câu nói của cô bé khiến ông giật mình, suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng cũng ngộ được ra chân lý ‘làm người dù thành đạt thế nào vẫn cần khiêm hạ’. Sau này George Bernard Shaw trong một buổi thuyết giảng đã nói rằng: “Làm người thì đừng bao giờ quá đề cao bản thân mình”.
George Bernard Shaw là nhà soạn kịch người Anh gốc Ireland đoạt giải Nobel Văn học năm 1925.
Không cùng đạo, cùng lý tưởng thì không thể cùng nhau bàn việc, mưu sự
Nguyên văn: Đạo bất đồng bất tương vi mưu.
Mỗi người có chí hướng riêng, và chỉ người cùng chí hướng mới có thể hiểu, mới có thể cùng đàm đạo, mưu sự được. Người không cùng chí hướng, không cùng tầng thứ thì mãi mãi sẽ không thể nào hiểu nổi.
Lý Bạch từng vào cung vua, làm thượng khách của Đường Minh Hoàng, lại được Dương Quý Phi vô cùng mến mộ. Thế nhưng cuộc sống cung đình thực là ngột ngạt, chốn gai góc cũng không phải là nơi chim loan, chim phượng đậu. Không lâu sau, Lý Bạch từ giã Đường Minh Hoàng. Vua tặng cho biết bao vàng bạc ông cũng không cầm một nén. Vậy là Lý Bạch lại tiếp tục chống kiếm lên đường, ngao du bốn biển như loài chim Bằng ngạo nghễ, khí phách:
“Chẳng bao lâu, con chim hiếm gặp Đại Bằng, nói: “Đại Bằng vĩ đại thay! Thật là thỏa chí. Cánh phải của tôi che kín cực Tây, cánh trái phủ kín cõi Đông, vượt qua đất lớn, bay lượn vòm trời, lấy mơ hồ làm tổ, lấy hư vô làm chỗ chơi. Tôi mời anh du ngoạn, tôi với anh cùng bay”. Đại Bằng đồng ý, vui vẻ đi cùng. Hai con chim khổng lồ này đã bay vào thiên không bát ngát, mà mấy con chim sâu nhỏ bé lại đứng bên bờ giậu mà cười chê”.
Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa
Con người sống trong xã hội, chịu ước thúc của vô số mối quan hệ, thế nên ắt sẽ xảy ra mâu thuẫn, bất đồng, tranh chấp, thậm chí đối nghịch, đối đầu. Người hiểu đạo đối nhân xử thế là người khéo dung hòa các mối quan hệ, lợi ích, đạt đến trạng thái cân bằng. Nói theo cách hiện đại thì chính là người giỏi dùng năng lượng tích cực xử lý các mối quan hệ.
Mạnh Tử nói: Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa.
Hòa thuận với chính mình, xem nhẹ danh lợi, được mất, tâm bình hòa, an định.
Hòa thuận với người, chân thành với nhau, tình cảm tự nhiên sâu đậm.
Vợ chồng hòa thuận với nhau, “tôn trọng nhau như khách”, gia đình êm ấm.
Cả nhà hòa thuận, trên dưới hưng vượng, phúc khí dồi dào, sự nghiệp hanh thông.
Người trong thiên hạ hòa thuận với nhau, phúc lành may mắn khắp đất trời.
Nhân gian hòa vi quý, đất đá biến thành vàng. Trong lòng một chữ Hòa, đi khắp thế gian không trở ngại, góc bể chân trời đều là người thân.
“Dĩ hòa vi quý”, trong lòng một chữ Hòa,
đi khắp thế gian không trở ngại, góc bể chân trời đều là người thân…
Trong lòng một chữ Hòa, đi khắp thế gian không trở ngại
Giữ tâm thái cân bằng, thủ trung để đạt được hòa hợp cao nhất
Nguyên văn: Chấp trung chí hòa.
Đây chính là thái độ làm người trung dung. Tư tưởng “Trung dung” của Nho gia dạy con người giữ thái độ trong đối nhân xử thế như sau:
“Cho nên người quân tử thận trọng khi ở một mình.
Mừng, giận, sầu, vui chưa phát ra gọi là Trung
Phát ra có tiết chế, theo quy luật gọi là Hòa
Trung là cái gốc lớn trong thiên hạ
Hòa là chỗ đạt Đạo đến cùng cực của Trung
Hòa trời đất an định vạn vật được dưỡng nuôi”.
Khi Khổng Tử đi chu du liệt quốc, đến vùng đất giáp ranh giữa nước Trần và nước Thái thì gặp cảnh khó khăn không còn lương thực. Mấy thầy trò bị bỏ đói, chỉ có thể húp nước cháo cầm hơi. Thế nhưng ông vẫn điềm nhiên ngồi trước nhà gảy đàn ca hát.
Học trò của ông là Tử Lộ thấy vậy mới thưa: “Lúc này phu tử vẫn có thể ca hát, lẽ nào đây cũng là yêu cầu của lễ hay sao?”. Khổng Tử nghe vậy không trả lời ngay mà đợi sau khi chơi hết bản nhạc mới đáp: “Tử Lộ à! Trong tình cảnh này người quân tử gảy đàn chơi nhạc là để khiến cho tâm mình không kiêu ngạo phóng túng, còn tiểu nhân chơi nhạc là che giấu nỗi sợ hãi của mình. Con đi theo ta lẽ nào lại còn không hiểu tình cảnh của ta sao?”. Tử Lộ nghe nói xong mới bắt đầu bình tâm xuống.
Vừa đúng lúc này gió nhè nhẹ đưa đến hương thơm thoang thoảng, Khổng Tử theo hướng hương thơm truyền lại mà đi, tới một thung lũng nhỏ nơi thâm sâu tịch cốc phát hiện một nhành lan rừng đang nở, hương thơm dịu mát, lặng lẽ lan toả khắp nơi. Khổng Tử nói với các học trò của mình: “Hoa lan trong tịch cốc, không phải vì không có người mà nó không đơm hoa toả hương, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thay đổi bản chất của mình. Giống như người quân tử thanh tao, chính trực, kiên cường, họ là quân tử chân chính!”
***
Người lập nghiệp thì trước tiên cần phải nuôi dưỡng cho mình chí hướng, chí hướng cao xa đến đâu thì sự nghiệp lớn đến đó. Tuy nhiên cũng dễ rơi vào “bẫy” là ‘chí quá cao, mà tay quá thấp’: mục tiêu quá cao, đánh giá quá cao khả năng bản thân mình, mà kiêu căng không khiêm tốn học hỏi người khác, dẫn đến thất bại thảm hại, thậm chí mất mạng.
Có chí hướng rồi, có khả năng rồi vẫn còn phải rèn luyện một tâm thái bình tĩnh dung hòa, thì trước thiên biến vạn biến của thế cuộc mới không bị loạn động.
Sự nghiệp càng lớn càng cần nhiều người góp sức, “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Thế nên, có thể hài hòa với tất cả mọi người, hội tụ sức mạnh của mọi người thì chính là người đã nắm bí quyết thành công.
Nam Phương